Ðức Tổng Giám Mục William J. Levada |
Ðức Tổng Giám Mục Levada đã giới thiệu Thông Ðiệp đầu tiên của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI, với những lời như sau:
Trong thông điệp đầu tiên của ngài, có tựa đề: Thiên Chúa là Tình Yêu, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã muốn trao cho giáo hội một văn kiện rất mạnh, nói về "tâm điểm của đức tin kitô", vừa đồng thời nói đến hình ảnh kitô về Thiên Chúa và hình ảnh kitô về con người phát sinh từ đó. Nói là "văn kiện mạnh mẽ", vì thông điệp nhắm chống lại việc sử dụng danh thánh Thiên Chúa cách sai lầm và chống lại tính cách mơ hồ của quan niệm về "tình yêu", được thấy rõ trong thế giới ngày nay. Ðức Thánh Cha đã chọn "tình yêu" làm chủ đề cho thông điệp đầu tiên của ngài --- như ngài đã nói hôm thứ Hai vừa qua (23/01/2006) với những tham dự viên của Hội Nghị về đức Bái ái --- bởi vì "từ ngữ Tình Yêu" trong thời đại hôm nay đã bị làm hư, bị cạn hết ý nghĩa và bị lạm dụng, đến độ người ta sợ nói đến lời này từ môi miệng mình. Tuy nhiên đây là từ căn bản, diễn tả một thực tại căn bản; chúng ta không thể nào đơn thuần bỏ đi từ ngữ này, nhưng trái lại, chúng ta phải dùng lại từ này, thanh luyện nó và đưa nó về lại với vẽ huy hoàng nguyên thủy của nó, ngõ hầu nó có thể soi sáng cho đời sống chúng ta và đưa đời sống chúng ta vào con đường ngay thẳng. Ðể được hiểu với trọn cả sự phong phú của nó trên bình diện giáo lý và trong những hệ luận của nó đối với hành động bác ái của Giáo Hội, thông điệp chắc chắn cần được đọc, suy niệm và nghiên cứu cho đến tận cùng. Tạm thời trong lúc nầy, tôi muốn cùng với quý vị lướt qua toàn bộ Văn Kiện trong cơ cấu của nó và trong những điểm thiết yếu của nó.
Ðể hiểu được tính cách mới mẽ của tình yêu kitô, Ðức Thánh Cha cố gắng trước hết làm nổi bật sự khác biệt và sự giống nhau giữa hai quan niệm mà chúng ta gặp được trong lãnh vực nói về hiện tượng "tình yêu", ngay từ thời của các triết gia hy lạp ngày xưa; đó là quan niệm về tình yêu như là tình nhục dục - ("êros") và quan niệm về tình yêu như là tình "bác ái". Ðức Thánh Cha muốn chứng mimh cho chúng ta biết như thế nào hai quan niệm nói trên không đối nghịch nhau, nhưng trái lại được hoà hợp với nhau, để cống hiến một quan niệm đúng thực về tình yêu con người, một tình yêu phù hợp với tính cách toàn vẹn - xác và hồn - của con người. Tình thương bác ái (agapê) ngăn cản không cho tình nhục dục chạy theo bản năng; trong khi đó tình "nhục dục" (eros) cung cấp cho tình bác ái những tương quan căn bản và sống động của đời sống con người.
Sự duy nhất của quan niệm về tình yêu, chúng ta gặp được nó trong Kinh Thánh. Nó nói lên một sự mới mẽ, được diễn tả trước hết bằng một hình ảnh mới về Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa là Ðấng Duy Nhất. Ngài là đấng tạo hoá của con người, một con người hết sức thân yêu với ngài. Ngài chọn ra dân Israel, để phục vụ cho toàn thể nhân lọai. Tình yêu như thế, được thể hiện vừa như là tình nhục dục (eros) và vừa như là tình bác ái (agapê); tình bác ái thường vượt quá tình nhục dục, như khi, đối với sự lỗi phạm Giao Ước, Thiên Chúa tha thứ, hay khi vì tình thương mà Ngài vượt qua sự công bằng, vừa loan báo như thế Thập Giá Chúa. Sự mới mẽ ngoài ra còn được thể hiện trong hình ảnh mới về con người, được Thiên Chúa tạo dựng vì tình thương. Trong hôn nhân không thể nào tách rời được giữa người nam và người nữ, tình yêu con người gặp được hình thể của nó được ăn sâu vào trong chính tạo vật.
Tính cách mới mẽ của tình thương trong Cựu Ước được rõ nét trong Tân Ước. Cách thức hành động của Thiên Chúa được cụ thể hoá nơi chính con người Chúa Giêsu Kitô: Một vị Thiên Chúa kết hiệp với nhân lọai đau khổ và bị lạc hướng. Từ cạnh sườn được mở ra của Chúa Kitô chịu đóng đinh, chúng ta hiểu được rằng Thiên Chúa là tình yêu.
Nhưng, Ðức Thánh Cha đặt ra câu hỏi: con người có thể yêu thương một vị Thiên Chúa vô hình được không? Câu trả lời của Thông Ðiệp như sau: Thiên Chúa đã trở nên hữu hình nơi Con Một Ngài xuống thế làm người, chịu chết và đã sống lại; Thiên Chúa đã trở nên hữu hình trong Lời Chúa, trong các bí tích, trong Giáo Hội và cả trong người lân cận nghèo cùng (Mt 25,31tt). Do đó, tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với anh chị em, không thể nào tách rời ra được và ảnh hưởng lẫn nhau. Ðó là một giới răn duy nhất. Tình yêu đối với người lân cận, ăn rễ trong tình yêu đối với Thiên Chúa, là một trách vụ không những của mỗi tín hữu, nhưng còn của cộng đoàn các tín hữu, nghĩa là của toàn thể giáo hội. Ðến đây, chúng ta bước sang phần thứ hai của Thông điệp. Từ việc khai triển trong lịch sử của khía cạnh giáo hội của tình yêu, ngay từ thời giáo hội sơ khai, chúng ta có thể ghi nhận hai điểm sau đây: thứ nhất: việc phục vụ của tình bác ái thuộc về yếu tính của giáo hội; và điểm thứ hai: không ai, bên trong cũng như bên ngoài giáo hội, bị thiếu điều cần thiết để sống. Dụ ngôn về người Samaritanô nhân lành là một ghi dấu chắc chắn. Ðức Thánh Cha cống hiến cho chúng ta những giải thích của ngài để soi sáng cho vài khía cạnh của việc phục vụ của tình bác ái (- diakonia -) của giáo hội trong thời hiện đại. Ngài trả lời cho vấn nạn cho rằng việc thực thi tình bác ái đối với những kẻ nghèo, có lẽ sẽ gây trở ngại cho việc phân phối công bằng những tài nguyên trong thế gian cho tất cả mọi người.
Còn về mối tương quan đích thật giữa sự công bằng và việc phục vụ của tình bác ái, Ðức Thánh Cha giải thích rằng: theo học thuyết xã hội của giáo hội, thì Nhà Nước và Giáo Hội là những lãnh vực khác nhau, nhưng lại có tương quan hỗ tương với nhau. Nhà Nước có trách vụ căn bản thực hiện sự công bằng, nhưng giáo hội cần đến đức tin có sức thanh luyện việc thực hành. Và chúng ta cần thêm vào đây rằng không có xã hội công bằng nào có thể làm cho việc phục vụ của đức bác ái, một việc riêng biệt của Giáo Hội, trở nên dư thừa.
Ngoài ra, Ðức Thánh Cha khen ngợi những hình thức mới của sự cộng tác có kết quả, giữa những yêu cầu của nhà nước và những yêu cầu của giáo hội, vừa nhắc đến hiện tượng "làm việc thiện nguyện". Còn về vấn đề đã được phác hoạ về dung mạo riêng biệt của tình bác ái trong giáo hội, chúng ta có thể nói rằng chương trình của giáo hội là có một con tim biết nhìn thấy; và điều nầy tự nhiên không lọai bỏ việc họach định chương trình, việc tiên liệu, chuyên môn nghề nghiệp.
Tuy nhiên, cần lọai bỏ những liên hệ với những ý thức hệ đủ loại. Kết luận, thử hỏi làm sao chúng ta có thể lãnh lấy hồng ân mà Ðức Thánh Cha đã trao cho chúng ta, qua thông điệp này. Có hai điểm như sau:
1. Thông Ðiệp cung ứng cho chúng ta cái nhìn của tình thương đối với người lân cận, và cái nhìn về trách vụ xã hội để thực thi tình bác ái, để bổ túc mệnh lệnh của tình thương; mệnh lệnh này ăn rễ sâu vào trong chính bản tính của Thiên Chúa, Ðấng là tình yêu.
2. Thông Ðiệp mời gọi giáo hội hãy dấn thân vào việc phục vụ của đức bác ái (diakonia), như là phần cần thiết của cuộc sống và của sứ mạng. Cống hiến cho giáo hội và thế giới "thông điệp đầu tiên" này, Ðức Thánh Cha chứng tỏ ngài là vị chủ chăn trong tinh thần và trong tâm hồn; Ðức Thánh Cha mời chúng ta hãy biết rõ hơn điều mà Ðức Tin chúng ta tuyên xưng, khi chúng ta nói rằng: "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1 Gn 4, 16); ngài mời gọi chúng ta hãy mở rộng con tim để nhận ra những nhu cầu của người lân cận, và để đáp lại giới răn to lớn của tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người lân cận, theo mẫu gương của Chúa Kitô, người Samaritanô nhân lành và là vị Chủ Chăn tốt lành.