Bài 5

BỔN PHẬN CỦA GIA ĐÌNH


(Số 17 - 20)

Gia đình có sứ mạng mỗi lúc một trở nên một cộng đoàn của sự sống và tình yêu thương đang vươn lên và sẽ gặp được sự hoàn thành trong Nước Thiên Chúa (Số 17).

SỐNG ĐÚNG CHÂN TÍNH

Chân tính là sự thật của thuở ban đầu, căn cước nguyên thuỷ, bản chất đích thực nguyên sơ theo ý định của Thiên Chúa sáng tạo và cứu chuộc.

Chân tính của gia đình theo Hiến chế và mục vụ của công đồng Vatican II: Gia đình là một cộng đoàn thân mật của sự sống và tình yêu thương (MV, số 48). Cộng đoàn này đang vươn lên đến sự hoàn thiện của nó trong Nước Thiên Chúa.

Yếu tính của gia đình là tình yêu thương, phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại và tình yêu của Chúa Giêsu đối với Hội Thánh.

Gia đình phải sống đúng chân tính nguyên thuỷ đó: nó giữ gìn tình yêu, mặc khải tình yêu và thông truyền tình yêu.

SỰ HIỆP THÔNG TRONG GIA ĐÌNH

Gia đình là một cộng đồng các ngôi vị, phát xuất từ tình yêu, có sức mạnh để sống và lớn lên là tình yêu, mục đích cuối cùng cũng là tình yêu.

Tình yêu kết hợp trước tiên một người nam và một người nữ, sau đó mở rộng đến các phần tử khác: cha mẹ và con cái, bà con ruột thịt và họ hàng.

Gia đình có bổn phận sống trung thành với sự hiệp thông ấy cách bền bỉ để thăng tiến cộng đồng đến mức hoàn thiện.

TÍNH BẤT KHẢ PHÂN LY CỦA HÔN NHÂN

Sự hiệp thông trong gia đình trước tiên là sự hiệp thông trong tình yêu giữa người nam và người nữ tự nguyện cam kết sống với nhau, sống cho nhau bằng khế ước hôn nhân, họ bổ túc cho nhau, chia sẻ với nhau toàn thể con người và dự phóng cuộc sống của họ. Sự hiệp thông này là một đòi hỏi tự nhiên của nhân bản.

Chúa Kitô dùng bí tích hôn nhân để củng cố đòi hỏi của sự hiệp thông ấy, thanh luyện và nâng nó lên cao để nó trở nên phong phú hơn mãi về mọi mặt thể xác, tính tình, con tim, trí tuệ, ý chí, linh hồn. Phẩm giá con người và sự bình đẳng nam nữ trong hôn nhân đòi buộc vợ chồng trao hiến cho nhau trong một tình yêu toàn diện và duy nhất, không chia sẻ.

Công đồng Vatican II tuyên bố: Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái đòi buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân lý (MV số 48).

Nền tảng của đặc tính bất khả phân ly, đó là ý định nguyên thuỷ của Thiên Chúa về hôn nhân, đã được mặc khải của Đức Kitô xác lập lại rõ ràng: Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly (Mt 19,6).

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Chúa Giêsu căn cứ trên hình ảnh hôn nhân nào để xác định ý định của Thiên Chúa về hôn nhân một vợ một chồng?

2. Tại sao hôn nhân phải là bất khả phân ly xét về nhân bản Kitô giáo?

3. Trong hiện tình của thế giới hôm nay, những thử thách nào đang đe doạ hôn nhân và gia đình?

Bài 6

GIA ĐÌNH MỞ RỘNG HIỆP THÔNG


(Số 21 - 24)

Sự hiệp thông vợ chồng tạo nên nền tảng trên đó xây dựng được sự hiệp thông rộng lớn hơn trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái, giữa những anh chị em trong nhà với nhau, giữa những người bà con gần và giữa những thành phần khác trong gia đình (số 21).

MỌI NGƯỜI XÂY DỰNG HIỆP THÔNG

Liên hệ tự nhiên ruột thịt dẫn đến sự hiệp thông nhân bản và tâm linh. Tình yêu thương là linh hồn và là sức mạnh bên trong làm cho sự hiệp thông và cộng đồng gia đình được hình thành và sống động.

Trong Kitô giáo, ơn bí tích nối kết các tín hữu với Đức Kitô và qui tụ họ lại với nhau trong sự hiệp nhất của Hội Thánh. Sự hiệp thông của Hội Thánh được bày tỏ cách cụ thể nơi gia đình, vì thế gia đình được gọi là Hội Thánh tại gia.

Mọi thành viên trong gia đình đều có ơn sủng và trách nhiệm xây dựng sự hiệp thông ngày qua ngày: chăm sóc và yêu thương các em nhỏ, những người đau yếu, những người già, phục vụ lẫn nhau, chia sẻ của cải, chia sẻ những niềm vui và những nỗi buồn.

Muốn gìn giữ và bảo vệ sự hiệp thông trong gia đình, phải có tinh thần hy sinh cao cả: yêu thương và giáo dục từ phía cha mẹ, yêu thương và kính trọng, vâng lời từ phía con cái, mỗi người biết thông cảm, bao dung, tha thứ và hoà giải với nhau.

QUYỀN LỢI VÀ VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ

Thiên Chúa Tạo hoá khi dựng nên con người có nam có nữ đã ban phẩm giá bằng nhau cho cả người nam cũng như người nữ, cho họ những quyền lợi và những trách nhiệm riêng.

Phẩm giá phụ nữ càng sáng tỏ khi Con Thiên Chúa mặc lấy thân xác từ Đức Trinh Nữ Maria, gọi các phụ nữ đi theo Người trên đường rao giảng, tỏ thái độ tôn trọng họ, hiện ra đầu tiên với các phụ nữ sau khi sống lại, giao cho họ sứ mạng loan báo Tin Mừng phục sinh cho các Tông đồ. Thánh Phaolô còn nói, trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, không còn phân biệt nam hay nữ, tất cả là con cái Thiên Chúa (Gl 3,2).

Não trạng nhìn con người như một đồ vật, một món hàng mua bán gây thiệt hại trước tiên cho các phụ nữ. Hậu quả tai hại của não trạng ấy: sự khinh rẻ nhân vị, nam cũng như nữ, tình trạng nô lệ, sự áp bức những người yếu đuối, sách báo phim ảnh khiêu dâm, nạn mãi dâm và mọi thứ kỳ thị và xúc phạm những người vợ không con, các quả phụ, những người ly thân, những người mẹ độc thân.

PHỤ NỮ DẤN THÂN VÀO XÃ HỘI

Sự bình đẳng về phẩm giá và trách nhiệm giữa người nam và người nữ biện minh cho việc người nữ dấn thân vào các vai trò xã hội, vào đời sống công cộng, chứ không phải chỉ giữ vai trò làm vợ và làm mẹ trong gia đình mà thôi. Nhưng cũng phải nhìn nhận giá trị của vai trò làm vợ và làm mẹ. Lao động ở nhà và việc giáo dục con cái mang một ý nghĩa độc đáo không thể thay thế.

Phụ nữ được quyền tham gia vào các chức năng công cộng, như nam giới, nhưng phải tổ chức lao động thế nào để những người làm vợ và làm mẹ không bị bó buộc phải đi làm việc xa gia đình.

Vì lợi ích của gia đình, của xã hội và của Hội Thánh, Hội Thánh đề cao sự bình đẳng về quyền lợi và phẩm giá giữa người nam và người nữ trong sinh hoạt Hội Thánh, trong khi vẫn tôn trọng sự khác biệt ơn gọi giữa hai phái.

CÂU HỎI GỢI Ý:

1. Tại sao có thể gọi gia đình là Hội Thánh tại gia?

2. Làm thế nào để xây dựng và mở rộng sự hiệp thông?

3. Trong đời sống, người phụ nữ thường bị thiệt thòi như thế nào?

4. Đối với người phụ nữ dấn thân vào đời sống công cộng, xã hội cần phải tổ chức lao động như thế nào để họ vẫn giữ được phái tính riêng của mình và vẫn chu toàn được các bổn phận làm vợ và làm mẹ trong gia đình?

Bài 7

NGƯỜI CHA, NGƯỜI CON VÀ NGƯỜI CAO TUỔI


(Số 25 - 27)

Tình yêu thương đối với người vợ đã trở thành mẹ, và tình yêu thương đối với con cái là con đường tự nhiên đưa người nam đến chỗ hiểu biết và thể hiện việc làm cha của mình (số 25).

NGƯỜI CHA GIA ĐÌNH

Trong hôn nhân, người nam sống vai trò làm chồng và làm cha.

Làm chồng, người nam nhận ra vợ mình và thốt lên như Ađam xưa khi gặp Evà: Phen này, đây là xương tự xương tôi, thịt tự thịt tôi (St 2, 23). Chồng kính trọng sâu xa phẩm giá của vợ, sống với vợ bằng một tình bạn thật đặc biệt, yêu thương vợ bằng tình yêu mới mẻ diễn tả tình yêu Chúa Kitô giành cho Hội Thánh.

Là cha, ông yêu thương con cái. Trong gia đình, ông giữ một chỗ đứng và một vai trò không thể thay thế; ông biểu lộ tình cha của Thiên Chúa. Bảo đảm sự phát triển thống nhất của mọi thành phần trong gia đình, lãnh trách nhiệm về sự sống của thai nhi trong lòng người vợ, chú tâm chia sẻ với vợ trong việc giáo dục con cái.

Hai điểm cần tránh: sự vắng mặt của người cha và sự đề cao đàn ông, tức quan niệm trọng nam khinh nữ. Sự vắng mặt của người cha gây ra sự mất quân bình tâm lý, tinh thần và nhiều khó khăn khác; việc trọng nam khinh nữ làm giảm giá phụ nữ và dễ đưa đến chỗ tàn bạo, áp bức, làm xấu đi các mối tương quan lành mạnh trong gia đình.

QUYỀN LỢI CỦA CON CÁI

Tất cả mọi cái, khoẻ mạnh hoặc đau yếu tàn tật, nhất là những em nhỏ, đều có phẩm giá riêng của mình đáng phải được quan tâm đăc biệt. Phẩm giá và quyền lợi của con cái cần đuợc kính trọng.

Mối quan tâm đến trẻ em là phương thế đầu tiên và căn bản để kiểm chứng mối tương quan giữa người với người. Trẻ em đây được hiểu như ngôi vị kể từ giây phút đầu tiên được thai nghén qua các giai đoạn thai nhi, hài nhi, nhi đồng và thiếu niên. Các em là niềm vui, là mùa xuân của cuộc đời, là lời tiên báo trước về trang sử sắp tới của mỗi miền quê hương trần thế.

Để các em có thể ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến (Lc 2, 52). Để các em có thể đóng góp vào việc xây dựng cộng đồng gia đình và thánh hoá cha mẹ, người Kitô hữu và các gia đình Kitô hữu luôn phải đón nhận, yêu thương, quí chuộng, phục vụ mọi trẻ em sinh ra trên thế giới.

NGƯỜI CAO TUỔI TRONG GIA ĐÌNH

Người tuổi cao, già cả, có một vai trò trong xã hội, trong Hội Thánh và nhất là trong gia đình. Mỗi người cần biết khám phá và coi trọng vai trò ấy. Cuộc sống của họ cho ta thấy bậc thang các giá trị nhân bản, sự tiếp nối các thế hệ, sự tuỳ thuộc lẫn nhau. Họ là chứng nhân cho quá khứ và là nguồn mạch khôn ngoan cho người trẻ và cho tương lai.

Trong một số nền văn hoá, người tuổi cao được kính trọng và yêu thương. Họ vẫn được hội nhập vào đời sống gia đình, tham gia vào đó cách tích cực và có trách nhiệm.

Trong một số nền văn hoá khác, người tuổi cao bị coi khư một gánh nặng, bị tách ra khỏi gia đình. Họ phải đau khổ cay chua. Tình trạng này cần được sửa đổi.

CÂU HỎI GỢI Ý:

1. Sự khác biệt tuổi tác giữa các thành viên của gia đình có gây cản trở cho sự hiệp nhất không? Tại sao?

2. Ở một số nền văn hoá, con cái thường gởi cha mẹ vào các trại hưu dưỡng. Cách giải quyết ấy có những cái lợi và những cái hại nào?

3. Biện pháp hạn chế sinh sản bằng mọi cách như ngừa thai, phá thai, nạo thai, tuyệt sản, gây những hậu quả nào về mặt đạo đức

Bài 8

GIA ĐÌNH PHỤC VỤ SỰ SỐNG


(Số 28 - 30)

Mục tiêu căn bản của gia đình là phục vụ cho sự sống, là thực hiện trong lịch sử lời chúc lành của Thiên Chúa lúc khởi nguyên, thực hiện bằng việc thông truyền hình ảnh Thiên Chúa từ người này sang người khác trong hành động truyền sinh (số 28).

CỘNG TÁC VỚI ĐẤNG TẠO HOÁ

Thiên Chúa là Tạo hoá và là Cha. Người mời gọi con người nam nữ tham dự vào tình yêu và quyền năng của Người qua việc truyền sinh.

Vợ chồng thực hiện lời chúc lành của Thiên Chúa lúc sáng thế: Hãy sinh sôi nảy nở, nên đầy dẫy trên mặt đất và hãy bá chủ nó (St 1, 28). Họ trao ban sự sống cho người khác, đó cũng là hành động thông truyền hình ảnh của Thiên Chúa sang người khác. Nhờ đời sống lứa đôi, Thiên Chúa làm cho gia đình của chính Người ngày càng mở rộng và phong phú hơn (x.MV, số 50).

Con cái là kết quả, là dấu chỉ và là lời chứng sống động của sự trao hiến trọn vẹn cho nhau giữa vợ chồng. Nhưng tình yêu vợ chồng đòi hỏi sinh con có trách nhiệm, nghĩa là không dừng lại ở việc cho ra đời những người con, mà còn phải tính đến khả năng nuôi dạy con cái cả về vật chất lẫn tinh thần, tự nhiên cũng như siêu nhiên.

HỘI THÁNH BẢO VỆ SỰ SỐNG

Những hy vọng nơi khoa học và kỹ thuật của con người hiện nay:

  • v Tạo được một nhân loại mới và tốt đẹp hơn;
  • v Gia tăng của cải vật chất;
  • v Chế ngự được thiên nhiên.
  • v Nhưng tiến bộ khoa học và kỹ thuật cũng gây ra nhiều lo âu:
  • v Một thế giới tàn bạo trong đó con người cảm thấy lo sợ cho sự sống bản thân và của con cháu tương lai;
  • v Một số người độc chiếm quyền thụ hưởng các tiện nghi kỹ thuật và muốn loại trừ sự ra đời của những con người mới;
  • v Tinh thần hưởng thụ của cải vật chất cách ích kỷ dẫn đến thái độ chống lại sự sống;
  • v Thái độ loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, hậu quả là tâm hồn trống rỗng, vắng bóng Thiên Chúa, vắng bóng tình thương.
Lập trường Hội Thánh:

  • Tin tưởng mạnh mẽ sự sống con người là một hồng ân tuyệt vời Thiên Chúa ban tặng;
  • Đứng về phía bênh vực và bảo vệ sự sống ở bất cứ điều kiện và giai đoạn phát triển nào, chống lại những kẻ đe doạ hoặc làm hại sự sống;
  • Lên án tất cả các hoạt động của các chính phủ và các tổ chức công quyền giới hạn sự tự do của vợ chồng trong việc quyết định về số con cái của họ;
  • Tuyệt đối lên án và bác bỏ mọi áp lực buộc ngừa thai, phá thai, làm tuyệt đường sinh sản, kể cả một số cơ quan quốc tế lấy đó làm điều kiện để viện trợ kinh tế.

CÂU HỎI GỢI Ý:

1. Tại sao có thể nói sinh sản là cộng tác vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa?

2. Vợ chồng có những trách nhiệm nào trong việc sinh con cái?

3. Tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày nay vừa đạt được những kết quả tích cực, vừa gây ra những hệ quả đáng lo ngại. Giải thích ý nghĩa câu trên như thế nào?

4. Hội Thánh làm gì để bảo vệ sự sống?

Bài 9

THỂ HIỆN Ý ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA


(Số 31 - 32)

Làm cho mọi người hiểu ngày càng rõ ràng hơn và sâu xa hơn giáo lý của Hội Thánh (về điều hoà sinh sản), nhờ đó ý định của Thiên Chúa có thể được thực hiện ngày càng trọn vẹn hơn để cứu rỗi con người và làm vinh danh Đấng Tạo Hoá (số 31).

THIÊN CHÚA CÓ Ý ĐỊNH CỦA NGƯỜI VỀ GIA ĐÌNH

Trước các khó khăn của gia đình liên quan đến vấn đề truyền sinh, vấn đề gia tăng dân số, Hội Thánh đã dựa trên nền tảng Kinh Thánh, luân lý và nhân bản để trình bày giáo lý về điều hoà sinh sản trong Hiến chế Giáo Hội trong thế giới ngày nay và trong thông điệp Sự sống con người của Đức Phaolô VI.

Các nhà thần học đào sâu và trình bày giáo lý ấy cách có hệ thống để giúp những người thiện chí ngày càng hiểu rõ hơn và sâu xa hơn. Nhờ sự hiểu biết ấy, người ta thực hiện ý định của Thiên Chúa ngày càng trọn vẹn hơn.

HÔN NHÂN TRONG CÁI NHÌN TOÀN VẸN VỀ CON NGƯỜI VÀ ƠN GỌI CỦA NÓ

Tình trạng văn hoá ngày nay rất hỗn độn và đầy mâu thuẫn làm lu mờ ý nghĩa hôn nhân và gia đình, gây hoang mang và nghi ngờ, thậm chí còn tạo ra những sai lạc trầm trọng nữa.

Tính dục là một giá trị và là một sự dấn thân của cả nhân vị, nó liên kết chặt chẽ với nhân vị không thể tách rời. Ơn gọi của con người vừa có tính tự nhiên vừa có tính siêu nhiên, vừa mang tính trần thế vừa mang tính vĩnh cữu. Do đó, phải thẩm định giá trị luân lý của hành động tính dục theo các tiêu chuẩn khách quan suy diễn từ bản tính nhân vị.

Ý NGHĨA CỦA SỰ TRAO HIẾN VÀ SINH CON CÁI

Sự kết hợp vợ chồng và sự việc sinh con cái nằm trong ý định của Thiên Chúa. Mọi hành động can thiệp để tách rời hai yếu tố ấy đều phải coi là những hành động tự nó xấu, nghịch với luân lý.

Việc giao hợp vợ chồng là cách biểu lộ tự nhiên sự trao hiến trọn vẹn cho nhau. Hành động ngừa thai, chống thụ thai, phá thai, là làm sai lệch ý nghĩa đích thực của tình yêu vợ chồng.

Việc vợ chồng giao hợp vào những ngày không thụ thai vẫn tôn trọng ý định của Thiên Chúa, vẫn thể hiện việc trao hiến cho nhau trọn vẹn. Nhưng để thực hiện phương pháp này, vợ chồng cần biết tự chủ, đối thoại, kính trọng lẫn nhau, có tinh thần trách nhiệm chung. Sự chấp nhận thời giờ theo chu kỳ người nữ và sự đối thoại củng cố sự hiệp thông vợ chồng và giúp giữ vững tình yêu trung thành của họ.

CÂU HỎI GƠI Ý:

1. Để hiểu và thực hiện ý định của Thiên Chúa cách trọn vẹn hơn, giáo lý cần dựa trên những nền tảng nào?

2. Tại sao không được tách rời tính dục ra khỏi toàn thể nhân vị?

3. Có phải mọi phương pháp điều hoà sinh sản đều phù hợp vơi luân lý không? Giáo Hội cho phép sử dụng phương pháp nào để bảo đảm tôn trọng ý định của Thiên Chúa?s