BÁO VIỆT MERCURY Ở SAN JOSÉ PHỎNG VẤN HỒNG Y PHẠM MINH MẪN

LTS: Nhân dịp ĐHY Phạm Minh Mẫn ghé thăm các tín hữu Việt tại San Jose vào trung tuần tháng Bảy, 2005 vừa qua, Ngài đã trả lời Việt Mercury một số câu hỏi, đặc biệt các vấn đề liên quan tự do tôn giáo tại Việt Nam, và chúng tôi đã xin phép cho đăng lại nguyên văn như sau:

H. Xin Đức Hồng Y cho biết mục đích chuyến đi Hoa Kỳ lần nầy của ngài? Ngài đã đi Hoa Kỳ nhiều lần nhưng vì sao mãi đến nay mới đến vùng San Jose, Bắc Cali?

Đ.Mục đích chuyến đi của tôi là để gặp gỡ và cám ơn các vị bản quyền đã đón nhận và chăm lo cho cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại các nơi; thứ đến là để cùng với các cộng đoàn tạ ơn Chúa đã thương ban cho họ được ổn định; trước kia họ là những người tỵ nạn, nhưng nay đã đứng vững trên hai chân của mình, góp phần xây dựng giáo hội cũng như xã hội nơi họ sinh sống.

Trước đây có lần đức giám mục San Jose đã mời tôi, nhưng hình như có điều không ổn trong cộng đoàn người Việt tại đây, nên tôi đã xin kiếu vì đến mà không đem lại bình an và niềm vui thì tôi chờ dịp khác. Lần này đến tôi thấy bà con rất là vui vẻ thì tôi cũng rất vui mừng.

H. Theo Đức Hồng Y, bao lâu nữa quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Hà Nội mới trở thành hiện thực? Và khi có bang giao, sinh hoạt tôn giáo của tín hữu có được tự do hơn không? Nhà nước có trả lại tài sản cho giáo hội không?

Đ.Tôi hy vọng sẽ sớm có sự bang giao. Vatican nói càng sớm càng tốt, còn Việt Nam thì cần thời gian để dàn xếp thủ tục và hiểu biết nhau hơn. Sau bang giao, thì với thời gian và qua đối thoại, chắc sẽ có những điều tốt đẹp hơn. Về vấn đề trả tài sản cho giáo hội thì tôi thấy không có lối ra. Lúc ở Rôma tôi có dịp trao đổi với các hồng y của những nước đã thoát khỏi chế độ công sản, thì họ cho biết chẳng được gì hết. Tuy nhiên, ở Sài Gòn năm vừa rồi chính quyền có trả lại cho giáo phận tiểu chủng viện, và một số ít cơ sở trường học.

H. Cho đến nay chính quyền trong nước vẫn cho rằng các tôn giáo được hoạt động tự do, không bị áp chế. Theo Đức Hồng Y thì Việt Nam hiện nay có được tự do tôn giáo không? Được đến mức nào? Ngài có hài lòng về tình trạng đó không?

Đ.Hiến pháp Việt Nam ghi rằng người công dân có những quyền tự do trong đó có quyền tự do tôn giáo. Nhưng thực tế thì luật với lệ đòi buộc các sinh hoạt phải xin phép. Gần đây có pháp lệnh mới thì đổi cái từ, không phải "xin phép" mà là "đăng ký," nghĩa là báo cho chính quyền biết. Ví dụ về tuyển sinh vào đại chủng viện, phong chức, thuyên chuyển linh mục thì không còn phải xin phép nhưng chỉ thông báo. Vậy coi như có tự do hơn, nhưng vẫn còn nhiều giới hạn và kiểm soát. Khi góp ý cho pháp lệnh mới, các giám mục có nói đến giáo hội như một tổ chức tôn giáo mà chưa được mở trường học, bệnh viện. Tôi có hài lòng với tình trạng đó không? Giáo hội cũng như mọi công dân khác, với tư cách là một tổ chức tôn giáo mong muốn phục vụ nhân dân, đặc biệt trong hai lãnh vực giáo dục và sức khỏe, nhưng chưa thi hành được chức năng cuả mình. Rồi giáo hội bao gồm nhiều người Công Giáo là công dân muốn được quyền xây dựng đất nước mình, nhưng mà cái quyền đó cho đến nay thì chưa thi hành được. Đó là điều không phải chỉ riêng tôi mà nhiều người mong muốn.

H. Đức Hồng Y và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có thường xuyên đối thoại với nhà nước về vấn đề tự do tôn giáo không? Có tiến triển nào đáng kể không?

Đ.Cái cụ thể nói trên văn bản là "xin phép" với "đăng ký" - bớt "xin phép" đi mà thay thế bằng "đăng ký." Ví dụ giáo phận Xuân Lộc muốn chia ra làm hai đã đề xuất với chính phủ hơn ba năm nay. Gần đây tôi mới được biết việc chia thêm giáo phận Bà Rịa Vũng Tàu thì không có gì trở ngại. Vì vậy, xem ra việc đối thoại nhiều khi cũng lâu, phải chờ mới có kết quả. Thỉnh thoảng tôi cũng nói chuyện nầy chuyện kia, ví dụ như Sài Gòn có nhiều người thất nghiệp nên sinh ra các tệ nạn xã hội. Khi hỏi các vị lãnh đạo thì họ nói có tạo công ăn việc làm nhưng không kịp cái đà nhập cư và chính phủ không thể làm hết được. Tôi hỏi thế thì tại sao không để cho các tổ chức tôn giáo như Công Giáo, Phật Giáo góp phần xây dựng đất nước? Nhưng chính quyền chưa có câu trả lời.

H. Tình trạng văn hóa và xã hội Việt Nam ngày càng suy đồi: nạn mãi dâm gia tăng, số người trẻ nghiện ngập ma túy, trộm cướp ngày càng nhiều, bệnh nhiễm HIV/AIDS lan tràn. Vậy giáo hội Công Giáo có nổ lực nào trước các vấn nạn này?

Đ.Từ trước tới nay đều có các nổ lực "chui" lẻ tẻ, nghĩa là không có phép tắc gì cả. Ví dụ, một số người lập ra các nhà "mở" cho các cô gái mãi dâm, có cô mang thai, để giúp họ sinh nở, rồi cho họ học nghề lành mạnh để sinh sống. Tuy những nhà mở như vậy là do các cá nhân nhưng đứng sau đó là giáo hội. Năm ngoái chính quyền có nhờ tôi động viên các tu sĩ làm việc tại một trung tâm bệnh nhân AIDS, thì cho đến nay đã có hơn 30 tu sĩ tình nguyện phục vụ. Tôi cũng vận động kêu gọi mọi người tạo điều kiện nở hoa từ bi bác ái để một mặt là chặn đứng nạn HIV, hai nữa là chăm lo cho các bệnh nhân. Tôi dự định làm một trung tâm chăm sóc trẻ và thanh thiếu niên nhiễm HIV, không những về phương diện sức khỏe mà còn về văn hóa, dạy nghề, kiếm việc sinh sống. Đây là công tác to lớn lâu dài và tốn kém cần nhiều cơ quan thiện nguyện của các tôn giáo cùng cộng tác. Chúng tôi cần nhân sự chuyên môn và sẽ gặp chính quyền để lập dự án.

H. Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã từng mong muốn viếng thăm Việt Nam nhưng chưa thực hiện thì ngài đã qua đời. Vậy đức tân Giáo Hoàng Beneđictô XVI có tiếp nối ý định sang thăm Việt Nam hay không?

Đ.Cụ thể thì tôi chưa nghe ngài phát biểu nhưng ngày đầu tiên sau khi đắc cử thì ngài nói sẽ tiếp tục đường lối của đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ II. Sau đó khi gặp gỡ ngoại giao đoàn các nước ngài nói muốn bang giao với Việt Nam và Trung Quốc càng sớm càng tốt. Tôi nghĩ dự định sang thăm Việt Nam chắc cũng có trong tâm trí của ngài, nhưng còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác mới thực hiện được.

H. Việc đào tạo linh mục tu sĩ hiện nay tại Việt Nam như thế nào? Có đáp ứng đầy đủ nhu cầu không? Việc bổ nhiệm, thuyên chuyển các vị đó là do quyết định của các giám mục hay phải được sự chấp thuận của nhà nước?

Đ.Trước đây nhà nước qui định mỗi hai năm mới được chiêu sinh một lần theo con số nhất định. Bây giờ với pháp lệnh mới thì không còn phải theo qui định đó nữa. Ở đâu người ta cũng muốn chiêu sinh hằng năm bình thường như các đại học khác. Nhưng khi nhà nước trao cái quyền đó thì mình bị hạn chế do cơ sở không có chỗ nên phải tự giới hạn. Việc thuyên chuyển thì trong tháng Sáu vừa qua tôi thuyên chuyển trên 40 linh mục. Khi lên danh sách thông báo cho chính quyền thì tôi không gặp vấn đề gì, ngoại trừ một vị trước đây ở kế cận Sài Gòn tôi muốn đưa về thì chính quyền quận gửi giấy cho biết là chưa thuận tiện. Tôi không rõ hết các lý do và vấn đề đang được để đó để nghiên cứu.

Xin cám ơn Đức Hồng Y đã dành thì giờ cho Việt Mercury buổi phỏng vấn đặc biệt này.

Nguyễn Xuân Hoàng (Việt Mercury)