Bài 3

HỘI NHẬP VĂN HOÁ


(Số 8 - 10)

Truyền thống xưa nay của Hội Thánh vẫn quen đón nhận nơi các nền văn hoá của các dân tộc những gì thích hợp để diễn tả những sự phong phú vô tận của Đức Kitô cách tốt hơn (Số 10).

KHOA HỌC VÀ MINH TRIẾT

Thời đại chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện một nền văn hoá mới, một nền nhân bản mới. Khoa học và kỹ thuật với khả năng bao la của chúng, cống hiến những đóng góp to lớn, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề, nhất là khi lập trường chính trị định đoạt hướng đi của việc nghiên cứu và những áp dụng của nó.

Những việc toàn thể Hội Thánh phải làm:

  • Suy tư và dấn thân sâu xa để Tin Mừng thấm nhuần vào nền văn hoá mới, nền nhân bản mới, trong đó con người tìm thấy tương quan trọn vẹn giữa họ với Thiên Chúa, các giá trị chân thật được nhìn nhận, các quyền của người nam người nữ được bảo vệ và công lý được thăng tiến;
  • Làm cho mọi người ý thức được sự ưu tiên của các giá trị luân lý, hiểu được ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống;
  • Tìm ra những nhà hiền triết (MV, số 15) cho thời đại để bất cứ khám phá mới nào của con người đều được mang tính chất nhân bản hơn;
  • Giáo dục lương tâm để mỗi người có khả năng phán đoán, nhận định và chọn lựa những phương tiện thích hợp thể hiện đúng sự thật của mình;
  • Liên kết sự khôn ngoan, óc sáng tạo của mình với sự khôn ngoan và sự sáng tạo của Thiên Chúa.


HOÁN CẢI LIÊN LỈ

Do tội lỗi đã ăn sâu vào các cơ cấu của thế giới ngày nay, gia đình không tự thể hiện được chính mình và không được hưởng các quyền căn bản của mình. Tất cả chúng ta phải chống lại bằng những cách sau đây:

  • Hoán cải trong tinh thần và con tim, từ bỏ cái ích kỉ của riêng mình mà bước theo Chúa Kitô chịu đóng đinh;
  • Thoát ly từ bên trong khỏi mọi sự dữ và gắn bó với sự lành toàn diện;
  • Đem ơn Chúa và những đòi hỏi của tình yêu Chúa vào trong đời sống bản thân và xã hội của con người.


HỘI NHẬP VĂN HOÁ

Văn hoá chỉ chung tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát huy các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác. Thiên Chúa đã tự mặc khải và nói với dân Người theo văn hoá riêng của từng thời đại. Chúa Giêsu đã sống như một người Do Thái khi nhập thể. Hội Thánh đã sử dụng các nền văn hoá khác nhau để truyền đạt Tin Mừng (MV, số 58).

Hội Thánh nhìn nhận những nét tốt đẹp trong các nền văn hoá khác nhau và tìm kiếm những nét tốt đẹp ấy để làm phong phú chính mình. Hội Thánh cũng đã góp phần vào sự phát triển văn hoá.

Đức tin Kitô giáo cũng như hôn nhân và gia đình cần được hội nhập văn hoá ngày thêm rộng rãi hơn.

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Hôn nhân và gia đình Á Đông và Việt Nam có những nét đẹp nào?

2. Khi đã nắm vững kế hoạch nguyên thuỷ của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình, trong khi vẫn trung thành với giáo huấn của Chúa Kitô, chúng ta cần phải làm gì để gia đình Kitô hữu mặc lấy những nét đẹp của văn hoá Việt Nam?

3. Tại sao khoa học kỹ thuật phải kết hợp với sự khôn ngoan của các nhà hiền triết?

Bài 4

Ý NGHĨA HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH


(Số 11 - 16)

Nhờ tính cách bí tích của hôn nhân, đôi bạn được liên kết với nhau cách chặt chẽ không thể tháo gỡ được - người này thuộc người kia, do dấu chỉ bí tích, họ thực sự biểu lộ tương quan giữa Đức Kitô với Hội Thánh Người (Số 13).

TÌNH YÊU GIỮA THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI

Thiên Chúa dựng nên người nam và người nữ theo hình ảnh của Người. Người mời gọi họ sống tình yêu thương và hiệp thông. Yêu thương là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người.

Tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Người được diễn tả qua ngôn ngữ tình yêu lứa đôi. Thiên Chúa luôn là Thiên Chúa yêu thương, Người luôn trung thành trong giao ước yêu thương bất chấp sự phản bội của dân. Tình yêu trung thành của Thiên Chúa là kiểu mẫu cho tình yêu trung thành giữa vợ chồng, nghĩa là noi theo lòng trung thành của Thiên Chúa, người nam và người nữ dấn thân trao ban trọn vẹn cho nhau cả thân xác lẫn tinh thần cho đến chết.

ĐỨC GIÊSU VÀ HÔN NHÂN

Tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Người đạt đến viên mãn nơi Đức Giêsu nhập thể và cứu chuộc. Đức Giêsu là Vị Hôn Phu tự hiến mình trên thập giá cho Hiền Thê của Người là Hội Thánh. Giao ước mới, Giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh được ký kết bằng máu đổ ra của Vị Hôn Phu yêu đến tận cùng.

Hôn nhân giữa hai người nam nữ Kitô hữu là một bí tích, hai người được liên kết với nhau chặt chẽ để biểu lộ sự liên kết giữa Đức Kitô và Hội Thánh.

Tình yêu vợ chồng nhắm đến sự hiệp nhất sâu xa của ngôi vị, tức trọn vẹn cả thể xác lẫn tinh thần, một sự hiệp nhất trong một con tim, một tâm hồn. Tình yêu nào mang tính bất khả phân ly và trung thành trong việc trao hiến cho nhau cách dứt khoát và mở ngỏ cho việc sinh sản.

HOA QUẢ CỦA HÔN NHÂN

Việc hai người nam nữ trở nên một xác thịt trong hành động trao hiến cho nhau để bộc lộ tình yêu nhau cũng mở ra cho khả thể hình thành con người mới. Con cái là triều thiên của định chế hôn nhân và gia đình, và là dấu chỉ thường xuyên của sự hiệp nhất vợ chồng.

Như thế vợ chồng hợp tác với Thiên Chúa để thông ban sự sống cho một ngôi vị khác và, cùng với hạnh phúc được trở thành người cha người mẹ, đôi vợ chồng nhận lãnh từ Thiên Chúa một trách nhiệm mới: đó là giáo dục con cái.

Chính trong gia đình, toàn bộ các tương quan liên vị được hình thành và phát triển: tình vợ chồng, tình phụ tử, tình mẫu tử, tình con thảo, tình anh em. Gia đình là trường học đầu tiên đào tạo những thành viên mới cho gia đình nhân loại và gia đình Hội Thánh.

Đời sống trinh khiết và độc thân vì Nước Trời là một cách thức khác để diễn tả cùng một mầu nhiệm Tình Yêu giữa Thiên Chúa và dân Người. Phẩm giá của hôn nhân vẫn được bảo toàn và được cũng cố nhờ cách thức thực hiện gia đình theo ý định của Thiên Chúa trong đời sống dâng hiến này.

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Kinh Thánh diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Người qua hình ảnh nào?

2. Tạo sao định chế hôn nhân lại phải mang đặc tính bất khả phân ly?

3. Hội Thánh chờ đợi gì nơi gia đình?