1. Sau khi bị tạp chí The Atlantic nhạo báng là cực đoan, chuỗi Mân Côi đã bán được như tôm tươi ở Mỹ.

Ba cửa hàng trực tuyến bán chuỗi Mân Côi đã báo cáo số chuỗi bán được tăng vọt sau khi bài báo gây tranh cãi được xuất bản vào Chủ nhật trên tạp chí The Atlantic, trong đó tác giả đã cố gắng liên kết tràng hạt với chủ nghĩa cực đoan cánh hữu ở Hoa Kỳ.

Trong bài, ông Daniel Panneton tuyên bố, “Chuỗi hạt Mân Côi mang một ý nghĩa quân phiệt đối với những người Công Giáo truyền thống cực đoan”

“Văn hóa dân quân, chủ nghĩa tôn sùng nền văn minh phương Tây, và sự lo lắng về chủ nghĩa nam tính đã trở thành trụ cột của cánh hữu ở Hoa Kỳ — và những người Công Giáo hiện đã cư ngụ cùng với nhóm này”

Bài báo đã gây ra một làn sóng bình luận phẫn nộ trên mạng xã hội, cùng với những chia sẻ hình ảnh về chuỗi hạt của họ. Một số nhận xét rằng luận điểm của bài báo có thành kiến chống Công Giáo.

Bà Shannon Doty, Giám đốc điều hành của thương hiệu Rugged Rosaries, nói với CNA hôm thứ Hai rằng bà đã thấy “doanh số bán hàng tăng khá tốt” trên cả hai trang web, RuggedRosaries.com và MonkRosaries.com trong bối cảnh phản ứng về bài báo.

Thương hiệu Rugged Rosaries bán những tràng hạt bền, bắt chước những cỗ tràng hạt từng được sử dụng trong quân đội trong Thế chiến thứ nhất.

Bà Doty nói rằng cả hai trang web đều có lượng khách hàng trung thành và nói thêm rằng “chúng tôi không nản lòng, và trên thực tế, chúng tôi đang củng cố quyết tâm tạo ra những tràng hạt bền chắc cho mọi người”.

Bà Doty bắt đầu làm chuỗi hạt Mân Côi bằng giây thừng 'nhảy dù' cho bạn bè của con trai bà trong quân đội hơn mười năm trước. Bà gọi là “Tràng hạt cuả Lính Chiến” và nó dần dần trở thành một công việc kinh doanh.

Ông Jonathan Conrad, người sáng lập ra Công ty Catholic Woodworker hay người Thợ mộc Công Giáo, nói với CNA hôm thứ Ba rằng công ty của ông đã có một ngày bán hàng tốt nhất trong tháng.

“Đó không phải là điều gì đặc biệt trong năm, nhưng là tốt nhất trong tháng này,” ông nói.

Ông nói, sứ mệnh của Thợ mộc Công Giáo, “là trang bị cho các gia đình chiến đấu trong thế giới hiện đại, với sự nhấn mạnh cuả kinh thánh rằng chúng ta không tranh giành bằng xương bằng thịt, mà là chống lại cường quyền, chống lại quyền lực của bóng tối hiện tại.”

Tổ chức Tông đồ Thế giới của Fatima Hoa Kỳ ở Asbury, New Jersey, cũng báo cáo sự gia tăng doanh số bán chuỗi Mân Côi kể từ khi bài báo The Atlantic xuất bản.

Ông David Carollo, giám đốc điều hành của tổ chức tông đồ nói với CNA hôm thứ Ba rằng doanh số bán chuỗi Mân Côi và các mặt hàng tôn giáo khác đã tăng lên rõ ràng. Ông cho biết đã có rất nhiều lời xì xào kể từ khi bài báo “xúc phạm hoàn toàn” xuất hiện và nói thêm rằng ông ấy dự định sẽ có phản hồi bằng bài báo của mình. Ông nói, mạng xã hội của Tổ chức Tông đồ cũng tăng lượng người theo dõi.

“Chúng tôi không cầu nguyện chống lại ai, chúng tôi cầu nguyện cho mọi người,” ông nói thêm. “Đó là tất cả những gì về chuỗi hạt.”

2. Đại Sứ Ukraine cạnh Tòa Thánh mời Đức Giáo Hoàng đến Bucha

Hôm thứ Ba 16 tháng 8, Đại Sứ của Ukraine cạnh Tòa Thánh Andrii Yurash đã mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến Bucha gần Kyiv để tận mắt chứng kiến bằng chứng về các tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với ANSA, Đại Sứ Yurash cho biết một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng vẫn đang được thảo luận nhưng các nhà chức trách Ukraine hy vọng Đức Giáo Hoàng sẽ “đi đến nơi các nạn nhân vô tội ngã xuống, khi họ bị tàn sát bởi quân đội Nga tại Bucha, chỉ cách Kyiv 15 km, nơi có khoảng 1.400 nạn nhân được được tìm thấy”.

Ông nói “phía Ukraine chắc chắn sẽ đề nghị rằng Đức Giáo Hoàng đến” để xem bằng chứng này, điều mà Mạc Tư Khoa phủ nhận, và nói rằng cảnh quay những thường dân bị giết là do Kyiv dàn dựng.

Đại Sứ Yurash cho biết Kyiv muốn Đức Phanxicô cầu nguyện bên mộ những nạn nhân vô tội vì những hành động tàn bạo của Nga.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, vào ngày 6 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Đại sứ Ukraine tại Vatican Andrii Yurash. Hai vị đã thảo luận về chuyến thăm có thể có của Đức Giáo Hoàng tới Ukraine trước chuyến đi dự kiến đến Kazakhstan vào tháng 9.

Ngay sau đó, trong một tweet riêng biệt, Đại sứ Ukraine tại Tòa thánh Andrii Yurash, nhắc lại tin tức về cuộc điện đàm, nói thêm rằng “Nhà nước và xã hội Ukraine sẽ vui mừng chào đón Đức Thánh Cha,” bày tỏ hy vọng về chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Kyiv.

Văn phòng báo chí của Vatican không xác nhận cuộc gọi. Tuy nhiên, Vatican News, hãng thông tấn chính thức của Tòa Thánh, đã đăng một bài báo về cuộc nói chuyện qua điện thoại này.

Đại sứ Ukraine cạnh Tòa Thánh nói với Crux rằng hai nhà lãnh đạo đã nói về một chuyến thăm có thể có của Đức Giáo Hoàng tới Ukraine vì đây là “một chủ đề rất quan trọng đối với Ukraine. Không thể bỏ sót chủ đề này được”.

Tuy nhiên, Yurash nói thêm, “chưa có phản ứng tích cực cuối cùng.”
Source:ANSA

3. Kitô hữu Coptic là ai? Vụ hỏa hoạn giáng một đòn kinh hoàng vào một Giáo Hội bị bách hại

Một vụ hỏa hoạn lớn tại một nhà thờ Chính thống giáo Coptic ở Ai Cập đã cướp đi sinh mạng của 41 người vào hôm Chúa Nhật 14 tháng 8. Đó là một đòn tàn khốc đối với một cộng đồng Kitô giáo bị bủa vây bởi sự ngược đãi và gian khổ từ lâu.

Theo nhà cầm quyền Ai Cập, nguyên nhân của vụ hỏa hoạn kinh hoàng này là do bị chập điện. Nhóm thiểu số Kitô giáo của Ai Cập từ lâu đã được coi là nhóm hạng hai trong dân số chủ yếu theo đạo Hồi, và trong những năm gần đây đã xảy ra một số vụ khủng bố lớn.

Đây là những gì bạn cần biết:

Giáo Hội Coptic là gì?

Các Giám Mục Ai Cập đã từ chối Công đồng Chalcedon năm 451, và tách ra. Giáo Hội Chính thống Coptic không công nhận giáo hoàng Công Giáo và thay vào đó có giáo hoàng của riêng mình, là giám mục của Alexandria và tuyên bố kế vị các thánh tông đồ từ Thánh Máccô.

Hình thức thờ phượng cao nhất của Giáo Hội này, tương tự như Thánh lễ Công Giáo, là Phụng vụ Thánh.

Không nên nhầm lẫn Giáo Hội Chính thống giáo Coptic, một Giáo Hội Chính thống Đông Phương, với Giáo Hội Công Giáo Coptic, là một Giáo Hội theo nghi thức Đông phương nhưng hiệp thông hoàn toàn với Rôma. Phần lớn nhóm thiểu số Kitô giáo của Ai Cập với khoảng 10% tổng dân số là Kitô giáo chính thống Coptic. Bên cạnh đó, cũng có một số ít người Công Giáo theo nghi thức Maronite và Latinh.

Tại sao họ bị bách hại?

Các tín hữu Kitô Coptic là mục tiêu thường xuyên của khủng bố ở Ai Cập, đặc biệt là kể từ khi Nhà nước Hồi giáo trỗi dậy. Ngoài tình cảm bài Kitô giáo nói chung của người Hồi giáo, Các tín hữu Kitô Coptic đã bị các nước láng giềng Hồi giáo của họ cáo buộc đã hỗ trợ sự gia tăng quyền lực của Tổng thống Abdel Fattah el-Sissi, người lên nắm quyền sau khi Tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 2013 và người đã nhận được sự ủng hộ công khai của các nhà lãnh đạo Coptic.

Vào tháng 2 năm 2015, Nhà nước Hồi giáo đã phát hành một video trực tuyến cho thấy các chiến binh đeo mặt nạ chặt đầu 21 người đàn ông khi họ quỳ trên một bãi biển ở Libya mặc áo liền quần màu cam kiểu nhà tù. Chính phủ Ai Cập và Giáo Hội Chính thống Coptic sau đó đã xác nhận tính xác thực của đoạn video và những người đàn ông này hiện được tôn vinh như những vị thánh trong Giáo Hội Coptic.

29 người đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom tại Nhà thờ Chính thống giáo Coptic Thánh Máccô ở Cairo vào tháng 12 năm 2016. Nhà nước Hồi giáo đã công nhận trách nhiệm trong vụ đánh bom và tung ra một video đe dọa nhắm vào các “quân thập tự chinh” theo Kitô Giáo ở Ai Cập. Và vào Chúa Nhật Lễ Lá năm 2017, hai vụ đánh bom tự sát của Nhà nước Hồi giáo tại các nhà thờ Coptic ở Ai Cập đã cướp đi sinh mạng của 47 người.

Vào tháng 11 năm 2018, các chiến binh Hồi giáo đã phục kích một chiếc xe buýt chở những người hành hương Kitô giáo Coptic đến một tu viện sa mạc ở phía nam Cairo, khiến 7 người thiệt mạng và 19 người bị thương.

Trong đại dịch, phụ nữ và trẻ em gái Kitô giáo Coptic đã bị bắt cóc và cưỡng bức cải sang đạo Hồi, và một số cộng đồng Kitô giáo đã bị tước đoạt tài nguyên.

Tình hình có thể trở nên tốt hơn không?

Chính phủ Ai Cập hiện tại dưới thời Tổng thống el-Sissi đã lên án các vụ tấn công và trong quá khứ đã cam kết bảo vệ các nhóm thiểu số theo Kitô giáo trong nước, nhưng người theo Kitô giáo vẫn bị tấn công, đặc biệt ở các vùng nông thôn bên ngoài thủ đô Cairo, nơi chính phủ quốc gia ít nắm được tình hình hơn. Điều này đôi khi xảy ra dưới hình thức các quy định của chính phủ nhắm vào những người theo Kitô giáo. Ví dụ, luật pháp Ai Cập trong nhiều thập kỷ vẫn giữ các quy tắc nghiêm ngặt từ thời Ottoman về việc xây dựng hoặc sửa chữa nhà thờ. Trong khi nhiều hạn chế cũ đã được bãi bỏ vào năm 2016, các nhà phê bình vẫn nói rằng hầu hết các đơn xin xây dựng hoặc sửa chữa nhà thờ đều bị từ chối, đặc biệt là các yêu cầu từ các vùng nghèo, nông thôn hoặc các khu vực mà các tín hữu Kitô là thiểu số.

Trong một báo cáo ngày 24 tháng 6 năm 2021 cho tổ chức bác ái Công Giáo Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, Đức Cha Kyrillos William Samaan của giáo phận Chính Thống Giáo Coptic Assiut nói rằng các Kitô hữu vẫn còn ít đại diện trong nhiều lĩnh vực và bị gạt sang một bên trong các vị trí hành chính.


Source:Catholic News Agency