NHỮNG VẾT SẸO...
LỄ KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA -
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH, CUỐI TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Chắc không ai sống trong đời mà lại không có bất cứ một vết sẹo. Có thể là vết sẹo của một lần đùa giởn vô ý gây ra. Có thể là vết sẹo của một lần đứt tay, hay một vết trầy xướt trên thân thể. Cũng có thể là vết mỗ do bệnh tật lâu ngày đã liền da…

Tuy nhiên, có những vết sẹo được nhìn thấy bên ngoài, trên thân xác, nhưng cũng không ít những vết sẹo trong tâm hồn, trong trái tim, trong trí nhớ, trong cuộc đời… không bao giờ chủ nhân của nó quên được.

Mỗi vết sẹo dù trên thân xác, hoặc trĩu nặng trong tâm hồn đều gợi lại một câu chuyện, một sự tích, một lý do... Có khi là những kỷ niệm của niềm vui, nhưng cũng có khi là những đau đớn không thể nguôi ngoai…

I. VẾT SẸO - DẤU CỦA THÁNH GIÁ.

Hôm nay, Tin Mừng cho biết có đến hai lần Chúa hiện ra. Cả hai lần, thánh Gioan ghi nhận Chúa hiện ra có cùng một cách thế. Lần thứ nhất, ngay khi hiện ra,“Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người”.

Có gì trên tay và trên cạnh sườn mà Chúa cho xem? Nơi ấy, dấu thánh giá không bị phai nhòa. Trên đôi cánh tay, trên cạnh sườn còn nguyên dấu tích của những cây đinh, của lưỡi đòng đâm thấu qua. Chính những vết sẹo, cũng chính là dấu thánh giá còn mới nguyên trên thân thể Chúa.

Những vết sẹo, dấu chứng của thánh giá trở thành dấu chỉ của niềm tin nơi các tông đồ. Nhìn vào dấu của thánh giá trên thân thể của người đang hiện diện trước mặt mình, các tông đồ đã tin Thầy mình sống lại.

Nhưng lần ấy, khi Chúa hiện ra, thánh Tôma không có mặt. Thánh nhân nhất quyết không tin.

Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra, có mặt thánh Tôma. Lần này thái độ của Chúa mạnh hơn, dứt khoát hơn. Chúa không chỉ đưa tay và cạnh sườn cho xem, nhưng Chúa Giêsu Phục Sinh lên tiếng: “Tôma, hãy xỏ ngón tay của con vào lổ đinh trên tay Thầy đây, hãy thọc bàn tay của con vào cạnh sườn của Thầy. Con đừng cứng lòng tin nữa, mà hãy tin”.

Mới hôm nào dõng dạc tuyên bố: “Nếu tôi chưa xỏ ngón tay tôi vào lổ đinh của Chúa, nếu tôi chưa thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, tôi không tin”. Tuyên bố mạnh mẽ là thế, kiên quyết là thế, dứt khoát là thế, nhưng bây giờ trước dấu thánh giá còn in sâu một cách hùng hồn trên thân thể của Đấng Phục Sinh, thánh Tôma đã phải cúi đầu tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”.

Một lần nữa, qua thái độ của thánh Tôma, thánh Gioan cho thấy, chỉ sau khi xem những vết sẹo trên tay và cạnh sườn bị thương tích, các môn đệ mới tin, đó là Chúa của họ. Chỉ sau khi xem những vết sẹo trên tay và cạnh sườn bị thương tích, họ mới hết nghi ngờ, mới cảm thấy “vui mừng vì xem thấy Chúa”.

Vết sẹo hay dấu chứng của thập giá trở thành bằng chứng của lòng tin: CHÚA ĐÃ PHỤC SINH. Như vậy dấu của thánh giá là bảo đảm cho đức tin của các môn đệ. Dấu của thánh giá là bảo đảm cho đức tin của chúng ta.

Chúa Kitô đã phục sinh. Dù đã phục sinh, Chúa đã không tự xóa bỏ dấu vết đau khổ trên thân thể của mình. Sự phục sinh dù vinh hiển và khải hoàn đến đâu, vẫn không thể xóa nhòa bất cứ một dấu ấn nào của thánh giá.

Trái lại, dấu vết của đau khổ, của thánh giá vẫn còn trên thân thể sáng láng của Đấng Phục Sinh, lại làm cho các môn đệ dễ nhận ra đức tin, vững tin và được củng cố đức tin.

II. NHẬN RA ĐIỀU GÌ QUA CÁC SẸO ẤY?

Vết sẹo hay dấu chỉ thánh giá trên thân thể Đấng Phục Sinh cho ta nhận ra hai điều này:

1. Dấu ấn của tình yêu trước tội lỗi.

Dấu vết thập giá không chỉ là những kỷ niệm về một cái chết nhục nhã còn ghi lại trên thân thể Đấng Phục Sinh, mà là một nhắc nhở cho ta về khuôn mặt tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa. Chính vì tình yêu ấy, Thiên Chúa đã cúi mình thật sâu trong thân phận con người để ta được diễm phúc làm con Thiên Chúa.

Dấu vết kinh hoàng của thập giá trên thân thể Đấng Phục còn là nỗi đau trong tâm hồn nhân loại mỗi khi họ nhìn vào đó mà nhận ra sự khủng khiếp do tội lỗi của chính mình gây ra.

Mãi mãi dấu thánh giá vẫn không bao giờ mai một trong Hội Thánh nói riêng và trong nhân loại nói chung. Bất cứ nơi đâu, nếu nhìn thấy bóng dáng thánh giá, người ta vẫn nhận ra rằng, tình yêu của Thiên chúa là một tình yêu chung thủy, vẫn mãi mãi hiện diện giữa lòng đời, dẫu hết thời gian này đến thời gian khác, con người không ngừng bất trung và sai phạm.

2. Đau khổ trong đời người.

Mặt khác, Mỗi người đều có nỗi buồn: gia đình đang sum họp, bỗng dưng người vợ hay người chồng phản bội, rẽ sang hướng khác. Gia đình đang sung túc, bỗng dưng người thân ra đi vĩnh viễn, mà người thân đó có khi là cột trụ của đời sống, của kinh tế gia đình. Mất mát thật to, nỗi buồn càng lớn...

Hay con đường tương lai, sự thành công đang ở trước mặt, bỗng dưng một biến cố đau thương xảy đến, làm mất hết tất cả. Hay hy vọng đang ngời ngời sáng phía trước, bỗng dưng mất mát người thân yêu nhất đời mình…

Những lúc bi đát đến cùng cực, chúng ta hãy nhìn về phía Chúa Giêsu, để thấy thánh giá là điều hiển nhiên của cuộc đời mỗi người. Đó là cây thánh giá mà ta phải vác đi theo tiếng gọi của Chúa: “Ai theo Ta hãy bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”.

Chúng ta may mắn vì được tôn thờ một Thiên Chúa đã từng biết đến đau khổ, và hôm nay, sau khi phục sinh, Chúa của chúng ta vẫn còn mang trên thân thể những lỗ gai nhọn đâm vào đầu, những lỗ đinh xuyên thủng bàn tay, bàn chân, và dấu của cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thấu.

Nói cách khác, chúng ta có một Thiên Chúa biết đến đau khổ là gì, chết là gì, để trong nỗi đau và trong nỗi chết chóc thường ngày của ta, Chúa gần gũi với ta, Chúa chia sớt cùng ta, Chúa thấu hiểu từng thách thức mà đời ta luôn đối diện và không ngừng trải qua...

Vì thế, ta tin, trong cuộc đời của mình, không ai là đơn lẻ, không ai là mồ côi. Chúa vẫn đang đồng hành khi ta ấp ủ Chúa trong mọi buồn vui của bản thân. Thánh giá Chúa vẫn không ngừng soi rọi để cứu độ thập giá đời ta.