CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
CHÚA LÀ ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT
Cv 5,12-16; Kh 1,9-11a. 12-13. 17-19; Ga 20,19-31
1- Chúa Phục Sinh, chuyện có một không hai
Câu chuyện đã xảy ra cách đây hơn 2000 năm mà chúng ta đang tưởng nhớ và cử hành hôm nay là câu chuyện Đức Giêsu thành Nadarét chết và sống lại, chuyện thật như bịa, chuyện có một không hai trong lịch sử nhân loại, chuyện quá mới mẻ gây ngạc nhiên đến mức không thể tưởng tượng, không thể tin nổi!
Quả thế, sau khi thấy thầy Giêsu bị treo trên cây thập giá và chết một cách nhục nhã đau đớn, các Tông Đồ trong đó có Tôma thất vọng và bỏ cuộc. Niềm tin của họ bị khủng hoảng. Chỉ có con đường duy nhất là “về vườn” để kiếm sống. Việc Chúa sống lại là chuyện “động trời,” không ai dám nghĩ tới.
Tuy nhiên, chính Đấng Phục Sinh đã hiện ra với các phụ nữ, với hai môn đệ trên đường Emmaus, và với nhiều Tông Đồ khác khi họ họp mặt. Trong những lần đó, Tôma (biệt danh là Điđimô) không có mặt. Họ kể lại: “Chúng tôi đã được thấy Chúa” (Ga 20,22). Nhưng Tôma vẫn không tin nếu không trực tiếp nhìn thấy các dấu đinh của Người (x. Ga 20,24). Tám ngày sau, họ lại họp nhau và có Tôma ở đó. Chúa hiện ra và tỏ cho ông thấy các dấu đinh. Tôma mới tin và tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,29).
2- Ý nghĩa của biến cố phục sinh
Qua biến cố phục sinh, chúng ta rút ra những ý nghĩa sau đây:
1) Việc Chúa Giêsu chết bày tỏ tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Còn việc Chúa sống lại minh chứng quyền năng cứu độ của Người. Thiên Chúa chiến thắng sự dữ và thần chết. Nhờ sự vâng phục, Đức Kitô được Thiên Chúa Cha siêu thăng, tặng ban danh hiệu là “Đức Chúa và là Đấng cứu độ duy nhất và phổ quát” của nhân loại. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ cho chúng ta (x. Cv 4,12).
Vì thế, trong Thông Điệp Dives in Misericordia, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Chúa Giêsu Kitô bị hành hạ và chịu đau khổ vì xót thương chúng ta, thật quá mọi mức độ có thể tưởng nghĩ được. Cả sau biến cố phục sinh, thập giá không ngừng nói về Thiên Chúa là Cha, Ðấng tuyệt đối trung thành với tình thương muôn đời của Người đối với con nguời. Tin vào tình thương này có nghĩa là tin vào lòng nhân từ của Thiên Chúa” (số 7).
2) Đức Kitô Phục Sinh củng cố niềm tin cho các môn đệ và cho chúng ta. Như thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả Đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14). Nếu Chúa không sống lại, sẽ không có Giáo Hội và không có cộng đoàn chúng ta như hôm nay.
3) Đức Kitô Phục Sinh chính là sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa. Người mang đến cho các môn đệ và cho chúng ta những ân huệ mới: đó là sự bình an, Chúa Thánh Thần và ơn tha thứ.
Vì thế, mỗi lần Chúa hiện ra đều nói: “Bình an cho anh em” (Ga 20,21). Có Chúa Phục Sinh là có sự bình an. Có bình an là có tất cả. Sự bình an này quý giá, giúp chúng ta vững vàng trước mọi gian nan thử thách.
Đức Giêsu thổi hơi và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Chúng ta nhớ lại, khi sáng tạo con người, Thiên Chúa thổi hơi vào Ađam, nhờ đó, ông có sự sống. Cũng vậy, trong những lần hiện ra, Đấng Phục Sinh thổi hơi và ban Thánh Thần cho các Tông Đồ, để họ có sự sống mới. Đây quả là cuộc tạo dựng mới. Chúa Thánh Thần là Quà Tặng của Đấng Phục Sinh. Việc Chúa “thổi hơi và ban Thánh Thần” là ban cho Giáo Hội sự sống mới và sức mạnh mới.
Đấng Phục Sinh còn sai Giáo Hội ra đi với quyền tha tội: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Ga 20,23). Tha thứ là dấu chỉ rõ ràng về lòng thương xót vô bờ bến của Chúa, được thể hiện qua bí tích Hòa Giải.
3- Sứ giả lòng Thương Xót Chúa
Chúa Nhật II Phục Sinh là Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa. Một ngày nọ, Chúa Giêsu đã nói với nữ tu Faustina Kowalska, sứ giả của Lòng Thương Xót, rằng: “Nhân loại sẽ không có hòa bình cho đến khi biết tin vào Lòng Thương Xót Chúa” (Nhật Ký, 300). Lòng Thương Xót là tặng phẩm mà Giáo Hội nhận từ Đức Kitô Phục Sinh và trao ban cho nhân loại ngay khi khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba. Mầu nhiệm của Lòng Thương Xót đã thay đổi tận gốc số phận của nhân loại.
Thánh nữ Faustina thấy phát ra hai tia sáng từ Thánh Tâm Chúa chiếu tỏa thế gian một cách dịu dàng. Theo lời Chúa giải thích cho thánh nữ: “Hai tia sáng này tượng trưng cho máu và nước.” Máu nhắc lại hy tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; còn nước, theo hình ảnh phong phú của thánh sử Gioan, là bí tích Rửa Tội và hồng ân Chúa Thánh Thần (x. Ga 3,5; 4,14). Những tia sáng từ lòng nhân từ Chúa ban là niềm hy vọng đặc biệt cho những ai cảm thấy mình bị đè bẹp dưới gánh nặng của tội lỗi.
Mỗi Chúa Nhật đều là Chúa Nhật Lòng Thương Xót. Mỗi thánh lễ là nguồn mạch của Lòng Thương Xót. Bởi vì, thánh lễ tái hiện cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô để đền bù tội lỗi của chúng ta và toàn thế giới. Chúng ta được mời gọi hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để đón nhận Lòng Thương Xót Chúa. Hãy đến với bí tích Hòa Giải để lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nếu có ai cảm thấy mình quá yếu đuối và tội lỗi, thì hãy nhớ đến Lòng Thương Xót Chúa bao giờ cũng lớn lao hơn tội lỗi chúng ta. Chỉ có lòng thương xót Chúa ban cho chúng ta hy vọng chỗi dậy và tiến bước. Chúng ta hãy tín thác vào Chúa, đừng bao giờ sợ hãi, đừng bao giờ thất vọng!
Lạy Chúa, nhờ sự chết và sự sống lại, Chúa đã mạc khải Lòng Thương Xót Chúa cho loài người. Chúng con tín thác vào Chúa: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa, xin thương xót chúng con và thế giới. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/