LÒNG THƯƠNG XÓT
Chúa Nhật 2 Phục Sinh: Ga 20, 19-31.
Suy niệm
Đức Giêsu Phục Sinh bất ngờ xuất hiện giữa các tông đồ. Ngài trao ban bình an và cho họ xem các vết thương. Thân xác chiến thắng của Chúa vẫn mang dấu tích của cuộc khổ nạn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Thầy, và hơn nữa còn được Thầy ủy thác sứ mạng: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”.
Chỉ có một người không vui là ông Tôma, vì ông vắng mặt khi Chúa hiện ra. Có vẻ giữa ông và nhóm anh em có cái gì xa cách. Sự xa cách này trở nên rõ rệt hơn khi ông thẳng thắn từ chối tin vào lời chứng của các bạn. Ông không tin vào ai khác, chỉ tin vào giác quan của mình. Trước sự thách thức và cố chấp của ông, Chúa Giêsu lại hạ mình để hiện ra một lần nữa. Ngài trách ông cứng lòng trước những lời chứng của anh em. Rõ ràng con người Tôma có cái gì bất ổn, bất thường, lập dị, tách biệt. Nhưng may là ông trở về với đời sống cộng đoàn, nên đã chứng kiến việc Chúa phục sinh.
Tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện đến với nhóm Mười hai, có cả Tôma, Ngài nói với ông: “Đặt ngón tay vào đây…”. Tôma kinh hoàng thưa với Chúa: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”. Ông thấy nên ông tin, điều ấy không lạ gì, “Phúc thay những người không thấy mà tin!”. Việc minh chứng phục sinh không phải là vinh quang chói lọi mà là chính những dấu đinh. Chúa đã muốn minh chứng như thế cho sự phục sinh của Ngài, thì chúng ta cũng vậy, không có dấu chứng nào hơn là những vết thương của những thập giá hằng ngày, để làm chứng cho sự phục sinh của Chúa. Cũng vậy, từ hai ngàn năm nay, thánh giá Chúa mới thực sự là biểu hiện vinh quang, chứ không phải là những gì hoành tráng cao sang bên ngoài. Đó mới là biểu hiện và dấu chỉ cao độ nhất của lòng thương xót Chúa, để cứu chữa nhân loại trước bao nhiêu đau thương khốn khổ.
Đức tin của chúng ta hôm nay dựa trên đức tin của những người đã thấy Chúa, đã sờ chạm vào Chúa. Tất cả các tông đồ đều đã hy sinh mạng sống mình để làm chứng là Đức Kitô đã sống lại, Ngài là Đấng cứu độ duy nhất cho loài người… Tiếp nối các tông đồ đã có hàng triệu người cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Phục Sinh, đã dâng hiến đời mình vì niềm tin ấy, trong số đó có hằng ngàn cha ông chúng ta đã hiên ngang đổ máu mình để lưu truyền đức tin lại cho con cháu hôm nay, cụ thể là 118 thánh tử đạo Việt Nam.
Quanh chúng ta cũng vẫn có nhiều anh chị em đạo đức, đầy lòng tin mến. Họ đã được ơn “thấy và chạm đến” Chúa một cách nào đó, nên họ rất chuyên chăm trong đời sống cầu nguyện, sốt sắng trong thánh lễ, và tích cực làm việc tông đồ. “Thấy và chạm” đến Chúa nghĩa là “cảm nghiệm” hay “cảm nhận” về sự hiện diện của Chúa khi nghe Lời Chúa, khi Rước Mình Chúa, khi phục vụ anh chị em, khi thăm viếng và cứu giúp những người bệnh tật, nghèo hèn, khốn khó…
Để làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng ta cũng không cần phải nổi bật cái gì hết, mà chỉ cần nổi bật lòng thương xót của Chúa. Thương xót nói theo thánh Phaolô là: đón nhận tất cả, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Tuy nhiên, thương xót không có nghĩa là làm ngơ trước tội lỗi và sai lạc của người khác, cũng không phải là dung túng hay nhượng bộ cho những xấu xa vẫn xảy ra trong đời ta. Thương xót là muốn cho nhau một cuộc sống tốt hơn, là tìm cách dẫn đưa anh em về đường ngay nẻo chính. Muốn vậy, nhiều khi chính mình phải hy sinh và chấp nhận thương đau.
Cũng như xưa, con người ngày nay làm sao có thể tin Chúa được, nếu họ không thấy chứng tích của những khuôn mặt đẫm mồ hôi vì phục vụ, hay của những cuộc đời xả thân hy sinh cho tha nhân? Con người ngày nay cũng đang đòi kiểm nghiệm những chứng tích tình yêu nơi Giáo hội, nơi các bạn trẻ. Đạo của bạn là đạo tình yêu ư? Xin đừng nói nhiều, hãy cho tôi xem những chững chứng tích tình yêu của bạn đi! Mahatma Gandhi đã từng tuyên bố với người Công Giáo như thế.
Ước gì mỗi người chúng ta nhận ra rằng mình được diễm phúc trở nên Kitô hữu là nhờ lòng thương xót Chúa, để suốt đời ta biết sống cho mọi người, nhất là những người bé nhỏ nghèo hèn, là đối tượng ưu tiên của lòng Chúa xót thương. Quả thật “Phúc thay ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Chúa xót thương”.
Cầu nguyện
Lạy Cha!
Thương xót là hành động của Cha,
là tiêu chuẩn biết ai là con cái,
nhờ sống với tất cả lòng nhân ái,
nhưng không loại công bằng và sự thật.
Thương xót không dung túng điều xấu xa,
nhưng cho con biết kiên nhẫn vượt qua,
để đón nhận những hồng ân cao cả,
xứng đáng với những gì con người “là”.
Thương xót là hành động cao quí nhất,
là phẩm chất sâu nhất của con người,
là hành vi thờ phượng cao hơn cả,
vì điều Chúa muốn không phải là lễ vật,
mà trước tiên là sống với lòng nhân,
chứ không thể cân phân theo lý lẽ.
Đức Giê-su đã trở nên người thế,
để thể hiện lòng thương xót của Cha,
trên thập giá Ngài cũng đã thứ tha,
trước lòng dạ bạc ác của con người,
ngay cả ông Tô-ma cứng lòng tin,
Ngài cũng đã hạ mình cho xem thấy.
Chúa muốn con nên hoàn thiện như Cha,
không phải là không còn gì thiếu sót,
mà là sống nhân từ và tha thứ,
không xét đoán và càng không lên án,
luôn bao dung và đại lượng vô vàn,
vì thương xót là tình yêu vô giới hạn.
Xin cho con được đầy lòng thương xót,
dù nhiều khi rất đắng đót trong đời,
nhưng nhờ vậy phát sinh con người mới,
để tình Chúa sáng tỏa khắp muôn nơi,
là niềm vui ơn cứu độ cho đời. Amen.