NIỀM HY VỌNG VƯỢT QUÁ MỌI HY VỌNG
“Đức Maria hằng suy đi nghĩ lại trong lòng”.

Kính thưa Anh Chị em,

Đấng Cứu Độ thế giới đã chết, thi thể nát tan của Ngài đã được đặt trong mồ; sự dữ xem ra toàn thắng, thế lực sự chết toàn quyền; các môn đệ chạy tán loạn vì sợ hãi, bởi lẽ, họ có thể sẽ là người tiếp theo. Thế nhưng, vẫn còn đó một Đấng khơi nguồn sự sống đang yên giấc trong mồ; Ngài sẽ chỗi dậy, sự dữ sẽ bị đẩy xa, bình an sẽ lan toả. Hội Thánh sơ khai tin rằng, Mẹ Maria là người đã trực giác bí mật này; vì thế, ngày thứ Bảy Tuần Thánh đầu tiên, Mẹ canh thức trong tin yêu, hy vọng, một ‘niềm hy vọng vượt quá mọi hy vọng’, rằng, Chúa Giêsu, Con của Mẹ sẽ sớm phục sinh.

Dù không uyên thâm như các thầy thông luật, nhưng trong một mức độ nào đó, Mẹ Maria phải là người hiểu biết Thánh Kinh. Mẹ xác tín, từ khởi thủy Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự tốt đẹp; nhưng tội đã lẻn vào thế gian, phá hủy tất cả trật tự ấy. Thiên Chúa quyền năng, giàu lòng xót thương phải làm lại, một trời mới đất mới xuất hiện; Giêsu, Con của Mẹ đã đến khôi phục lại. Thế gian căm hờn Ngài, đến nỗi giết chết Ngài; nhưng làm sao Thiên Chúa thua con người, Ngài sẽ chiến thắng!

Theo truyền thống, mọi thứ Bảy, Giáo Hội dành riêng để kính Đức Mẹ. Truyền thống này được lưu truyền một phần do niềm tin rằng, khi mọi người lòng đầy bồi hồi và bất an vào thứ Bảy hôm ấy, thì Đức Maria vẫn canh thức cầu nguyện trong niềm mong đợi sự sống lại của Ngôi Hai. Chính tình yêu và sự mẫn cảm của Mẹ thôi thúc Mẹ canh thức đợi chờ Con của mình.

Trong nhiều thế kỷ, Hội Thánh tin rằng, người đầu tiên Chúa Giêsu hiện ra sau phục sinh là Mẹ của Ngài. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tin điều này, thánh Ignatio Loyola tin điều này, và nhiều người khác trong nhiều thế kỷ đã chia sẻ niềm tin này. Vì những lý do đó, thứ Bảy Tuần Thánh là ngày lý tưởng để chúng ta ‘suy đi nghĩ lại về một trái tim hằng suy đi nghĩ lại’ trong lòng, tim của Mẹ Chúa Trời. Tin Mừng cho biết, Đức Mẹ đã suy đi nghĩ lại trong lòng những mầu nhiệm xảy ra với Chúa Giêsu. Mẹ là một trong số ít người đã sát cánh bên Ngài trong cơn hấp hối và cái chết; Mẹ đứng trước thập giá, cầu nguyện và suy nghĩ về sự hy sinh hoàn hảo của Con; Mẹ ôm xác Con trong vòng tay và nghĩ xem linh hồn Ngài đi đâu. Hôm nay, Mẹ vẫn tỉnh thức, hy vọng, một ‘niềm hy vọng vượt quá mọi hy vọng’, suy nghĩ về việc Con sắp trở lại với Mẹ Ngài. Tại sao không?

Hôm nay, chúng ta gẫm suy điều đã xảy ra trong lòng Mẹ Maria, hãy hợp nhất trái tim của chúng ta với trái tim của Mẹ. Hãy cố hiểu những gì Mẹ đang gẫm suy và đang hy vọng; hãy cảm nhận những gì Mẹ cảm nhận trong ngày đau buồn này; hãy cảm nghiệm đức tin, lòng tín thác và niềm vui mong đợi cũng là niềm hy vọng của Mẹ, một ‘niềm hy vọng vượt quá mọi hy vọng’.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Mồ mả là nơi không ai đi vào để sau đó, đi ra. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã ‘bước ra’ từ đó cho chúng ta; Ngài đã sống lại vì chúng ta, để mang lại sự sống ở nơi sự chết có mặt; Ngài đã sống lại để bắt đầu một câu chuyện mới chính nơi mà một viên đá đã được đặt. Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng đã lăn đi hòn đá bịt kín lối vào của ngôi mộ, cũng có thể loại bỏ hòn đá đã đóng chặt trái tim chúng ta. Ánh sáng rạng ngày phục sinh đã rọi vào bóng tối ngôi mộ; hôm nay, Ngài cũng muốn ánh sáng đó chạm đến cả những góc tối thăm thẳm nhất của cuộc đời mỗi người. Dẫu lòng chúng ta như ngôi mộ đã chôn kín niềm hy vọng thì cũng đừng đầu hàng, Thiên Chúa còn vĩ đại hơn. Bóng tối và cái chết không có tiếng nói cuối cùng. Hãy can đảm, vì với Thiên Chúa, không có gì đã mất!”. Như Mẹ Maria, chúng ta hãy có một ‘niềm hy vọng vượt quá mọi hy vọng’, rằng, Chúa đã sống lại! Ngài sống lại cho tôi, cho Anh Chị em và cho toàn thế giới.

Anh Chị em,

Nhiều người trên thế giới hôm nay đang bước đi trong lo âu, tuyệt vọng; nhiều người đã mất hy vọng. Chỉ trong tháng 10/2020, Nhật Bản, một xứ có nền kinh tế khá nhất Đông Nam Á, có đến 2.153 người tự tử; cũng năm này, thế giới có 350 triệu người trầm cảm. Nhiều người có những ‘kiểu chết bên trong’ rất riêng của họ mà không cho phép Thiên Chúa kéo họ vào sự Phục Sinh của Con Một Ngài. Nhiều người hôm nay cần đến niềm hy vọng đã sống động trong lòng Đức Mẹ, một ‘niềm hy vọng vượt quá mọi hy vọng’. Hãy thinh lặng và để cho trái tim vinh hiển của Mẹ truyền cảm hứng; đồng thời, cuốn hút chúng ta chìm sâu hơn vào tâm hồn Mẹ, một tâm hồn tin, yêu, hy vọng tràn đầy.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã cho phép niềm hy vọng trở thành sức mạnh giữa nỗi kinh hoàng của thập giá. Xin Mẹ cầu bàu để con cũng tràn đầy hy vọng, một ‘niềm hy vọng vượt quá mọi hy vọng’, rằng, Chúa đã sống lại, khi con chịu đựng những thử thách của cuộc sống trần thế. Xin ban cho con một trái tim hân hoan đợi chờ ân sủng của sự sống mới trong Chúa Phục Sinh, một sự sống mới đáng khao khát vô cùng mà Ngài sẽ ban cho con, ban cho những ai biết cậy trông như Mẹ”, Amen.

(Tgp. Huế)