1. Linh mục Công Giáo bị giết hại dã man ở Mindanao

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết những người đàn ông vũ trang đã nổ súng và giết chết một linh mục Công Giáo người Phi Luật Tân, là Cha Rene Bayang Regalado vào hôm 24 tháng Giêng. Ngài đang trên đường trở lại Chủng viện ở làng Patpat, gần Malaybalay, một thành phố thuộc tỉnh Bukidnon, trên đảo Mindanao, miền nam Phi Luật Tân. Vào tối ngày 24 tháng Giêng, các linh mục của Đại Chủng viện Thánh Gioan 23 đã gọi điện cho cảnh sát, báo cáo rằng họ nghe thấy nhiều tiếng súng vào khoảng 7:30 tối theo giờ địa phương.

Cảnh sát xác nhận rằng Cha Regalado bị giết trong vùng lân cận của Chủng viện “với những phát súng bắn vào đầu”. Xác của ngài được tìm thấy gần cổng Tu viện Dòng Camêlô ở Barangay Patpat. Vị linh mục đang về nhà tại Đại Chủng Viện Thánh Gioan 23 thì những kẻ tình nghi dừng xe ngài trên con đường vắng vẻ.

Xác của Cha Regalado nằm cách xe của Đại Chủng Viện, một chiếc SUV Chevrolet, khoảng ba mét. “Mắt trái của ngài có những vết sưng tấy như thể ngài đã bị đánh trước khi bị bắn chết. Cha Regalado đã chết khi chúng tôi đến”, Trung sĩ Jeffrey LLoren, một cảnh sát điều tra cho biết. Ngoài ra, cảnh sát tìm thấy cánh tay trái của vị linh mục bị “buộc bằng dây giày màu trắng”

Gia đình của Cha Regalado ở Barangay Sinayawan, thành phố Valencia đã yêu cầu khám nghiệm tử thi, thi thể đã được đưa đến Nhà tang lễ Villanueva ở thành phố Malaybalay vào đêm Chúa Nhật.

Một tuyên bố từ giáo phận gởi đến thông tấn xã Fides viết:

“Giáo phận Malaybalay, cùng với hàng giáo sĩ, nam nữ tu sĩ và anh chị em giáo dân, đặc biệt là gia đình Cha Regalado ở Giáo xứ San Jose, Sinayawan, Thành phố Valencia vô cùng đau đớn và đau buồn trước tin tức về sự ra đi bất ngờ và thê thảm của một giáo sĩ của mình và hy vọng rằng thủ phạm bị đưa ra trước công lý”.

Cha Regalado còn được gọi là “Paring Bukidnon”, nghĩa là “ linh mục miền núi “, vì ngài thường đến thăm các cộng đồng cô lập, ủng hộ các vấn đề liên quan đến cuộc sống và sự cấp thiết của nông dân, quảng bá kỹ thuật nông nghiệp. Theo cảnh sát điều tra, Cha Regalado đã nhận được những lời dọa giết trước khi bị giết.


Source:Fides

2. Nữ tu Simone Campbell kháo rằng Biden có một đường lối phá thai “rất phát triển”

Giáo huấn luân lý Kitô giáo luôn luôn coi phá thai là một trọng tội. Điều 2271, Sách giáo lý Công Giáo khẳng định: “Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý”.

Vì thế, người ta ngỡ ngàng khi thấy nữ tu Simone Campbell, giám đốc điều hành của Mạng Lưới Vận Động Cho Công Lý Xã Hội Công Giáo, cho biết Joe Biden có một đường lối phá thai “rất phát triển”. Bà cho biết như trên trong một cuộc thảo luận gần đây do National Catholic Reporter tổ chức.

Ở Hoa Kỳ có hai tờ báo có tên giống nhau. Tờ thứ nhất là tờ National Catholic Regiter của hệ thống truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN. Đây là tờ báo phò sinh rất có uy tín.

Nhóm “Catholics for Choice” nghĩa là nhóm “Công Giáo phò phá thai” là một tổ chức nhỏ, nhưng được tài trợ rất mạnh với mục đích chính là nhằm đưa ra các “lý lẽ thần học” cho các chính trị gia tự xưng là Công Giáo nhưng ủng hộ việc phá thai. Nhóm này lập ra tờ báo có tên gần giống là tờ National Catholic Reporter.

Campbell, là người đã phát biểu tại Hội nghị Quốc gia 2020 của đảng Dân chủ, cho biết tại buổi tọa đàm ngày 21 tháng Giêng rằng “nỗi ám ảnh chính trị” làm sao “phi pháp hóa phá thai” đã làm cho Giáo Hội Công Giáo bị chia rẽ đến mức tan nát.

Bà Campbell nói đường lối phá thai “rất phát triển” của ông Joe Biden có khả năng hiệp nhất những chia rẽ trong Giáo Hội về vấn đề này.

Campbell cho biết bà hy vọng có ai đó trong giới truyền thông Công Giáo sẽ phỏng vấn Biden “về những gì ông ấy nghĩ về vấn đề này”.

“Tôi biết từ cuộc trò chuyện với ông ấy rằng ông ấy có một có một cách tiếp cận rất phát triển đối với phá thai”, Campbell nói. “Và đối với ông ấy, nó xoay quanh quyền tự do tôn giáo, và ông ấy sẽ không ép buộc niềm tin tôn giáo của mình lên toàn thể quốc gia”.

Bà nói thêm rằng nhiều người bảo thủ lo ngại về tự do tôn giáo. Theo cách bà hiểu, tự do tôn giáo bao gồm tự do tin và không tin, việc luật hóa phán quyết Roe chống Wade để buộc các tiểu bang phải hợp pháp phá thai có thể đóng vai trò như một cầu nối với những công dân không có niềm tin.

Campbell đã dâng lời cầu nguyện tại Đại hội Quốc gia của đảng Dân chủ vào năm ngoái. Khi được Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hỏi vào tháng 8 liệu tổ chức công bằng xã hội của bà có phản đối việc hợp pháp hoá phá thai hay không, Campbell trả lời: “ Đó không phải là vấn đề của chúng tôi. Không đến lượt tôi nói chuyện đó.”


Source:Catholic News Agency

3. Thù hận đức tin: Thị trưởng Tây Ban Nha gỡ cây thánh giá của tu viện, ném vào bãi rác

Không chỉ có Trung Quốc mới triệt hạ thánh giá. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây diễn ra vào hôm thứ Tư.

Thị trưởng của một thị trấn nhỏ ở miền nam Tây Ban Nha đã cưỡng bức dỡ bỏ một cây thánh giá khỏi cửa của một tu viện. Cây thánh giá sau đó được tìm thấy trong một bãi rác.

Sự kiện này đã diễn ra tại thị trấn Aguilar de la Frontera, thuộc Giáo phận Cordoba, vùng Andalusia ở miền nam Tây Ban Nha.

Cây thánh giá được đặt ở lối vào của nhà thờ thuộc tu viện liền kề của Dòng Carmêlô Nhặt Phép, và đã ở đó từ năm 1939. Nó được dựng lên để tôn vinh các nạn nhân trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, mặc dù tấm bảng ghi nhận điều này đã bị dỡ bỏ từ lâu.

Thị trưởng của thị trấn, Carmen Flores, thuộc đảng cộng sản Izquierda Unida, đã dỡ bỏ cây thánh giá vào hôm thứ Tư mặc dù thực tế cây thánh giá nằm trong một phần của tu viện đã được tuyên bố là Di tích Lịch sử Quốc gia vào năm 1983. Việc chỉ định này có nghĩa là phần bên ngoài của tu viện không thể được sửa đổi.

Nữ tu Maravillas de Jesus, bề trên Dòng Carmêlô Nhặt Phép ở Aguilar de la Frontera, nói với tờ ABC của Tây Ban Nha rằng “chúng tôi rất thất vọng và rất đau lòng trước sự sỉ nhục của Thiên Chúa chúng ta, vì sự xúc phạm đối với Dấu hiệu Thánh của chúng ta, là Thánh giá”.

“Tất cả những gì chúng ta đã trải qua là bằng chứng cho thấy sự vô ơn của con cái Thiên Chúa, là những kẻ đã đáp lại ân sủng của Người theo cách này trong khi Thiên Chúa lấp đầy chúng ta với niềm vui và tình yêu mỗi ngày”.

Hiện nay, có năm nữ tu trong tu viện, tất cả đều đến từ Peru.

Flores đã đưa ra quyết định đơn phương loại bỏ cây thánh giá mà không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý di sản văn hóa của Tây Ban Nha. Vì lý do này, Hiệp hội Luật sư Kitô Giáo Tây Ban Nha đã đệ đơn khiếu nại thị trưởng lên Tòa Án Tối Cao Cordoba.

Trong tổng số 50 triệu dân Tây Ban Nha, 70% là người Công Giáo. 11% là người vô thần. Như thế, tỷ lệ người vô thần tại Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất trong các nước Âu Châu. Tuy nhiên, nói thế cũng chưa đủ, những người vô thần tại Tây Ban Nha khác với những người vô thần ở các quốc gia khác là họ không có khuynh hướng sống chung hòa bình, nhưng quyết liệt “ăn thua đủ”. Nói theo kiểu cộng sản, họ quyết liệt muốn giải quyết vấn đề “ai thắng ai”.

Đó là bối cảnh dẫn đến cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha kéo dài từ ngày 17/7/1936 đến 1/4/1939. Trong cuộc chiến này,13 Giám Mục, 4172 linh mục triều và các chủng sinh, 2364 linh mục dòng và các nam tu sĩ cùng với 283 nữ tu đã bị Mặt Trận Bình Dân sát hại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 233 vị tử đạo Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 498 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong cho 525 vị tử đạo Tây Ban Nha.


Source:Crux