1. Tuyên bố của các Giám Mục Hoa Kỳ lên án việc cổ vũ ý thức hệ giới tính của ông Joe Biden

Bối cảnh tuyên bố của các Giám Mục Hoa Kỳ phản đối việc cổ vũ ý thức hệ giới tính của ông Joe Biden

Gerald Bostock, một người đồng tính, là một nhân viên của Quận Clayton, của tiểu bang Georgia trong khu vực đô thị Atlanta. Đầu năm 2013, anh tham gia một giải đấu bóng mềm dành cho người đồng tính nam và quảng bá nó tại nơi làm việc. Vào tháng 4 năm 2013, Clayton County đã tiến hành kiểm toán các quỹ do Bostock kiểm soát và sa thải anh ta vì “hành vi không phù hợp với một nhân viên của quận”. Bostock cho rằng mình bị đuổi không phải vì tham ô nhưng vì anh ta là người đồng tính.Với sự giúp đỡ của các tổ chức LGBT, anh ta kiện đến Tối Cao Pháp Viện sau khi đã thất bại ở các tòa án cấp dưới.

Tối Cao Pháp Viện xử cho Bostock thắng Quận Clayton và truyền rằng Đạo Luật Về Quyền Dân Sự công bố năm 1964 trong đó cấm phân biệt đối xử dựa trên niềm tin tôn giáo, chủng tộc, mầu da, quốc tịch gốc, giới tính [sinh học] sẽ bao gồm thêm việc cấm phân biệt đối xử dựa trên bản sắc và khuynh hướng giới tính.

Tuy nhiên, khi đưa ra phán quyết, Thẩm Phán Neil Gorsuch nói rõ lo ngại của Tối Cao Pháp Viện rằng phán quyết này có thể bị diễn dịch sai lầm, tạo ra một tiền lệ sâu rộng có nguy cơ bác bỏ các thực hành truyền thống. Ông nói: “Họ nói rằng nhà vệ sinh, phòng thay quần áo và các quy tắc ăn mặc tách biệt giới tính sẽ không thể tồn tại sau quyết định của chúng tôi ngày hôm nay nhưng khi xem xét vụ kiện này, chúng tôi không xem xét bất cứ luật nào khác; chúng tôi đã không có hứng thú trong việc lật lại ý nghĩa của các thuật ngữ, và chúng tôi không giả định bất kỳ vấn đề nào như vậy ngày nay”.

Trong sắc lệnh hành pháp ngày 20 tháng Giêng, nhằm cổ vũ ý thức hệ giới tính, ông Joe Biden đã cố tình diễn dịch sai phán quyết Bostock và truyền rằng học sinh có thể vào nhà vệ sinh, phòng thay quần áo nào chúng muốn; và người lớn muốn ăn mặc thế nào tùy thích.

Ông viết như sau:

“Trẻ em sẽ có thể học mà không phải lo lắng về việc liệu chúng có bị từ chối vào nhà vệ sinh, phòng thay quần áo hay các môn thể thao ở trường hay không. Người lớn phải có thể kiếm sống và theo đuổi một công việc trong khi biết rằng họ sẽ không bị sa thải, giáng chức hoặc bị ngược đãi vì về nhà của ai hoặc vì cách họ ăn mặc không phù hợp với định kiến về giới tính”.

Đức Hồng Y Timothy M. Dolan của New York, chủ tịch Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB; Đức Tổng Giám Mục Paul S. Coakley của Thành phố Oklahoma, chủ tịch Ủy Ban Công Lý Quốc Nội Và Phát Triển Nhân Văn; Đức Cha Michael C. Barber, Giám Mục của Oakland, chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo; Đức Cha Shelton J. Fabre Giám Mục Houma-Thibodaux, chủ tịch Ủy Ban Đặc Ứng Chống Phân Biệt Chủng Tộc; và Đức Cha David A. Konderla Giám Mục Tulsa, chủ tịch Tiểu Ban Thăng Tiến Và Bảo Vệ Hôn Nhân, đã đưa ra một tuyên bố đáp lại lệnh hành pháp của Tổng thống Biden ngày 20 tháng Giêng đề cập đến quyết định của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ năm ngoái liên quan đến vụ Bostock kiện Clayton County, Georgia.

Tuyên bố chung của các ngài như sau:

Mọi người đều có quyền có được việc làm, giáo dục và các dịch vụ cơ bản của con người mà không bị phân biệt đối xử bất công. Quyền đó cần được bảo vệ. Tuy nhiên, quyết định Bostock của Tòa Án Tối Cao không nhất thiết có nghĩa là bác bỏ tính thống nhất trong việc Chúa tạo ra hai giới tính bổ sung cho nhau, là nam và nữ, với luận lý coi các giới tính này là vô nghĩa.

Lệnh hành pháp hôm thứ Tư về phân biệt đối xử ‘giới tính’ vượt quá quyết định của Tòa án. Nó có nguy cơ xâm phạm quyền của những người thừa nhận sự thật về sự khác biệt giới tính và những người ủng hộ thể chế hôn nhân suốt đời giữa một người nam và một người nữ. Điều này có thể gây hại trong các nghĩa vụ, ví dụ, nó làm xói mòn các quyền lương tâm trong việc chăm sóc sức khỏe hoặc các không gian và hoạt động cần thiết và phù hợp thời gian theo từng giới tính chuyên biệt. Ngoài ra, Tòa án cũng cẩn trọng lưu ý rằng phán quyết Bostock chưa tính đến những tác động rõ ràng của nó đối với tự do tôn giáo. Lệnh hành pháp vừa nêu không thận trọng như vậy.

Chúng tôi đánh giá cao những hành động của chính quyền mới đối với vấn đề nhập cư và khí hậu, cũng như về một sắc lệnh hành pháp khác, là sắc lệnh ‘Nâng cao công bằng chủng tộc’, nhằm mục đích rõ ràng là xác định và khắc phục sự phân biệt chủng tộc cũng như tác động của nó đối với xã hội và trong chính phủ. Thật không may là mục tiêu bình đẳng chủng tộc lại bị che lấp một phần với việc áp đặt những thái độ mới và những lý thuyết sai lầm về tình dục con người có thể gây ra những tác hại cho xã hội.

Chúng tôi chia sẻ mục tiêu chấm dứt sự phân biệt đối xử bất công và ủng hộ phẩm giá của mỗi con người, và do đó chúng tôi lấy làm tiếc về cách tiếp cận sai lầm trong sắc lệnh hôm thứ Tư liên quan đến phán quyết Bostock.


Source:USCCB

2. Nhận định của Cựu chủ tịch Hạ viện, Newt Gingrich về ý thức hệ giới tính của ông Joe Biden

Cựu chủ tịch Hạ viện, Newt Gingrich, một người theo đạo Công Giáo khi kết hôn với bà Callista Gingrich, nguyên Đại Sứ Mỹ cạnh Tòa Thánh, đã chỉ ra rằng cả ông Joe Biden và bà Nancy Pelosi đều tự xưng là người Công Giáo nhưng khi chủ trương phò phá thai họ không tuân giữ luật Chúa và không hiệp thông với Giáo Hội trong các giáo huấn Công Giáo. Với ý thức hệ giới tính, họ cũng phủ nhận cả Kinh Thánh.

Ý thức hệ giới tính của họ cực đoan đến mức điên loạn. Thật thế, trong lễ khai mạc Quốc Hội thứ 117 của Hoa Kỳ vào hôm Chúa Nhật 3 tháng Giêng vừa qua, Dân Biểu Dân Chủ Emmanuel Cleaver, nguyên là một mục sư Tin Lành, đã đọc lời cầu nguyện xin Thiên Chúa ban cho Tân Quốc Hội sức mạnh để thắng vượt lòng vị kỷ, thiên kiến và ý thức hệ, và hàn gắn các chia rẽ đảng phái trong năm 2020”.

Đầu tiên ông ta nói rất đúng bài bản các lời cầu nguyện thường được đọc trong các nghi thức khai mạc Quốc Hội.

Đoạn cuối cùng hết sức bôi bác và dị thường. Ông mục sư dân biểu này đã tự ý thay đổi lời kết đã thành truyền thống của Kitô giáo hoàn cầu khi ông long trọng đọc: “Chúng con cầu xin nhân danh Thiên Chúa độc thần, Brahma, và vị Thiên Chúa được biết đến dưới nhiều danh xưng, bởi nhiều tín ngưỡng khác nhau. Amen và Awomen”

Thật đáng tiếc, những lời cầu nguyện tốt đẹp ấy đã bị phá hủy bởi lời kết hoàn toàn có tính bôi bác của một dân biểu mục sư.

Nhiều người thuộc các giới tính khác nhau cười nhạo cố gắng tỏ ra phi giới tính của ông dân biểu mục sư Emmanuel Cleaver, vì hai từ cuối cùng “Amen và Awomen”.

Chữ “Amen”, được dùng để kết thúc các lời cầu nguyện thông thường, bắt nguồn từ tiếng Do Thái, có nghĩa là “chắc chắn,” “sự thật” và “Ước gì được như vậy”. Đó là cách giải thích theo nguyên ngữ được giải thích không phải bởi một từ điển, mà là tất cả các sách có thể gọi là tự điển trên thế giới này. Chữ này được bao gồm trong tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp trước khi sau cùng trở thành một phần của tiếng Anh, và mọi ngôn ngữ trên thế giới, bao gồm cả tiếng Việt của chúng ta.

Các nhà phê bình đã tấn công những lời cuối cùng của mục sư dân biểu Cleaver trong phiên khai mạc của Quốc hội, với nhiều chuyên gia đã chỉ trích trên Twitter rằng tính chất cực đoan của đảng Dân Chủ Mỹ đã đi quá trớn đến mức đảng Dân Chủ của Joe Biden đang dẫn dắt nước Mỹ đến chỗ làm trò cười cho thiên hạ

Chủ tịch Hạ viện vừa được bầu lại là Nancy Pelosi, một người tự xưng là Công Giáo, nhưng có thể coi là một thứ giáo gian, gần đây đã đưa ra các quy tắc mới yêu cầu phải có một ngôn ngữ có tính chất phi giới tính trong các tài liệu của Hạ viện. Theo một tuyên bố của Pelosi, các quy tắc sẽ thay đổi việc đề cập đến các đại danh từ và các liên hệ gia đình để chúng trung lập về giới tính.

Các thay đổi nhắm các hạn từ như “con gái”, “đàn ông” và ombudsman, nghĩa là “thanh tra”, nhưng bà ta vẫn còn biết dừng lại không đề cập gì đến chữ “Amen”.

Các nhà phê bình cáo buộc mục sư Emmanuel Cleaver đã đẩy những quy định mới đó đi quá trớn. Cố nhiên, ông ta là một mục sư, ông ta phải biết ý nghĩa của chữ Amen là gì. Khi thêm từ ngữ Awomen, ông ta đã đi quá xa trong một đoạn clip dài 13 giây đã được xem hơn 6 triệu lần.

“Đó không phải là một hạn từ chỉ giới tính”, Dân biểu Guy Reschenthaler, một đảng viên Đảng Cộng hòa, đã tweet như thế cùng với đoạn clip hôm Chúa nhật. Ông viết thêm: “Bất hạnh thay, đối với những người cấp tiến, họ không còn đoái hoài gì đến sự thật. Thật không thể nào tin được”.

Ông Newt Gingrich, tố cáo động thái của Cleaver, như một bằng chứng mới nhất cho thấy Đảng Dân Chủ đã trở nên tả khuynh đến mức cực đoan: “‘Amen và Awomen’ lời cầu nguyện của dân biểu mục sư Hạ viện tập chú hoàn toàn vào sự bình đẳng giới tính đến mức điên loạn.”.

Cleaver đã chia sẻ video cầu nguyện đầy đủ trên tài khoản Twitter của riêng mình hôm Chúa nhật, trong đó, hàng nghìn người đổ dồn vào để chế nhạo những lời kết thúc của ông ta.

LindaRae của Fox News nhận xét “Nói theo kiểu Cleaver, mì Ramen cũng phải là mì Rawomen”.

“Thật là một việc làm ngu xuẩn. Quả buồn khi thấy điều đó diễn ra và biết kết quả cuối cùng là Hiệp Chúng Quốc sẽ tuột khỏi địa vị siêu cường thế giới để chỉ còn là một quốc gia phá sản.”


Source:Global News

3. Tòa Thánh đang giảm dần việc trợ cấp cho một số miền truyền giáo

Đầu tháng này, Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã gửi một lá thư tới các giám mục của khoảng 1,100 lãnh thổ Công Giáo và thông báo về việc giảm dần hỗ trợ tài chính mà họ thường xuyên nhận được từ Vatican.

Các miền Phủ Doãn Tông tòa và các miền Giám Quản Tông Tòa được Vatican coi là lãnh thổ truyền giáo, nên chúng thuộc quyền quản lý của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, và đại đa số đều ở những nơi nghèo nhất trên thế giới.

Theo truyền thống, Vatican ủng hộ các khu vực pháp lý này thông qua “Quỹ Liên Đới Toàn cầu” của các Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo. Nguồn thu nhập chính của quỹ đến từ các khoản đóng góp vào Ngày Chúa Nhật Khánh Nhật Truyền Giáo, được tổ chức hàng năm vào Chúa Nhật thứ hai đến Chủ nhật cuối cùng của tháng Mười. Quỹ này độc lập với Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.

Nhưng một số hội đồng giám mục ở Châu Mỹ Latinh cho biết các sứ thần địa phương đã thông báo việc cắt giảm đáng kể hỗ trợ tài chính của Vatican và đã yêu cầu các giám mục địa phương từ các vùng lãnh thổ không truyền giáo bù đắp khoản chênh lệch.

Tình trạng đại dịch coronavirus là yếu tố chính gây ra thảm cảnh này.


Source:Catholic News Agency