1. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ khích lệ các tín hữu tham gia Tuần cửu nhật cầu nguyện cho sự sống
Thấy trước những hoàn cảnh khó khăn của chính nghĩa phò sinh dưới thời ông Joe Biden, các Giám Mục Hoa Kỳ đã phát động một tuần cửu nhật cầu nguyện cho sự sống con người, bắt đầu từ ngày 21 tháng Giêng, một ngày sau khi ông Joe Biden nhậm chức. Nét mới trong năm nay là các giáo phận trên toàn quốc đang phát hình trực tiếp các sự kiện cầu nguyện mỗi ngày để bảo vệ sự sống của con người.
Trong Giáo Hội Công Giáo, một ‘novena’ hay ‘tuần cửu nhật’ bao gồm những lời cầu nguyện trong chín ngày liên tiếp. Tuần cửu nhật phò sinh này là cơ hội để suy tư và phạt tạ khi chúng ta kỷ niệm phán quyết Roe kiện Wade của Tòa án Tối cao đã đưa việc phá thai trở thành hợp pháp trên toàn nước Mỹ.
Ý định bao trùm của tuần cửu nhật là chấm dứt việc phá thai. Mỗi ý định hàng ngày nêu bật một chủ đề liên quan và đi kèm với những suy tư, thông tin giáo dục và các hành động hàng ngày được đề xuất. Tuần cửu nhật đã bao gồm Ngày cầu nguyện cho sự bảo vệ hợp pháp các trẻ em chưa sinh hàng năm vào ngày 22 tháng Giêng.
Những người tham gia có thể nhận tuần cửu nhật bằng tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha qua email, hoặc truy cập trực tuyến. Những người tham gia có thể chia sẻ các chứng tá ủng hộ sự sống của họ và mời các mạng xã hội của họ cầu nguyện trên phương tiện truyền thông xã hội với hashtag # 9DaysforLife.
Được tài trợ bởi Ủy ban về các hoạt động vì sự sống của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, Tuần Cửu Nhật cho Cuộc sống bắt đầu vào năm 2013 nhân kỷ niệm 40 năm quyết định Roe chống Wade.
Source:USCCB
2. Cách mệnh thành công, triệt hạ được Trump, truyền thông lề phải quay sang triệt hạ lẫn nhau
Trước ngày bầu cử Hoa Kỳ, các phương tiện truyền thông và các mạng xã hội gần như đoàn kết với nhau thành một khối trong một mặt trận chung để quyết tâm tiêu diệt cho bằng được Tổng thống Donald Trump.
Sau khi cách mệnh đã thành công, truyền thông lề phải đang quay sang triệt hạ lẫn nhau.
Ngay đêm trước ngày Joe Biden nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, Fox News đã thông báo sa thải 20 nhân viên trong bộ phận hoạt động kỹ thuật số của mình, nổi bật nhất là biên tập viên chính trị Chris Stirewalt, người đã ngớ người ra khi nhận giấy cho thôi việc.
“Khi chúng tôi kết thúc chu kỳ bầu cử năm 2020, FOX News Digital đã thiết kế lại cơ cấu báo cáo và kinh doanh của mình để đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên mới này”, Fox News giải thích trong một tuyên bố. “Chúng tôi tin tưởng những thay đổi này sẽ bảo đảm cho nền tảng của chúng tôi tiếp tục cung cấp các báo cáo đột phá và phân tích sâu sắc xung quanh các vấn đề lớn, cả trong và ngoài nước”.
Ám ảnh bởi các dự đoán ông Joe Biden sẽ vượt xa Tổng thống Trump, Chris Stirewalt, một thành viên trong ban tường thuật bầu cử của Fox News vào tháng 11 năm ngoái, đã trở thành tâm điểm cho sự giận dữ của giới bảo thủ khi lèo lái Fox News vào một hướng đi sai lầm. Anh ta đã tuyên bố Biden đã thắng Arizona từ lâu trước bất kỳ đối thủ nào của Fox News. Biden cuối cùng đã thắng Arizona, mặc dù vẫn còn những cáo buộc cho rằng kết quả này là do gian lận.
Từ một tiếng nói tương đối trung lập, Chris Stirewalt quay 180 độ sang một đường lối khác. Trong suốt tháng 12 và những tuần đầu của tháng Giêng, chương trình mỗi buổi chiều và buổi tối của Fox News đã thua cả CNN và MSNBC.
Những người từ trước đến nay ủng hộ đảng Dân Chủ vẫn chuộng CNN và MSNBC hơn xa Fox News. Những người ủng hộ Đảng Cộng Hòa gần như là các khán giả duy nhất của Fox News. Giờ đây trừ ra chương trình của nhà bình luận bảo thủ Tucker Carlson là người ít bị ảnh hưởng nhất, các chương trình khác của Fox News đều sa sút. Vì thế, họ không còn cách nào khác hơn là sa thải hàng loạt.
Thật là tiếc cho biên tập viên chính trị Chris Stirewalt. Anh ta là biên tập viên chính trị nhưng chẳng hiểu chính trị là gì đến mức ngớ người ra khi nhận được giấy cho thôi việc.
Source:Life Site News
3. Tội thù hận đức tin: phá hoại nhà thờ chính tòa Ohio còn bắn chết cảnh sát
Đức Cha Daniel Edward Thomas, Giám mục Toledo, Cincinnati đã bày tỏ nỗi buồn của ngài trong một tuyên bố liên quan đến cái chết của hai người trong vụ phá hoại nhà thờ chính tòa Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi của giáo phận.
Vào khoảng 2:30 sáng 18 tháng Giêng, các nhân viên cứu hỏa đã hối hả chạy đến nhà thờ chính tòa vì có người báo cáo về vụ hỏa hoạn đang xảy ra tại công trình kiến trúc 90 năm tuổi ở khu Old West End là khu vực lịch sử của thành phố.
Khi đến nơi các nhân viên cứu hỏa các ngọn lửa đã tàn, nhưng trong khi kiểm tra nhà thờ, họ phát hiện ra những hình vẽ bậy bạ trên tường và vết cháy xém trên cửa chính bằng gỗ.
Căn cứ vào camera an ninh của nhà thờ, cảnh sát xác định nghi phạm là Christopher Harris, 27 tuổi. Harris bị buộc tội phá hoại, và đốt phá nơi thờ tự. Vào khoảng 4 giờ chiều, các thành viên của Đội đặc nhiệm chống băng đảng của sở cảnh sát Toledo nhận ra người thanh niên này bên ngoài một ngôi nhà, nằm cách nhà thờ chưa đầy nửa dặm, và tìm cách tiếp cận anh ta sau khi họ thấy anh ta mang theo súng.
Người đàn ông vào nhà và cảnh sát bắt đầu thương lượng với anh ta khi các viên chức cảnh sát khác khoanh vùng khu vực gần đó. Sau khoảng hai giờ, người đàn ông đã ra khỏi nhà và bắt đầu nổ súng. Một phát bắn trúng cảnh sát viên Brandon Stalker.
Cảnh sát trưởng George Kral cho biết trong một cuộc họp báo là Stalker được đưa ngay vào Trung tâm Y tế St. Vincent do giáo phận điều hành nhưng đã không qua khỏi.
Giao tranh giữa cảnh sát và hung thủ kéo dài suốt 2 tiếng đồng hồ. Cuối cùng, hung thủ Harris đã bị cảnh sát bắn chết.
Trong tuyên bố từ giáo phận Toledo, Đức Cha Daniel Thomas bày tỏ lòng thương tiếc trước cái chết của cảnh sát viên Stalker, và nói rằng giáo phận hiệp nhất trong lời cầu nguyện với gia đình và bạn bè của anh Stalker, và Sở cảnh sát Toledo.
Đức Cha Thomas nói: “Cùng với tất cả những người thiện chí, tôi vô cùng biết ơn sự quảng đại quên mình của những người nam nữ mặc đồng phục, những người hàng ngày liều mình để bảo vệ và phục vụ tất cả chúng ta. Cùng nhau, chúng ta có thể cam kết tăng cường cầu nguyện và hành động để chấm dứt bạo lực và tất cả các nguyên nhân dẫn đến điều đó.”
“Chúng tôi rất biết ơn sự cảnh giác của những người hàng xóm và phản ứng nhanh chóng của những người phản ứng đầu tiên.” Đức Cha Daniel Thomas nói thêm.
Source:National Catholic Register
4. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Liên minh Châu Âu phản đối dự luật buộc các bài giảng phải được dịch ra tiếng Đan Mạch
Hôm thứ Sáu 22 tháng Giêng, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng Giám Mục Luxembourg, hay còn gọi là Lục Xâm Bảo cho rằng một dự luật được đề xuất ở Đan Mạch yêu cầu dịch tất cả các bài giảng sang tiếng Đan Mạch là một mối đe dọa đối với tự do tôn giáo.
Trong một tuyên bố ngày 22 tháng Giêng, ngài nói:
“Trên thực tế, tác động của dự luật sẽ là gây trở ngại không đáng có đối với quyền cơ bản về tự do tôn giáo.”
Trước đó, một phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo Đan Mạch cho biết dự thảo luật yêu cầu tất cả các bài giảng phải được dịch sang tiếng Đan Mạch sẽ gây ác cảm và làm tổn hại đến tự do tôn giáo. Luật này được nữ thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ủng hộ và tích cực vận động như một cách thế để bài trừ các trào lưu khủng bố.
“Luật này chủ yếu nhắm vào người Hồi giáo - những người ủng hộ dự luật nói rằng họ muốn ngăn chặn các xã hội song song và những thứ được rao giảng mà không ai khác hiểu được những điều đó, và có thể được sử dụng để cực đoan hóa và kêu gọi khủng bố,” Sơ Anna Mirijam Kaschner, tổng thư ký và nữ phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Bắc Âu, nói.
Tất cả các cộng đoàn giáo hội hay phi giáo hội, các cộng đoàn Do Thái, mọi thứ chúng ta có ở Đan Mạch - 40 cộng đồng tôn giáo khác nhau - sẽ bị nghi ngờ chung bởi luật này. Có điều gì đó đang xảy ra ở đây và đang phá hoại nền dân chủ,” sơ nói với đài phát thanh Dom có trụ sở tại Köln.
Luật này dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận vào tháng Hai tại quốc hội Đan Mạch.
Sơ Kaschner cho biết luật sẽ yêu cầu các cộng đồng tôn giáo, bao gồm cả Giáo Hội Công Giáo, phải dịch và công bố mọi bài giảng bằng tiếng Đan Mạch. Nói thí dụ, một linh mục Việt Nam giảng cho các giáo dân Việt thì cố nhiên ngài nói bằng tiếng Việt, nhưng nói xong, ngài phải dịch ra tiếng Đan Mạch và công bố bản dịch ấy.
Điều đó đặt ra “những thách thức lớn về tài chính và nhân lực”, Sơ Kaschner cảnh báo và nói thêm rằng những người soạn thảo luật này dường như không biết rằng các bài giảng hình thành “chỉ một phần rất nhỏ” trong các hoạt động tôn giáo.
Sơ Kaschner nói: “Nếu bạn thực sự muốn giải quyết các vấn đề về ngôn từ và thái độ thù địch đối với nhà nước dân chủ, thì tốt hơn hết là bạn nên thể hiện sự đánh giá cao đối với các cộng đồng tín ngưỡng đã cam kết hòa nhập.
Sơ nói: “Luật này chỉ là luật mới nhất trong một loạt các biện pháp kiểm soát lâu dài của nhà nước. “Nó sẽ không có hậu quả gì đối với các cộng đồng tôn giáo Hồi giáo cực đoan, vì họ thậm chí không được công nhận ở đây, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến các cộng đồng nhỏ hơn, bao gồm cả Giáo Hội Công Giáo.”
Đất nước này là nơi sinh sống của 270,000 tín đồ Hồi giáo, với hơn 100 đền thờ Hồi giáo, theo số liệu của chính phủ Đan Mạch.
Người Công Giáo chiếm 1.3% trong tổng số 5,8 triệu dân của Đan Mạch, một quốc gia theo Tin Lành Luther. Các thánh lễ ở Thủ đô Copenhagen, và các khu vực xung quanh thủ đô, được cử hành bằng tiếng Ba Lan, tiếng Anh, tiếng Ukraina, tiếng Croatia, tiếng Chanđê, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Việt và tiếng Đan Mạch.
Source:Catholic News Agency