1. Tòa thánh bãi bỏ yêu cầu dẫn độ cô Cecilia Marogna
Hôm 18 tháng Giêng, khi một tòa án của Ý bắt đầu tiến trình xem xét yêu cầu dẫn độ cô Cecilia Marogna của Tòa Án Quốc Gia Thành Vatican, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Vatican đã quyết định bãi bỏ yêu cầu xem ra có vẻ nặng nề này, xét vì không còn cần thiết nữa.
Toàn văn tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh như sau:
Vào ngày 13 tháng Giêng năm 2021, thẩm phán điều tra của Tòa Án Quốc Gia Thành Vatican, đã chấp nhận yêu cầu của Văn phòng Chưởng Lý là thu hồi biện pháp phòng ngừa đã được áp dụng trước đó đối với cô Cecilia Marogna, người sắp bị xét xử vì cáo buộc tham ô cùng với những người khác.
Bị cáo đã từ bỏ quyền tự bào chữa bằng cách không xuất hiện để bị thẩm vấn trước cơ quan tư pháp Ý, do Chưởng Lý yêu cầu thông qua một thủ tục tư pháp. Cho nên, ý định của sáng kiến này, trong số những thứ khác, là cho phép bị cáo tham gia vào phiên tòa ở Vatican mà không phải chịu các biện pháp phòng ngừa chống lại cô ấy đang được xem xét.
Source:Holy See Press Office
2. Vatican cho biết phiên tòa xét xử người phụ nữ Ý với cáo buộc tham ô sẽ sớm bắt đầu
Cecilia Marogna, 39 tuổi, người Sardinia, quê hương của Đức Hồng Y Angelo Becciu, đã bị cáo buộc chiếm đoạt tiền của Vatican từ các khoản thanh toán hơn 500,000 euro (khoảng 600,000 Mỹ Kim) mà cô nhận được từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thông qua công ty có trụ sở tại Slovenia của cô trong năm 2018 và 2019.
Marogna nói rằng cô ấy đã làm việc cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh với tư cách là một nhà tư vấn và chiến lược an ninh. Cô thừa nhận đã nhận hàng trăm nghìn euro từ Vatican nhưng khẳng định số tiền này là tiền lương và tiền trả cho công việc tư vấn cho Vatican của cô.
Marogna đã bị giam giữ sau khi bị bắt vào ngày 13 tháng 10 theo một lệnh tầm nã quốc tế do Vatican ban hành thông qua Interpol.
Một tòa án phúc thẩm ở Milan hôm 30 tháng 10 đã quyết định thả Marogna khỏi nhà tù San Vittore của thành phố với điều kiện hàng ngày cô phải trình diện với cảnh sát địa phương.
Vào tháng 12, Tòa Giám Đốc Thẩm, là tòa án cao nhất của Ý, đã hủy bỏ yêu cầu của tòa dưới là hàng ngày cô phải trình diện với cảnh sát địa phương.
Truyền thông Ý cáo buộc rằng các khoản tiền dành cho mục đích nhân đạo đã được sử dụng cho các chi phí cá nhân của cô Marogna, bao gồm cả việc lưu trú tại các khách sạn sang trọng và mua sắm các bóp đầm hàng hiệu. Nhưng Marogna khẳng định rằng những món quà đắt tiền này “được dùng để tạo mối quan hệ hợp tác”.
Truyền thông cũng tuyên bố rằng các khoản thanh toán đã được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Đức Hồng Y Angelo Becciu, lúc ấy là “sostituto” tức là Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, hay nhân vật thứ hai tại Phủ Quốc vụ khanh,
Hồng Y Becciu đã từ chức tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh và từ bỏ quyền Hồng Y vào ngày 24 tháng 9, vì có liên quan đến nhiều vụ tai tiếng tài chính có từ thời ngài còn làm việc tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
Trong một tuyên bố báo chí được đưa ra thông qua luật sư của mình vào ngày 7 tháng 10, cựu quan chức thứ ba của Vatican, chỉ sau Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã phủ nhận một loạt các cáo buộc được đưa ra trên các phương tiện truyền thông Ý sau khi ngài được yêu cầu từ chức và từ bỏ các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y một cách đầy kịch tính hôm 24 tháng 9 vừa qua.
Ngài đã bác bỏ cáo buộc được tung ra vào đầu tháng 10, theo đó ngài đã chuyển tiền của Vatican mà không có sự giám sát thích hợp cho một phụ nữ 39 tuổi cư ngụ ở đảo Sardinia, quê hương của ngài.
“Các liên hệ với Cecilia Marogna hoàn toàn chỉ liên quan đến việc công,” vị Hồng Y cho biết trong tuyên bố được đưa ra bởi Fabio Viglione, người đại diện cho ngài sau khi luật sư trước đây của ngài, là Ivano Iai, từ chức.
Source:Catholic News Agency
3. Nhìn lại vụ án Đức Giám Mục Philip Wilson: Đó là một đòn dằn mặt Giáo Hội Công Giáo tại Úc
Trước cái chết của Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson của Adelaide, Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết như sau:
Năm 2002, ngài được mời tham dự một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, vào lúc các giám mục Mỹ đang phải vật lộn để đối phó với làn sóng các vụ lạm dụng giáo sĩ.
Một phát ngôn viên của USCCB vào thời điểm đó cho biết Đức Tổng Giám Mục Wilson được mời vì ngài “khôn ngoan trong các vấn đề đức tin, có kỹ năng lãnh đạo giáo phận và có kinh nghiệm đối phó với vụ tai tiếng cũng như nỗi đau và bất hạnh mà tội ác giáo sĩ gây ra cho các giám mục, người dân và Giáo hội”.
Gần như tất cả các Giám Mục đang tại chức tại Hoa Kỳ đã đến để lắng nghe những ý kiến của Đức Tổng Giám Mục Wilson.
“Ngài đã phải đối mặt với những thách thức tương tự ở đất nước của mình và đã làm như vậy với sự khôn ngoan, phẩm giá và sự tự tin”, tuyên bố của USCCB nhận xét.
Đức Cha Wilson từng là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Úc trong hai nhiệm kỳ, từ năm 2006 đến năm 2010.
Nhiều người cho rằng có lẽ chuyến viếng thăm Hoa Kỳ theo lời mời của USCCB đã khiến các thế lực chống Công Giáo tại Úc chọn ngài làm con dê tế thần trong cuộc săn lùng phù thủy chống lại hàng giáo phẩm Công Giáo.
Tháng Năm 2010, một người bị cha James Fletcher lạm dụng tính dục tố cáo rằng vào năm 1976, anh ta đã xưng tội với cha Wilson là bị cha James Fletcher lạm dụng, nhưng bị ngài nạt ngang.
Tưởng cũng nên biết, Cha Wilson được thụ phong linh mục vào ngày 23 tháng 8, 1975, và ngài chỉ mới về giáo xứ East Maitland, New South Wales làm cha phó cho cha Fletcher được vài tháng, sau khi vụ xưng tội này được cho là xảy ra.
Trước cáo buộc này, Đức Cha Wilson nói rằng ngài không nhớ có ai xưng tội như thế hay không và ngài chỉ ở giáo xứ đó một thời gian ngắn trước khi sang New York du học về môn giáo dục tôn giáo.
Phán quyết kết án Đức Cha Wilson 12 tháng giam giữ tại gia gây chú ý lớn trên thế giới. Kết án một Giám Mục trở thành một chuyện quá dễ dàng. Chỉ cần tuyên bố hồi xửa hồi xưa tôi có xưng tội với ngài nhưng bị ngài nạt ngang là đủ cho ngài gặp trăm phần khốn khó. Vụ kết án Đức Cha Wilson thực chất là một trò dằn mặt hàng giáo phẩm Công Giáo để các ngài phải yên lặng trước các vấn đề xã hội trái ngược luân lý Kitô như phá thai, an tử, và hôn nhân đồng tính. Xa hơn, nó làm nản lòng những ai muốn đáp lại ơn gọi trở thành tư tế; và chung cuộc là giết chết dần mòn Giáo Hội.
Đức Cha Wilson đã đệ đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô và được chấp nhận vào ngày 30 tháng 7 năm 2018.
Ban đầu ngài dự định sẽ quyết định xem có nên từ chức không sau khi đã có kết quả kháng cáo. Tuy nhiên, những ai quen biết với ngài đều biết Đức Cha Wilson luôn nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình.
Phát biểu sau khi từ chức, ngài nói: “Có quá nhiều đau thương và thất vọng đặc biệt là đối với các nạn nhân của cha Fletcher nếu tôi cứ tiếp tục giữ chức vụ Tổng Giám mục Adelaide. Tôi phải kết thúc việc này và do đó tôi đã quyết định rằng việc từ chức của tôi là bước đi thích hợp duy nhất trong hoàn cảnh này”.
Vào tháng 12 năm 2018, một thẩm phán ở Newcastle đã lật lại bản án. Thẩm phán Roy Ellis, khi tuyên bố ngài trắng án, đã nói: “Tôi không ở đây để trừng phạt Giáo Hội Công Giáo vì những hành vi thiếu sót về thể chế, hoặc trừng phạt Philip Wilson vì tội lỗi của James Fletcher hiện đã qua đời, bằng cách kết luận Philip Wilson có tội, chỉ đơn giản trên cơ sở rằng ông là một linh mục Công Giáo”
Source:Catholic News Agency
4. Facebook xóa video bình luận của Hồng Y Mễ Tây Cơ
Facebook đã xóa một video bình luận từ Đức Hồng Y Juan Sandoval Iñiguez của Guadalajara, vì cho rằng video này đã lan truyền thông tin sai lệch về COVID-19.
Semanario Arquidiocesano Guadalajara - dịch vụ thông tin của Tổng giáo phận Guadalajara - đã đăng một ảnh chụp màn hình từ video trên trang Facebook của mình vào ngày 13 tháng Giêng, cùng với văn bản, “Hồng Y Juan Sandoval đã tố cáo việc áp đặt trật tự thế giới mới, vài giờ sau video của ngài đã bị kiểm duyệt”. Cơ quan thông tin của tổng giáo phận cũng đăng video trên trang web thông thường của mình, cùng với một câu chuyện về việc video bị Facebook xóa như thế nào.
Ảnh chụp màn hình cho thấy một thông báo nổi bật, “Thông tin sai lệch: Video này lặp lại thông tin về COVID-19, mà những người kiểm tra thông tin độc lập đã chỉ ra là sai trái”.
Video của Đức Hồng Y Juan Sandoval Iñiguez có tiêu đề “Âm mưu của một trật tự thế giới mới”. Mở đầu Đức Hồng Y Sandoval nói: “Điều này sẽ diễn ra trong một thời gian dài”.
Ngài cảnh giác “Đại dịch này sẽ không kết thúc trong một hoặc hai tháng, có lẽ không phải năm nay, có lẽ không phải sau ba, bốn, năm, hay sáu năm nữa. Đó là những gì những người này muốn”.
Đức Hồng Y bày tỏ quan ngại rằng những kẻ theo thuyết Great Reset, hay Đại Tái Lập đã lấy lý do tình trạng khẩn cấp do đại dịch coronavirus gây ra để đóng cửa các nhà thờ triền miên. Lo ngại của ngài xuất phát từ sự kiện là hồi tháng 5, 2020, trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davao, những người chủ trương thuyết này đã hô hào rằng đại dịch COVID-19 là một cơ hội độc đáo, có một không hai, để thiết lập một trật tự thế giới mới, trong đó loại bỏ ảnh hưởng của Giáo Hội trong đời sống xã hội.
Russell Ronald Reno, chủ biên tờ First Things nhận định trong bài “The Political Power of Big Tech”, nghĩa là “Sức mạnh chính trị của các gã công nghệ khổng lồ” như sau:
Các accounts của Tổng thống Trump đã bị đình chỉ trên các phương tiện truyền thông xã hội. Trong khi đó, Parler, ứng dụng không bị kiểm duyệt để thay thế cho Twitter, đang bị các gã khổng lồ công nghệ bóp nghẹt. Apple và Google xóa ứng dụng Parler khỏi stores của họ và Amazon loại bỏ ứng dụng này khỏi máy chủ của mình. Một nhà báo bảo thủ có lượng người theo dõi lớn trên Twitter báo cáo rằng anh mất 100 người theo dõi mỗi giờ. Anh ngờ rằng mình có thể là nạn nhân của một nỗ lực quyết liệt nhằm thanh trừng toàn diện.
Về mặt kỹ thuật, Twitter và Facebook không vi phạm luật khi kiểm duyệt nội dung, giống như Amazon từ chối cung cấp dịch vụ cho Parler (hoặc bất kỳ ai mà họ muốn). Luật pháp của chúng ta coi các thực thể này là doanh nghiệp tư nhân, tự do liên kết và ký hợp đồng với bất kỳ ai họ muốn. Nhưng với sự kiểm soát gần như tuyệt đối của họ trên phương diện thông tin, cách hành động của họ chung cuộc đặt vào tay họ quyền quyết định giới hạn tự do ngôn luận cho toàn xã hội. Theo nghĩa thực tế, họ đang hình thành luật pháp cho cả đất nước, và cả thế giới mặc dù về mặt kỹ thuật họ đang hành động như các tư nhân.
Source:First Things