1. Sắc lệnh hành pháp cuối cùng của tổng thống Trump tôn vinh các vị Thánh Công Giáo trong khu vườn của các anh hùng Mỹ
National Garden of American Heroes, hay Vườn Quốc Gia Các Anh Hùng Hoa Kỳ, sẽ bao gồm các bức tượng của nhiều nhân vật Công Giáo nổi bật, bao gồm năm vị thánh và rất nhiều người đang trong tiến trình tuyên thánh.
Tổng thống Donald Trump đã thông báo như trên trong một sắc lệnh hành pháp cuối cùng vào ngày 18 tháng Giêng rằng một khu vườn sẽ được xây dựng để “phản ánh vẻ đẹp lộng lẫy tuyệt vời của những con người kiệt xuất bất diệt của đất nước chúng ta”, và để đáp ứng với tình trạng phá hoại nhiều bức tượng trong mùa hè năm 2020.
“Trên mảnh đất của Vườn Quốc gia, sự tàn phá và bất hòa của thời điểm này sẽ được khắc phục với tình yêu tổ quốc và lòng yêu nước trường tồn”, tổng thống Trump nói. “Nước Mỹ đang phản ứng lại sự lật đổ bi thảm các tượng đài của thế hệ sáng lập và những vĩ nhân trong quá khứ của chúng ta bằng cách bắt đầu một dự án quốc gia mới để trùng tu, tôn kính và kỷ niệm các vĩ nhân này”.
Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump bao gồm một danh sách những vĩ nhân sẽ được giới thiệu trong công viên; Tổng thống Trump gọi những nhân vật này là những người thể hiện “tinh thần táo bạo và bất chấp của người Mỹ, sự xuất sắc và mạo hiểm, lòng dũng cảm và sự tự tin, lòng trung thành và tình yêu”.
“Làm kinh ngạc thế giới bởi sức mạnh tuyệt đối trong tấm gương của các ngài, mỗi vị trong danh sách này đã đóng góp vào lịch sử cao quý của nước Mỹ, và những chương hay nhất vẫn còn tiếp diễn”.
Trong số những vị được tưởng niệm trong Vườn Quốc gia của các Anh hùng Hoa Kỳ có Thánh Elizabeth Ann Seton, vị thánh đầu tiên của Hoa Kỳ; Thánh Katharine Drexel, công dân Hoa Kỳ được sinh ra trên đất Mỹ đầu tiên được phong thánh; Thánh John Neumann; và Thánh Junipero Serra, vị thánh đầu tiên được phong thánh trên đất Hoa Kỳ.
Bậc đáng kính Fulton Sheen và Bậc đáng kính Augustus Tolton, một trong những linh mục da đen đầu tiên ở Hoa Kỳ, cũng như Tôi Tớ Chúa Dorothy, sẽ được vinh danh.
Danh sách các vị được vinh danh cũng bao gồm Đức Tổng Giám Mục John Carroll, tổng giám mục Công Giáo đầu tiên ở Hoa Kỳ, người sáng lập Cuộc Tuần Hành Phò Sinh Nellie Gray, Cha Thomas Merton, nhà thơ và nhà hoạt động và Cha John P. Washington, một tuyên úy quân đội Hoa Kỳ đã hy sinh khi cứu những người lính trên tàu Dorchester bị chìm trong Thế chiến thứ hai.
Không phải tất cả mọi người trong danh sách đều là công dân Hoa Kỳ, hoặc thậm chí đã sống ở nơi ngày nay là Hoa Kỳ. Christopher Columbus hay Kha Luân Bố, mà những bức tượng của ngài thường được nhắm đến trong mùa hè năm 2020, sẽ được vinh danh trong Vườn quốc gia của các anh hùng Mỹ.
Tổng thống Trump nói trong sắc lệnh hành pháp rằng: “Vườn Quốc gia sẽ ghi danh những anh hùng xứng đáng được vinh danh, ghi nhận và được tôn vinh lâu dài vì những trận chiến mà họ đã giành chiến thắng, những ý tưởng mà họ vô địch, những căn bệnh mà họ đã chữa khỏi, những sinh mạng mà họ đã cứu được, những đỉnh cao mà họ đạt được và những hy vọng họ đã truyền lại cho tất cả chúng ta - một dân tộc Mỹ tin tưởng vào Chúa, không có thách thức nào không thể vượt qua và không có giấc mơ nào nằm ngoài tầm với của chúng ta,”
Source:Catholic News Agency
2. Joe Biden mời các nhà lãnh đạo Quốc Hội đến tham dự buổi lễ ở nhà thờ trước lễ nhậm chức
Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết ông Joe Biden đã mời các nhà lãnh đạo quốc hội cả Dân chủ lẫn Cộng hòa tham dự một buổi lễ với ông vào sáng thứ Tư trước lễ nhậm chức.
Buổi lễ diễn ra tại nhà thờ chính tòa Thánh Matthêu Tông Đồ ở trung tâm thủ đô Washington. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Lãnh đạo thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy, Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell, và Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer tham gia trong buổi lễ này.
Biden là người Công Giáo thứ hai giữ chức tổng thống Hoa Kỳ, sau John F. Kennedy. Bản thân Pelosi cũng là một người Công Giáo.
Người phát ngôn của Tổng giáo phận Washington đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của CNA, đặc biệt là câu hỏi rằng buổi lễ này có phải là một thánh lễ hay không. Tổng giáo phận Washington chỉ nói mơ hồ đây là một “church service”, một từ tổng quát có thể hiểu là một thánh lễ hay một buổi Phụng Vụ Lời Chúa. Câu hỏi này cho thấy các quan sát viên quan tâm đến vấn đề là liệu ông Joe Biden có được cho rước lễ hay không trong buổi lễ này.
Mary FioRito của Trung Tâm Đạo Đức và Chính Sách Công Cộng giải thích lý do cho mối quan tâm này như sau: “Vấn đề không chỉ đơn thuần là một kỷ luật bí tích của Giáo Hội bị phá vỡ. Nó còn đi xa hơn nữa.”
Đối với tuyệt đại đa số các tín hữu Kitô, các giới răn Chúa có tính khách quan và phổ quát. Bất kể tôi là ai, tôi phải thảo kính cha mẹ, tôi không được gian dâm, tôi không được muốn vợ chồng người.
Tuy nhiên, có một thiểu số Kitô hữu, những người theo thuyết Neo-Pelagian, tiếng Việt gọi là Tân Pelagiô, cho rằng Thiên Chúa không thể thử thách con người những gì là không thể. Những người nhiệt thành bênh vực cho những hành động đồng tính, chẳng hạn. Họ nói những người này chịu hấp lực đồng tính, bắt họ kiêng khem tình dục đồng giới là điều không thể. Thiên Chúa không thể thử thách con người những gì là không thể nên hành vi tình dục đồng giới của họ là OK.
Biden cũng có cùng một cách nhận thức như thế. Ông ta cho rằng có những hoàn cảnh nhất định mà người phụ nữ không thể không phá thai: nghèo túng, đông con, có thai ngoài hôn nhân, có thai vì ngoại tình…Trong những trường hợp như thế giữ cái thai là điều không thể. Thiên Chúa không thể thử thách con người những gì là không thể nên phá thai trong các trường hợp như thế là OK.
Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần chỉ ra sai lầm của thuyết Tân Pelagiô là họ không đánh giá cao ân sủng là điều có thể giúp chúng ta tuân giữ luật Chúa ngay cả trong các hoàn cảnh khó khăn. Họ tìm cách tương đối hóa luật Chúa, đưa ra một lòng thương xót giả mạo, mà chung cuộc giết chết phần hồn của người ta, và thảm sát các thai nhi vô tội.
Trong khi đó, những người như Biden và linh mục James Martin cho rằng cách nghĩ của họ là “nhân văn”, tiến bộ, giàu lòng thương xót; còn cách nghĩ của người Công Giáo tuân giữ giới răn Chúa là “giáo điều”, vụ luật. Chính vì thế, hy vọng ông Joe Biden không cuồng nhiệt phò phá thai là một hy vọng không có cơ sở. Ông ấy xác tín như thế là đúng nên không lấn cấn trong lương tâm. Khó khăn của chúng ta còn nằm ở chỗ luận lý của họ rất được giới trẻ tán thưởng.
Vì thế, Mary FioRito cảnh báo rằng cho ông Joe Biden rước lễ không chỉ đơn thuần là vi phạm một kỷ luật bí tích của Giáo Hội, mà nó còn là một hình thức “chuẩn y” luận lý tai hại của thuyết Tân Pelagiô.
McConnell và Schumer sẽ chuyển đổi vai trò lãnh đạo Thượng viện sau khi đảng Dân chủ giành được đa số tại Thượng viện. Hai Thượng nghị sĩ Dân chủ mới đắc cử của Georgia là Jon Ossoff và Raphael Warnock sẽ tuyên thệ nhậm chức tại Thượng viện vào thứ Tư, cùng với Alex Padilla của California, người được bổ nhiệm thay thế Kamala Harris tại Thượng viện.
Source:Catholic News Agency
3. Những sắc lệnh hành pháp đầu tiên của ông Joe Biden là gì?
Hôm thứ Bẩy 16 tháng Giêng, trong thông báo được phát cho giới báo chí, Ron Klain, tân chánh văn phòng của ông Joe Biden cho biết trong ngày đầu tiên, Joe Biden sẽ ký khoảng một tá các sắc lệnh nhằm hủy bỏ các di sản của Tổng thống Donald Trump.
Các hành động được thực hiện vào thứ Tư bao gồm việc tái gia nhập hiệp định khí hậu Paris, đảo ngược lệnh cấm đi lại đối với một số quốc gia có đa số dân là người Hồi Giáo, cũng như bắt buộc đeo khẩu trang y tế trong khi du lịch liên tiểu bang và tại các cơ sở liên bang.
Hầu hết các biện pháp là đảo ngược các chính sách mà Tổng thống Trump theo đuổi nhưng không cần sự phê chuẩn của quốc hội.
Như đã từng hứa hẹn trong khi tranh cử, ngay trong tuần lễ đầu tiên, ông Joe Biden cũng sẽ huỷ bỏ Chính Sách Mexico City, một chính sách phò sinh ở bình diện quốc tế.
Chính Sách Mexico City do Tổng Thống Donald Reagan đưa ra vào năm 1984, và được công bố tại Hội Nghị Quốc Tế về Dân Số, họp tại Mexico City. Chính Sách Mexico City minh định rằng các tổ chức phi chính phủ ở ngoại quốc không được nhận tài trợ của liên bang nếu họ thi hành hay cổ vũ các vụ phá thai như một phương pháp kế hoạch hóa gia đình.
Mất nguồn tài trợ lớn lao này là một tổn thất rất lớn đến mức đe dọa sự sống còn của các tổ chức phá thai, cho nên các tổ chức này thường đặt điều kiện là phải hủy bỏ chính sách này nếu muốn nhận được tài trợ của họ khi tranh cử.
Nói một cách tổng quát, các tổng thống vừa nhậm chức thường hủy bỏ hay tái lập chính sách này ngay trong tuần lễ đầu mới nhậm chức, để biểu lộ chủ trương của mình về phá thai hay chống phá thai.
Tổng Thống Bill Clinton đã hủy bỏ chính sách này ngày 22 tháng Giêng, 1993. Tổng Thống George W. Bush tái lập nó ngày 22 tháng Giêng. Tổng Thống Barack Obama một lần nữa đã hủy bỏ nó ngày 23 tháng Giêng, 2009, bất chấp các chỉ trích nặng nề của Vatican.
Ngày thứ Hai, 23 tháng Giêng, 2017, tức Ngày Cầu Nguyện cho việc Bảo Vệ Các Trẻ Em Chưa Sinh Ra, và một ngày sau ngày kỷ niệm phán quyết phá thai Roe v. Wade, Tổng Thống Trump đã ký sắc lệnh phục hồi Chính Sách Mexico City.
Source:Reuters
4. Linh mục Công Giáo ở Nigeria đã chết sau khi bị bắt cóc
Thi thể của một linh mục Công Giáo được phát hiện ở Nigeria hôm thứ Bảy 16 tháng Giêng, chỉ một ngày sau khi ngài những kẻ có vũ trang bắt cóc.
Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã báo cáo vào ngày 18 tháng Giêng rằng Cha John Gbakaan “được cho là đã bị hành quyết bằng một con dao rựa một cách tàn bạo đến mức rất khó mới nhận dạng được là ngài”.
Vị linh mục của giáo phận Minna, thuộc Vành đai Trung Bộ Nigeria, đã bị tấn công bởi những người vũ trang không rõ danh tính vào tối ngày 15 tháng Giêng. Ngài đang đi cùng em trai mình dọc theo con đường từ Lambata đến Lapai ở bang Niger sau chuyến về thăm mẹ của hai anh em ở Makurdi, Bang Benue.
Fides báo cáo rằng những kẻ bắt cóc lúc đầu yêu cầu 30 triệu naira (khoảng 70,000 Mỹ Kim) để trả tự do cho hai anh em, sau đó giảm con số xuống còn 5 triệu naira (khoảng 12,000 Mỹ Kim).
Truyền thông địa phương cho biết thi thể của vị linh mục được tìm thấy bị trói vào gốc cây vào ngày 16 tháng Giêng. Chiếc xe của ngài, một chiếc Toyota Venza, cũng đã được tìm thấy. Em trai của ngài đến nay vẫn chưa tìm được tung tích.
Sau vụ sát hại Cha Gbakaan, các nhà lãnh đạo Kitô Giáo đã kêu gọi chính phủ liên bang Nigeria hành động để ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào các giáo sĩ.
Truyền thông địa phương dẫn lời Linh mục John Joseph Hayab, Phó chủ tịch Hiệp hội Kitô Giáo Nigeria ở miền bắc Nigeria, cho biết: “Chúng tôi chỉ đơn giản là cầu xin chính phủ liên bang và tất cả các cơ quan an ninh làm bất cứ điều gì có thể để đưa tệ nạn này đến chỗ dừng lại”.
“Tất cả những gì chúng tôi đang yêu cầu từ chính phủ là bảo vệ chúng ta khỏi những kẻ xấu xa đang hủy hoại cuộc sống và tài sản của công dân”.
Vụ việc này là vụ mới nhất trong hàng loạt vụ bắt cóc các giáo sĩ ở quốc gia đông dân nhất Phi châu.
Vào ngày 27 tháng 12, Đức Cha Moses Chikwe, Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận Owerri, đã bị bắt cóc cùng với người lái xe của mình. Ngài được thả sau năm ngày bị giam cầm.
Source:Catholic News Agency
5. Tuyên bố của Tòa Thánh về tuần tĩnh tâm Mùa Chay năm nay của Giáo triều Rôma
Tuần tĩnh tâm của giáo triều Rôma đã được khởi xướng từ năm 1929 dưới triều Đức Giáo Hoàng Piô XI. Trong thời gian đầu giáo triều dự tĩnh tâm vào Mùa Vọng. Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã đổi sang tĩnh tâm vào tuần thứ nhất Mùa Chay.
Theo thông lệ dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh sẽ rời Vatican đi tĩnh tâm tại trung tâm “Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) của tu đoàn thánh Phaolô ở Ariccia, cách Roma khoảng 30 cây số về hướng nam.
Tuy nhiên, năm nay do đại dịch coronavirus vẫn tiếp tục kéo dài, hôm thứ Tư 20 tháng Giêng, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã ra thông báo cho biết như sau:
Do tình trạng khẩn cấp về sức khỏe vẫn còn kéo dài, năm nay sẽ không thể sinh hoạt chung trong các buổi tĩnh tâm của Giáo triều Rôma tại trung tâm Nhà Thầy Chí Thánh ở Ariccia. Do đó, Đức Thánh Cha đã mời các vị Hồng Y cư trú tại Rôma, các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, và các vị Bề trên trong Giáo triều Rôma tham dự tuần tĩnh tâm cầu nguyện, từ chiều Chúa nhật 21 đến Thứ Sáu ngày 26 tháng 2, do ngài đích thân hướng dẫn.
Tất cả các chương trình của Đức Thánh Cha sẽ bị đình chỉ trong tuần đó, kể cả buổi Tiếp kiến Chung vào ngày Thứ Tư 24 tháng Hai.
Source:Holy See Press Office