1. Nghĩa cử cao đẹp cuối cùng Tổng thống Trump có thể làm được cho Việt Nam
Cú đấm cuối cùng của chính quyền Trump dành cho Trung Quốc và các công ty của họ
Chính quyền Trump trong những ngày cuối đã tung một đòn nữa đối với Trung Quốc và các công ty lớn nhất của họ vào thứ Năm, áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các cán bộ và công ty nào bị cáo buộc có hành vi sai trái ở Biển Đông và áp đặt lệnh cấm đầu tư đối với 9 công ty khác.
Các giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhà nước, các cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc và quân đội, cùng với tập đoàn dầu mỏ khổng lồ CNOOC sẽ phải đối mặt với những hạn chế mới vì cáo buộc sử dụng biện pháp cưỡng bức đối với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
“Hoa Kỳ luôn sát cánh với các quốc gia Đông Nam Á nào đang tìm cách bảo vệ các quyền và lợi ích chủ quyền của họ, phù hợp với luật pháp quốc tế”, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói trong thông báo về các lệnh trừng phạt.
Pompeo cho biết Washington đang áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và các cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc và hải quân.
Ông nói, các hạn chế cũng có thể áp dụng cho các thành viên trong gia đình.
Bộ Thương mại cáo buộc CNOOC quấy rối và đe dọa hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông, “với mục tiêu gây rủi ro chính trị cho các đối tác nước ngoài quan tâm, trong đó có Việt Nam.”
2. Tổng thống Mễ Tây Cơ chống lại việc Twitter đóng account của Tổng thống Trump
Tổng thống Mễ Tây Cơ hôm thứ Năm tuyên bố sẽ dẫn đầu một nỗ lực quốc tế để chống lại những gì ông cho là chính sách kiểm duyệt của mạng truyền thông xã hội đã chặn rồi cuối cùng đình chỉ tài khoản của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chính quyền của Tổng thống Andrés Manuel López Obrador đang liên hệ với chính phủ khác để thành lập một mặt trận chung về vấn đề này.
“Tôi có thể nói với bạn rằng tại cuộc họp G20 đầu tiên mà chúng tôi có mặt, tôi sẽ đưa ra một đề xuất về vấn đề này,” López Obrador nói. “Đúng vậy, mạng xã hội không nên được sử dụng để kích động bạo lực và tất cả những điều đó, nhưng điều này không thể được sử dụng như một cái cớ để đình chỉ quyền tự do ngôn luận.”
“Làm thế nào một công ty có thể hoạt động như thể nó là là một cơ chế đầy thế lực, toàn năng, như một loại Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha về những gì được đưa lên?” ông đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Đối ngoại Marcelo Ebrard cho biết Mễ Tây Cơ đang bắt đầu xây dựng một chiến dịch quốc tế xung quanh vấn đề này.
“Vì Mễ Tây Cơ, thông qua tổng thống của chúng tôi, đã lên tiếng, chúng tôi đã ngay lập tức liên hệ với những người khác có cùng suy nghĩ”, Ebrard nói, lưu ý rằng họ đã lắng nghe các quan chức ở Pháp, Đức, Liên minh châu Âu, châu Phi, Mỹ Latinh và Đông Nam Á.
“Lệnh của tổng thống là liên hệ với tất cả họ, chia sẻ mối quan tâm này và làm việc để đưa ra một đề xuất chung,” Ebrard nói. “Chúng tôi sẽ xem những gì được đề xuất.”
Thủ tướng Đức Angela Merkel nằm trong số những người đã công khai chỉ trích hành động chống lại Tổng thống Trump của các mạng xã hội. Người phát ngôn của bà cho biết hôm thứ Hai, nhà lãnh đạo Đức nhận thấy “có vấn đề” khi các nhà quản lý công ty có thể từ chối quyền truy cập của ai đó theo các quy tắc không được pháp luật xác định.
Thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki, sau đó đã kêu gọi các quy định mới sẽ chi phối việc sử dụng Facebook, Twitter và Instagram ở Liên minh châu Âu. Ông nói rằng “chủ sở hữu của các công ty khổng lồ không nên quyết định quan điểm nào là đúng và quan điểm nào là không đúng.”
3. Thống đốc tiểu bang South Dakota dự định ban hành luật bảo vệ sự sống các thai nhi mang bệnh Down
Thống đốc South Dakota, Kristi Noem hôm thứ Ba ngày 12 tháng Giêng nói bà đang mong muốn cơ quan lập pháp của tiểu bang thông qua một dự luật ngăn cấm việc phá thai dựa trên chẩn đoán hội chứng Down.
Vị thống đốc từng nổi tiếng với lời khẳng định cứng rắn vào năm ngoái “họ không thể làm chuyện đó khi tôi còn canh giữ” khi có lời hăm doạ sẽ cho nổ tung các bức tượng 5 vị tổng thống Mỹ trên ngọn núi Mt Rushmore ở tiểu bang South Dakota sau khi hiệu ứng domino của biến cố George Floyd lan ra khắp nơi. Bà Noem, thuộc đảng Cộng Hoà, là một người theo đạo Tin Lành, và có chủ trương phò sinh quyết liệt. Nhân cơ hội đoạt giải hoa hậu sắc đẹp vào năm 1990, bà có cơ hội đi thuyết giảng khắp nơi và tham gia vào chính trường tiểu bang, tranh đấu cho giá trị truyền thống của gia đình, góp phần đem công ăn việc làm cho người dân bản xứ. Nhờ vậy bà đã đắc cứ thống đốc tiểu bang South Dakota vào tháng Giêng năm 2019.
Liên quan đến dự luật bảo vệ sự sống của thai nhi mang triệu chứng bệnh Down, thống đốc Noem nói trong buổi đàm luận trên đài Fox News với vợ chồng cựu dân biểu Sean Duffy của tiểu bang Wisconsin rằng “mạng sống nào cũng đáng quý, bất kể hoàn cảnh của gia đình họ như thế nào.”
Người vợ của dân biểu Duffy, Bà Campos-Duffy, cũng là một cộng tác viên của Fox News, đã bày tỏ sự trân trọng dành cho chủ trương phò sinh của thống đốc Noem, và dự tính biến lời nói của mình thành hành động, cụ thể qua dự luật cấm phá thai hài nhi bệnh Down sắp hình thành.
“Tôi không cho đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi bà là một người mẹ, và (dự luật) này đang được hình thành bởi một người mẹ làm thống đốc. Tôi chỉ muốn nói với bất kỳ phụ nữ nào bị chẩn đoán (có con mang bệnh Down, người nào từng được bác sĩ gọi báo tin đó giống như tôi rằng, bé Valentina (con gái bị bệnh Down của ông bà Duffy) đã mang lại cho tôi nhiều niềm vui và niềm tự hào như bất kỳ đứa con nào khác của mình. Bé là người Mỹ và bé cũng có quyền được sống như tất cả mọi người. “ Bà Campos Duffy nói.