CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG
Chứng nhân niềm vui Tin Mừng
Is 61,1-2a.10-11; 1 Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28

Với Chúa Nhật III Mùa Vọng, chúng ta đang tiến gần tới đại lễ Giáng Sinh. Khắp nơi đã bừng lên bầu khí Giáng Sinh với việc trang hoàng hang đá, cây thông, đèn điện nơi thành phố cũng như thôn quê. Tất cả đều diễn tả niềm vui Giáng Sinh.

Cùng với bầu khí đó, theo truyền thống, Chúa Nhật III này được gọi là Chúa Nhật của niềm vui: “Gaudate in Domino Semper – Hãy vui luôn trong Chúa.” Lời Chúa mời gọi chúng ta suy tư về chủ đề xuyên suốt các bài đọc: “Chứng nhân cho niềm vui.”

1- Tiên báo và chứng nhân niềm vui

Trong bài đọc I, trích sách tiên tri Isaia, Đấng Mêsia được miêu tả như là người được xức dầu bởi Thần Khí và được sai đi để làm chứng nhân cho niềm vui cứu độ. Nhờ việc xức dầu và sai đi này, Đấng Mêsia đến để “loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa” (Is 61,1-2). Như thế, theo lời ngôn sứ, Đấng Mêsia là người mang niềm vui của Thiên Chúa cho nhân loại.

Tin Mừng giới thiệu Gioan Tẩy Giả là chứng nhân cho ánh sáng và niềm vui. Ánh sáng và niềm vui đó chính là Chúa Giêsu. Ông xuất hiện như một dấu hỏi lớn cho dân chúng. Người ta cứ tưởng ông là Đấng Kitô. Nhưng ông thẳng thắn trả lời: Tôi không phải là Đấng Kitô. Tôi chỉ là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Người đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người (x. Ga 1,19-28).

2- Chúa Giêsu, niềm vui đích thực

Như thế, những lời tiên báo của Isaia nay đã được ứng nghiệm. Đấng Mêsia mà dân Chúa đang mong đợi chính là Đức Giêsu, Người mang niềm vui và chính là niềm vui của Thiên Chúa. Thật vậy, Con Thiên Chúa làm người là Tin Mừng lớn nhất cho nhân loại. Người đến để giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi và mang lại ơn cứu độ cho mọi người. Đó là niềm vui lớn lao nhất! Bởi thế, giáo phụ Origene quả quyết: Chúa Giêsu vừa là Tin Mừng, vừa là nội dung Tin Mừng.

Chúng ta cần suy tư xa hơn: ơn cứu độ mà chúng ta có được không phải nhờ những thành tựu khoa học, kỹ thuật, cũng không phải do của cải vật chất, hay ý thức hệ mang lại, nhưng một cách chính yếu, là do ân sủng của Thiên Chúa ban tặng qua Đức Kitô. Thế nên, Kitô giáo căn bản là “tin mừng” hay “tin vui,” dẫu một số người như Nietzche cho rằng Kitô giáo là sự cản trở niềm vui, bởi vì họ thấy trong đó một loạt những điều cấm chế và luật lệ. Trong thực tế, Kitô giáo là lời loan báo về chiến thắng của ân sủng trên tội lỗi, về sự sống trên sự chết. Và nếu Kitô giáo đòi hỏi sự hy sinh và kỷ luật của lý trí, con tim và cách hành xử, điều đó là chính đáng, bởi vì trong con người luôn có những gốc rễ ích kỷ và độc tố tội lỗi vốn làm cho chúng ta phải buồn phiền vì đánh mất niềm vui đích thực.

Như thế, Chúa Giêsu là niềm vui của nhân loại, là niềm vui của Hội Thánh và của mỗi người chúng ta. Niềm vui đó phát xuất từ trong sâu thẳm nhất của con người, mà không có gì và không ai có thể lấy đi được. Chúng ta được mời gọi chia sẻ niềm vui này với mọi người.

3- Làm sao để làm chứng cho niềm vui

Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể làm chứng cho Chúa chính là niềm vui? Trong bài đọc II, qua lời nhắn nhủ các tín hữu Thêxalônica (1 Tx 5,16-24), thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng trong khi đón chờ Chúa đến, chúng ta phải làm chứng cho Chúa bằng sống một cuộc đời thánh thiện và xa lánh những gì xấu xa. Thánh Tông Đồ đưa ra ba việc quan trọng cần làm: Trước hết, anh em hãy vui luôn trong Chúa, nghĩa là hãy trải nghiệm niềm vui, rồi mới có thể chia sẻ niềm vui; Thứ đến, hãy cầu nguyện không ngừng: nghĩa là để có niềm vui thực sự, phải luôn kết hợp và sống thân tình với Chúa qua đời sống cầu nguyện; Thứ ba, hãy luôn có tâm tình tạ ơn trong mọi hoàn cảnh và đừng dập tắt Thần Khí. Tức là hãy để cho Thánh Thần hướng dẫn.

Ở bài Tin Mừng, Gioan Tẩy Giả được giới thiệu như là kiểu mẫu của một chứng nhân niềm vui. Chúng ta cần học nơi ông về đời sống đơn giản, khó nghèo và khổ chế, để dám lội ngược dòng của cuộc sống đang chạy theo sự xa hoa và hưởng lạc trần thế. Gioan Tẩy Giả còn thể hiện những phẩm tính của một chứng nhân đích thực: đó là tính chân thật, khiêm tốn và can đảm khi làm chứng rằng chỉ Chúa mới mang lại cho con người niềm vui đích thực.

Vì thế, trong Mùa Vọng này, chúng ta được mời gọi hãy đến, kết hợp với Chúa để đón nhận niềm vui và mang niềm vui đó cho tha nhân, nhất là cho những ai nghèo khổ, bằng những việc làm cụ thể, như thăm viếng người bệnh tật, an ủi kẻ cô đơn không nơi nương tựa, giúp đỡ những ai đói rách, và chào hỏi những ai chúng ta gặp gỡ hằng ngày với nét mặt vui tươi trong Chúa. Đó là cách thế tốt nhất để chúng ta mừng đại lễ và chia sẻ niềm vui Con Chúa Giáng Sinh. Amen

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/