1. Bitter Winter: Yên chí đã hạ gục được Donald Trump, hết đối thủ là người sống, Tập Cận Bình quay sang tấn công kẻ chết

Trong tiểu thuyết Kim Dung và trong các phim kiếm hiệp của Tầu, có một nhân vật được gọi là “Độc Cô Cầu Bại”. Hắn ta đánh bại mọi anh hùng hảo hán trong giới giang hồ, nên luôn khát khao tìm một đối thủ có thể đánh gục mình, gọi là “Độc Cô Cầu Bại” là vì thế.

Massimo Introvigne là một học giả Ý nổi tiếng về các vấn đề Trung Hoa. Ông từng là chủ tịch của Đài quan sát Tự do Tôn giáo, do Bộ Ngoại giao Ý thành lập nhằm theo dõi các vấn đề về tự do tôn giáo trên phạm vi toàn thế giới.

Trong bài viết mới nhất đăng trên tờ Bitter Winter, nghĩa là “Mùa Đông Khắc Nghiệt”, một tạp chí chuyên nghiên cứu về tình trạng bách hại và vi phạm tự do tôn giáo tại Trung Quốc, Massimo Introvigne cho rằng ngày nay Tập Cận Bình cảm thấy không ai còn sống trên cõi đời này có thể được xem là đối thủ của mình. Thành ra, Đại Đế Tập Cận Bình, một thứ Độc Cô Cầu Bại của thời đại mới cảm thấy hết đối thủ là người sống, chính vì thế hắn quay sang tìm đối thủ trong số những người đã chết. Massimo Introvigne cho biết Tập Cận Bình đang chiến đấu với kẻ thù mới là Thành Cát Tư Hãn.

Ở Nội Mông, các bia đá về vị hoàng đế vĩ đại này đã bị tạt sơn hoặc thậm chí bị phá hủy ở Hô Luân Bối Nhĩ và chân dung của ông bị xóa khỏi trường học, trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc cố gắng viết lại lịch sử.

Tập Cận Bình vừa tìm ra kẻ thù mới để “thanh lý”: Đó là Thành Cát Tư Hãn, người sáng lập một đế chế với diện tích lớn nhất trong lịch sử nhân loại vào thế kỷ thứ 13. Thành Cát Tư Hãn chắc chắn không phải là một con người của hòa bình, nhưng tội lỗi chính của ông ta đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc gồm hai tội danh chính này: ông ấy người Mông Cổ và đã nhiều lần đánh bại các hoàng đế Trung Quốc.

Cho đến gần đây, ký ức về Thành Cát Tư Hãn vẫn là niềm tự hào đối với người dân sống ở Nội Mông, và Bảo tàng Nội Mông ở Hô Hồ Hạo Đặc đã tập hợp một bộ sưu tập các tài liệu và các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng quốc tế đề cập đến đến nhà chinh phạt vĩ đại này.

Tuy nhiên, Tập Cận Bình đang làm cho mọi thứ phải thay đổi. Một mặt, chủ tịch Trung Quốc đang cố gắng viết lại lịch sử, hạ thấp tất cả các yếu tố và nhân vật trong lịch sử Trung Quốc không phải là người Hán. Mặt khác, Tập Cận Bình cũng tin rằng đã đến lúc phải “vô hiệu hóa” Nội Mông và xóa sổ ngôn ngữ Mông Cổ, cũng như văn hóa Mông Cổ, trong đó Thành Cát Tư Hãn là một biểu tượng. Trong các cuộc biểu tình phản đối luật mới nhằm hạn chế việc sử dụng ngôn ngữ Mông Cổ ở các trường học trong các khu vực ở Nội Mông, các học sinh và sinh viên đã tự hào lưu giữ những bức chân dung của Thành Cát Tư Hãn.

Các sinh viên ở Nội Mông đã thách thức Đảng Cộng sản Trung Quốc bằng cách giương cao một bức chân dung của Thành Cát Tư Hãn trong buổi lễ Quốc khánh Trung Quốc hôm 1 tháng 10 vừa qua.

Bitter Winter được biết rằng để trả thù cho vụ này, trong một tháng qua, mười bốn tấm bia đá tóm tắt câu chuyện về cuộc đời của Thành Cát Tư Hãn và những thành tựu của ông đã bị tạt sơn hoặc phá hủy tại Quảng trường Thành Cát Tư Hãn ở quận Hải Lạp Nhĩ của thành phố cấp tỉnh Hô Luân Bối Nhĩ, ở Nội Mông, bất kể các cuộc biểu tình của người dân địa phương. Bitter Winter đang nắm trong tay các tài liệu đã xảy ra ở Hô Luân Bối Nhĩ qua các hình ảnh độc quyền.

Bitter Winter cũng được biết rằng tại một trường trung học ở Hải Tây Đằng Kỳ Xí thuộc quyền quản lý của thành phố Đầu Nhi cũng ở Nội Mông, chân dung của Thành Cát Tư Hãn và các khẩu hiệu quảng bá văn hóa Mông Cổ đã bị thay thế bằng chân dung của các nhân vật Hán, cũng như lịch sử và các khẩu hiệu quảng bá văn hóa Hán.

Tháng trước, một cuộc triển lãm về “Thành Cát Tư Hãn và Đế chế Mông Cổ” ở Bảo tàng Lịch sử Nantes, bên Pháp đã phải hủy vào giờ chót do áp lực từ Đại sứ quán Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc đã yêu cầu xóa khỏi cuộc triển lãm các từ ngữ như “Thành Cát Tư Hãn”, “Mông Cổ” và “Đế chế”. Rõ ràng là nếu xóa bỏ như thế thì không còn gì cả, nên ban tổ chức quyết định hủy bỏ. Điều đáng buồn và đáng âu lo là ngày nay nhiều quốc gia trước đây ở trong chiến hào bảo vệ tự do tôn giáo đang dần trở thành các đồng minh chiến lược của Bắc Kinh. Đó là nói cho dễ nghe. Nói khó nghe hơn một chút, họ đang trở thành các chư hầu của đế chế Trung Hoa đỏ.

Cuộc chiến chống lại Thành Cát Tư Hãn chỉ là một chương khác trong nỗ lực hoang tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm xóa bỏ bất cứ thứ gì không thuộc về người Hán, “vô hiệu hóa” những di sản ấy bên trong biên giới Trung Quốc và trên thế giới, và thậm chí loại khỏi chính lịch sử Trung Quốc.


Source:Bitter Winter

2. Giáo hội gửi thư hy vọng cho dân chúng trước cuộc khủng hoảng chính trị tại Peru

Trước tình hình khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở PerPeru u: tổng thống Martin Vizcarra đã bị quốc hội bỏ phiếu truất phế, các Giám mục gửi thư khích lệ hy vọng cho toàn thể dân chúng.

Sau một phiên họp lịch sử, quốc hội đã bỏ phiếu áp đảo bày tỏ sự bất tín nhiệm đối với tổng thống Martin Vizcarra. Ðây là một quyết định liên quan đến những cáo buộc về tham nhũng và cách đối phó đại dịch Covid-19 tồi tệ của của ông Vizcarra. Chủ tịch quốc hội Manuel Merino đã tiếp quản quyền lãnh đạo đất nước.

Thư của các Giám mục gửi cho toàn thể người dân Peru được công bố trên trang web của Hội đồng Giám mục. Các vị lãnh đạo Giáo hội bày tỏ lo lắng về số phận của quốc gia và các thể chế dân chủ, nhắc nhở dân chúng rằng đất nước cần nỗ lực của mỗi người để quốc gia được củng cố.

Các Giám mục nhấn mạnh rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, cần phải đảm bảo tiến hành tổng tuyển cử vào tháng 4 tới và chuyển giao quyền lực vào tháng 7 năm 2021, cũng như ưu tiên cho tình trạng khẩn cấp về y tế, kinh tế và xã hội. Ðây là lúc cần phải từ bỏ lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm để thúc đẩy tái sinh kinh tế và xây dựng những con đường liên đới, huynh đệ và phát triển toàn diện. Ðã đến lúc phải lắng nghe người dân và hành động theo suy nghĩ của Peru”.

Các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo viết tiếp: “Hơn nữa, điều cần thiết và cấp bách là tiếp tục đấu tranh chống lại căn bệnh ung thư xã hội là sự tham nhũng, vì một Peru minh bạch và công bằng hơn”.

Hội đồng Giám mục trích lời của Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố trong chuyến thăm của ngài đến Peru, khích lệ những người có trách nhiệm cam kết đảm bảo an toàn cho người dân và đất đai của họ. Như thế, người dân có thể tin rằng đất nước là một không gian của hy vọng và cơ hội dành cho tất cả; để mỗi người Peru có thể cảm nhận được đất nước này là của mình, và có thể thiết lập tương quan huynh đệ và bình đẳng với người thân cận; một vùng đất nơi mọi người có thể thực hiện hoá tương lai cho mình.

Hội đồng Giám mục nhắc lại: “Giáo hội luôn muốn gần gũi với những người đau khổ và những người dễ bị tổn thương, xác tín rằng phẩm giá của con người, gia đình và công ích là những trụ cột của mọi xã hội, hướng tới tương lai của mình với trách nhiệm và hy vọng”.

Cuối cùng, các Giám mục mời gọi người dân Peru: “Ðể xây dựng một đất nước trong hòa bình, ngày càng nhân bản và huynh đệ hơn, xin anh chị em hãy cầu nguyện mỗi ngày. Chúng ta cầu xin ân ban Hòa bình, tình liên đới và tình huynh đệ trong đất nước. Bởi vì, linh hồn của một cộng đoàn được đo bằng khả năng ở bên nhau khi đối diện với nghịch cảnh và giữ niềm tin và hy vọng sống động”.

3. Dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ chấm dứt hiện diện tại Ðức.

Sau 66 năm tái lập sự hiện diện tại Ðức, cụ thể là từ năm 1954, dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ đã chấm dứt sự hiện diện tại Ðức. Đây là tin rất buồn cho Giáo Hội tại quốc gia này.

Dòng kỳ cựu này do bảy vị thánh, vốn là những thương gia tại thành phố Firenze, Italia, đứng đầu là thánh Morandi, sinh năm 1262, sáng lập hồi thế kỷ 13, chuyên cổ võ lòng tôn sùng Ðức Mẹ. Năm 1277, tu viện đầu tiên của dòng được thành lập tại Ðức và 22 năm sau trở thành tỉnh dòng Ðức. Trong thời cải cách của Tin lành, 17 tu viện của dòng bị xóa bỏ.

Năm 1954, dòng bắt đầu mở lại nhà tại Ðức, với tu viện Ðức Maria Lên Trời, tại Gelsenkirche-Buer ở miền bắc Ðức, và dần dần sau đó mở thêm ba nhà tại các thành phố khác, đảm nhận các công tác săn sóc người nghèo, trợ giúp phát triển, truyền giáo, mục vụ giáo xứ và học đường. Trong những năm qua, vì thiếu ơn gọi, dần dần các tu viện và giáo xứ của dòng ở Ðức bị đóng cửa và tu viện cuối cùng ở Gelsenkirchen sẽ bị đóng cửa từ ngày 31 tháng Giêng năm 2021.

Trên thế giới hiện nay, dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ còn khoảng 760 tu sĩ, hoạt động tại 140 nhà ở 30 quốc gia. Tại Roma, dòng có Phân khoa Giáo hoàng Marianum chuyên về Thánh Mẫu học, và mới kỷ niệm 70 năm thành lập.