SỬA LỖI VÀ ĐƯỢC SỬA LỖI
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM A

Muốn sửa lỗi phải quan tâm điều này: Chúa không nói, hãy đi sửa lỗi cho người khác, nhưng lại nói: "Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó...".

Dù là người mắc lỗi, họ không phải ai xa lạ. Họ là anh em, là người thân thương, là thành phần không thể thiếu của đời tôi. Tôi không thể lạnh lùng khi thấy anh em sa ngã. Tôi không thể khoanh tay đứng nhìn một thành phần trong chính con người tôi đau ốm, bệnh tật. Bởi lẽ mọi người làm nên một thân thể. Vì thế, mỗi người mang vết thương của nhau. Cái đau của một phần thân thể là cái đau chung của cả thân thể.

Nhưng sửa lỗi cho anh chị em không phải dễ. Bởi thói thường, khó có ai muốn nhận lỗi về phía mình. Nếu có, vì cái tôi, vì bảo thủ, vì ngại mang tiếng là người phải sửa lỗi, khó có ai sẵn sàng chấp nhận thay đổi bản thân.

Mọi người cần khiêm tốn nhìn nhận sự thật này: là người, ai mà chẳng lầm lỗi. Nhờ đó, ta sẽ luôn mang trong tâm mình sự cảm thông khi có trách nhiệm sửa lỗi, và mang nơi cõi lòng thái độ hòa nhã, đón nhận khi được xây dựng, được góp ý nhằm chỉnh đốn và tiến tới hoàn thiện bản thân.

Không ai trên trần thế có thể tự hào mình vô tội dẫu là người sửa lỗi hay người được sửa lỗi. Chính thánh Gioan quả quyết: "Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta" (1Ga 1, 8). Nay ta can đảm sửa lỗi cho người, mai người sẽ có dịp chỉ ra sai sót của ta.

Đời sống chung cần sự sửa lỗi, hòng có thể giúp nhau nhận ra sai sót. Sửa lỗi huynh đệ là cần thiết. Nhưng nên nhớ:

- Người sửa lỗi: Cần cẩn trọng lời nói, ôn tồn, tôn trọng người mình sửa lỗi. Thái độ hết sức nhẹ nhàng, khôn khéo, thiện chí, chỉ nói đúng lúc, đúng chỗ. Người sửa lỗi không bao giờ được lên giọng, kẻ cả, uy quyền hoặc có thái độ chỉ trích, phê phán.

- Người được sửa lỗi: Không cố chấp, không tự ái, nhưng khiêm nhường đón nhận lời khuyên, và thiện chí nhìn nhận sai lầm, cùng can đảm để cố gắng sửa đổi bản thân.
Một đáng tiếc đang xảy ra trong đời sống chung: Sửa lỗi cho nhau hầu như càng lúc càng vắng bóng, không chỉ phương diện đời sống, kinh tế, tương quan..., mà còn phương diện đức tin, thứ phương diện thiêng liêng giúp nhau hiểu hơn về Nước trời, về thánh ý Chúa.

Bởi thông thường, tâm hồn người đã phạm lỗi rất mong manh, dễ chất chứa mặc cảm, tự ái. Một lời nói sơ sẩy, không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ. Một thái độ vô tình sẽ càng khơi thêm hố ngăn cách. Do đó ta dễ tránh xa việc sửa lỗi cho anh chị em mình để tìm an thân.

Ngoài ra, còn do chính bản thân ta muốn tránh đụng chạm, sợ mích lòng: Dại gì nói những chuyện không vui để mua thù chuốc oán. Đó cũng là lý do dễ làm ta né tránh việc sửa lỗi cho nhau, dù sửa lỗi thân tình trong huynh đệ.

Để tránh sự câu nệ chỉ vì ích lợi của bản thân, mọi người trong cùng một cộng đoàn cần ý thức mấy điều:

- Đặt quyền lợi của cộng đoàn, của Hội Thánh và danh dự của tôn giáo mình lên trên hết. Hãy nhớ, chỉ vì tất cả lợi lộc chung ấy mà tôi xây dựng đời sống cho anh chị em tôi.

- Sửa lỗi hoàn toàn được thúc đẩy do tình yêu với cộng đoàn, với mọi anh chị em, nhất là với cá nhân người phạm lỗi đang cần xây dựng. Chính bầu khí yêu thương là yếu tố quan trọng cho việc phát triển từng ngày của cộng đoàn, của từng cá nhân trong cộng đoàn ấy.

Mọi người đều yêu thương nhau, đó là một cộng đoàn lý tưởng. Bất cứ ai cũng mong được sống trong cộng đoàn yêu thương như thế. Nhờ đó, từng người sẽ yên tâm rằng, nếu lỡ ta có sai sót, ta biết mình không bị loại trừ nhưng được quan tâm giúp đỡ, thậm chí giúp đỡ chân thành, tế nhị, đầy cảm thông.

- Để sửa lỗi cũng cần can đảm. Can đảm đến với người lầm lỗi. Can đảm nói sự thật về chính họ. Can đảm chấp nhận rủi ro do việc sửa lỗi mang đến như bị giận, bị ghét, bị công kích, thậm chí bị chửi bới, bị trả thù, bị tấn công sau lưng...

- Không thể thiếu sức mạnh thiêng liêng mà người có trách nhiệm sửa lỗi phải ý thức. Đó là đời sống cầu nguyện. Chỉ có ơn Chúa, chỉ nhờ đồng hành cùng sức mạnh của ơn Chúa, ta mới có thể đến với anh chị em, và anh chị em mới có thể trở nên tốt.

- Cuối cùng, ta cần thường xuyên kiểm điểm đời mình. Hãy nhớ, cũng như người được sửa lỗi, người sửa lỗi vẫn là thụ tạo yếu đuối, dễ sa ngã, dễ phạm tội. Chân nhận mình còn đầy thiếu sót, yếu đuối, ta phải chỉnh đốn mình, phải làm mới mình trong ơn Chúa. Có như thế, cả người sửa lỗi lẫn người được sửa lỗi mới có thể tiến xa trên đường nên thánh.