Biden khét tiếng là người hay thay đổi lập trường. Trước đây, ông ta đã ủng hộ Tu chính án Hyde, bằng cách bỏ phiếu tán thành và công khai viết ra trong tác phẩm của mình và trong các bài phát biểu, trong suốt hơn bốn thập kỷ. Nhưng ông ta đã đảo ngược quan điểm của mình vào tháng 6 năm 2019, chỉ một ngày sau khi tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với Tu chính án Hyde. Chính bà Harris đã nhanh chóng chỉ ra điều này trong các cuộc tranh luận nhằm tranh quyền được đề cử ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ.

Phóng viên Jerry Dunleavy của tờ Washington Examiner, chỉ ra thêm một ví dụ khác về thói thay đổi lập trường như chong chóng của ông Joe Biden. Bài viết này có liên hệ đến người tị nạn Việt Nam nên xin được dịch toàn bộ để rộng đường dư luận.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


“The US has no obligation”: Biden fought to keep Vietnamese refugees out of the US

Jerry Dunleavy

Washington Examiner


“Mỹ không có nghĩa vụ”: Biden đã đấu tranh để ngăn không cho người Việt tị nạn được vào Mỹ


Joe Biden, ứng viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ vào 2020 và là người ủng hộ việc nhập cư quy mô lớn, đã từng cố gắng ngăn chặn cuộc di tản của hàng chục ngàn người tị nạn miền Nam Việt Nam, là những người đã giúp đỡ Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam.

Trong tư cách là một thượng nghị sĩ, và sau này là phó tổng thống, ông Joe Biden hiện 76 tuổi [vào thời điểm 2019], đã nhất mực cho rằng Hoa Kỳ “không có nghĩa vụ, đạo đức hay bất cứ khía cạnh nào khác, phải sơ tán công dân nước ngoài, ” trong khi bác bỏ những lo lắng về sự an toàn của họ khi Quân đội Bắc Việt và Việt Cộng đang tràn về phía nam hướng về Sài Gòn vào năm 1975.

Quan điểm của ông lúc đó hoàn toàn trái ngược với quan điểm của ông hiện nay, gần 30 năm sau, đối với các thông dịch viên người Iraq và Afghanistan, là những người đã từng làm việc với các lực lượng Hoa Kỳ. “Chúng ta nợ những người này, ” cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của ông lúc đó là Tony Blinken đã nói như trên vào năm 2012. “Chúng ta mắc nợ những người này. Họ liều mạng sống của mình cho Hoa Kỳ.”

Biden đã nói vào năm 2015 rằng việc ngăn cản người tị nạn Syria vào Mỹ sẽ là một chiến thắng cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS và đã tweet vào năm 2017 rằng “chúng ta phải bảo vệ, hỗ trợ và chào đón những người tị nạn” để duy trì lời hứa của Mỹ.

Khi miền Nam Việt Nam sụp đổ vào cuối Chiến tranh Việt Nam, tức là vào mùa xuân năm 1975, Tổng thống Gerald Ford và chính phủ Hoa Kỳ đã tiến hành di tản hàng nghìn gia đình Nam Việt Nam là những người đã hỗ trợ Hoa Kỳ trong suốt cuộc chiến. Tiếng nói hàng đầu trong Thượng viện phản đối nỗ lực giải cứu này khi đó là của Thượng nghị sĩ Joe Biden.

Hàng trăm ngàn đồng minh của Nam Việt Nam có nguy cơ bị Cộng sản truy kích, nhưng Biden nhấn mạnh rằng “Hoa Kỳ không có nghĩa vụ phải sơ tán dù một hay 100, 001 người dân Nam Việt Nam.”

Tháng 4 năm 1975, tổng thống Ford lập luận rằng, khi những người lính Mỹ cuối cùng đã rút khỏi Việt Nam, Mỹ cũng nên sơ tán những người miền Nam Việt Nam đã giúp đỡ Mỹ trong cuộc chiến tranh.

“Hoa Kỳ đã có một truyền thống lâu đời là mở cửa cho những người nhập cư của tất cả các nước... Và chúng ta đã luôn luôn là một quốc gia nhân đạo, ” tổng thống Ford nói. “Chúng tôi thấy rằng một số người miền Nam Việt Nam đã rất trung thành với Hoa Kỳ và xứng đáng có cơ hội được sống trong tự do.”

Nhưng Biden phản đối và đòi triệu tập một cuộc họp giữa tổng thống và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện để ông ta lên tiếng phản đối yêu cầu tài trợ của tổng thống Ford cho những nỗ lực này. Ngoại trưởng Henry Kissinger, người chủ trì cuộc họp, nói với các thượng nghị sĩ rằng “tổng danh sách những người bị nguy hiểm đến tính mạng ở Việt Nam là hơn một triệu người” và “danh sách không thể giảm bớt hơn được nữa là 174, 000 người”.

Biden nói rằng các đồng minh của Hoa Kỳ không nên được giải cứu: “Chúng ta nên tập trung vào việc rút quân [quân đội Hoa Kỳ]. Đưa người Việt Nam ra ngoài và viện trợ quân sự cho Chính phủ Việt Nam [chính phủ Nam Việt Nam] là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.”

Kissinger nói rằng có “những người Việt Nam mà chúng ta có nghĩa vụ đối với họ, ” nhưng Biden bác bỏ: “Tôi sẽ bỏ phiếu cho bất kỳ số tiền nào để rút người Mỹ ra. Tôi không muốn điều này lẫn lộn với việc đưa người Việt Nam ra ngoài.”

Tổng thống Ford rất khó chịu trước phản ứng của Biden, ông tin rằng việc không di tản những người miền Nam Việt Nam sẽ là một sự phản bội các giá trị của Mỹ: “Chúng ta đã từng mở cửa cho người Hung Gia Lợi … Truyền thống của chúng ta là chào đón những người bị áp bức. Tôi không nghĩ những người này phải bị phân biệt đối xử so với những người khác như người Hung Gia Lợi, người Cuba, người Do Thái từ Liên Sô.”

Với tỷ số 14 trên 3, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện khuyến nghị rằng dự luật này nên được toàn thể Thượng viện thông qua. Biden là một trong ba thượng nghị sĩ trong ủy ban đã bỏ phiếu chống. Với tỷ số 46-17, các tham dự viên cuộc họp đã đề nghị rằng biên bản của cuộc họp cũng nên được chuyển giao cho Thượng viện. Biden lại bỏ phiếu chống lại điều này.

Sài Gòn thất thủ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, và hàng trăm ngàn người miền Nam Việt Nam không chạy thoát khỏi đất nước cuối cùng đã bị đưa vào các trại cải tạo, nơi họ thường xuyên bị ngược đãi, tra tấn hoặc bị giết hại.

Julia Taft, người đứng đầu Lực lượng Đặc nhiệm Liên Cơ Quan của Hoa Kỳ về Tái định cư Người tị nạn Đông Dương năm 1975, nói với NPR vào năm 2007 rằng những người tị nạn đáng lẽ phải được giúp đỡ. “Ý tôi là, họ đã làm việc với chúng ta, ” cô nói. “Họ đã từng là các thông dịch viên. Họ đã từng là các nhân viên. Họ là một phần của quân đội Nam Việt Nam, là đồng minh, và chỉ là nạn nhân chung của toàn bộ sự hỗn loạn.”

Bất chấp sự phản đối từ Biden và các đảng viên Dân chủ hàng đầu khác vào thời điểm đó, quân đội Hoa Kỳ đã sơ tán hơn 130, 000 người tị nạn Việt Nam ngay sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ, và hàng trăm ngàn người khác đã được tái định cư tại Hoa Kỳ trong những năm tiếp theo.

Một trong những người tị nạn đó là Quang Phạm, người đã viết cuốn tự truyện năm 2010, “A Sense of Duty: Our Journey from Vietnam to America” – “Một Ý Thức Về Nghĩa Vụ: Cuộc Hành Trình Của Chúng Tôi Từ Việt Nam Sang Mỹ”, kể về cuộc vượt ngục sang Mỹ năm 1975 ở tuổi lên 10 cùng mẹ và ba chị em gái, 11 tuổi, 6, và 2 tuổi. Cha anh, một quân nhân trong quân đội miền Nam Việt Nam, đã không thoát được ra ngoài cùng với họ và đã phải trải qua hơn một thập kỷ lao tù trong các trại cải tạo trước khi đến được Hoa Kỳ vào năm 1992.

Phát biểu với Washington Examiner, Phạm ca ngợi tổng thống Ford đã cứu những người tị nạn Việt Nam như gia đình của anh và chỉ trích các đảng viên Dân chủ như Biden vì đã cố gắng ngăn cản họ. Anh nói: “Khi đó chúng tôi cần giúp đỡ, tôi nhớ ai đã giúp chúng tôi - và ai không.”

Phạm, lớn lên ở Hoa Kỳ, gia nhập Thủy quân lục chiến và phục vụ trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, cho biết, “ Những người tị nạn Việt Nam từ năm 1975 đã nhận được rất nhiều sự trợ giúp từ những người Mỹ sống gần các trại tị nạn và từ các cựu chiến binh đã tham chiến tại Việt Nam, những người cảm thấy họ có nghĩa vụ giúp chúng tôi. Và tôi biết ơn vì điều đó.”

“Khi bạn nhìn vào những người ủng hộ lớn nhất cho người tị nạn Việt Nam, đó chắc chắn không phải là Thượng nghị sĩ Biden, ” Phạm nói. “Những người mong muốn chúng tôi không nhất thiết phải là những người anh trông cậy được - sự cởi mở không đến từ các đảng viên Đảng Dân chủ.”

Đề cập đến Biden, Phạm nói, “Anh phải nhìn vào chính sách đối ngoại và lòng nhân đạo. Cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Việt Nam là một vấn đề lớn vào năm 1975. Ngay cả khi bạn phản đối chiến tranh, tại sao bạn không ủng hộ người tị nạn? Tại sao bạn không hỗ trợ các gia đình và phụ nữ và trẻ em đang cố gắng trốn thoát? ”

“Nếu chúng ta tham gia vào các cuộc chiến tranh, sẽ có người tị nạn... Vì vậy, chúng ta cần suy nghĩ về nghĩa vụ đạo đức của chúng ta đối với những người không phải là người Mỹ, đặc biệt là đối với các đồng minh của chúng ta, ” Phạm nói.

Khi được hỏi liệu anh có nghĩ là công bằng khi đánh giá Biden dựa trên những hành động của ông ta mãi tận năm 1975 hay không, Phạm trả lời: “Là một ứng cử viên Tổng thống, đó là một phần trong hồ sơ của ông ta, giống như mọi thứ khác.”


Source:Washington Examiner