Câu chuyện của một sự dịch chuyển
“Chúa thương xót hết mọi người”.
Kính thưa Anh Chị em,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay có chung một chủ đề: lòng thương xót của Thiên Chúa cũng dịch chuyển, người lương kẻ giáo, ai ai cũng được Thiên Chúa xót thương. Isaia linh cảm tính phổ quát của ơn cứu độ mà Thiên Chúa sẽ ban cho mọi nước mọi dân; thánh Phaolô nói, Chúa thương xót hết mọi người, con trong nhà, con người ngoài; và qua Chúa Giêsu, Tin Mừng xác nhận ý định ngàn đời của Thiên Chúa, ai ai cũng được Thiên Chúa xót thương.
Bàn tiệc Lời Chúa hôm nay thịnh soạn một cách bất ngờ. Vì lẽ thường, vào các Chúa Nhật thường niên, liên quan đến bài Tin Mừng, chỉ có bài đọc một; thế mà hôm nay, cả ba bài đều có chung một chủ đề.
Qua bài đọc thứ nhất, Isaia tiên báo về sự hào hiệp đại lượng của Thiên Chúa vì rồi đây, Người sẽ gửi giấy mời dự tiệc Nước Chúa đến tận các dân ngoại. Isaia trực giác về lòng xót thương của Thiên Chúa vốn sẽ được tỏ cho muôn dân; ông linh cảm về tính phổ quát của ơn cứu độ vốn sẽ được dịch chuyển, mở rộng. Qua miệng ngôn sứ, Thiên Chúa nói về dân ngoại rằng, “Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh, Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện”; “Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ. Vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”. Rõ ràng, ý định ngàn đời của Thiên Chúa đã được hé lộ, lòng thương xót của Người dịch chuyển, người lương kẻ giáo, ai ai cũng được Thiên Chúa xót thương.
Dân ngoại hỷ hoan phớn phở, họ sẽ vui mừng khoái trá vì biết Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người đã ban cho họ ơn cứu độ. Niềm vui nhận biết Người vỡ oà qua Thánh Vịnh đáp ca, “Chư dân hãy ca tụng Ngài! Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài”.
Tường tận hơn, thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại, giải thích với anh em tân tòng qua thư Rôma rằng, “Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được xót thương”. Ngài muốn nói, vì người đạo dòng cứng lòng, nên dân ngoại được kêu gọi; để một khi thấy dân ngoại được kêu gọi, may ra người đạo dòng dịch chuyển mà ăn năn trở về cùng Chúa để lại được thương xót, “Nếu do việc họ bị loại ra, mà thiên hạ được giao hoà, thì việc họ được thâu nhận lại sẽ thế nào, nếu không phải là một sự sống lại từ cõi chết? ”.
Và để có thể hiểu cũng như nắm bắt trọn vẹn ý nghĩa của tiến trình dịch chuyển này, một lần nữa, chúng ta lùi lại một chút trước đó với thánh Matthêu. Ở đó, Matthêu cho thấy Dân Chúa chọn từ chối Con Thiên Chúa và dân ngoại được vui hưởng Ngài. Ở vùng đất ngoại giáo Tyrô và Sidon ấy, Chúa Giêsu được chào đón với tước vị con vua Đavít bởi một phụ nữ ngoại giáo. Bà cầu xin một phép lạ mà thoạt đầu Chúa Giêsu lờ đi, nhưng bà cứ nài nỉ đến nỗi các môn đệ xin Ngài can thiệp kẻo bà cứ quấy rầy. Chúa Giêsu nói với bà, Ngài đến để chỉ lo cho các chiên lạc Israel. Tương phản với Dân Chúa chọn, người phụ nữ chấp nhận sự hư không của mình, chấp nhận ngang hàng với chó con để được nhặt những gì từ bàn chủ rơi xuống. Chúa Giêsu đầu hàng trước niềm tin và sự khiêm hạ của bà, Ngài khen ngợi và ban cho bà điều bà xin.
Anh Chị em,
Chúng ta, dân được chọn, đến với Chúa là Đấng ban cho chúng ta của ăn mỗi ngày như thế nào? Chúng ta cảm thấy mình công chính vì đã giữ luật Chúa để cảm thấy như Thiên Chúa đang mắc nợ chúng ta? Hay qua thái độ của người phụ nữ này, đức tin dẫn chúng ta đến một chỗ thấp hơn dưới gầm bàn của chủ nơi chúng ta chấp nhận một sự tuỳ thuộc tuyệt đối vào sự chăm sóc của Người, đồng thời, chờ đợi những miếng vụn rơi xuống từ bàn Người. Đừng quên, ngay chỉ với những mảnh vụn này thôi cũng đủ nuôi sống chúng ta, cho chúng ta no nê hơn những gì người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay ao ước. Như một người nghèo, bất xứng và vô dụng, hãy đến với Thiên Chúa và lòng nhân lành của Người sẽ nâng chúng ta lên. Người nâng lên, ban cho chúng ta điều này điều kia vì Người nhân lành chứ không vì chúng ta có công trạng này, công nghiệp nọ.
Mahatma Gandhi còn được gọi là thánh Cam Địa, người có công dành độc lập cho đất nước Ấn Độ, có lần tuyên bố, “Tôi yêu mến Chúa Kitô, nhưng tôi không phục những người Kitô hữu”. Câu nói của vị thủ tướng, người đã từng lấy giáo lý của Chúa Kitô làm nền tảng cho chủ trương bất bạo động đáng cho chúng ta suy nghĩ.
Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét mình, chúng ta mắc nợ Thiên Chúa hay Người mắc nợ chúng ta? Chúng ta có xứng đáng với ơn lành của Người không? Là con cái trong nhà, có bao giờ chúng ta để cho ơn Chúa qua đi không? Hay là chúng ta đang dịch chuyển đời sống ân sủng của con cái Chúa đến với một đời sống mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là những “Kitô hữu vô thần”?
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, lòng thương xót Chúa đổ xuống trên con vượt quá sự hiểu biết của con, một tội nhân nghèo hèn. Xin cho con biết dịch chuyển đến gần Chúa mỗi ngày làm sao để bớt bất xứng hơn”, Amen.
(Tgp. Huế)