Theo tin Zenit, sau loạt phỏng vấn các nhà lãnh đạo tôn giáo hoàn cầu về tác động của Covid-19 và các dự kiến tương lai, giáo sĩ Do Thái Alon Goshen-Gottstein, người khởi xướng dự án, có cái nhìn tổng quát sau đây nhân cuộc phỏng vấn của hãng tin này:



Trước nhất, Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein cho hay dự án Coronaspection là một loạt 40 cuộc phỏng vấn video và sứ điệp của các nhà lãnh đạo tôn giáo liên quan tới các thách đố tâm linh do Coronavirus gây ra. Các nhà lãnh đạo thuộc 15 quốc gia và 7 tôn giáo đã được phỏng vấn và được hỏi về việc xử lý ra sao một số thách đố đức tin quan yếu trong lúc này: xử lý thế nào trước nỗi sợ hãi và lo âu xao xuyến; trước nỗi mất mát; sử dụng thì giờ và việc sống cô tịch ra sao trong lúc bị cấm cửa; làm thế nào duy trì được cảm thức liên đới với người khác; viễn kiến ra sao cho một thế giới tương lai. Kết quả tổng quan là cả một kho lẫm đầy ắp các giáo huấn và linh hứng, của một số tiếng nói nổi bật nhất trong tôn giáo, nói chung và của thế giới Kitô giáo nói riêng.

Về tiếng nói của các nhà lãnh đạo Kitô giáo hàng đầu, Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein cho hay Đức Giáo Hoàng Phanxicô ủng hộ Dự án và Dự án đã sử dụng sứ điệp của ngài trong khuôn khổ Coronaspection. Các tiếng nói Công Giáo khác bao gồm Đức Hồng Y Christoph Schoenborn, Đức Cha Domenico Sorrentino và bà Maria Voce. Về phía Chính Thống giáo, Dự án sử dụng sứ điệp của Thượng phụ Daniel của Lỗ Ma Ni và phỏng vấn Giám mục Kallistos Ware của Oxford. Tổng Giám Mục Canterbury, Justin Welby, đã dành cho Dự án một cuộc phỏng vấn rất dấn thân và vui tươi, và vị đứng đầu Giáo Hội Thụy Điển, Tổng Giám Mục phái Luthêrô, Antje Jackelen, chia sẻ các quan tâm của Giáo Hội bà trong giai doạn này. Tân Thượng phụ Giáo Hội Ácmêni ở Istambul, Thượng phụ Mahsalian, chia sẻ các quan điểm của ngài từ Thổ Nhĩ Kỳ, và sau cùng Trưởng thượng Jeffrey Holland của Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô Của Các Thánh Những Ngày Sau Hết thổ lộ diễn trình thiêng liêng của chính ông trong thời gian Coronavirus. Đây quả là một nhóm các nhà tư tưởng rất rộng và đa dạng và liên hệ với các vị là một trải nghiệm tuyệt diệu nhờ học biết đức tin, cuộc sống và sứ điệp thiêng liêng của các vị trong thời kỳ đầy thách đố này.

Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein thừa nhận có nhiều dị biệt trong các quan điểm của các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới. Nhưng ông nhấn mạnh tới một trong những điểm gây ngạc nhiên lớn, đó là sự nhất trí cao giữa các vị. Có nhiều sứ điệp nền tảng vang vọng từ khắp các tôn giáo thừa nhận tính thống nhất của nhân loại, trong đó, mọi người đều tương liên, nối kết với nhau. Nói theo Tổng Giám Mục Canterbury, virút dạy chúng ta rằng tất cả chúng ta đều nối kết qua lại với nhau. Nó đánh phá mọi người không phân biệt đối xử và việc nó lan toả khắp chốn cho thấy chúng ta có liên hệ gần gũi với nhau xiết bao. Ngài bảo: thách đố là làm sao biến cái tính nối kết qua lại với nhau này thành tính nối kết qua lại với nhau trong cảm thương. Đây có lẽ là sứ điệp vĩ đại nhất mà dự án thu lượm được và là sứ điệp được mọi tôn giáo chia sẻ.

Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein cho hay một nét chủ chốt khác phát xuất từ dự án này là cảm thức tích cực từ nền tảng được các tôn giáo đem theo. Tôn giáo nào cũng dạy hy vọng và mỗi sứ điệp trong dự án này đều là sứ điệp hy vọng. Đức Cha Sorrentino nói đến các khía cạnh tích cực của đại dịch này, từ việc khám phá ra đời sống gia đình như một đời sống cầu nguyện tới cảm thức gia tăng về một cuộc mưu cầu tâm linh. Trích dẫn Bài Ca Tạo Vật của Thánh Phanxicô, ngài nói: nếu Thánh Phanxicô Assisi có thể nói đến chị chết, thì tại sao chúng ta lại không thể nói nói anh Corona?

Về các dị biệt, giáo sĩ cho rằng điều đáng lưu ý là các dị biệt này không hẳn do tôn giáo mà là do các nhân cách khác nhau của các nhân vật tôn giáo. Điều này đúng cho mọi tôn giáo nói chung và cách riêng cho Kitô giáo. Ông muốn nói: các dị biệt là do tâm tính bản thân, chứ không do chủ trương thần học. Ông đơn cử hai tiếng nói của Chính Thống Giáo: Cả hai vị đều nói tới vấn đề Thiên Chúa như tác giả của Covid-19. Nhưng Thượng Phụ Daniel coi nó như một cuộc thử nghiệm của Thiên Chúa: Người dùng nó để thử nghiệm tình yêu và đức tin của ta. Ngược lại, Giám mục Ware không coi đại dịch như một điều Thiên Chúa đem tới. Vị này cho hay: Thiên Chúa tình yêu không thể gây đau khổ cho kẻ vô tội. Do đó, Thiên Chúa chỉ cho phép chứ không cố ý tạo nó ra. Đây là một dị biệt quan trọng về thần học và chúng ta thấy hai nhà thần học và giáo phẩm nổi tiếng của thế giới Chính thống có hai quan điểm khác nhau về cùng một chủ đề.

Tổng Giám Mục Canterbury về phe với Giám Mục Ware, trong khi Đức Cha Sorrentino có vẻ có cảm tình nhiều hơn với quan điểm của Thượng phụ Daniel. Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein không coi các dị biệt này xuất phát từ sự chia rẽ tuyên tín giáo phái.

Ông thừa nhận một điểm chia rẽ nhưng phát xuất từ bối cảnh xã hội của các nhà lãnh đạo tôn giáo hơn là từ nền thần học của giáo phái họ. Ông cho rằng có hai xu hướng nền tảng trong câu trả lời đối với các câu hỏi có tính hướng dẫn. Một số nhà lãnh đạo cung cấp các câu trả lời có tính tâm linh hơn, nhấn mạnh tới các ơn ích của việc sống cô tịch theo đường hướng đan viện, nặng về cầu nguyện và bồi dưỡng cuộc sống tâm linh thâm hậu hơn với Thiên Chúa. Thuộc nhóm này, Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein liệt kê Thượng phụ Mashalian, Giám Mục Ware và một số vị khác. Xu hướng khác lưu ý nhiều hơn tới tình liên đới nhân bản và các câu trả lời của họ có tính thực tiễn và tâm lý học nhiều hơn. Giáo sĩ không biết liệu trách nhiệm của họ đối với các quốc gia và Giáo Hội có dẫn họ tới chỗ tập chú vào các đáp ứng có tính thực tiễn và tâm lý học hay điều này cũng nói lên một điều gì đó về xu hướng tôn giáo riêng của họ và do đó cũng nói tới bối cảnh giáo phái của họ.

Dù sao, theo Giáo sĩ, cả hai xu hướng đều nói đến tầm quan trọng của cầu nguyện, nên không ai chỉ nhấn mạnh duy nhất tới khía cạnh hoàn toàn nhân bản, có tính tâm lý.

Được hỏi nhận định của ông đối với các quan điểm Kitô giáo trong dịp này, Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein cho hay: có hai nét làm rõ các quan điểm Kitô giáo. Trước nhất, có việc nhấn mạnh tới tình yêu. Dĩ nhiên, Kitô giáo không hẳn là tôn giáo duy nhất nói tới tình yêu. Bằng chứng cụ thể là Maria Voce và giáo sĩ Hồi Giáo Abdul Rauf, cả hai đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tình yêu. Tuy nhiên, xét chung, giải đáp tình yêu vẫn mạnh hơn nơi các nhà lãnh đạo Kitô giáo, cho thấy tính trung tâm của tình yêu đối với cảm nghiệm và nền linh đạo Kitô giáo...

Liên quan tới điều trên là việc nhấn mạnh tới cầu nguyện. Giáo sĩ thấy rõ mọi nhà lãnh đạo Kitô giáo, không trừ ai, đều nói tới tầm quan trọng của cầu nguyện trong thời gian Covid-19. Dĩ nhiên tôn giáo nào cũng nói tới việc cầu nguyện, nhưng người ta thấy rõ vai trò hết sức trung tâm được các nhà lãnh đạo Kitô giáo dành cho việc cầu nguyện. Tình yêu và việc cầu nguyện nhất định là các nét chính trong đời sống các nhà lãnh đạo Kitô giáo. Ngoài ra, phải kể thêm một yếu tố rất quan trọng nữa, đó là tính tự phản tỉnh. Dù đây không hẳn là một nét chung của mọi nhà lãnh đạo Kitô giáo, nhưng phần trăm lớn nhất những vị tham gia dự án chịu chia sẻ các nghi ngại, đấu tranh và diễn trình tâm linh bản thân trong thời gian Covid-19 phát xuất từ các nhà lãnh đạo Kitô giáo. Đức Hồng Y Schoenborn chia sẻ cuộc đấu tranh đức tin của ngài. Giám Mục Ware chia sẻ việc ông xử lý ra sao với các nghi ngại. Trưởng thượng Holland chia sẻ việc các quan điểm của ngài về người khác đã thay đổi triệt để ra sao do việc cấm cửa và ngài đã khám phá ra sao các chiều kích mới trong đời sống tâm linh của mình; Tổng Giám Mục Welby chia sẻ việc ngài tự xét mình và học được việc tín thác nhiều hơn vào Thiên Chúa. Rõ ràng, có một điều gì đó trong nền đào tạo và giáo dục Kitô giáo cho phép người ta tự phản tỉnh một cách cao độ. Nhóm người tham dự dự án Coronaspection thẩy đều là những người diễn biến và ý thức cao độ về chính mình, tuy nhiên, theo Giáo sĩ, tự phản tỉnh là một nét hết sức đặc trưng nơi các tham dự viên Kitô giáo.

Về các sứ điệp gửi đi, Giáo sĩ cho rằng sứ điệp của các tham dự viên phần lớn có chiều kích phổ quát. Phần lớn các vị lên khuôn sứ điệp của mình bằng những hạn từ dễ dàng nói với mọi tôn giáo. Giám Mục Sorrentino, chẳng hạn, tuy nhắc đến câu truyện Thánh Phanxicô, nhưng đó là tính đặc thù của một điển hình bản thân, không hẳn về tôn giáo. Chỉ một mình Thượng phụ Daniel là nhấn mạnh đến đức tin vào Chúa Giêsu. Nhưng theo Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein, có lẽ đây là sứ điệp gửi cho dự án, chứ không hẳn gửi cho cuộc phỏng vấn. Còn phần đông các vị tham gia đều có khả năng rút ra các sứ điệp phổ quát từ đức tin đặc thù của mình.

Riêng đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein cho biết 2 điểm trong đó các giáo huấn của Đức Phanxicô đã cung cấp khuôn khổ để người ta đánh giá giáo huấn của các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác. Thứ nhất, vấn đề phán đoán. Một trong các “cám dỗ” lớn là coi Covid-19 như hình phạt đối với một sai phạm nào đó. Gần như mọi tham dự viên dự án đều tránh quan điểm này. Chủ trương đây là một hình phạt nêu ra nhiều thách thức nghiêm trọng trong việc nhận diện tội lỗi và tính tương xứng của hình phạt, điều mà chúng ta gọi là vấn nạn của thần lý học (theodicy). Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói ngược lại khi ngài thưa với Thiên Chúa rằng “Đây không phải là lúc Chúa phán xét, mà là lúc chúng con phán đoán: lúc chúng con phải phân biệt điều đáng kể và điều mau qua, phải tách biệt điều cần thiết khỏi điều không cần thiết. Đây là lúc đem đời sống chúng con trở về chính lộ đối với Chúa, Lạy Chúa, và đối với người khác”. Phương thức này được phản ảnh trong phần lớn các lời giảng dậy, dù không trực tiếp trích dẫn từ Đức Giáo Hoàng. Một sứ điệp đã tìm cách biến giai đoạn này thành một giai đoạn tăng trưởng tâm linh và chọn lựa thích đáng, thay vì “ẩn” đàng sau ý niệm trừng phạt.

Điểm thứ hai, và là điểm rất đẹp, qua đó, Đức Giáo Hoàng hiện diện trong dự án, là qua một số ẩn dụ và khuôn khổ ngài cung cấp. Ngài nói đến giai đoạn này như giai đoạn đêm tối. Điều này tìm được nhiều vang dội trong lời giảng dậy của các vị khác. Đức Hồng Y Schoenborn, chẳng hạn, cho ta một bài giảng tuyệt vời về đêm đen và việc mong chờ ánh sáng, quả là một vang vọng giáo huấn của Đức Phanxicô.

Được hỏi, trong tư cách giáo sĩ Do Thái Giáo, ông học được gì từ các sứ điệp của các nhà lãnh đạo Kitô giáo tham dự dự án Coronaspection, Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein cho hay: ông học được rất nhiều từ mỗi một tham dự viên. Trọn bộ các sứ điệp của họ cũng như các phân tích về chúng sẽ được công bố vào tuần tới trong cuốn sách tựa là Coronaspection: World Religious Leaders Reflect on COVID-19 (Coronaspection: Các Nhà Lãnh Đạo Tôn Giáo Thế Giới Suy Tư về COVID-19). Trong khi chờ đợi, ông chia sẻ 3 cái nhìn thông sáng từ cuốn sách sắp xuất bản.

Thứ nhất, Thượng phụ Mashalian nói tới việc cần phải xây dựng một kho chứa linh đạo làm phương tiện xử lý các thách đố hiện thời và trọn bộ cuộc sống ta phải là một chuẩn bị ra sao để xây dựng kho chứa này. Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein hoàn toàn hưởng ứng lời kêu gọi này cũng như việc Thượng phụ nhấn mạnh tới việc dùng các Thánh vịnh làm phương thế cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh. Điều đáng ngạc nhiên, theo Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein, Thượng phụ là người duy nhất minh nhiên nhắc đến các Thánh vịnh.

Thứ hai, khi được hỏi: vào lúc này, Thánh Phanxicô sẽ nói với ta điều gì? Giám Mục Sorrentino đã trả lời: ngài sẽ bảo chúng ta hát Bài Ca Tạo Vật. Giáo sĩ Alon Goshen-Gottstein vốn thán phục Thánh Phanxicô và việc thán phục này, cuối cùng, đã dẫn ông tới việc kết thân với Giám Mục Sorrentino. Ông thích câu trả lời của ngài. Ca hát như một đáp trả khổ đau, và quả quyết lòng nhân lành của Thiên Chúa trong mọi tạo vật.

Thứ ba, Giám Mục Ware nói đến việc nhìn gương mặt người khác và học cách đánh giá cao giá trị của mỗi con người là điều ông nhận được từ đại dịch. Một ý tưởng tương tự cũng đã được Trưởng thượng Holland nói lên. Giáo sĩ cho rằng xét cho cùng mọi sự đều trở lại với khả năng của ta trong việc nhìn người khác và thấy Thiên Chúa nơi gương mặt họ.

Giáo sĩ cũng cho hay, người ta có thể vào trang mạng www.coronaspection.org, sẽ thấy một trang đầy hình ảnh các tham dự viên. “Click” vào hình một người trên trang đó, sẽ tìm thấy cả hình thức ngắn lẫn hình thức dài của cuộc phỏng vấn. Điều thích thú là nhân vật thứ nhất trên tấm hình chính là sư mẫu Chân Không, đệ tử thân cận nhất của Thiền Sư Nhất Hạnh. Trong phát biểu bằng tiếng Anh, bà cho rằng tất cả chúng ta chỉ là một và nhấn mạnh tới yếu tính "togetherness".