Trong bài “Sứ điệp của các nhà lãnh đạo các tôn giáo hoàn cầu nhân đại dịch Covid-19: hợp nhất và tương liên” (Vietcatholic, 14/Jun/2020), chúng tôi đã giới thiệu Viện Liên Tôn Elijah và Hội Đồng Các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo Thế giới trong việc qui tụ các nhà lãnh đạo tôn giáo lỗi lạc nhất của thế giới để đưa ra các hướng dẫn liên quan đến các thách thức tâm linh của đại dịch Covid-19 và đề ra một viễn kiến cho thế giới sau cuộc khủng hoảng. Một trong các sứ điệp chủ chốt xuất hiện trong “Coronaspection”, tức cuốn video thu thập cái nhìn tâm linh nội quan của 40 nhà lãnh đạo tôn giáo hoàn cầu dưới góc độ đại dịch Covid-19, là sứ điệp liên đới và tương liên.



Trong bài này, chúng tôi xin giới thiệu thêm hai sứ điệp của nhóm là yêu thương và lòng tốt của Thiên Chúa.

Corona và sứ điệp yêu thương

Hãng tin Zenit, trong bản tin ngày 2 tháng 7, 2020, tường thuật hai đóng góp một của Công Giáo và một của Hồi giáo, cả hai đều nói đến tình yêu.

Thực vậy, Maria Voce, chủ tịch phong trào Focolare, trình bầy tình yêu Thiên Chúa như thuốc chữa cơn bệnh từng làm sụp đổ cuộc sống dân sự thời chiến tranh. Ở cốt lõi là viễn kiến hợp nhất và huynh đệ nhân bản. Trong khi đó, Abdul Rauf, một tác giả Hồi giáo Sufi nổi danh cũng tìm cách thể hiện một viễn kiến hợp nhất xuyên suốt xã hội và các tôn giáo. Trong cả hai đóng góp, ta có thể nhận ra nguyên lý chung có tính nền tảng là tình yêu.

Đối với Maria Voce, ta có thể coi tình yêu là lực đẩy căn bản của việc làm của bà và của tổ chức của bà. Các quyết định của bà trong thời gian Covid-19 đều được soi sáng bởi nguyên lý yêu thương, nguyên lý mà bà luôn tìm kiếm để tiếp liên với những người bị các quyết định của bà tác động tới. Tình yêu cũng là sức mạnh thiêng liêng nhờ đó, ta xử lý vớ một trong các thách đố chính do Covid-19 đặt ra. Các cuộc phỏng vấn với các nhà lãnh đạo đặt câu hỏi phải đương đầu với sợ hãi và hoảng loạn ra sao. Dựa vào các lời giảng dạy của Sáng lập viên Focolare, Chiara Lubich, Voce trở lại với lời giảng dạy căn bản này: chỉ có tình yêu mới xua tan được sợ hãi. Tình yêu được tình mẹ lên khuôn. Tình mẹ thương con cung cấp cho bà lòng can đảm thực hiện những việc phi thường, cho dù sợ hãi vẫn ngự trị lòng bà. Cấm cửa thời Covid-19 được nhìn qua lăng kính tình yêu. Sống trong cảnh cấm cửa và các thách đố do đó mà có là những cơ hội và lời mời thực hành yêu thương. Tình yêu lúc nào cũng đòi phải có óc sáng tạo. Hãy để tình yêu đề xuất không phải hàng trăm mà là hàng ngàn cách thế để chúng ta hiện diện với người khác, bất chấp họ ở gần hay ở thật xa, bằng cách sử dụng mọi phương thế hiện có. Nhiều vấn đề có thể xuất hiện trong tương lai, cho dù đại dịch có thể qua đi. Chúng sẽ được giáp mặt với niềm tin rằng có một Đấng nào đó đang mang lịch sử tiến lên vì thiện ích của ta. Đấng nào đó chính là Thiên Chúa, Đấng vốn là tình yêu, Đấng yêu thương mọi người và do đó không thể không kéo được thiện ích ra từ các tình huống này. Rõ ràng, viễn kiến Kitô giáo coi Thiên Chúa như tình yêu cung cấp nền tảng cho tính trung tâm của yêu thương làm sứ điệp cốt lõi của bà và như nguyên lý nền tảng để đương đầu với các thách đố, bất luận do Covid-19 hay do các nhân tố khác tạo dịp. Tình yêu cũng là nền tảng của hy vọng. Quan niệm của bà có tính lạc quan từ nền tảng. Tính lạc quan này xuất phát từ đức tin vào tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương sáng thế, các tạo vật của Người, mọi người và Thiên Chúa là tình yêu. Điều này, do đó, trở thành cơ sở cho quan niệm về đời sống, coi đời sống đầy hy vọng. Ngày nào còn ở trên đời, ta đều phải sống thực tình yêu, để có thể để lại cho đời một sứ điệp yêu thương diễn tiến đến muôn thuở.

Nếu tình yêu là sứ điệp trung tâm đối với Maria Voce, nó cũng là một trong các sứ điệp quan trọng của Giáo sĩ Hồi giáo Abdul Rauf. Sứ điệp của Rauf xoay quanh cố gắng có được cái nhìn thực tại theo con mắt Thiên Chúa, điều được giáo sĩ gọi là viễn tượng qui thần (theocentric perspective). Điều này đụng tới cốt lõi của việc xác định căn tính bản thân. Chúng ta cần tìm ra cái phần thực sự ổn định trong tự căn (self-identity) của mình, vốn là hình ảnh và hơi thở của Thiên Chúa trong ta. Thực sự, chúng ta tất cả chỉ là một. Ở đây, lực đẩy tiến tới hợp nhất, một điều vốn soi sáng cho mưu cầu của Focolare, được xác nhận như có cơ sở trong nguyên lý quan trọng nhất của Hồi Giáo, quan trọng hơn bất cứ việc giữ đạo chuyên biệt nào khác, đó là tính duy nhất của Thiên Chúa. Ngược lại, điều này dẫn Abdul Rauf tới tình yêu. Trích dẫn lời Chúa Giêsu, Giáo sĩ Hồi giáo Abdul Rauf nói đến hai giới răn vĩ đại: yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người lân cận. Yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người khác tùy thuộc lòng yêu mến chính mình. Tình yêu vĩ đại nhất là tình yêu Thiên Chúa tự yêu chính Người, và Người dựng nên ta như một biểu thức nói lên tình yêu mình của chính Người. Bạn yêu mến Thiên Chúa bằng cách yêu mến người khác, và yêu mến sáng thế. Khi bạn yêu mến Thiên Chúa, bạn cũng yêu mến sự cô tịch (solitude), nó chính là một trong các hậu quả của Coronavirus. Do đó, ta tiến theo hai ngả đường: yêu mến Thiên Chúa trong cô tịch và yêu mến người khác, trong hành động và các việc làm tốt. Giống Voce, Abdul Rauf coi việc làm của các chuyên gia y tế như biểu thức nói lên tình yêu. Bất chấp trong cô tịch và chiêm niệm hay trong hành động và phục vụ, cộng đồng như một toàn thể biểu lộ một viễn kiến tổng thể về tình yêu trong các biểu hiện kép tương quan qua lại của nó, yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người khác.

Lòng tốt của Thiên Chúa và cách phát biểu nó

Sứ điệp của các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới nói chung coi Coronavirus không chỉ đơn giản có tính tiêu cực. Có cả một viễn ảnh “tái ông thất mã” (silver lining) ở đây, thậm chí còn được coi như một hồng phúc. Điều tốt có thể xuất phát từ nó và việc khám phá ra điều tốt đó tùy thuộc ở chúng ta. Cái hiểu này có trong mọi tôn giáo.

Đức Cha Domenico Sorrentino là một nhà thần học chuyên nghiệp và là Giám mục giáo phận Assisi. Giáo sĩ Do Thái David Wolpe là Giáo sĩ Do Thái của Đền thờ Sinai, ở Los Angeles và được tạp chí Newsweek bầu là giáo sĩ Do thái có ảnh hưởng nhất ở Hoa Kỳ. Giáo sư Marcia Hermansen là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thế giới Hồi giáo và Giáo sư tại Khoa Thần học của Đại học Loyola Chicago và là một nhà lãnh đạo tư tưởng trong cộng đồng Hồi giáo Mỹ.

Chủ đề lòng tốt của Thiên Chúa và cách phát biểu nó trong thời đại dịch là nét chính trong bài chia sẻ của Đức Giám Mục Assisi. Ngài cư ngụ trong cùng một ngôi nhà mà vị Giám mục giáo phận vốn cư ngụ thời thánh Phanxicô và ngôi nhà của ngài đóng một vai trò quan trọng trong các hoàn cảnh đáng chú ý của cuộc đời thánh nhân. Một trong số các hoàn cảnh này là lúc ngài nằm bệnh tại đó và gần chết. Chính tại đó, ngài đã viết thêm một số khổ thơ vào Ca Khúc Sáng Thế nổi tiếng của ngài, nhất là lời ngài ca ngợi Thiên Chúa vì “chị chết”. Đây là một bài học về việc ta có thể làm nổi bật lòng tốt trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ta có thể hát lời ca ngợi Thiên Chúa ngay trên giường chết. Ngay trong hoàn cảnh khó khăn nhất, khi khó mà hiểu được lòng tốt tự bộc lộ ra sao, chúng ta vẫn cần phải tin tưởng Thiên Chúa và lòng tốt của Người. Điều này, do đó, dẫn Đức Giám Mục đến việc xem xét việc lòng tốt của Thiên Chúa có thể được tìm thấy ra sao trong thời đại dịch và ơn thánh có thể được tìm thấy như thế nào trong cuộc khủng hoảng.

Một chiều kích quan trọng là việc khám phá ra tổ ấm như một nơi cầu nguyện, theo gương người Do Thái một cách có ý thức. Đây là một cơ hội để đi sâu hơn vào những lời cầu nguyện thường được đọc trong Giáo hội, và cảm nhận được chúng ở bên trong. Tổ ấm, do đó, được biến đổi thành một đền thánh. Dù ở trong tổ ấm của mình, chúng ta vẫn có cơ hội mở rộng ý thức của mình tới cộng đồng rộng lớn hơn. Theo giáo huấn Kitô giáo, toàn thể Giáo hội hiện diện trong mỗi cử hành Thánh Thể. Điều này thường không được cảm nghiệm. Tuy nhiên, ngày nay, vào thời điểm khủng hoảng, có một cảm thức liên đới phổ quát và nhận thức có ý thức các phần khác của Giáo Hội rộng lớn hơn, thực sự của toàn thể nhân loại, tất cả những ai được đưa vào lời cầu nguyện và cử hành phụng vụ của chúng ta.

Đại dịch, bằng nhiều cách khác, cũng mang đến nhiều cơ hội để thâm hậu hóa đời sống tôn giáo. Cô tịch là một cơ hội để đi vào trong chính mình, để nghiên cứu Kinh Thánh. Đây cũng là cơ hội để cha mẹ ở bên con cái. Đây là cơ hội phục hồi việc cầu nguyện của gia đình. Đây là lúc tìm hiểu một nhịp điệu khác của cuộc sống, trái với sự căng thẳng và nhịp sống trước đó. Đây là lúc để nhận thức về thiên nhiên và vũ trụ và là cơ hội để khám phá sự cân bằng giữa mọi sự vật và tình huynh đệ hoàn cầu với thiên nhiên.

Đức Giám Mục gợi ý rằng nếu Thánh Phanxicô được hỏi ngài sẽ nói gì với chúng ta ở thời điểm này, có lẽ ngài sẽ trả lời rằng chúng ta nên hát Ca khúc Sáng thế. Và nếu thánh Phanxicô có thể nói đến “chị chết”, thì tại sao chúng ta không thể nói đến “anh Corona”?

Chủ đề cơ hội cũng là hình thái trong bài trình bày của Giáo sư Marcia Hermansen. Cuộc phỏng vấn với bà diễn ra trong những ngày đầu của tháng Ramadan và câu hỏi về việc Ramadan sẽ được cử hành như thế nào trong những hoàn cảnh đặc biệt này là một mô thức (motif) quan trọng. Nhiều cuộc cử hành thông thường trở thành bất khả, vì người ta không đến đền thờ Hồi giáo. Giống như các hậu quả của việc đóng cửa các nhà thờ, việc đóng cửa các đền thờ Hồi giáo cũng cung cấp nhiều cơ hội tâm linh mới. Một trong những cơ hội chính xuất hiện có liên hệ tới việc khắc phục các cân bằng phái tính. Phần lớn tháng Ramadan diễn ra trong đền thờ và phần lớn đền thờ là địa bàn của đàn ông. Chuyển việc cử hành về nhà mở ra nhiều cơ hội mới cho phụ nữ tham dự việc cử hành cùng một cách như đàn ông.

Ramadan là thời gian để thâm hậu hóa tâm linh. Người ta tự hỏi - linh hồn tôi ở đâu trong tháng Ramadan này? Cử hành tháng Ramadan trong điều kiện COVID-19 là một cơ hội để đi sâu hơn vào cuộc cử hành. Một cách đặc trưng, kỳ vọng thâm hậu hóa như vậy chủ yếu tập trung vào đàn ông. Chính họ là người đến đền thờ và tham dự các cuộc tĩnh tâm, đặc biệt trong 10 ngày cuối tháng Ramadan. Năm nay, những ngày này được tổ chức tại nhà, làm cho phụ nữ, trong lý thuyết, cũng có thể được hưởng lợi từ việc thâm hậu hóa vốn là đặc điểm của những ngày này.

Đối với cả Đức Cha Sorrentino lẫn giáo sư Hermansen, có một nhận thức rõ ràng về việc các hoàn cảnh hiện nay phát xuất từ Thiên Chúa. “Chúng tôi tin tưởng rằng Thiên Chúa đang nói với chúng ta trong tình huống này” (Sorrentino). “Chúng ta thấy khuôn mặt của Thiên Chúa trong việc này, vì mọi việc đều phát xuất từ Thiên Chúa” (Hermansen). Điều này cho thấy một điểm tương phản với phần trình bày thứ ba, của giáo sĩ Do thái David Wolpe. Thần học của Wolpe là nền thần học ngẫu nhiên (randomness), hoặc như chúng tôi nói đùa lúc phỏng vấn, là nền thần học về sự ngẫu nhiên thánh thiện. Nhưng cho dù chúng ta không coi Thiên Chúa như tác giả của mọi sự, Người vẫn là một nhân tố trong cách chúng ta đối phó với các thách đố như COVID-19. Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta trong cuộc tranh đấu. Và cuộc tranh đấu của chúng ta là cuộc tranh đấu rút ra những điều tốt nhất từ các thử thách và khó khăn, bất kể chúng ta coi tác giả hay nguồn gốc của chúng như thế nào. Ở đây, Wolpe chia sẻ tâm tư của hai người đóng góp kia vốn nhìn thấy cơ may trong COVID-19. Cô tịch là việc tạm dừng lại hoặc chuẩn bị nhằm mời gọi chúng ta xem xét xem chúng ta sẽ khác biệt ra sao sau đại dịch. Thử thách là cơ hội để khám phá ra trong ta có những gì. Ngay nỗi sợ cũng nên được khám phá. Chúng ta sợ gì? Chúng ta cần biết chúng ta là ai và đây là một khoảnh khắc khám phá bản thân.

Một lợi ích quan trọng và là một khám phá về COVID-19 liên quan đến một chủ đề đã trở nên nổi bật trong các vấn đề thời sự kể từ đó – là phân biệt chủng tộc. Wolpe đề cập đến chủ đề nối kết qua lại (interconnectivity), một trong những chủ đề chính của “Coraspaspection”, qua việc thăm dò chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Chúng ta phải đi đến tận gốc rễ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và hiểu nó, để khám phá ra một hiểu biết sâu sắc hơn nhờ đó chúng ta có thể thắng vượt nó. Việc nghi ngờ các nhóm khác có tính biến hóa và sinh học. Các nhóm khác có virút và các bệnh tật.

Coronavirus diễn ra trong một thời đại trong đó, chúng ta không còn có thể hạn chế các hậu quả tác hại của virút vào một nhóm nữa. Như ông nói trong diễn trình phỏng vấn – “Một người nào đó cắn một con dơi ở Trung Quốc và thế là ở đây chúng ta nói chuyện với nhau trên Zoom”. Chúng ta được dẫn đến việc hiểu thế nào là việc chúng ta nối kết qua lại với nhau. Chúng ta đang ở một thời điểm trong đó, chúng ta có khả năng vượt quá giới hạn biến hóa của chúng ta bằng một việc nối vòng tay lớn tâm linh. Đây là một bài học / cơ hội / phước lành quan trọng của Corona từng được ghi nhận nhiều lần trong suốt dự án. Thực thế, nó đóng vai trò như một thông điệp trong đoạn phim giới thiệu cuốn video “Coronaspaspection”, cho thấy tính trung tâm của nó. Nếu hai cuộc phỏng vấn đầu tiên đã trình bầy ở trên tập chú vào các cơ hội để nội tâm hóa và thâm hậu hóa cái hiểu, thì giáo sĩ Wolpe đã thêm một chiều kích nữa, đó là cơ hội để toàn thể nhân loại vươn tới một mức độ biến hóa tâm linh cao hơn qua các nhìn nhận phát xuất từ các hoàn cảnh đặc thù của COVID-19.

Kết hợp ba tiếng nói trên đây với nhau cho chúng ta thấy một điều căn bản liên quan đến đời sống tôn giáo. Nó đặt cơ sở trên một động lực biến hóa tâm linh sâu sắc để tìm ta điều tốt trong mọi hoàn cảnh, để sử dụng chúng cho sự phát triển và thăng tiến tâm linh. Trong căn bản, nó được lên khuôn như một động lực biến hóa để phát triển bản thân và cộng đồng. Mọi tôn giáo đều đang trong diễn trình phát triển, liên quan đến giáo huấn của họ hoặc liên quan đến việc họ được tiếp nhận, được hiểu và thực hành như thế nào bởi các thành viên của họ. Họ được lên đặc điểm nhờ một quan điểm tích cực và lạc quan ngay từ nền tảng. Quan điểm tích cực này đã thông tri cho cả ba đóng góp và những cách trong đó ba đóng góp này tìm ra các cơ hội phát triển và biến đổi cho cá nhân, cho cộng đồng, và cho nhân loại trong các gian khổ do COVID-19 mang lại.