1. Chính Thống Giáo Nga: Quyết định biến Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi Giáo là một “cái tát vào mặt tất cả các tín hữu Kitô”

Như chúng tôi đã loan tin, trong một diễn biến được Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả là khiến ngài đau buồn vô hạn, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã ký sắc lệnh biến Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi Giáo. Hagia Sophia nguyên là đại đền thờ Công Giáo Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, và là ngôi đền thờ Công Giáo lớn nhất trong suốt 900 năm.

Đức Tổng Giám Mục Hilarion, Chủ tịch của Ủy Ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, nói với thông tấn xã TASS rằng việc chuyển đổi Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi Giáo là “một cái tát vào mặt toàn bộ thế giới Kitô giáo”.

Đức Tổng Giám Mục nói: “Người ta có thể đánh giá một cách khác nhau tình hình chính trị nội bộ ở Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các yếu tố đã thúc đẩy hàng lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đi đến một quyết định như vậy. Nhưng di sản văn hóa và tinh thần của toàn thế giới không nên trở thành con tin cho tình hình chính trị hiện nay. Thật đáng tiếc khi các điều kiện chính trị chiếm ưu thế hơn sự tôn trọng các truyền thống tôn giáo khác. Việc chuyển đổi Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi Giáo là một cái tát vào mặt Giáo Hội Chính Thống và cả thế giới Kitô giáo của nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ”.

Đức Tổng Giám Mục Hilarion lưu ý rằng một quyết định như vậy của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ là đáng thất vọng. Đền Thờ Hagia Sophia được xây dựng như một ngôi đền dành riêng cho Chúa Giêsu Kitô và các Kitô hữu Chính thống giáo chúng ta không thể nghĩ khác đi được. Từ năm 1934 đến ngày nay, Hagia Sophia có tư cách là một bảo tàng, điều đó giúp các Kitô hữu, những người Hồi giáo và đại diện của các tôn giáo khác có thể đến thăm ngôi đền một cách tự do. Đối với các Kitô hữu Chính thống, Hagia Sophia giống như Đền Thờ Thánh Phêrô ở Rôma dành cho người Công Giáo. Đây là một ngôi đền mang tính biểu tượng và một trong những đền thờ Kitô giáo lớn nhất.


Source:Pravmir

2. Đức Thượng Phụ Louis Raphael Sako: Câu chuyện Thổ Nhĩ Kỳ biến Hagia Sophia thành đền thờ Hồi Giáo là một câu chuyện “buồn và đau đớn”

Quyết định của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan biến Hagia Sophia ở Istanbul từ bảo tàng viện trở thành đền thờ Hồi Giáo mang đến “lo buồn và đau đớn” cho “tất cả chúng ta và cho toàn thế giới, ” Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê, nói.

Cũng như Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê đã chỉ trích quyết định của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

“Trong thời đại dịch coronavirus kinh hoàng này, thế giới cần đoàn kết khi nhân loại phải đối mặt với đại dịch, xung đột và những căng thẳng trong một khu vực mà càng ngày càng nhiều người chết, ” Đức Hồng Y nói với Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng buổi cầu nguyện Hồi giáo đầu tiên sẽ được tổ chức vào ngày 24 tháng 7 tại đền thờ Hồi Giáo Hagia Sophia, đánh dấu sự chuyển đổi từ vương cung thánh đường Công Giáo nguyên thủy được xây dựng vào thời Đại Đế Constantine thành nơi thờ cúng của người Hồi giáo.

Trước đó, tòa án hành chính cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy bỏ sắc lệnh năm 1934 của tổng thống Kemal Atatürk, là người sáng lập Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, và thường được gọi là “cha già dân tộc”.

“Vào thời điểm đó, quyết định của tổng thống Ataturk là một quyết định dũng cảm, ” Đức Thượng Phụ Sako nói. “Sau cuộc diệt chủng người Armenia, quyết định này gửi một tín hiệu mạnh mẽ về sự sống chung hòa bình với nhau và cùng bảo vệ di sản chung của Kitô hữu và người Hồi giáo”.

Đức Thượng Phụ Sako nhận định rằng “Thật là nghiêm trọng khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không đoái hoài gì đến việc phải tôn trọng cảm xúc của hai tỉ Kitô hữu trên thế giới, và quên những gì họ đã làm cho người Hồi giáo. Đơn phương biến một đền thờ Kitô Giáo thành một đền thờ Hồi Giáo là một việc làm nghiêm trọng.”

Hagia Sophia là “một biểu tượng cho sự chung sống hòa bình Hồi giáo-Kitô giáo. Đây là câu chuyện của một đền thờ Kitô Giáo đã bị biến thành một đền thờ Hồi Giáo và sau đó, cho đến gần đây, đã là một bảo tàng viện cho mọi người.”

“Quyết định biến tòa nhà thành một đền thờ Hồi Giáo đi ngược lại sự khoan dung tôn giáo, và đi ngược lại xu thế bắt buộc là phải tìm kiếm đối thoại để lan truyền sự khoan dung và cùng tồn tại giữa các niềm tin khác nhau.”

Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê cũng chỉ trích các nhà lãnh đạo chính trị của các quốc gia Tây phương đã thể hiện “sự yếu đuối và thất bại không dám phản kháng lại một hành vi xằng bậy.”


Source:Asia News