1. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về hành động biến một đại đền thờ Công Giáo thành một đền thờ Hồi Giáo.

Trong lịch sử 1, 500 năm của mình, Hagia Sophia, nghĩa là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, ở Istanbul đã là một đền thờ Công Giáo trước khi bị biến thành một đền thờ Hồi Giáo. Trong 84 năm qua, nhận thức được sự bất công này, Kamal Ataturk, tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, người được gọi là cha già dân tộc, đã có can đảm biến tòa nhà thành một bảo tàng viện, như một biểu tượng của thiện chí và sự cùng tồn tại hòa bình giữa các cộng đồng Kitô giáo và Hồi giáo. Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố quyết định lật ngược chính sách này và biến tòa nhà trở thành một đền thờ Hồi Giáo lần thứ hai. Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, và Đức Cha Joseph C. Bambera Giám Mục giáo phận Scranton, Chủ tịch Ủy ban Các Vấn Đề Liên Tôn Và Đại Kết của USCCB, đã tham gia cùng Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo khác trong việc bày tỏ sự bất mãn trước quyết định của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Toàn văn tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gomez và Đức Cha Bambera như sau:

Hiệp cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô và các anh chị em Chính thống giáo của chúng ta, chúng tôi bày tỏ nỗi buồn sâu sắc về sắc lệnh của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ biến Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi Giáo.

Kể từ khi được xây dựng như một nhà thờ Công Giáo vào năm 537, Hagia Sophia đã trở thành một trong những kho báu nghệ thuật và tâm linh vĩ đại trên thế giới. Trong nhiều năm qua, địa điểm đẹp và được ưu ái này đã là một bảo tàng nơi mọi người thuộc mọi tín ngưỡng có thể đến để trải nghiệm sự hiện diện tuyệt vời của Thiên Chúa. Nó cũng được coi là một dấu chỉ thiện chí và sự chung sống hòa bình giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo và là một biểu hiện cho khao khát của loài người muốn được hiệp nhất và yêu thương.

Thay mặt các giám mục anh em của chúng tôi tại Hoa Kỳ, chúng tôi kêu gọi Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đảo ngược quyết định không cần thiết và đau đớn này và khôi phục Hagia Sophia như một nơi cầu nguyện và suy tư cho tất cả mọi người.


Source:USCCB

2. Ðại diện Tông tòa giáo phận Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ mong mỏi chính quyền cho các tín hữu Kitô đến cầu nguyện tại Hagia Sophia.

Ðức Cha Paolo Bizzeti, Ðại diện Tông tòa giáo phận Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ, bày tỏ nỗi buồn trước quyết định biến đền thờ Hagia Sophia thành đền thờ Hồi giáo, và bày tỏ hy vọng trong tương lai các tín hữu Kitô cũng có thể cầu nguyện trong thánh đường này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Italia, hôm 13 tháng 7 năm 2020, Ðức Cha Bizzeti, người Italia và thuộc dòng Tên, đã chia sẻ đau buồn của Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng như bao nhiêu vị lãnh đạo khác, đạo cũng như đời, về vụ đền thờ Hagia Sophia bị chính phủ Thổ biến thành đền thờ Hồi giáo.

Trong diễn văn ngày 10 tháng 7, ông Erdogan nói rằng Hagia Sophia sẽ được mở cho tất cả mọi người và sẽ không phải trả tiền vào cửa. Đức Cha nói: “Chúng tôi đang chờ đợi xem đền thờ này sẽ được bố trí như thế nào và có một khu vực được dành riêng trước các bức tranh khảm Kitô hay không.”

Ðức Cha Bizzeti nói thêm: “Trong diễn văn của tổng thống Erdogan, có nói đến đức tin và việc cầu nguyện làm tôi hy vọng có thể đến đó cầu nguyện cho những người tị nạn Kitô, và cũng hy vọng nhà nước cho mở các nhà nguyện trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Với tư cách là người có tín ngưỡng và tôn giáo, tổng thống có thể cho các tín hữu Kitô, không ở Istanbul được có các nơi thờ phượng. Tại Istanbul, có nhiều nhà thờ, trong khi tại các nơi khác không có nhà nguyện, dù là nhỏ bé. Các Kitô hữu cần có nơi để họp nhau cầu nguyện, cử hành thánh lễ và gặp gỡ nhau.” Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ quyết liệt ngăn cản các chính quyền địa phương cấp giấy phép xây dựng các nơi thờ phượng của các tôn giáo thiểu số.

Đức Cha than thở rằng “Chúng tôi có quá nhiều khó khăn khi muốn mở các nơi thờ phượng mới.”

Trong bối cảnh như thế, Đức Cha đề nghị một giải pháp tương nhượng là các nơi thờ phượng có thể là một nơi do chính quyền sở hữu, và giữ an ninh.


Source:SIR

3. Cô gái Công Giáo Pakistan, bị bắt cóc và buộc phải theo đạo Hồi, đã bị hãm hiếp và đang mang thai

Tabassum Yousaf là luật sư đại diện cho cha mẹ của cô gái trẻ Công Giáo, Huma Younus, năm nay 15 tuổi, bị bắt cóc vào tháng 10 năm 2019 và buộc phải theo đạo Hồi. Nói chuyện với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, cô đã đưa ra một bản cập nhật thật bi thảm về tình hình cá nhân và pháp lý của cô gái vị thành niên này, là người bị buộc phải kết hôn với người bắt cóc cô.

Người bắt cóc cô gái là tên Abdul Jabbar. Hắn có một người anh trai tên là Mukhtiar, là một cảnh sát viên. Luật sư Yousaf cho biết tên này đã liên lạc với cha mẹ của Huma, qua các cuộc gọi điện thoại video và trực tiếp đe dọa họ, cho họ xem vũ khí của mình và nói với họ rằng hắn ta sẽ giết chết họ nếu họ đến tìm con gái mình. Tên khốn nạn này còn nói thêm là nếu tất cả các Kitô hữu hợp lại để biểu tình đòi mang Huma trở lại, hắn ta sẽ giết cả cha mẹ cô và bất cứ ai cố gắng giúp đỡ họ.

Huma đã gọi điện cho bố mẹ cô, nói với họ rằng hiện nay cô đã mang thai do bạo lực tình dục mà cô phải chịu. Khi được cha cô hỏi liệu cô có thể rời khỏi nhà của kẻ bắt cóc và trở về nhà của cha mẹ cô không, cô nói với ông rằng cô không được phép rời khỏi nhà và cuộc sống của cô đang trở nên khó khăn hơn, vì hiện tại cô đang bị giam cầm trong bốn bức tường của một căn phòng nhỏ hẹp.

Về mặt pháp lý, luật sư của gia đình Huma, giải thích rằng tòa sơ thẩm Đông Karachi, đã khép lại vụ án với lý do thiếu bằng chứng. Luật sư đã kháng cáo lên tòa trên và phiên tòa tiếp theo đã được ấn định vào ngày 13 tháng 7 năm 2020.

Trong phiên tòa luật sư Yousaf đã trình bày hai tài liệu chính thức chứng minh rằng cô gái chưa đủ tuổi kết hôn. Một tuyên bố của trường học và giấy chứng nhận rửa tội từ giáo xứ Công Giáo Thánh Giacôbê Tông Đồ ở Karachi đều nêu rõ ngày sinh của Huma là ngày 22 tháng 5 năm 2005. Như thế, cô gái mới 15 tuổi và dưới 18 tuổi là tuổi được phép kết hôn.

Luật sư đại diện cho Huma, đang làm những gì có thể để chạy đua với thời gian, bởi vì trong ba năm nữa, cô gái sẽ 18 tuổi và rất có khả năng vụ án sẽ được hoãn lại vô thời hạn.

Tình cảnh bi thảm của Huma Younus là rất phổ biến tại Pakistan. Luật sư Yousaf, trích dẫn một nghiên cứu cho biết khoảng 2000 trường hợp như vậy mỗi năm. Có các trường hợp được báo cáo cho cảnh sát, và có các trường hợp gia đình nạn nhân sợ người Hồi Giáo đến mức không dám báo cáo.

Luật sư Yousaf nhận xét rằng cay đắng rằng nếu một trường hợp tương tự xảy ra liên quan đến một cô gái Hồi giáo chưa đủ tuổi, chính quyền sẽ hành động ngay lập tức. Còn đối với các tín hữu Kitô, luật pháp ở quốc gia này chỉ coi họ là công dân hạng hai.


Source:Aid To Church In Need