Trong bài “quanh việc Đức Phanxicô muốn sửa Kinh Lạy Cha” (http://www.vietcatholic.net/News/html/240454.htm, 10 Dec 2017), chúng tôi có dựa vào cuốn "The Gospel According to Luke", 2 cuốn, Doubleday, 1985 của Cha Jos. A. Fitzmyer, Dòng Tên, để quả quyết rằng lối dịch Kinh Lạy Cha của Bản Phổ Thông “Ne nos inducas in tentationem” và của Bản Tiếng Anh “Lead us not into temptation” không sai nguyên bản Hy Lạp, thậm chí cả Aram nữa.
Trên số 84 năm 2003 của "Biblical Studies On The Web (www.bsw.org)", Cha Fitzmyer đã viết một bài đầy đủ hơn về vấn đề này. Chúng tôi xin lược dịch bài này để độc giả tìm hiểu thêm, với lời xin lỗi trước là vì chúng tôi không có chuyên môn về các cổ ngữ Hy Lạp hay Aram, chỉ lặp lại các hạn từ bằng 2 ngôn ngữ này trong bài viết của Cha Fitzmyer ở số 84 của Bộ “Biblical Studies on the Web”:
Lời cầu xin thứ sáu của Kinh Lạy Cha đã được dịch nhiều cách khác nhau trong các thế kỷ qua. Bài này thảo luận nghĩa đen và các lối diễn giải cho phép của nó, bằng cách giải thích nghĩa của “cám dỗ” và hànhh động Thiên Chúa “dẫn” ta vào đó, cũng như các mưu toan khác nhau nhằm tránh né ý nghĩa hiển nhiên của lối hành văn Hy Lạp, kể cả nguyên bản giả thiết Aram. Bài này kết thúc với việc giải thích lời cầu xin này theo quan điểm mục vụ.
Soạn giả Tin Mừng Mátthêu mô tả Chúa Giêsu, nhân Bài Giảng Trên Núi, đã dạy các môn đệ cách cầu nguyện và thưa với Thiên Chúa là “Lạy Cha Chúng Con”. Lời cầu thứ sáu của Kinh Lạy Cha trong Tin Mừng (6:13) đọc là: καὶ μὴ εἰσενέγκῃς ἡμᾶς εἰς πειρασμόν (kai mē eisenenkēs hēmas eis peirasmon) “và đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ”. Cũng cách dùng từ này đã được tìm thấy nơi lời cầu thứ năm và cuối cùng của Kinh Lạy Cha trong Luca 11:4. Nó đã được lưu truyền trong hình thức này trong mọi thủ bản Hy Lạp của cả hai Tin Mừng; không có các lối đọc khác. Cùng một lời lẽ như thế cũng đã tìm thấy nơi Didache 8, 2 và được mô phỏng nơi Polycarp, Phil. 7, 2.
Khác với mọi lời cầu xin trước đó trong Kinh Lạy Cha, lời này được phát biểu ở thể tiêu cực, nhưng được tiếp liền bởi một lời cầu bổ túc dẫn khởi bằng một liên từ đối lập “Nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”. Ngoại trừ G. Schwarz, không có lý do gì để loại lời cầu thứ sáu ra khỏi Kinh Lạy Cha nguyên thủy như đã được Chúa Giêsu đọc. Chỉ có hai chữ trong lời cầu thứ sáu này cần được giải thích mà thôi.
καὶ μὴ εἰσενέγκῃς ἡμᾶς εἰς πειρασμόν (kai mē eisenenkēs hēmas eis peirasmon)
Chữ thứ nhất là động từ mē eisenenkēs, ở thể cầu khẩn bất định, dùng như một hình thức ra lệnh tiêu cực nhưng lịch sự. Động từ này có nghĩa là “đem vào” (1 khu vực hay 1 chỗ), như trong Lc 5:18-19, nơi những người khiêng người bất toại trên một băngca, tìm cách đem người này tới trước Chúa Giêsu, nhưng không có đường vì bị đám đông án ngữ. Cũng thế, trong Sáng Thế 43:18, Xuất Hành 23:19, Dân Số 31:54 của Bản Bẩy Mươi cũng thế. Trong 1 Timôtê 6:7, viết rằng “chúng tôi không đem được điều gì vào thế gian”, một câu nói được trích dẫn từ Polycarp, Phil 4, 1. Xin xem thêm Dt 13:11, Lc 12:11 (đem ta tòa).
Động từ này cũng được dùng theo nghĩa rộng hơn để chỉ việc khiến ai bước vào 1 biến cố hay 1 tình trạng, như thể vào 1 nơi vậy; đây chính là ý nghĩa của lời cầu thứ sáu, như trong Mt 6:13… Một nghĩa hơi khác đi một chút tìm thấy nơi Cv 17:20 khi người ta nói Thánh Phaolô “đem các đề tài lạ hoắc” tới tai người Nhã Điển. Cũng thế, Hermas, Sim. 8.6.5; Xenophon, Mem. 1.1.2. Trong tất cả các điển hình này, nghĩa của động từ ghép này rất rõ là "đem vào", "dẫn vào". Theo các cuộc thảo luận hiện đại về ý nghĩa của động từ, điều quan trọng nên ghi nhận là động từ Hy Lạp này, trong hầu hết các lần xuất hiện trong Bản Bẩy Mươi, là dịch hình thức gây ra hay có tính nguyên nhân của các động từ Hípri, nhất là động từ hiph’il (xem Đnl 7:26).
Chữ thứ hai cần được chú giải là chữ peirasmon, căn bản có nghĩa là “thử nghiệm” (test) hay “thử thách” (trial). Nó và nhất là hình thức động từ peirazein chỉ một hành động qua đó, người ta muốn chứng nghiệm hay kiểm tra phẩm chất của một người hay một vật, như trong Khôn Ngoan 3:5; St 22:1; Hc 6:7; 27:5, 7; 1Pr 4:12. Trong những trường hợp này, nó có nghĩa “thử nghiệm” hay “kiểm tra”. Tuy nhiên, đôi khi nó cũng chỉ một mưu toan khiến một ai đó làm điều bậy, một “cám dỗ”, hay “dụ dỗ” (phạm tội). Vậy trong lời cầu xin thứ sáu của Kinh Lạy Cha, peirasmon có nghĩa gì? Người ta vẫn hiểu nó theo 3 cách sau đây:
(1) Trong Tin Mừng Mátthêu, nhiều nhà chú giải nhấn mạnh tới khía cạnh cánh chung của nó. Trong trường hợp này, peirasmon có thể chỉ sự khổ não vào ngày tận thế (Xem Mc 13:19, ám chỉ Đn 12:1; Kh 3:10) và muốn nói tới sự “thử thách” rù quyến tín hữu bội giáo. Liệu lối hiểu này có áp dụng vào Kinh Lạy Cha của Thánh Luca hay không, nơi có sự lưu tâm nhiều hơn tới cuộc sống hàng ngày của Kitô hữu, là điều vẫn còn đang được tranh cãi. Tuy nhiên, một số nhà chú giải thách thức lối giải thích chữ peirasmon không có mạo từ này, vì nó không được dùng như thế ở bất cứ nơi nào khác trong Tân Ước.
(2) Peirasmon trong lời cầu xin thứ sáu có thể chỉ việc “thử thách” tín hữu ngay trong cuộc sống bình thường của họ mà trong tiếng Pháp là “épreuve”.
(3) Peirasmon có thể chỉ cơn “cám dỗ”; đây là nghĩa rộng rãi hơn của việc thường xuyên gặp nguy hiểm bị dụ dỗ phạm tội, như ở nhiều nơi khác trong Tân Ước (như Mc 14:28; Mt 26:41; 1Tx 3:5; 1Tm 6:9; Gcb 1:12).
Đối với nhiều nhà chú giải, trong lời cầu xin này, bất kể hiểu theo nghĩa cánh chung hay nghĩa rộng rãi hơn, peirasmon ít khi chỉ 1 điều xuất phát từ bên trong con người (nghi ngại, thèm khát, bệnh tật, ham muốn) nhưng đúng hơn chỉ một điều xuất phát từ bên ngoài. Đúng hơn, nó là một sức mạnh, một hoàn cảnh, hay một biến cố tác động tới người bị thử thách hay cám dỗ, xuất phát từ một người hay một vật nào đó nhằm thách thức cá nhân chứng tỏ lòng trung thành.
Đó có thể là người hay ma qủy, như lời cầu xin thứ bẩy trong Kinh Lạy Cha của Tin Mừng Mátthêu, tùy ở việc hiểu chữ tou ponērou theo nghĩa trung tính “sự dữ” hay theo nghĩa giống đực “Thần Dữ” tức Satan. Trong Tin Mừng Mátthêu, peirasmon hay động từ peirazein còn chỉ sự thử thách xuất phát từ một nguồn thù nghịch nhân bản hay ma qủy (4:1, 3; 19:3; 22:18, 35), nhằm phá hoại tư cách người nào đó (thường là của Chúa Giêsu).
Nhân dịp này, linh mục Fitzmyer còn bàn rộng lời cầu thứ sáu này dưới 9 tiểu mục:
1. Nghĩa đen lời cầu xin;
2. Thử thách hay cám dỗ;
3. Cách diễn tả hành động của Thiên Chúa;
4. Lối diễn giải sơ khai theo nghĩa nguyên nhân và việc phát biểu lại lời cầu xin;
5. Song hành của lời cầu xin trong Do Thái Giáo;
6. Các lối dịch lại cận đại tại các nước có ngôn từ lãng mạn;
7. Các cố gắng biện minh cho lối diễn giải cho phép;
8. Lối dịch của người Hy lạp; và
9. Vấn đề giải thích theo nghĩa mục vụ.
1. Dịch lời cầu xin theo lối chiểu tự
Vì ý nghĩa của eisenegkês và peirasmon vừa nhắc trên đây, lời cầu xin thứ sáu trong Kinh Lạy Cha thường được dịch sang các ngôn ngữ khác cách khác nhau mà ta cần lưu ý. Cách hay được dùng hơn cả là cách của Bản La Tinh Cổ và Bản Phổ Thông (1).
Bản Phổ Thông: ne inducas nos in temptationem (R. Weber hiệu đính).
Bản Syriac Peshitta: wela talan lenesyuna (ne inducas nos in tentationem); Bản Cổ Syariac Tin Mừng Mátthêu đúng hơn đọc là wela ayteyan (đừng khiến chúng con bước vào).
Bản tiếng Anh: lead us not into temptation (đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ) (RSV, NIV, NRSV).
Bản Tiếng Đức: führe uns nicht in Versuchung (Einheitsübersetzung, Luther, Klostermann, Gnilka, Wilckens, Wiefel).
Bản tiếng Pháp: ne nous conduis pas dans la tentation (TOB [1988], Bonnard). Nhưng bản mới đây của Hội Đồng Giám Mục Pháp: Ne nous laisse pas entrer en tentation (đừng để chúng con bước vào cơn cám dỗ).
Tiếng Ý: non ci indurre in tentazione.
Tiếng Tiệp: a neuvod’ nás v pokusŠení.
Tiếng Flemish/Dutch: en leid ons niet in bekoring.
Tiếng Ba Lan: nie wódz nas na pokuszenie.
Hình thức trên đôi khi được biến chế đôi chút, nhưng vẫn giữ nghĩa căn bản là: đừng đem chúng con vào cơn cám dỗ.
2. Thử thách hay cám dỗ
Bất luận phát biểu cách nào ý nghĩa căn bản của lời cầu xin thứ sáu trong Kinh Lạy Cha, nó vẫn cho thấy Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu xin Thiên Chúa đừng dẫn họ vào cơn cám dỗ, vào thử thách, hay vào cuộc thử thách cuối cùng về lòng trung thành của họ.
Tân Ước thậm chí còn ghi lại rằng chính Chúa Giêsu đã bị Thiên Chúa thử thách. Sau khi Chúa Giêsu được Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa, Thánh Máccô ghi rằng “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa” nơi Người ở lại 40 ngày, “chịu Satan cám dỗ” (1:12-13). Tính nguyên nhân của Chúa Thánh Thần là điều hết sức rõ ràng. Thánh Mátthêu cũng ghi lại tương tự như thế, “Chúa Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa để bị ma qủy cám dỗ” (4:1). Trường hợp này, tính nguyên nhân của Chúa Thánh Thần còn được phát biểu rõ hơn nữa. Xin xem thêm Luca 4:1-2 nơi ngài còn ghi rằng Chúa Giêsu “đầy tràn Thần Khí”, có ý nhắc lại cảnh chịu phép rửa ở 3:21-22. Chúa Thánh Thần dẫn Chúa Giêsu vào chỗ đối địch với Satan, trong đó, Người sẽ chứng minh Người luôn trung thành trong tư cách Con Thiên Chúa. Rõ ràng, Chúa Thánh Thần không phải là nguồn gốc hay nguyên nhân của cuộc thử thách hay cám dỗ nhưng hành xử như tác nhân thần thánh đem Chúa Giêsu vào một hoàn cảnh trong đó lòng trung thành con thảo của Người bị thử thách.
Nếu, trong cuộc sống dương gian của Người, Chúa Giêsu chịu Thần Khí Thiên Chúa thử thách hay cám dỗ như thế, thì việc này quả cung cấp bối cảnh cho lời cầu xin thứ sáu của Kinh Lạy Cha, Kinh mà Người dạy các môn đệ thưa với Cha trời của Người và của họ.
Cả điển hình của Chúa Giêsu và lời cầu xin thứ sáu đều chỉ vang vọng ý niệm từng có trong Cựu Ước về việc Thiên Chúa để dân Israel của Người phải chịu thử nghiệm, thử thách hay cám dỗ. Bởi thế, Ápraham đã bị Thiên Chúa “thử thách” Khi Người yêu cầu ông hy sinh đứa con trai duy nhất của ông là Isaác (St 22:1-2), sau khi hứa với ông một dòng dõi đông đúc (St 15:5-6; 17:19; xem Hc 44:20d; 1 Mcb 2:52; Dt 11:17). Rồi Thiên Chúa “thử thách” dân Israel trong hoang địa, khi họ khao khát nồi thịt Ai Cập, để xem xem “liệu chúng có tuân theo giáo huấn của Ta hay không” (Xh 16:4). Xin xem thêm Xh 20:20; Đnl 8:2-3, 16; 13:3; Cn 3:12; và nhất là Sách Gióp 1:8-12, 22; 40:8; 42:2, 7, trong đó, Thiên Chúa thậm chí đã khởi dẫn việc thử thách ông Gióp. Trong Tôbia 12:14, tổng lãnh thiên thần Raphael nhìn nhận rằng ngài “được sai đến thử thách” Tôbia, nghĩa là được Thiên Chúa sai đến (Tb 3:17).
Việc thử thách trên thường bao gồm một hành động không luôn tốt của Thiên Chúa đối với người liên hệ, ít nhất thì cũng không tốt ngay lập tức; thực vậy, đôi khi nó còn xấu nữa. Thí dụ, khi Thiên Chúa sai một thần dữ đến giữa Abimelech và các thân hào Shechem (Tl 9, 22-24); hay khi Người sai một thần dữ đến chống lại Vua Saul (1Sm 18:10). Tương tự như thế, khi Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân Do Thái, Người đã kích động Đavít chống lại họ, thúc giục ông làm cuộc kiểm tra dân số Do Thái (2Sm 24:1), một việc dữ mà soạn giả Sử Biên sau này qui cho Satan (1Sb 21:1). Sách Đanien 1:1-2 ghi lại việc Nabucôđônôxa đã đến Giêrusalem, “và Chúa nộp Giơhôgiakim vào tay hắn” ra sao; xem thêm 2V 24:11; rồi “Ai đã để cho Giacóp chịu cảnh bóc lột, đã trao Ítraen vào tay bọn cướp? Há chẳng phải là ĐỨC CHÚA hay sao? ” (Is 42:24-25). Ta còn có thể trích dẫn nhiều thí dụ khác về việc qui cho Thiên Chúa các hậu quả dữ gây ra cho con người; trong nhiều trường hợp, mục đích hay kết quả cuối cùng có thể tốt, nhưng hành động tức khắc thì không tốt. Do đó, có lời khuyên trong Huấn Ca: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu cám dỗ” (2:1). Tuy nhiên, lối suy nghĩ như thế đặt căn bản này: Thiên Chúa luôn dẫn dắt dân Người và ở với họ cả lúc dẫn họ vào thử thách, cám dỗ, hay sự dữ.
Một điển hình đáng lưu ý khi nói như thế về Thiên Chúa tìm thấy trong bản văn Do Thái ở Palestine trước thời Kitô Giáo tại Hang Qumran số 11. Trong một lời cầu nguyện được lưu giữ ở 11QPsa 24, 10 (= Tv 155 [Syriac Psalm III], dòng 11), ta đọc thấy "và đừng dẫn con vào điều quá khó đối với con".
3. Cách diễn tả hành động của Thiên Chúa
Cả trong Cựu Ước cũng như trong các điển hình Do Thái và trong các cuộc cám dỗ chính Chúa Giêsu, người ta thấy một lối suy nghĩ và phát biểu tiền luận lý (protological) về hành động của Thiên Chúa. Nó qui cho Thiên Chúa hay Thần Trí Người một tính nguyên nhân mà hậu quả có thể gây hại cho người liên hệ. Lối suy nghĩ này cho rằng Thiên Chúa cách nào đó là nguyên nhân của việc này, cho dù cơn cám dỗ hay thử thách không xuất phát từ Thiên Chúa. Lối suy nghĩ này được gọi là tiền luận lý vì nó tìm cách giải thích tình huống sai phạm hay bội giáo, nhưng nó không phải là một giải thích hoàn toàn hợp luận lý.
Nó bắt đầu với ý niệm Thiên Chúa dẫn dắt dân Người, đem họ đến nơi họ phải tới. Phát triển thêm, nó thậm chí gán cho Thiên Chúa mọi điều lành và mọi điều dữ xẩy tới cho con người, vì Người là nguyên nhân và là đấng dựng nên mọi sự. Thí dụ, Đệ Nhị Isaia bầy tỏ lối suy nghĩ này khi nó viết rằng Thiên Chúa phán “Ta tạo ra ánh sáng và dựng nên tối tăm, làm ra bình an và dựng nên tai hoạ. Ta là ĐỨC CHÚA, Ta làm nên tất cả” (Is 45: 7). Stuhlmueller đã khôn khéo nhận định về câu này như sau: “sự dữ không phải là một tên khổng lồ làm choáng váng thế giới tùy ý nó; một cách nào đó, nó hoàn tất ý muốn của Thiên Chúa trong việc thanh tẩy và kỷ luật hóa các kẻ Người chọn”. Một ý tưởng tương tự đã được phát biểu ở Amos 3:6: “Giả như tai hoạ xảy ra trong thành, lẽ nào lại không do ĐỨC CHÚA? ”. Và cả ở Isaia 10:5-20, nhất là câu 6, “Ta sai nó (Assyria) đến với một dân tộc vô luân (Giuđa), Ta truyền cho nó đến với một dân chọc giận Ta, để tha hồ cướp bóc, tha hồ tước đoạt, để giày đạp dân ấy như bùn đất ngoài đường”. Ở đây, điều cần lưu ý không phải chỉ là Thiên Chúa cho phép một hình phạt như thế đối với dân của Người qua tay kẻ thù của họ; không, Người được cho hay là nguyên nhân của sự dữ xẩy ra cho họ. Tương tự như thế, ở Thủ Lãnh 2:14-15, “ĐỨC CHÚA nổi cơn thịnh nộ với Ítraen và đã trao họ vào tay quân cướp cho chúng tha hồ bóc lột; Người đã trao họ vào tay kẻ thù chung quanh, nên họ không thể đương đầu nổi với kẻ thù”. Cứ mỗi lần họ xuất trận là tay ĐỨC CHÚA giáng hoạ trên họ, như ĐỨC CHÚA đã phán và thề với họ. Họ lâm cảnh khốn cùng. Cứ mỗi lần họ xuất trận là tay ĐỨC CHÚA giáng hoạ trên họ, như ĐỨC CHÚA đã phán và thề với họ. Họ lâm cảnh khốn cùng”. Trong lối suy nghĩ này, nếu người ta bảo Thiên Chúa là nguyên nhân của sự dữ ấy, thì ta có thể hiểu được rằng Người dẫn họ vào tình huống thử thách hay cám dỗ, cho dù nguồn gốc tức khắc của cơn thử thách hay cám dỗ này không phải là chính Thiên Chúa.
Vấn đề trong lối suy nghĩ này là trong lịch sử suy tư, chưa xuất hiện sự phân biệt mà các thần học gia sau này đã đưa ra giữa ý chí cho phép của Thiên Chúa và ý chí tuyệt đối của Người. Thành thử, mọi sự xẩy đến với con người đều bị gán cho Thiên Chúa. Còn sự phân biệt này xuất hiện lúc nào thì không dễ xác định; nó chắc chắn đã được sử dụng trong các cuộc tranh luận về sự tiền định thời các giáo phụ. Lúc đó, người ta bảo Thiên Chúa để cho hay cho phép người ta rơi vào cơn cám dỗ hay bội giáo, nhưng chính Người không muốn thế một cách tuyệt đối.
Cũng có bằng chứng về lối suy nghĩ tiền luận lý này nơi Tân Ước, khi việc nhất thiết trừng phạt tội lỗi con người được gán cho sự giận dữ hay phán xét trừng trị của Thiên Chúa. Thí dụ, ở Rm 1:24, 26, 28, Thánh Phaolô cho rằng Thiên Chúa khiến dân ngoại ra dâm ô, say sưa bất xứng, và hành xử tồi bại. Trong các câu này, Thánh Phaolô tìm cách giải thích hợp luận lý tình thế thảm khốc của dân ngoại khi không có Tin Mừng; nhưng ngài lại làm thế một cách bán khai, mô phỏng cách Cựu Ước gán tình thế xấu xa này cho quyết định và hành động của Thiên Chúa, như một biểu hiện sự tức giận của Người (một phẩm tính của Thiên Chúa rút từ Cựu Ước). Hay ở Rm 9:18, ngài nói về Thiên Chúa “làm trái tim bất cứ ai Người chọn ra chai đá”, có ý nhắc đến Pharaô, mà Thiên Chúa làm cho cứng lòng ở Xh 4:21; 7:3; 9:12; 10: 20, 27; 14:8 (mặc dù các đoạn khác nói đến Pharaô xấu xa tự làm lòng mình ra chai đá: Xh 7:14; 8:15, 32). Đàng khác, ở Rm 11:32, Thánh Phaolô quả quyết rằng “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người vào sự bất tuân”. Ngược với lối suy nghĩ tiền luận lý này, người ta bắt đầu khám phá một lối suy nghĩ khác, đặc biệt trong các trước tác cuối thời Cựu Ước. Một điển hình đã được ghi nhận ở trên, khi 1Sb 21:1 được so sánh với 2Sm 24:1. Trong các trước tác đệ nhị thư của Huấn Ca, người ta nhận thấy một sự nhấn mạnh tới sự tự do của ý chí con người: “Con đừng nói: ‘Tại Đức Chúa mà tôi phạm tội’, vì điều Người gớm ghét, thì Người không làm. Đừng nói: ‘Chính Người làm tôi lầm đường lạc lối’, vì Người không cần kẻ tội lỗi” (Hc 15:11-12; xem thêm 15:20).
Thánh Phaolô cũng đã đóng góp vào lối suy nghĩ khác này khi ngài viết: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1Cr 10:13). Ở đây, người ta thấy Thiên Chúa cho phép những kẻ trung tín với Người bị thử thách hay cám dỗ, và từ lối diễn giải sự việc này, người ta thấy các nhà chú giải sau đó đã thường tìm cách làm nhẹ ngôn từ của lời cầu xin thứ sáu trong Kinh Lạy Cha như thế nào.
Sau cùng, câu quả quyết rằng cơn cám dỗ không phát xuất từ Thiên Chúa đã được phát biểu rõ rệt trong Gcb 1:13: “Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: ‘Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ’, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai”. Tuy thế, ta cần phải nhớ rằng nói “Thiên Chúa không cám dỗ ai” là một chuyện, và nói Thiên Chúa “dẫn chúng con vào cơn cám dỗ” lại là một chuyện khác, vì ở đây, hệ luận khá rõ ràng là Chính Thiên Chúa không phải là nguồn gốc của cám dỗ, và đây chính là ý nghĩa câu nói trong Thư Giacôbê. Mặt khác, cơn cám dỗ được Thánh Giacôbê nói đến là cơn cám dỗ qua đó, người ta “bị chính dục vọng của họ dụ dỗ hay lôi kéo” (1:14) nghĩa là nó phát xuất từ bên trong, trong khi peirasmon của Kinh Lạy Cha phát xuất từ bên ngoài, như đã nhận xét ở trên.
Còn 1 kỳ