Tiết 6: Chớ để chúng con sa chước cám dỗ

Καὶ μὴ εἰσενέγϰῃς ἡμᾶς εἰςπειρασμόν (Kai eisenegkês hemas eis peirasmon). Et ne nos inducas in tentationem {1}. Bản dịch tiếng Pháp đang được sử dụng không theo sát từng chữ của Tin Mừng Mátthêu và Tin Mừng Luca. “Chữ cám dỗ [tentation] trong tiếng Pháp gợi ý một sự dữ [mal], do đó, có sự cần thiết phải thay đổi công thức để đọc là ‘chớ để chúng con sa vào cơn cám dỗ’ vì Thiên Chúa không cám dỗ ai theo nghĩa này. Nhưng πειρασμός có nghĩa là thử thách [épreuve]) {2}.



Hai lỗi lầm phải tránh khi suy niệm về lời cầu xin thứ sáu. Chúng ta không được tưởng tượng (như bản dịch theo nghĩa đen, "Và đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ" có thể dẫn chúng ta đến chỗ tin) rằng để thử nghiệm sự kháng cự của chúng ta, Thiên Chúa đôi khi cám dỗ chúng ta hoặc xúi giục chúng ta làm điều ác. Những rắc rối bên trong và những cuộc xâm lấn đen tối mà sự hấp dẫn của sự ác đột ngột hoặc qủy quyệt tạo ra trong linh hồn nảy sinh từ sự yếu đuối của chúng ta và “tư dục của chính chúng ta”{3}, chúng cũng phát xuất từ Thiên thần sa ngã, kẻ kích thích tư dục kia và là kẻ, tan quam leo rugiens (như con sư tử gầm thét), "rảo quanh tìm mồi cắn xé” {4}. Chính ma quỷ cám dỗ chúng ta, chứ không phải Thiên Chúa. "Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: ‘Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ’, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai” {5}.

"Đừng nói: chính Thiên Chúa đã làm tôi phạm tội: vì Người không làm điều Người vốn ghét. Đừng nói: Người đã khiến tôi sai lầm: vì Người vốn không cần những kẻ gian ác." {6}. “Trời gìn giữ chúng ta để khỏi tin rằng Thiên Chúa có thể cám dỗ chúng ta”{7}.

Nhưng theo một quan điểm khác, chúng ta phải ý tứ đừng giảm thiểu hoặc làm nhẹ ý nghĩa các lời lẽ của Chúa Giêsu. Chúng ta không nên tưởng tượng rằng chúng ta được dạy để xin cho được miễn trừ mọi điều có thể sẽ khiến chúng ta phải vượt qua lửa thử thách, và là những điều bởi đó có thể hàm ngụ một nguy cơ khiến chúng ta yếu đuối hay phạm tội, là trường hợp xẩy ra với đa số những dịp mà cuộc sống con người khiến chúng ta gặp phải, và đặc biệt là với mọi lựa chọn trong đó chúng ta phải tổn thất điều gì đó vì đã chọn điều tốt, và với mọi phiền não nghiêm trọng, hoạn nạn, bất hạnh hay bách hại, và đặc biệt hơn nữa với mọi cám dỗ đúng nghĩa, và với những cám dỗ cực độ mà một linh hồn đang hấp hối trên thập giá đang phải đương đầu. "Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người” {8}. "Nhưng khi được chia sẻ những đau khổ của Chúa Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu”{9}.

"Bao lâu còn ở trên mặt đất, chúng ta còn bị vướng vào xác thịt, một xác thịt đang đấu tranh chống lại tinh thần ... do đó, chúng ta bị phơi bày cho sự cám dỗ ... Ai có thể tưởng tượng con người thoát khỏi các cơn cám dỗ, khi họ biết con người luôn bị áp đảo ra sao bởi những cơn cám dỗ này? Liệu có lúc nào người ta được bảo đảm là không phải đấu tranh để không phạm tội không? ”{10}" Chúa có bảo chúng ta cầu xin để không bị cám dỗ chút nào hay không? Tuy nhiên, trong Sách Thánh, có nói: "Người không bị thử thách, không chứng minh được khả năng của mình” {11} Và ở một nơi khác: {12}'Thưa anh em, anh em hãy trân quí nó một cách hân hoan, khi anh em sa vào các cơn thử thách khác nhau'"{13}.

Thánh Tôma đã viết cùng một điều: trong lời cầu xin thứ sáu "chúng ta không xin đừng bị cám dỗ, nhưng đừng bị chinh phục bởi cám dỗ" {14}.

Thánh Tông Đồ nói gì? " những ai muốn sống đạo đức trong Chúa Giêsu Kitô, đều sẽ bị bắt bớ” {15}.

Còn Chúa Giêsu đã nói gì? "Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” {16}.

*

Điểm đầu tiên do đó cần được lưu ý. Đó là chữ peirasmos có nghĩa là thử thách (mọi điều đòi chúng ta làm chứng cho một nhân đức nào đó, đặc biệt là lòng trung thành và tình yêu của chúng ta), và "thử thách" có ý nghĩa rộng hơn so với "cám dỗ ". Chính vì thế, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ: Vos autem estis, qui permansistis mecum in tentationibus meis. Rõ ràng chữ tentatio (πειρασμός [peirasmos]) ở đây có nghĩa thử thách, chứ không phải cám dỗ. “Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan”{17}. Những thử thách này “là những khó khăn của đời sống, những mai phục của người Pharisiêu và của những người thuộc phái Hêrôđê, sự phản đối rõ ràng của các nhà lãnh đạo tôn giáo, bất chấp hành động đạo đức giả hình của họ"{18}.

Tương tự như vậy, có lời chép về người công chính: "Thiên Chúa đã thử thách họ, và thấy họ xứng đáng với Người. Người đã tinh luyện họ như người ta luyện vàng trong lò lửa, và đón nhận họ như của lễ toàn thiêu... Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy {19}. Và câu này nữa: {20}"Vâng lạy Chúa, Ngài đã từng thử thách, luyện chúng con như luyện bạc trong lò. Ngài đã để chúng con rơi vào bẫy lưới” (không phải bẫy lưới tà ác hay cám dỗ mà là bẫy lưới thử thách và bất hạnh).

Và thử thách cực độ, thử thách của Áp-ra-ham, không phải là cơn cám dỗ (kích động làm điều ác), mà là một mệnh lệnh nhận được trực tiếp từ Thiên Chúa Chí Thánh. "Há Áp-ra-ham không được chứng tỏ là trung thành trong thử thách đó sao?" {21}



Tuy nhiên, vì tất cả các điều trên, chữ "thử thách" vẫn không loại bỏ ý nghĩa cám dỗ; trái lại thì có - cám dỗ là một trong những hình thức thử thách đáng sợ nhất. Nó không tha ông Giuse, con Giacốp; cũng không tha Ông Gióp trên đống phân của ông; cũng không tha chính Chúa Giêsu trong sa mạc, cũng không tha bất cứ vị thánh nào của Người.

Một điểm cần lưu ý khác là về loại thử thách đau khổ, Thiên Chúa không phải là nguyên nhân trực tiếp (per se), mà là nguyên nhân gián tiếp (per accidens); Người cho phép nó hiện hữu vì nó là mặt trái của một cái tốt mà Người dự định, hoặc một điều kiện hay một phương tiện giả định cho cái tốt đó. Và về loại thử thách cám dỗ, Người không hề là nguyên nhân, Người đơn giản cho phép nó mà thôi. Tuy nhiên, rõ ràng là nếu không có sự cho phép của Người, cám dỗ sẽ không xảy ra{22}. "Kẻ thù không thể làm gì chống lại chúng ta nếu không có sự cho phép trước của Thiên Chúa" {23}.

Đó là lý do tại sao Thánh Grêgôriô Cả đã viết: "con người nên biết rằng ý muốn của Satan luôn luôn không chính trực, nhưng quyền lực của hắn không hề bất chính, bản thân hắn thực hiện ý muốn của hắn, nhưng hắn nắm quyền lực của mình từ Thiên Chúa. Các điều xấu xa hắn xin phép làm, Thiên Chúa đã cho phép một cách công chính”{24}. Như Charles Journet đã nói thêm: "sau Thiên Chúa, không ai làm việc chăm chỉ hơn cho sự nên thánh của Gióp bằng Quỷ, và không ai có thể muốn điều này ít hơn"{25}.

Và chúng ta sẽ trở thành gì, và nỗi khốn cùng của chúng ta sẽ là gì, nếu Thiên Chúa không có quyền kiểm soát tuyệt đối trên mọi thử thách và mọi cám dỗ có thể tấn công chúng ta? Người hơi nghiêng đầu một chút, cuộc thử thách sẽ không còn đi xa hơn nữa, và các thiên thần trên trời sẽ đến để an ủi và giúp linh hồn trong đau đớn. Và khi ngươi ở dưới đáy vực sâu, và Người đã bác khước và bỏ rơi ngươi, và Người đã phó mặc ngươi cho sự chết và điều còn tệ hơn sự chết, Người vẫn chăm sóc linh hồn ngươi một các kín đáo, và đặt hoa trên khăn liệm ngươi và ngăn cản diều hâu lại gần ngươi.

“Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” {26}.

Diligentibus Deum Omnia cooperantur in bonum. “Với những ai yêu mến Thiên Chúa, mọi sự sẽ hợp tác gây ích cho họ” {27}.

Lời cầu xin thứ sáu là lời cầu xin cho sự yếu đuối của chúng ta, lời cầu xin của một người biết mình yếu đuối và cầu xin để ngày nay không còn yếu đuối nữa, trong những giờ phút nguy hiểm, vốn là giờ phút của kẻ khốn cùng này ngày hôm nay.

Nó giữ gìn chúng ta khỏi rơi vào ngạo mạn. Nó là lời cầu xin cho được khiêm nhường (và sự khiêm nhường không biết dừng ở chỗ nào, mặc dù không có sự khiêm nhường thực sự nào mà lại không kèm theo sự hào hiệp).

Có một loại ngạo mạn chỉ có tính biểu kiến, bởi vì nó chỉ là một sự bùng nổ ngây thơ của tình yêu và sự tự tin. Chính vì thế, Thánh Vịnh gia đã xin được thử thách: "Lạy Chúa, xin dò xét và thử thách con, tâm can này, xin đem thử lửa” {28}. Và người ta nên nói gì về Giacôbê và Gioan? Không những họ buộc mẹ xin Chúa Giêsu cho họ được ngồi bên tay phải và tay trái trong vương quốc của Người{29}, hoặc trong vinh quang của Người {30} (với lời xin này, Chúa Giêsu trả lời: "Các con không biết điều các con xin"), nhưng khi Người hỏi họ,"các con có thể uống chén mà Thầy sắp uống không?" họ không sợ nhưng đã thưa với Người "Chúng con sẵn sàng uống”. Tuy nhiên, Chúa không quở trách họ vì điều này, nhưng đã nói: "Quả thực, các con sẽ uống chén của Thầy...". {31}

Nhưng sự ngạo mạn đích thực thì khá đắt giá. Tội nghiệp Phêrô! "Cho dù mọi người sẽ vấp phạm vì Thầy, con cũng sẽ không bao giờ vấp phạm ... Dù con phải chết với Thầy, con cũng sẽ không chối Thầy" {32}.

Vào giờ chiến đấu tối hậu, chúng ta phải cầu nguyện để khỏi rơi vào cơn cám dỗ; cơn cám dỗ luôn có nguy cơ vượt quá sức lực yếu ớt của chúng ta. Khi đến Vườn Ôliu, Chúa Giêsu "nói với họ, ‘hãy cầu nguyện để khỏi rơi vào cơn cám dỗ’"{33}. Và một lần nữa, khi Người thấy họ ngủ thiếp vì buồn bã : "Simon, con ngủ sao? Con không thể canh thức được một giờ hay sao? Hãy canh thức và cầu nguyện, kẻo sa vào cơn cám dỗ"{34}.

Người thực sự biết yếu điểm của mình sẽ không từ chối thử thách; họ không quên rằng giữa những phiền não và những cám dỗ tồi tệ nhất, Thiên Chúa luôn luôn giúp đỡ họ. Nhưng chính bản thân họ đã không tin tưởng; họ biết rằng một trò vặt vãnh đơn giản cũng đủ dẫn họ lạc lối, rằng họ có thể làm bất cứ hành vi hèn nhát và điên rồ nào, mọi sự mất ơn thánh nào {35}. Họ có tốt hơn Đavít, họ có tốt hơn Simong Phêrô không? Chỗ những vị này sa ngã, liệu họ có đứng vững được không? Và liệu họ có khóc lóc rồi trỗi dậy như các vị này hay không? Lạy Chúa, nếu Chúa đem con đến chỗ thử thách - với ơn trợ giúp của Chúa, con sẽ cố gắng tránh mọi sự sa ngã, và nếu Chúa muốn đi xa hơn, Chúa cứ đi, con sẽ không cố gắng trốn thoát. Nhưng con có sẽ hợp tác với ơn thánh của Chúa không? Con có sẽ không rơi vào hầm hố hay không? Chúa có nhận ra nỗi khốn cùng của con không? Lạy Chúa, đừng đem con vào cơn thử thách.



Ở đây, chúng ta tin rằng, trong mọi tính đa dạng và biến đổi nhưng hội tụ của chúng, là những cảm quan phức tạp của linh hồn tương ứng với lời cầu xin thứ sáu. Lời lẽ nào chính xác dịch được bản văn tiếng Hy Lạp mà từ đó lời cầu xin này đã đến với chúng ta? Đây không phải là một câu hỏi dễ dàng. Xét hết mọi điều (và ít nhất, theo ý kiến của những người có tư cách nhất để phán đoán) dường như điều chắc chắn thích hợp là dành ưu tiên cho công thức của bản dịch tiếng Do Thái: "Và đừng dẫn chúng con vào bàn tay thử thách".

Dù sao, ý nghĩa của lời cầu xin thứ sáu cũng khá rõ ràng. Đó là ý nghĩa, bằng cách sửa đổi chút đỉnh và kết hợp giữa công thức của Thánh Ambrôsiô {36} và công thức của Cha Lagrange {37}, người ta có thể phát biểu như sau: Đừng để chúng con bị thử thách hoặc cám dỗ mà chúng con không thể chịu đựng; Xin ơn quan Phòng của Chúa, luôn sẵn sàng nghe lời cầu nguyện của chúng con, không bao giờ để chúng con gặp những dịp tội lỗi quá nguy hiểm cho sự yếu đuối của chúng con.

_________________________________________________________________________________
{1}Mt 6:13; Lc 11:4
{2} M.J. Lagrange, Evang. selon saint Luc, p. 324, n. 4. -- Xem Evang. selon saint Matthieu, pp. 130-1, n 13
{3} Gcb 1:14.
{4} 1 Pr 5:8.
{5} Gcb 1:13.
{6} Huấn Ca 15:11 -- 12.
{7} Tertullianô, De Oratione, cap. 8, P.L., 1, 1164.
{8} Gcb 1:12.
{9} 1 Pr 4:13.
{10} Origène, De Oratione, 29 P.G., II, 532-3.
{11} Huấn Ca 34:10. Chính xác hơn: “ai không chịu thử thách, ít biết sự việc”.
{12} Gcb 1:2
{13} Thánh Cyriliô Thành Giêrusalem, Catéchèses mystagogiques, XVII, P.G., 33, 1121.
{14} Sum. theol., II-II, 83, 9.
{15} 2 Tm. 3:12.
{16} Mt. 5:11.
{17}Lc 22:28
{18} M. J. Lagrange, Evang. selon saint Luc, p. 551, n. 28.
{19} Kn 3:5-6.
{20} Tv. 66 (65):10-11.
{21} 1 Mcb. 2:52. – Trong Sách Tôbia, thiên thần Raphaen nói với Tôbia: “Và khi ngươi không ngại chỗi dậy bỏ dở bửa ăn để đi vùi chôn kẻ chết, và bấy giờ ta được sai đến để thử lòng ngươi” (Tb 12:13)
{22} Do đó, tư tưởng sêmitích, thường quan tâm trước hết tới các biến cố cụ thể, nên ít lưu ý tới sự phân biệt này giữa việc cho phép và việc muốn. Xem Đnl 13:4, nhân nói đến sự thử thách cám dỗ: “chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), thử thách anh em cho biết anh em có yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ không”
{23} Thánh Cyprianô, De Orat. Domin., n. 25, P.L., 4, 536.
{24} Thánh Grêgôriô Cả, Moralium, lib. II, in cap. 1 Job; P.L., 75, 564.
{25} Charles Journet, Le Mal, p. 282.
{26} 1 Cor. 10:13.
{27} Rom. 8:28.
{28} Tv 26 (25) :2.
{29} Mt. 20:21.
{30} Mc 10:37.
{31} Mt. 20:23.
{32} Mt. 26:33-35.
{33} Lc 22:40.
{34} Mc 14:38.
{35} "Chúng ta biết rằng Chúa đã cân đo sức gió cho hợp với con chiên bị xén lông. Nên chúng tô cần xin Người, vì lòng tốt vô lượng của Người, đừng để chúng ta ngày nay phải gặp cơn cám dỗ lớn hơn khả năng chống đỡ của chúng ta; hoặc nếu Người muốn, xin Người tăng cường chúng ta bằng cách ban thêm ơn thánh của Người cho chúng ta. Và cũng xin Người đừng để chúng ta bị thử thách quá lớn đến độ mong nơi ta mọi điều Người có quyền đòi hỏi... Và xin Người xét đến sự yếu đuối của chúng ta” Charles Journet, Le Mal, p. 261.
{36} "Và chớ để chúng con bị dẫn vào cơn cám dỗ mà chúng con chịu đựng không nổi” De Sacram., lib. VI, n. 29, P.L., 16,454.
{37} Ơn Quan Phòng của Chúa, luôn sẵn sàng nghe lời chúng con cầu nguyện, đừng bao giờ phó mặc chúng con cho cạm bẫy của các dịp tội vốn đe dọa sự yếu đuối của chúng con”. L’Évangile de Notre-Seigneur Jésus-Christ, p.321

Kỳ sau: Chương 3, tiết 7: nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ