1. Trung Quốc phóng thêm vệ tinh trinh sát lên không gian
Hôm thứ Ba 23 tháng 6, Trung Quốc đã phóng thành công vào không gian vệ tinh cuối cùng trong mạng lưới điều hướng Bắc Đẩu (Beidou - 北斗), để cạnh tranh với mạng điều hướng GPS do Mỹ sở hữu.
Ban đầu, Trung Quốc dự định phóng vệ tinh này lên không gian vào ngày 16 tháng 6, nhưng kế hoạch này đã bị hủy bỏ vào phút cuối do những vấn đề về kỹ thuật được phát hiện trong các cuộc thử nghiệm trước khi phóng tên lửa Vạn Lý Trường Chinh-3B.
Vệ tinh vừa được phóng lên không gian có tên là Bắc Đẩu-3 là vệ tinh thứ 35 và cũng là vệ tinh cuối cùng của hệ thống định vị Trung Quốc - một dự án ước tính trị giá 10 tỷ Mỹ Kim. Đây được coi là câu trả lời của Bắc Kinh cho Hệ thống Định vị Toàn cầu, gọi tắc là GPS, do Mỹ sở hữu.
Trung Quốc giải thích rằng Hệ thống Định vị Toàn cầu Bắc Đẩu của họ đã hình thành vào những năm 1990 khi quân đội Trung Quốc tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Hệ thống Định vị Toàn cầu GPS do Không quân Hoa Kỳ điều hành.
Ban đầu thế hệ Bắc Đẩu 1 của Trung Quốc giới hạn trong phạm vi Trung Quốc mà thôi.
Thế hệ Bắc Đẩu 2 của Trung Quốc, bắt đầu hoạt động vào năm 2012, bao trùm khu vực châu Á và Thái Bình Dương.
Năm 2015, Trung Quốc bắt đầu triển khai thế hệ thứ ba gọi là Bắc Đẩu 3 nhằm mục đích phủ sóng toàn cầu.
Trong cuộc họp báo sáng thứ Sáu 26 tháng 6 tại Bắc Kinh, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian - 赵丽坚) đã lên tiếng trấn an dư luận rằng các vệ tinh Bắc Đẩu của Tầu Cộng chỉ nhắm đến các mục đích dân sự, chủ yếu là chỉ đường cho các xe cộ trên đất liền và tàu bè trên biển. Tuyên bố của Kiên được đưa ra vì nhiều nước lo ngại rằng Trung Quốc đang tiến hành do thám các quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt là các quốc gia trong vùng Đông Nam Á để phục vụ các mục tiêu bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán.
2. Tòa Thánh công bố công bố Chỉ Nam Giáo Lý Công Giáo
Đạo đức sinh học, bản sắc giới tính và giới tính sinh học là những chủ đề mới được nêu trong Chỉ nam Giáo lý Công Giáo mới nhất của Vatican, được phát hành hôm thứ Năm 25 tháng Sáu. Cuốn Chỉ nam Giáo lý Công Giáo mới được sửa đổi này nói rằng các phát triển khoa học mới phải tôn trọng ý chí sáng tạo của Thiên Chúa và phẩm giá con người.
Cuốn sách dầy 300 trang, cung cấp các chuẩn mực phổ quát cho các mục tử và các giáo lý viên trong công việc truyền giáo, được viết một cách nhất quán với các Chỉ nam Giáo lý Công Giáo của Giáo hội đã được công bố năm 1971 và 1997, và trình bày giáo lý Công Giáo trước các vấn đề xã hội đương đại, bao gồm các vấn đề đạo đức mới chưa được đề cập đến trong các phiên bản trước đó.
“Các vấn nạn về đạo đức sinh học đang đặt ra các thách đố đối với sách giáo lý và chức năng đào tạo của nó, ” cuốn Chỉ nam Giáo lý Công Giáo khẳng định, và lưu ý sự cần thiết là các giáo lý viên phải được huấn luyện kỹ lưỡng về các vấn đề liên quan đến cuộc sống.
Cuốn Chỉ nam Giáo lý Công Giáo nhấn mạnh rằng: “Có một sự cần thiết phải chú ý đến những thách đố xuất phát từ sự phát triển khoa học và công nghệ.”
Cuốn Chỉ nam Giáo lý Công Giáo đã đề cập đến các vấn đề về giới tính và đạo đức sinh học trong các đoạn từ 373 đến 378. Vào cuối phân đoạn này cuốn Chỉ Nam đề cập đến bốn “yếu tố cơ bản” để hình thành các phán đoán liên quan đến các vấn đề đạo đức sinh học.
Cuốn sách khẳng định rằng: “Thiên Chúa là điểm tham khảo ban đầu và chung cuộc của sự sống, từ lúc thụ thai đến cái chết tự nhiên; con người luôn là một thể thống nhất về tinh thần và thể xác; khoa học là để phục vụ của con người; cuộc sống phải được chấp nhận trong bất kỳ điều kiện nào, bởi vì nó được cứu chuộc bởi mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu Kitô.”
Cuốn Chỉ nam Giáo lý Công Giáo mới được công bố trong cuộc họp báo vào lúc 11:30 sáng thứ Năm 25 tháng Sáu, tại Hội trường Gioan Phaolô II của Phòng Báo chí Tòa Thánh.
Chủ tọa cuộc họp báo là Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Tái Truyền Giảng Tin Mừng; cùng với Đức Cha Octavio Ruiz Arenas, người Colombia, Tổng thư ký của Hội đồng; và Đức Cha Franz-Peter Tebartz-van Elst, người Đức, chuyên viên về vấn đề huấn giáo của hội đồng này.
Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, nói với các nhà báo hôm thứ Năm rằng Cuốn Chỉ nam Giáo lý Công Giáo đã đề cập đến “tất cả những tình huống” liên quan đến đạo đức sinh học kết nối với chiều kích nhân chủng học của con người.
Ngài cũng lưu ý cách tiếp cận chung mà một tài liệu thuộc loại này phải thực hiện trong khi vẫn phải mang tính chất cụ thể. “Một cuốn chỉ nam không trả lời tất cả các câu hỏi có thể mở ra. Vì thế, cuốn chỉ nam này trình bày những vấn đề trong các khía cạnh tổng quát – nhưng không chung chung – nghĩa là mang tính đại cương, và phổ quát.”
Cuốn Chỉ nam Giáo lý Công Giáo hướng đến các Giám Mục, Linh Mục, và tất cả những người Công Giáo tham gia vào giảng dạy đức tin, khẳng định rằng các nghiên cứu khoa học và ứng dụng của nó “không trung lập về mặt đạo đức”.
Tương tự như vậy, cuốn sách nhấn mạnh rằng tính chất luân lý của một hành động không thể dựa vào “hiệu quả kỹ thuật mà thôi, không thể chỉ dựa đơn thuần trên phương diện tiện ích hay các từ ý thức hệ thống trị.”
“Một hành động có hiệu quả về kỹ thuật vẫn có thể mâu thuẫn với phẩm giá của con người, ” cuốn sách nói thêm.
Cuốn Chỉ nam Giáo lý Công Giáo bao gồm các vấn đề về đạo đức sinh học liên quan đến phẩm giá con người của thai nhi chưa chào đời, thụ thai nhân tạo, định nghĩa về cái chết, trợ tử, chăm sóc giảm nhẹ, sức khoẻ và các thí nghiệm trên con người, như kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học.
Tài liệu này giải thích rằng theo giáo huấn của Giáo Hội, đạo đức sinh học phải “dựa trên bình diện tư duy” nhưng nó cũng được lấy cảm hứng từ Mạc Khải Thiên Chúa, trên đó nền nhân chủng học Kitô giáo được thành lập. “Cuộc sống và sự tốt lành của sự sáng tạo dựa trên chúc lành ban đầu của Thiên Chúa: 'Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!' (St 1:31)”
Trong những lời bình luận của mình với các nhà báo vào ngày 25 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Fisichella cho biết thông tin chi tiết hơn về giáo huấn của Giáo hội liên quan đến các vấn đề đạo đức có thể được tìm thấy trong sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, và các Hội Đồng Giám Mục cũng được kêu gọi để lên tiếng trước các vấn đề cụ thể ở các quốc gia các ngài.