2. Không tin cũng xảy ra: Trung Quốc hô hào chính sách gia đình mới: Một vợ hai chồng
Ký giả Trần Nhất Lâm (Yilin Chen, 陈一林) của tờ Tài Tân (Caixin, 财新) cho biết một cuộc tranh luận sôi nổi đang diễn ra trong xã hội Trung Quốc trước một đề xuất thay đổi luật hôn nhân gia đình của một giáo sư Đại Học. Toàn văn bài báo viết như sau:
Huỳnh Hựu Quang (Yew-Kwang Ng, 黄有光) giáo sư kinh tế tại Đại học Phúc Đán (Fudan, 复旦) đã đề xuất một giải pháp để chống lại các vấn nạn nhân khẩu học phát sinh từ chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc. Trong chuyên mục “Làm thế nào để sống hạnh phúc hơn” trên NetEase Finance, ông lập luận rằng Trung Quốc nên hợp thức hóa thực trạng phụ nữ có nhiều chồng, lý tưởng là có hai người chồng.
Chính sách một con, có hiệu lực trên khắp các vùng rộng lớn của Trung Quốc từ năm 1980, đã được nới lỏng vào năm 2016. Kết hợp với sở thích truyền thống là có con trai, chính sách này đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng vì một số gia đình đã quyết định phá thai ngay cả bằng các phương thức bất hợp pháp khi biết thai nhi là gái. Theo Quang sự mất cân bằng giới tính hiện tại là 117 bé trai so với 100 bé gái dựa trên các báo cáo về sinh sản của Trung Quốc, mặc dù một số người cho rằng tỷ lệ này có lẽ chỉ là 105 so với 100. Quang cho rằng nhiều người đàn ông muốn kết hôn đang gặp khó khăn rất lớn trong việc tìm vợ. Điều này có nghĩa là nhu cầu về thể chất và tâm lý của những người đàn ông này không được đáp ứng, và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong tương lai.
Quang đề xuất giải pháp cho vấn đề này là “chiến lược một vợ hai người chồng”. Quang viết: “Định nghĩa truyền thống về hôn nhân bao gồm hai người, một người nam và một người nữ. Tuy nhiên, ngày nay một số quốc gia trên thế giới đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, vì thế chúng ta cũng có thể từ bỏ định nghĩa này và cho phép một người phụ nữ có nhiều chồng.”
Ông ta lập luận rằng giải pháp này chỉ phản ảnh một thực tại là những người phụ nữ có hai người chồng vẫn có khả năng mang lại hạnh phúc cho cả hai người chồng và hoàn thành chu đáo công việc nhà. Ông Quang nhấn mạnh rằng lợi ích của việc tìm được vợ cho lực lượng đông đảo những người đàn ông độc thân trong xã hội Trung Quốc sẽ vượt trội hơn so với các tác hại không đáng kể và ngắn hạn mà những người phụ nữ muốn có nhiều chồng phải chịu.
Bài viết của Huỳnh Hựu Quang đã bị lên án rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội sau khi bài viết của y được đăng rộng rãi trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một phương tiện truyền thông chính mạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhiều người cáo buộc Quang coi phụ nữ chỉ là các thứ hàng hóa và máy móc.
Khi được yêu cầu bình luận về câu chuyện này, một ký giả tại Trung Tâm Nghiên Cứu Thánh Linh của giáo phận Hương Cảng nói với chúng tôi rằng trong các vùng nông thôn Trung Quốc tình trạng một người phụ nữ phải làm vợ cho nhiều người trong cùng một dòng tộc không phải là hiếm. Tuy nhiên, hầu chắc cuộc tranh luận này là một một mưu toan đánh lạc hướng dư luận tại Hoa Lục. Bất mãn của dân chúng đối với cách thức cộng sản đối phó với đại dịch coronavirus càng ngày càng cao vì con số thương vong và tình trạng kinh tế bi đát. Huỳnh Hựu Quang, 78 tuổi, đang đóng vai một con dê tế thần.
Source:Caixin
2. Tình trạnh bách hại người Công Giáo gia tăng tại Bosnia và Herzegovina
Bosnia và Herzegovina đã từ lâu không được nhắc đến trên báo chí. Chính thức, cuộc nội chiến tàn bạo ở Nam Tư cũ đã kết thúc với Hiệp định Dayton năm 1995. Tuy nhiên, những vết thương của chiến tranh vẫn còn tiếp tục rỉ máu - đặc biệt là trong sự phân biệt đối xử đối với người Công Giáo. Khi cuộc xung đột đang diễn ra, ít nhất nửa triệu người Công Giáo đã bị xua đuổi khỏi quốc gia này.
Bosnia-Herzegovina ngày nay được chia thành ba nhóm dân tộc: Bosnia, Serb và Croats. Mặc dù trên giấy tờ họ được xem là bình đẳng, nhưng trong thực tế sự thất vọng được nhân lên bội phần vì đại dịch coronavirus kinh hoàng đang thúc đẩy các lực lượng ly tâm nguy hiểm: Người Bosnia Hồi giáo đang ngày càng hướng về Thổ Nhĩ Kỳ và thế giới Hồi giáo; đa số người Serb theo Chính Thống Giáo thì hướng về Nga, trong khi người Công Giáo, là nhóm nhỏ nhất đang nghiêng về Liên Hiệp Âu Châu. Một cuộc xung đột nội bộ đang gia tăng có nguy cơ ảnh hưởng tai hại đến tương lai của đất nước và làm phức tạp thêm việc gia nhập vào Liên Hiệp Âu Châu.
Đức Hồng Y Vinko Puljic, là tổng giám mục Vrhbosna, đã báo động về số phận của người Công Giáo trong nước, phần lớn là người Croatia. Khoảng 10, 000 người Công Giáo đang phải di tản ra nước ngoài mỗi năm.
Đức Hồng Y cho biết trong chiến tranh và ngay sau đó, hầu hết người Công Giáo bị trục xuất khỏi nhà cửa của họ và có rất nhiều những vụ phá hoại và cướp bóc đã xảy ra. Sau chiến tranh, họ không nhận được sự hỗ trợ về mặt chính trị hay tài chính để quay trở lại. Các điều khoản của hiệp định Dayton đã không được thực hiện trong thực tế, và những người phải chịu đựng nhiều nhất là những người Công Giáo Croatia thiểu số. Họ gặp nhiều khó khăn để bảo vệ các quyền cơ bản của mình. Hiện nay tình trạng mất an ninh ngày càng đáng báo động, một số người Công Giáo Croatia đã phải rời khỏi đất nước vì lý do này. Họ quan tâm đến tương lai của con cái họ.
Đức Hồng Y cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ biết:
“Giáo hội ở Bosnia và Herzegovina đang cố gắng hoạt động như thể mọi thứ đều bình thường; chúng tôi đang cố gắng mang lại cảm giác tự tin và hy vọng cho tương lai. Điều này đang được thực hiện thông qua công việc mục vụ và bác ái của chúng tôi và cũng thông qua hệ thống trường học của chúng tôi. Chúng ta phải là muối đất trong tình huống bi thảm này và tiếp tục đứng thẳng lên trong các vấn đề về nhân quyền.”
Source:Aid To The Church In Need