Chúa Nhật 11 Thường Niên A
Lễ Mình Máu Chúa Kitô
Đnl 8, 2-3.14b-16a; I Cr 10, 16-17; Ga 6, 51-58
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 6, 51-58
(51) “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. (52) Người Do thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn Thịt ông ta được? ”. (53) Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. (54) Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. (55) Vì Thịt tôi thật là của ăn, và Máu tôi thật là của uống. (56) Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. (57) Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. (58) Đây là Bánh từ trời xuống. Không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời”. (59) Đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường ở Ca-phác-na-um.
2. Ý CHÍNH:
Đức Giê-su tự nhận là Bánh Hằng Sống. Ai ăn vào thì sẽ được sống muôn đời. Bánh đó là Thịt Máu Người. Ngay từ bây giờ họ đã được kết hiệp với Người và được sống nhờ Người. Khác với man-na mà dân Do thái đã ăn trong sa mạc mà vẫn bị chết, còn ai ăn Bánh Thánh Thể Đức Giê-su ban cho, sẽ được sống muôn đời.
3. CHÚ THÍCH:
- C 51-52: + Bánh Hằng Sống: Đức Giê-su là sự sống và ánh sáng của Thiên Chúa (x. Ga 1, 4), được ban cho loài người dưới hình dạng tấm bánh có thể ăn được. Bánh này chứa đựng sức sống thiêng liêng vĩnh cửu, và những ai ăn thì sẽ nhận được sự sống ấy. + Từ trời xuống: Đức Giê-su từ Chúa Cha mà đến (x. Ga 6, 46; 16, 28). + Bánh tôi sẽ ban tặng: Bánh Thánh Thể sẽ được Người thiết lập trong bữa Tiệc Ly sau này (x. Lc 22, 19-20). + Chính là Thịt tôi đây: Bánh Hằng Sống được đồng hóa với Thịt của Đức Giê-su. Từ ngữ “thịt” trong tiếng Hy lạp là sarx, ám chỉ thịt của người sống, bao gồm cả hồn xác (x. Ga 1, 14). + Để cho thế gian được sống: Hiệu quả của Bánh Thánh Thể là thông ban cho những ai lãnh nhận có sự sống thiêng liêng, mà Đức Giê-su đã chuộc lại bằng cuộc Tử nạn và Phục sinh của Người. + Người Do thái liền tranh luận với nhau: Làm sao ông này cho chúng ta ăn thịt ông ta được? : Họ thắc mắc vì đã hiểu thịt đó là thân xác của Đức Giê-su hiện tại, người đang hiện diện ở giữa họ, trong khi Đức Giê-su lại nói về Thịt của Người dưới hình tấm bánh dùng trong bữa tiệc Vượt Qua. Bánh ấy sau lời truyền phép sẽ hóa thành Thịt của Đức Giê-su tử nạn và phục sinh (x. 1 Cr 11, 23-26). Thịt trong bí tích Thánh Thể này mới thực là Bánh mà Người sẽ ban để cho thế gian được sống.
- C 53-54: + Thật, tôi bảo thật các ông: Đức Giê-su không cải chính khi người Do thái hiểu lầm lời Người theo nghĩa đen, mà Người càng nhấn mạnh hơn khi quả quyết: “Thật, tôi bảo thật các ông”. + Nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người…: Thịt Máu Người trong bí tích Thánh Thể là một điều kiện không thể thiếu để được sống đời đời. Nếu họ không ăn uống Thịt Máu Người trong bí tích Thánh Thể, thì họ sẽ không nhận được sự sống đời đời do Người chuộc lại nhờ cuộc Tử nạn và Phục sinh. + Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết: Hiệu quả của việc ăn Thịt và uống Máu Chúa khi lên rước lễ là sẽ được Chúa Phục Sinh ban sự sống siêu nhiên, cho họ được sống lại trong ngày tận thế.
- C 55-56: + Vì Thịt Tôi: Chúa Giê-su nhấn mạnh Thịt và Máu Người thật là lương thực để ăn uống, và thông ban sự sống muôn đời. Qua bí tích Thánh Thể, người ta sẽ được nghe Lời Người để có đức tin, sẽ được ăn Thịt uống Máu Người để được nuôi dưỡng đức tin. Nhờ đức tin này họ sẽ có sự sống đời đời. + “Ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”: Câu này nói lên sự kết hiệp mật thiết giữa Chúa Giê-su Thánh Thể với người rước lễ. Sự kết hiệp này giống như sự kết hiệp giữa hai người bạn tâm giao luôn nghĩ đến nhau và sống vì nhau.
- C 57-59: + Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi…: Chúa Giê-su được Chúa Cha sai xuống thế gian. Người sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì Người cũng ban cho những ai rước Mình Máu Người được tham phần sự sống siêu nhiên như vậy. + Thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy: Sự sống siêu nhiên ấy phát xuất từ Chúa Cha, qua Chúa Giê-su, xuống tới người tín hữu lãnh nhận bí tích Thánh Thể. + Đây là Bánh từ trời xuống…: Sự sống ban cho kẻ rước lễ là sự sống đời đời phát xuất từ Thiên Chúa, khác hẳn sự sống thể xác do man-na mang lại. Man-na là bánh từ trên không trung rơi xuống, nên dân Do thái thời Mô-sê, dù đã ăn man-na suốt trong thời gian Xuất Hành 40 măm trong hoang địa, nhưng họ vẫn phải chết. + Ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời: Đây là câu tóm lược bài giảng về Bánh Hằng Sống. Chúa Giê-su tự ví Người là Bánh từ trời mà xuống. Người mang lại sự sống thiêng liêng cho loài người phải chết do phạm tội, thì nay lại được sống nhờ cuộc Tử nạn và Phục sinh của Người. + Hội đường ở Ca-phác-na-um: Nơi Đức Giê-su giảng về Bánh Hằng Sống là hội đường Do thái ở thành Ca-phác-na-um gần biển hồ Ga-li-lê, nơi có trụ sở truyền giáo của Đức Giê-su (x Ga 6, 1).
4. HỎI ĐÁP:
- HỎI 1: Tại sao người Do thái và nhiều môn đệ Đức Giê-su đã bỏ không đi theo Đức Giê-su và họ đã tranh luận với nhau điều gì? Tại sao ông Phê-rô và Nhóm Mười Hai vẫn chọn ở lại với Đức Giê-su? Ông Phê-rô đã đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin thế nào?
ĐÁP:
+ Sở dĩ người Do thái và nhiều môn đệ Đức Giê-su đã bỏ không tiếp tục theo Người nữa (x. Ga 6, 66), vì đã hiểu lời Đức Giê-su dạy về việc ăn Bánh Thánh Thể theo nghĩa đen, nghĩa là ăn Thịt Máu của Người, giống như ăn thịt các con chiên, bò, gà… Do đó, họ đã tranh cãi với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? ”. Cũng như các thân nhân Đức Giê-su ở Na-da-rét có lần đã coi Người bị mất trí (x. Mc 3, 21), thì ở đây các đầu mục dân Do thái cũng coi lời Đức Giê-su thật chói tai và không thể chấp nhận được (x. Ga 6, 52). Tuy nhiên, thay vì cải chính, Đức Giê-su lại càng nhấn mạnh về điều này hơn: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình… Vì Thịt tôi thật là của ăn, và Máu tôi thật là của uống” (Ga 6, 53.55). Nghe vậy, một số môn đệ đã bỏ đi vì không tin điều Người mới dạy.
+ Riêng Phê-rô và Nhóm Mười Hai vẫn chọn ở lại, sau khi nghe giảng về Bánh Hằng Sống, vì các ông đã tin Người là Đấng Thiên Sai và Lời Người là sự thật, dù bây giờ chưa hiểu rõ tại sao. Khi được Thầy hỏi, Phê-rô đã đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin ấy như sau: “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết Thầy chính là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6, 68-69).
HỎI 2: Luật Mô-sê cấm dân Do thái không được ăn máu và thịt thú chưa cắt tiết (x. Lv 19, 26), và nghị quyết của Công Đồng Giê-ru-sa-lem năm 49 cũng yêu cầu các Ki-tô hữu gốc dân ngoại “phải kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết và ăn thịt loài vật không cắt tiết và tránh gian dâm” (x. Cv 15, 29). Vậy tại sao Giáo Hội Công Giáo lại cho phép các tín hữu ăn tiết canh tức là máu đông?
ĐÁP:
Thời Mô-sê, người ta tin rằng: Máu là sinh khí tụ lại, nên chỉ dành riêng để tế lễ dâng cho Thiên Chúa trong ngày lễ Xá Tội. Vì Chúa chính là chủ tể của sự sống (x. Lv 17, 11). Đàng khác, tục uống máu các con vật được sát tế dâng cho thần linh, vẫn có trong nghi lễ tôn giáo của dân ngoại, nên Luật Mô-sê cấm dân Ít-ra-en uống máu và ăn thịt thú chưa cắt tiết giống như dân ngoại (x. Lv 19, 26).
Ngày nay Hội Thánh không cấm các tín hữu ăn tiết canh hay thịt thú vật chưa cắt tiết, vì Luật Mô-sê đã được Đức Giê-su kiện toàn (x. Mt 5, 17), khi Người truyền cho các môn đệ “ăn Thịt và uống Máu của Người” (x. Mt 26, 26-28).
Còn về việc Công Đồng Giê-ru-sa-lem năm 49 ra nghị quyết không buộc lương dân theo đạo phải chịu phép Cắt Bì theo luật Mô-sê, mà chỉ yêu cầu họ “kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết và tránh gian dâm”. Thực ra những yêu cầu không ăn tiết này không phải vì lý do đức tin mà chỉ là một biện pháp để bảo vệ sự hiệp nhất nội bộ của cộng đoàn Hội Thánh, khi ấy đang gồm có các tín hữu gốc Do Thái và gốc lương dân cùng ăn uống chung mâm bàn với nhau, như lời ông Gia-cô-bê đã nói trong sách Công Vụ: “Phần tôi, tôi xét là không được gây phiền hà cho những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa. Nhưng chỉ viết thư bảo họ kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, tránh gian dâm, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết, và kiêng ăn tiết. Thật vậy, từ những thế hệ xa xưa, trong mỗi thành ông Mô-sê, đều có những người rao giảng: Họ đọc lời của ông trong các hội đường mỗi ngày Sa-bát” (Cv 15, 21). Ngày nay do không còn nguy cơ bị phân hóa giữa các tín hữu gốc Do thái và gốc lương dân như thời sơ khai, nên Hội Thánh không cấm các tín hữu ăn thịt và uống máu huyết thú vật theo Luật Mô-sê nữa.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời. Và Bánh tôi sẽ ban tặng chính là Thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51).
2. CÂU CHUYỆN:
1) ĐỐI THOẠI VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ:
Palestine là một vùng đất hiện vẫn còn rất đông người theo đạo Hồi. Ngày nọ có một vị thầy, lãnh đạo một cộng đoàn Hồi giáo, mời một linh mục Công Giáo đến để công khai tranh luận về bí tích Thánh Thể trước sự hiện diện của các tín hữu đôi bên. Vị thầy hỏi:
– Làm sao một miếng bánh nhỏ lại có thể trở thành Đức Ki-tô được?
Vị linh mục trả lời:
– Được chứ sao lại không? Tôi xin minh chứng cho thầy biết bằng một thí dụ đơn sơ. Nếu thầy ăn cơm, thầy có thể biến cơm thành máu thịt của thầy, có thật thế không nào? Chớ thì tại sao Chúa lại không biến tấm bánh nhỏ trở thành máu thịt Chúa được.
Bậc thầy đó lại hỏi tiếp:
– Làm sao Đức Kitô to lớn như thế lại có thể ở trong miếng bánh nhỏ xíu?
Vị linh mục trả lời:
– Thầy hay nhìn trời, nhìn núi và các thôn làng. Bầu trời thì mênh mông. Ngọn núi thì cao lớn hùng vĩ, còn thôn làng thì rộng rãi bao la, thế mà con mắt nhỏ xíu của thầy có thể chứa được tất cả. Nếu con mắt của Thầy làm được chuyện đó thì tại sao Thiên Chúa lại không thể làm cho miếng bánh nhỏ xíu chứa đựng được Đức Kitô.
Bậc thầy không chịu thua lại hỏi thêm:
– Làm sao có thể cử hành nhiều thánh lễ cùng một lúc tại nhiều nơi trên thế giới, mà mỗi thánh lễ lại đều có Mình Máu của Đức Ki-tô được?
Vị linh mục đáp:
– Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được.
Rồi để chứng minh cho câu trả lời này, vị linh mục lấy một tấm gương ném xuống đất khiến nó bể tan thành rất nhiều mảnh nhỏ. Tiếp đến, vị linh mục giơ tay chỉ cho bậc thầy đang ngạc nhiên và nói:
– Trước đây trong tấm gương này, thầy trông thấy gương mặt mình có phải không nào. Và bây giờ thầy cũng trông thấy gương mặt mình trong từng mảnh nhỏ. Thế thì tại sao Thiên Chúa lại không thể hiện diện tại nhiều nơi trong cùng một lúc được.
2) THÁNH LỄ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU? !!
Hôm đó, trong lúc ông chủ tiệm bán thịt đang trò truyện vui vẻ với một ông bạn thân thì một bà già nghèo nàn, dáng đi lọm khọm bước vào cửa tiệm:
- Bà muốn gì? Ông chủ hàng thịt hỏi.
-Tôi muốn mua một ít thịt?
-Được. Nhưng liệu bà có tiền trả không, tôi thấy dường như bà không một đồng xu dính túi…
Không quan tâm đến lời khích bác của chủ tiệm, bà chậm rãi trả lời:
-Tôi thật sự không có tiền, nhưng bù lại tôi sẽ đi lễ để cầu nguyện cho ông được buôn may bán đắt, coi như tôi đã trả tiền cho miếng thịt được không?
-Thế một thánh lễ đáng giá bao nhiêu?
Nói xong, ông chủ tiệm và mấy người bạn kia nhìn nhau rồi nhìn bà già và phá lên cười, vì họ đều không tin vào công hiệu của lời cầu trong thánh lễ. Sau đó vẫn với thái độ diễu cợt, ông chủ tiệm thịt viết nguệch ngoạc mấy chữ nêu ý nguyện của ông trên một mảnh giấy rồi đưa cho bà già:
-Đây là điều tôi muốn bà cầu xin cho tôi trong thánh lễ. Sau khi dự lễ bà phải đưa lại mảnh giấy này cho tôi, để tôi thử xem thánh lễ đáng giá bao nhiêu.
Người đàn bà khiêm tốn bỏ tờ giấy kia vào túi, ra khỏi hàng thịt và tiến thẳng đến thánh đường tham dự thánh lễ sáng hôm đó. Không biết bà đã cầu xin gì trong thánh lễ. Chỉ biết là sau khi dự lễ, bà đã ghé tiệm bán thịt và đưa lại tờ giấy kia cho ông chủ.
Cầm lấy tờ giấy, ông chủ liền đặt lên bàn cân, cái cân mà ông vẫn thường dùng để cân thịt. Thật lạ lùng, tấm giấy mong manh kia đã làm lệch cán cân về bên có tờ giấy. Thấy vậy, ông chủ tiệm liền lấy một khúc xương đặt lên đĩa cân bên kia, nhưng miếng xương ấy vẫn không làm cho cân nhúc nhích. Tò mò, ông mang một miếng thịt đùi thật to đặt lên, nhưng đĩa cân có tờ giấy vẫn chúi xuống. Đến đây thì ông thực sự rất sửng sốt và mất bình tĩnh, ông liền mang cả một cái đùi cừu to tướng đặt lên đĩa cân. Thế nhưng đĩa cân bên tờ giấy vẫn chúi xuống. Thấy vậy, ông đổi tờ giấy qua đĩa cân bên kia, vì nghĩ rằng có thể do cân bị hư. Nhưng một lần nữa, kết quả cũng vẫn như vậy: Tấm giấy ông đã ghi ý lễ đưa cho bà già nghèo vẫn nặng hơn cái đùi cừu to. Thế là ông chủ tiệm tỉnh ngộ. Ông đã lập tức thay đổi thái độ và hết lòng xin lỗi bà lão. Ông hứa là trong suốt những ngày bà còn sống, sẽ cung cấp cho bà mỗi ngày một phần thịt.
Chuyện lạ được đồn ra, người quanh vùng đã đổ đến tiệm bán thịt của ông, phần vì tò mò và phần cũng để mua thịt. Cũng từ ngày đó, thịt ở tiệm của ông được tiếng là tươi ngon nên việc buôn bán ngày càng phát đạt. Điều đáng nói ở đây là nhờ được chứng kiến sự lạ ấy, ông chủ tiệm đã nhận ra giá trị lớn lao của Thánh Lễ và ông cùng gia đình năng đến nhà thờ dự lễ mỗi ngày.
(Viết theo The Weight of one Holy Mass, The Catholic Lady Modesty and Elegance)
3) CHIẾC NHẪN- KỶ VẬT CỦA TÌNH YÊU.
Có một đôi vợ chồng trẻ kia mới lấy nhau được hơn một năm. Trong thời gian đó họ đã sống rất hạnh phúc. Mỗi buổi sáng trước khi rời nhà đi làm, và buổi chiều khi vừa trở về ngôi nhà thân thương, người chồng không bao giờ quên trao cho vợ một cử chỉ âu yếm và một lời nói thân thương. Nhờ đó tình yêu giữa hai vợ chồng ngày thêm nồng thắm. Nhưng rồi hạnh phúc của họ đã bị đe dọa khi một hôm người chồng bị trúng mưa trên đường từ xưởng làm về nhà. Anh bị cảm nặng phải nằm liệt giường nhiều ngày và đã được chị vợ tận tình săn sóc. Đẩu tiên, anh được vợ mang đến bệnh viện và được bác sĩ chẩn đoán bị sưng màng phổi. Dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng bệnh của anh ngày càng nặng thêm. Sau đó, bệnh viện kết luận anh đã bị ung thư màng phổi ác tính thời kỳ thứ ba và vô phương cứu chữa. Khi sắp chết, anh chồng đã cầm tay vợ thều thào nói: “Em yêu quí ! Có lẽ sắp tới giờ Chúa gọi anh về rồi. Anh đã chuẩn bị và sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa muốn. Anh chỉ tiếc một điều là không còn được tiếp tục sống bên em nữa. Trước khi đi xa, anh không có gì trối lại cho em ngoài chiếc nhẫn mà cách đây hơn một năm, hai vợ chồng mình đã tặng cho nhau khi kết ước trước bàn thờ Chúa. Bây giờ anh xin tặng lại chiếc nhẫn kỷ vật này cho em, để mỗi lần nhìn thấy nó, em biết rằng anh vẫn luôn ở bên em và hằng cầu Chúa ban cho em an lành hạnh phúc”. Nói xong, anh tháo chiếc nhẫn đang đeo ở ngón tay ra và âu yếm xỏ vào tay vợ, giống như trước đây anh đã từng làm trong thánh lễ hôn phối của hai người. Sau khi chết, anh được an táng trong một nghĩa trang gần nhà. Từ ngày đó, mỗi ngày người ta đều thấy một phụ nữ còn rất trẻ, đầu chít khăn tang, tay cầm bó bông đi vào nghĩa trang. Chị đứng hằng giờ trước ngôi mộ cỏ mọc chưa xanh của chồng, để cầu nguyện cho anh. Tay chị đeo hai chiếc nhẫn: Một chiếc của ngày thành hôn và chiếc kia là kỷ vật của người chồng quá cố đã để lại cho chị khi sắp từ giã cuộc đời.
4) MẸ HY SINH CHO CON UỐNG MÁU MÌNH THAY NƯỚC ĐỂ ĐƯỢC SỐNG:
Tại Arménie hổi tháng 12 năm 1987 đã xảy ra một trận động đất kinh hoàng. Trong số hàng ngàn người bị chôn vùi dưới đống gạch vụn, có hai mẹ con bà Suzana. Cả hai may mắn lọt vào một khoảng trống nhỏ bê-tông, nên còn sống sót. Tất cả lương thực của họ chỉ là một hũ mứt, nhưng chẳng mấy chốc, hũ mứt cũng hết. Lúc đó đứa con gái bốn tuổi đã kêu lên: Mẹ ơi, con khát quá, mẹ cho con uống nước mẹ nhé. Nhưng trong hoàn cảnh đó mẹ biết tìm đâu nước cho con uống bây giờ. Một ý nghĩ táo bạo bỗng nảy sinh trong đầu óc bà, đó là bà phải lấy những giọt máu của mình cho con uống, để cầm cự với tử thần. Bà tìm được một mảnh kính vỡ, cắt đầu ngón tay cho máu chảy ra và bảo con mút. Đứa bé mút những giọt máu từ đầu ngón tay của người mẹ. Sau khi hai mẹ con được cứu sống, người mẹ kể lại rằng: “Lúc bấy giờ tôi chỉ có một ý nghĩ trong đầu là phải làm gì để cho con tôi được sống”.
3. SUY NIỆM:
Hơn hai ngàn năm trước đây, Chúa Giê-su đã thiết lập bí tích Thánh Thể trong sự hiệp nhất yêu thương Thầy trò như Tin Mừng Gio-an viết: Ý thức rằng “Giờ đã đến, Giờ Con Người phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, và Người đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1). Người đã lập phép Thánh Thể trong khung cảnh một bữa ăn, để lại cho Hội Thánh dấu chỉ của một tình yêu vô cùng lớn lao là Mình Máu Thánh Người dưới hình bánh rượu, để nên của ăn của uống cho các tín hữu, hầu ban cho họ sự sống đời đời.
1) BÍ TÍCH THÁNH THỂ - BỮA TIỆC THÁNH YÊU THƯƠNG:
Tin Mừng cho thấy việc chuẩn bị thiết lập bí tích Thánh Thể của Đức Giê-su đều diễn ra trong khung cảnh các bữa ăn như sau:
- Bữa tiệc cưới thành Ca-na: Trong tiệc cưới này, Đức Giê-su đã thể hiện tình thương đối với đôi tân hôn, khi nể lời Đức Ma-ri-a cầu bầu, Người đã làm phép lạ biến nước lã thành rượu ngon giúp đôi tân hôn, và củng cố đức tin của các môn đệ mới theo Người.
- Bữa ăn cho đám đông nơi hoang địa: Cảm thông với đám đông dân chúng bị đói khi theo Người vào hoang địa nghe giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã làm phép lạ nhân năm chiếc bánh và hai con cá ra nhiều để nuôi năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà con trẻ được ăn no và còn dư mười hai giỏ đầy bánh còn lại (x. Mt 14, 14-21). Sau đó, Đức Giê-su đã giảng về bí tích Thánh Thể, để hứa ban thịt máu mình làm của ăn của uống mang lại sự sống đời đời cho các tín hữu: “Thịt Tôi thật là của ăn, Máu Tôi thật là của uống. Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì sẽ có sự sống đời đời. Và Tôi, Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày tận thế” (Ga 6, 55-56).
- Bữa Tiệc Ly chiều thứ Năm Tuần Thánh: Đức Giê-su đã yêu thương các môn đệ đến cùng nên Người đã thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc chiên Vượt Qua với các môn đệ, trước khi từ biệt các ông để chịu khổ nạn. Tin Mừng thuật lại như sau: “Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy”. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 26-28).
- Bữa tối của hai môn đệ làng Em-mau: Chúa Phục Sinh dưới hình dạng khách bộ hành đi chung đường với hai môn đệ đang trong tâm trạng chán nản thất vọng. Người đã dùng Lời Kinh Thánh để giải thích cho các ông về ý nghĩa cái chết và sự phục sinh của Đấng Thiên Sai. Rồi “khi ngồi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (Lc 24, 30-31). Chính trong khung cảnh bữa ăn yêu thương kèm theo cử chỉ và lời đọc mà Người đã từng làm, khiến mắt hai môn đệ mở ra và đã nhận biết người khách bộ hành chính là Thầy Giê-su đã từ cõi chết sống lại.
2) BÍ TÍCH THÁNH THỂ LÀ MẦU NHIỆM ĐỨC TIN:
Sau bài giảng về Bánh Hằng Sống, mặc dù biết đám đông đang xầm xì phản đối, vì họ không thể chấp nhận việc Đức Giê-su cho người ta ăn thịt và uống máu mình nên đã nói với nhau: “Làm sao ông này có thể lấy Thịt mình mà cho chúng ta ăn được? ”. Riêng các môn đệ cũng chia làm hai phe: Một số môn đệ đã bỏ đi không còn theo làm môn đệ Người nữa (x. Ga 6, 66). Riêng Nhóm Mười Hai khi được hỏi có muốn bỏ đi hay không thì Ông Phê-rô đã đại diện Nhóm thưa: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết: Chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6, 68-69). Như vậy, trước mầu nhiệm Thánh Thể, người ta không thể dựa vào trí khôn hiểu biết và vào sự cảm nghiệm của giác quan, nhưng phải dựa vào ơn Chúa ban và sự thành tâm tin nhận lời Chúa phán, dù chưa hiểu rõ mầu nhiệm này.
3) CẦN THAM DỰ BÍ TÍCH THÁNH THỂ VỚI TÌNH YÊU THƯƠNG HIỆP NHẤT:
Thánh Phao-lô dạy về thái độ của các tín hữu khi dự Tiệc Thánh Thể như sau: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10, 17). Do đó, khi đến dự lễ, chúng ta cần cảm thông và hiệp nhất với nhau, noi gương cộng đoàn sơ khai tại Giê-ru-sa-lem: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ, Khi làm lễ Bẻ Bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 44-47).
4) CẦN RƯỚC LỄ THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI?
- Cần chuẩn bị tâm hồn xứng đáng rước Chúa: Cần dọn mình lên rước lễ mỗi lần dự lễ, bằng việc ăn năn tội đầu lễ, bỏ lòng thù ghét để làm hòa với kẻ khác, giữ chay lòng ít nhất một giờ, nghe giảng và dự lễ sốt sắng... Sau khi rước lễ cần hồi tâm thưa chuyện với Chúa Thánh Thể đang ngự trong lòng để tạ ơn Chúa, xin các ơn lành hồn xác cho mình, cho người thân và cho mọi người trên thế giới…
- Kéo dài thánh lễ bằng đời sống chứng nhân: Thánh lễ được kết thúc bằng lời chúc của linh mục chủ tế: “Lễ xong chúc anh em đi bình an”. Một bài hát đã diễn tả việc phải đưa Chúa vào đời như sau:“Ta về thôi vì Thánh lễ đã hết, nhưng đời ta là thánh lễ nối dài, mang tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi, ta sống sao để thành chứng nhân!”.
Vậy chúng ta phải làm gì để làm chứng cho Chúa? : Vui vẻ khi gặp gỡ với mọi người; Quảng đại chia sẻ cơm áo vật chất cho người nghèo đói; Khiêm tốn phục vụ những người bệnh tật đau khổ; Chu toàn sứ mệnh làm chứng bằng việc biến đổi gia đình, khu xóm, trường học, nhà máy, công sở của mình ngày một an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn… hầu sớm trở thành “Trời Mới Đất Mới” (x. Kh 21, 4). Về vấn đề này Đức Cha HELDER CAMERA đã phát biểu như sau: “Mỗi sáng, tôi được nuôi dưỡng bằng Đức Ki-tô trong bí tích Thánh Thể, rồi suốt ngày, tôi lại gặp gỡ Đức Ki-tô nơi tha nhân, nên tôi được gặp cũng một Đức Ki-tô vừa trên bàn thờ vừa ngoài đường phố”.
4. THẢO LUẬN: Mỗi người chúng ta cần tham dự thánh lễ thế nào để đạt được hiệu quả là được sống đời đời như lời Chúa hứa?
5. CẦU NGUYỆN:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Bàn tiệc Thánh Thể do Chúa thiết lập và mời chúng con tham dự nhằm biểu lộ tình yêu thương và sự hiệp nhất cộng đoàn. Chúa muốn chúng con phải tránh thói xấu ích kỷ và các việc gây chia rẽ nội bộ, như Tông đồ Phao-lô đã quở trách giáo đoàn Cô-rin-thô: “Trước tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau… Khi anh em họp nhau, thì không còn phải là ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước. Và như thế kẻ thì bị đói, người lại no say ! Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của? … Cho nên thưa anh em, khi họp nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau. Ai đói thì ăn ở nhà, kẻo anh em đến họp mà hóa ra để bị kết án !” (1 Cr 11, 18-22.33-34). Hôm nay, xin Chúa giúp chúng con biết hiệp thông với cộng đoàn khi tham dự thánh lễ bằng cách: Vào ngồi trong nhà thờ thay vì đứng ngoài; Dấn thân đi bước trước bắt chuyện làm quen với những người mới gặp; Nhường chỗ cho người già cả tật nguyền… Nhờ đó, thánh lễ sẽ trở thành cơ hội giúp chúng con hiệp nhất với Chúa và hiệp thông với anh em hầu sẽ được sống đời đời sau này.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON