1. Trước tình cảnh hiện nay, các nước thiếu nợ Trung Quốc có nên trả nợ hay không?
Tính đến ngày thứ Bẩy 18 tháng Tư, tử vong toàn thế giới đã lên đến 153,636 người, trong số 2,232,703 trường hợp nhiễm coronavirus.
Bên cạnh số thương vong kinh hoàng này là những thiệt hại kinh tế thật khủng khiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người nghèo.
Tại Ấn Độ, chẳng hạn, cho đến nay đã có 423 người chết trong số 12,759 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Tờ India Times cho biết, do tình trạng cô lập hiện nay, chỉ riêng tại bang Madhya Pradesh, nơi sinh sống của gần 90 triệu dân, số người chết đói đã hơn gấp đôi số trường hợp tử vong vì coronavirus trên toàn quốc. Lệnh cách ly ban đầu được dự trù kéo dài trong ba tuần từ ngày 25 tháng Ba, đã vừa được gia hạn đến ít nhất là 3 tháng Năm.
Hôm thứ Tư 15 tháng Tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, gọi tắt là IMF, đã công bố một báo cáo theo đó tình trạng “cô lập vĩ đại”, tại nhiều quốc gia trên thế giới, có thể gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái và dự báo kinh tế toàn cầu sẽ mất ít nhất 9 nghìn tỷ Mỹ Kim trong năm 2020.
Nhiều người tin rằng thách thức toàn cầu vô tiền khoáng hậu như vậy đòi hỏi phải có những phản ứng tương xứng chưa từng có.
Trong thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng yêu cầu các quốc gia chủ nợ “cắt giảm, nếu không thể tha hết, các khoản nợ đang đè nặng lên bảng thu chi của các quốc gia nghèo nhất,” để họ có thể giải quyết tốt hơn đại dịch coronavirus.
Hôm thứ Hai, IMF đã phê duyệt 500 triệu đô la để hủy tiền lãi sáu tháng thanh toán nợ cho 25 quốc gia nghèo nhất thế giới.
Eric LeCompte, giám đốc điều hành của Jubilee USA Network, một liên minh gồm hơn 75 tổ chức Hoa Kỳ và 700 cộng đồng tôn giáo hoạt động để xóa nợ quốc tế, đã bày tỏ sự hài lòng trước quyết định này. Ông gọi lời loan báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là “một bước vô cùng tích cực.”
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng quyết định của IMF chỉ giúp 25 quốc gia nghèo nhất thế giới trì hoãn trả nợ trong 6 tháng. Nó vẫn chưa đáp ứng được tình hình, “nhiều quyết định quan trọng vẫn chưa được đưa ra,” ông nói.
“Chúng tôi kêu gọi IMF và Ngân hàng Thế giới hủy bỏ các khoản nợ, chứ không phải chỉ trì hoãn mà thôi. Theo phân tích của chúng tôi, IMF có trữ lượng vàng trị giá 140 tỷ đô la, vì vậy họ có đủ khả năng xóa nợ ở nhiều cấp độ.”
LeCompte nói với tờ Crux của Công Giáo Hoa Kỳ rằng “Trung Quốc – nơi xuất phát dịch bệnh coronavirus kinh hoàng này – đang quyết liệt chống lại việc dùng quỹ này để giảm hoặc xoá nợ. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể áp lực buộc Trung Quốc phải đưa ra các quyết định đúng đắn.”
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 2 tháng Tư, Đức Hồng Y Charles Bo Tổng Giám mục Yangon Miến Điện, chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu nhận định rằng:
“Thông qua việc xử lý coronavirus một cách vô nhân đạo và vô trách nhiệm, đảng Cộng sản Trung Quốc đã chứng minh điều mà nhiều người từng nghĩ đến trước đây: nó là mối đe dọa đối với thế giới. Trung Quốc là một quốc gia có một nền văn minh vĩ đại và cổ xưa, đã đóng góp rất nhiều cho thế giới trong suốt lịch sử, nhưng chế độ này phải chịu trách nhiệm, vì tội sơ suất và đàn áp của mình, trước đại dịch đang càn quét qua các đường phố của chúng ta ngày hôm nay.
Chế độ Trung Quốc đang bị dẫn dắt bởi những kẻ có quá nhiều quyền thế như Tập Cận Bình và đảng Cộng sản Trung Quốc - chứ không phải người dân của quốc gia này - nợ tất cả chúng ta một lời xin lỗi và phải bồi thường cho sự hủy diệt mà nó đã gây ra. Tối thiểu nó phải xóa nợ của tất cả các quốc gia khác, để trang trải chi phí cho Covid-19.”
Bình luận về tuyên bố của Đức Hồng Y, LeCompte nhận xét rằng ông hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Đức Hồng Y Charles Bo, nhưng nhấn mạnh thêm rằng: “Thiếu nợ thì phải trả tiền. Đó là luật căn bản trong đời sống xã hội, và quốc tế. Tuy nhiên, trước các tác hại kinh hoàng hiện nay, cần có một cơ chế pháp lý quốc tế để xác định xem trong điều kiện cụ thể này ai mới thực sự thiếu ai. Một khi trách nhiệm của Trung Quốc được xác định rõ, tôi không nghĩ các nước đang mắc nợ Trung Quốc phải thanh toán toàn bộ các khoản nợ vì thực ra Trung Quốc có thể còn phải trả thêm cho các nước ấy mới là công bằng.”
2. Giám Mục Hoa Kỳ đầu tiên yêu cầu các linh mục tái tục các thánh lễ cho công chúng
Đức Cha Peter Baldacchino, Giám mục Las Cruces, New Mexico, đã là Giám Mục Hoa Kỳ đầu tiên dỡ bỏ lệnh đình chỉ việc cử hành các thánh lễ cho công chúng. Trong một lá thư đề ngày 15 tháng Tư, Đức Cha đã ban hành các hướng dẫn liên quan đến việc trao Mình Thánh Chúa, và nói với các linh mục rằng các ngài có thể tái tục việc cử hành các thánh lễ cho công chúng và các bí tích khác nếu tuân theo các biện pháp phòng ngừa do tiểu bang đưa ra.
“Chúng ta, các linh mục, đã được Chúa Kitô mời gọi và được thụ phong để phục vụ người dân của Giáo Phận Las Cruces, để mang lại cho họ hy vọng và an ủi họ trong thời gian khó khăn này,” Đức Cha viết trong lá thư.
Thông báo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi thống đốc bang New Mexico cấm tập hợp hơn 5 người, một hạn chế mà Đức Cha Baldacchino nói rằng các linh mục phải tuân theo, mặc dù ngài phản đối điều đó.
Đức Cha Baldacchino nói thêm rằng “Ngay từ đầu đại dịch này, tôi đã yêu cầu các linh mục của Giáo Phận Las Cruces đình chỉ tất cả các thánh lễ dành cho công chúng khi chúng ta đánh giá tình hình và thiết lập những cách thế an toàn để tiếp tục đem Chúa Kitô đến với người dân, cả Lời Chúa lẫn các Bí tích. Trong vài tuần qua, tôi đã tiếp tục phân tích tình hình và phân định những cách thế an toàn để chúng ta tiếp tục sứ vụ của mình.”
Một cách cụ thể, Đức Cha Baldacchino yêu cầu các linh mục cho anh chị em giáo dân ghi danh hoặc là chia phiên ra để bảo đảm mỗi thánh lễ chỉ có tối đa 4 người tham dự, cùng với vị linh mục nữa là 5. Như thế, vẫn tuân thủ được các quy định của tiểu bang.
Ngài nhấn mạnh rằng: “Sự thật là chúng ta cần phải thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa hợp lý để giảm sự lây lan của coronavirus, nhưng cũng có một sự thật không kém phần quan trọng là chúng ta phải cung cấp các ‘dịch vụ thiết yếu’ lớn nhất đối với người dân của chúng ta. Vài tuần qua đã đưa ra ánh sáng nhiều hậu quả không lường trước được của lệnh ‘ở nhà’”.
“Chúng ta, với tư cách là linh mục, được mời gọi mang Lời hằng sống đến cho mọi người, chúng ta được mời gọi ban phát các phép bí tích ban sự sống. Thánh lễ được truyền hình đã là một nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách trong thời gian này, nhưng tôi ngày càng cảm thấy thuyết phục rằng như thế là không đủ”
“Chúng ta đều nhận thức được bi kịch do Coronavirus gây ra, bản thân tôi đã mất hai người bạn thân của mình, là các linh mục tôi đã từng học chung hay phục vụ chung. Tôi hoàn toàn ý thức được cái chết và nỗi buồn những ngày này đang mang lại. Nhưng còn nhiều hơn nữa. Con coronavirus quỷ quái này cũng có thể là một trợ giúp cho chúng ta. Đã bao lâu chúng ta nhàn nhã trong 'cách làm việc thông thường' của chúng ta? Đã bao lâu chúng ta phát triển sự thoải mái với những thói quen của chúng ta? Đã bao lâu chúng ta xem ân sủng của các bí tích là chuyện đương nhiên? Đã bao lâu chúng ta không chú ý đến vẻ đẹp của cộng đoàn trong các thánh lễ?”
Đức Cha Baldacchino cũng cho phép các linh mục được cử hành thánh lễ ngoài trời, tuân thủ các hướng dẫn của tiểu bang về khoảng cách xã hội, và đặc biệt khuyến khích nên lập một bàn thờ trong bãi đậu xe của giáo xứ, và yêu cầu giáo dân ở nguyên trong xe của họ với một khoảng trống giữa hai xe với nhau.
“Các giáo xứ thiếu chỗ đậu xe có thể cử hành phụng vụ trong nghĩa trang mở hoặc không gian mở khác có sẵn. Giáo dân nên duy trì ít nhất một khoảng cách sáu feet tại mọi thời điểm”
Trong Lễ Phục sinh, Đức Cha đã cho dựng một sân khấu bên ngoài Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội và cử hành các nghi thức Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Lễ Vọng Phục Sinh cho những người Công Giáo địa phương vẫn ở trong xe của họ.
Các hướng dẫn cũng đưa ra các quy định nghiêm nhặt cho việc trao Mình Thánh Chúa, các linh mục được yêu cầu đeo khẩu trang, vệ sinh tay và đeo găng tay khi cho rước lễ.
Đức Cha Baldacchino cũng khuyến khích các linh mục tiếp tục giải tội và bảo đảm rằng việc xức dầu cho bệnh nhân được thực hiện khi cần thiết.
“Các linh mục có thể và nên tiếp tục ban phát các phép bí tích. Các tín hữu không thể bị tước đoạt các bí tích này, đặc biệt là khi có nguy cơ tử vong.”
Trong những tuần gần đây, chính Đức Cha Baldacchino thường xuyên giải tội đằng sau một tấm kính bên ngoài nhà thờ chính tòa Las Cruces.
Đức Cha Baldacchino kết luận rằng đại dịch này là một cơ hội để canh tân.
3. Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại đền thánh kính Lòng Thương Xót Chúa của Rôma
Vào ngày Chúa Nhật 19 tháng Tư, Chúa Nhật thứ Hai Mùa Phục sinh, Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dâng thánh lễ trong một nhà thờ chứa thánh tích của cả Thánh Faustina Kowalska và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Chúa Nhật này sẽ đánh dấu kỷ niệm 20 năm lễ tuyên thánh cho Thánh Faustina, và cũng là 20 năm ngày Đức Gioan Phaolô II thiết định trong toàn thể Giáo Hội Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót vào Chúa Nhật thứ Hai Mùa Phục sinh.
Thánh lễ tại nhà thờ Santo Spirito in Sassia, là nhà thờ được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II biến thành đền thánh kính Lòng Thương Xót Chúa của giáo phận Rôma, sẽ được phát trên truyền hình và livestream vào lúc 11 giờ sáng giờ địa phương.
Nằm cách quảng trường Thánh Phêrô 200m, Santo Spirito in Sassia là nhà thờ Lòng Thương Xót chính thức của Rôma. Nhà thờ tọa lạc tại số 12 Via dei Penitenzieri, cách Đền Thờ Thánh Phêrô năm phút đi bộ.
Trước đại dịch coronavirus, mọi người tập trung mỗi ngày tại đó lúc 3 giờ chiều, để cầu nguyện tại nhà nguyện Lòng Thương Xót.
“Vào giờ kính Lòng Thương Xót Chúa, nhà thờ thật sự rất đông các linh hồn - người trẻ, người bệnh, các cặp vợ chồng và những người đang phải đối mặt với những khó khăn lớn về đàng thiêng liêng đến để cầu xin Lòng Thương Xót Chúa”, Đức ông Jozef Bart, giám đốc đền thánh này nói với thông tấn xã CNA.
Vị linh mục người Ba Lan này đã được đích thân Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chọn để biến ngôi nhà thờ được xây từ thế kỷ 16, với ý hướng ban đầu là một nhà nguyện của bệnh viện, thành một trung tâm hành hương Lòng Thương Xót Chúa vào năm 1994.
Trong dịp khánh thành ngôi nhà thờ này Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói:
“Hôm nay, tôi rất vui mừng được cảm tạ Chúa trong Nhà thờ Santo Spirito in Sassia, gắn liền với bệnh viện cùng tên, và hiện là một trung tâm chuyên về chăm sóc mục vụ cho người bệnh, cũng như để cổ vũ cho việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa”
“Điều rất quan trọng và kịp thời là chính xác ở đây, bên cạnh bệnh viện rất cổ xưa này, những lời cầu nguyện được thốt lên và các công việc được thực hiện nhằm chăm sóc liên tục cho sức khỏe của cơ thể và tinh thần,” vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan nói.
Các nữ tu dòng Đức Mẹ của Lòng Thương Xót Chúa, là dòng tu mà Thánh Faustina là một thành viên, giúp dẫn dắt những lời cầu nguyện và các chương trình giáo lý hàng ngày về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa ở Santo Spirito in Sassia.
Ngày Chúa Nhật 28 tháng Tư năm ngoái 2019, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã cử hành thánh lễ Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục sinh kính Lòng Thương Xót Chúa tại đây.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nhắc lại một câu nói của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2001.
“Lòng Thương Xót Chúa là món quà Phục sinh mà Giáo hội nhận được từ Chúa Kitô, Đấng sống lại từ trong kẻ chết và ban tặng cho nhân loại vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba.”
Ngài nhấn mạnh rằng:
“Chúa Giêsu đã từng nói với Thánh Faustina, ‘Con người không tìm thấy bình an cho đến khi quay lại với đức tin vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa’”
“Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa. Lời cầu nguyện này rất thân thiết với biết bao các tín hữu sùng đạo, nó bày tỏ rõ ràng thái độ của chúng ta muốn từ bỏ chính mình và phó dâng mọi sự trong tay Chúa. Lạy Chúa ơi, Đấng Cứu Rỗi duy nhất của chúng con.”
“Một hành động từ bỏ chính mình đơn giản như thế là đủ để vượt qua những rào cản của bóng tối và nỗi buồn, sự nghi ngờ và tuyệt vọng. Những tia sáng của Lòng Thương Xót Chúa sẽ khôi phục lại hy vọng, một cách đặc biệt, cho những người cảm thấy bị áp đảo bởi gánh nặng tội lỗi,” ngài nói.
Đức ông Jozef Bart cho biết, trước đại dịch coronavirus kinh hoàng này, “Nhà thờ có các giờ chầu Thánh Thể với các linh mục sẵn sàng giải tội bằng nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, vào lúc 6 giờ chiều mỗi ngày. Các linh mục của chúng ta phải nhớ rằng chúng ta là các kênh, và là các công cụ của Lòng Thương Xót Chúa.”