Người ta đã nói nhiều và chính thức gọi Covid-19 là Covid-Vũ Hán hay Covid-Tầu Cộng. Ít nhất, Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ đã không ngần ngại tố cáo mặt trái của Bắc Kinh trong điều ông gọi là cuộc chiến tranh chống Covid-19.

Hai ký giả Michael Green và Evan S. Medeiros của tạp chí Foreign Affairs, ngày 15 tháng 4 vừa qua, lớn tiếng dẹp bỏ giấc mộng của Trung Quốc toan tính dùng Covid-19 rao bán mô hình của mình nhằm tô bóng và cổ vũ vai trò lãnh đạo thế giới, ít nhất trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hoàn cầu. Bạn đọc có thể đọc nguyên văn bài viết tại https://www.foreignaffairs.com/articles/united-states/2020-04-15/pandemic-wont-make-china-worlds-leader?. Sau đây là bản dịch tiếng Việt, phần nói đến Trung Quốc:



Đầu năm nay, khi tân coronavirus bắt đầu lan rộng ở Trung Quốc, những dự đoán đã có ngay lập tức và rõ ràng: sự bùng phát đại dịch này là “thời khắc Chernobyl” cho Trung Quốc, có lẽ còn là “lúc bắt đầu việc kết liễu” Đảng Cộng sản Trung Quốc, với những hậu quả địa chính trị mà, ở thời điểm căng thẳng Mỹ-Trung đang gia tăng, sẽ phát huy lợi thế đáng kể của Washington. Nhưng rồi, cũng nhanh chóng gần như thế, các dự đoán đã đi vào thế đảo ngược. Khi Trung Quốc dường như đã ngăn chặn được sự lây lan của coronavirus trong khi Hoa Kỳ và Tây Âu phải hứng chịu những đợt bùng phát lớn. Đại dịch và suy thoái kinh tế hoàn cầu tiếp sau đó được cho là đánh dấu sự sắp xếp lại địa chính trị, một sự sắp xếp lại sẽ khiến Trung Quốc trở thành kẻ chiến thắng. Bắc Kinh chắc chắn nhìn thấy cơ hội như vậy, khi khởi động một chiến dịch quốc tế nhằm nhấn mạnh các thất bại của nền cai trị dân chủ và tự phóng chiếu mình thành người lãnh đạo trong việc ứng phó với đại dịch hoàn cầu.

Nhưng người ta nghi ngờ việc thí quân mở đường cho tướng của Bắc Kinh này sẽ thành công trong việc biến một đại dịch có khả năng bắt đầu ở một thành phố Trung Quốc thành một bước tiến lớn trong việc đi lên của Trung Quốc. Có những giới hạn thực sự đối với khả năng của Trung Quốc trong việc tận dụng cuộc khủng hoảng hiện tại, cho dù qua một cuộc tuyên truyền gian xảo hoặc hành động hoàn cầu không hữu hiệu. Và tiềm năng Trung Quốc hưởng lợi từ coronavirus đã dễ dàng được quá thổi phồng thế nào, thì khả năng Hoa Kỳ biểu lộ vai trò lãnh đạo hoàn cầu ngay cả sau các lỡ lầm ban đầu cũng đã dễ dàng bị quá hạ giá như thế. Dù cho ứng phó của Washington đối với đại dịch cho đến nay có thiếu sót sâu xa ra sao, quyền lực của Hoa Kỳ, khác biệt với bất cứ vị tổng thống đặc thù nào, hệ ở sự kết hợp lâu dài giữa khả năng vật chất và tính hợp pháp chính trị, và có rất ít dấu hiệu cho thấy đại dịch đang làm cho quyền lực di chuyển nhanh chóng và vĩnh viễn có lợi cho phía Trung Quốc.

TUYÊN TRUYỀN CỦA TRUNG QUỐC

Cuộc tấn công tuyên truyền ban đầu của Trung Quốc hết sức hung hăng, nhưng bây giờ nó có vẻ vụng về và khó có thể thành công. Trình thuật của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị giới hạn bởi sự kiện đơn giản này là có quá nhiều người biết nguồn gốc đại dịch ở Vũ Hán và ứng phó vụng về lúc ban đầu của Bắc Kinh, đặc biệt là nỗ lực đàn áp thông tin và làm câm họng nhiều bác sĩ đầu tiên đã cảnh báo về sự xuất hiện của một virút mới đầy nguy hiểm. Trước những lời kêu gọi phải minh bạch hơn, Bắc Kinh đã trục xuất các nhà báo Mỹ làm việc cho tờ The New York Times, The Washington Post The Wall Street Journal. Trên Twitter, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc quân đội Hoa Kỳ đã mang coronavirus đến Vũ Hán. Mặc dù Bắc Kinh đã thôi không nhắc đến cáo buộc đáng trách này trong những tuần gần đây, nhưng cách tiếp cận của họ có một chút tuyệt vọng, điều này cho thấy sự bất an của chính Bắc Kinh khi xử lý sai lầm việc phát khởi dịch bệnh.

Sự hoài nghi của hoàn cầu lan rộng, có lý do chính đáng, đối với số liệu thống kê về coronavirus của Trung Quốc. Thật vậy, trong khi con số chính thức các trường hợp tân COVID-19 của Trung Quốc cho thấy có sự ngăn chặn hữu hiệu (đến ngày 19 tháng 3, số ca nhiễm mới tại địa phương đã giảm xuống gần bằng 0), một số người ở Trung Quốc sợ rằng chính phủ trung ương đã đơn giản ngưng báo cáo mọi kết quả xét nghiệm để giữ cho số lượng chính thức của nó ở mức thấp và để duy trì trình thuật rằng mình đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại virút; đây không hẳn là lần đầu tiên Bắc Kinh đã dẹp bỏ các dữ kiện bất lợi.

Một số nhà lãnh đạo, tất nhiên, đang ủng hộ trình thuật của Bắc Kinh và hoan nghênh các phương pháp của họ trong việc chống lại việc bùng phát của dịch bệnh, trong đó có các viên chức ở Campuchia, Iran, Pakistan và Serbia. Nhưng ít có chính phủ nào trong số này mới bị thuyết phục bởi các nhắn nhe gần đây của Trung Quốc; đã từ lâu, họ vốn có thành tích chấp nhận các trình thuật chính trị và hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc rồi, thường là để phục vụ quyền lực riêng của chính họ ở trong nước. Thật vậy, một số nước ở châu Âu tiếp nhận sớm các bộ dụng cụ thử nghiệm và thiết bị bảo vệ do Trung Quốc sản xuất đã từ chối chúng vì coi chúng không đạt tiêu chuẩn. Mới trong tuần này, thủ tướng Phần Lan đã sa thải người đứng đầu cơ quan cung cấp các thiết bị cấp cứu của đất nước vì đã chi hàng triệu euro mua các khẩu trang khiếm khuyết của Trung Quốc.

Giữa những lời kêu gọi phải minh bạch hơn, Bắc Kinh làm câm họng nhiều bác sĩ và trục xuất các nhà báo Mỹ.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo khác đã đẩy lui mưu toan của Trung Quốc muốn viết lại trình thuật hoàn cầu về ứng phó COVID-19 của họ. Đại diện Đối ngoại Cao cấp của Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell công khai chỉ trích các nỗ lực của Trung Quốc, coi chúng như “một cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng qua việc quay quắt và nền 'chính trị hào phóng’”. Các nhà lãnh đạo ở Ba Tây và Ấn Độ, những người đang đương đầu với các thách thức trong nước, đã nhanh chóng chuyển sang chỉ trích Trung Quốc và tránh sự trợ giúp của nó. Ở Châu Phi, sự chú ý của công chúng đã tập chú vào các câu chuyện phân biệt chủng tộc phổ biến chống lại các kiều dân châu Phi ở miền nam Trung Quốc. Và ngay cả trước khi đại dịch bắt đầu, Bắc Kinh đã phải đối mặt với việc mất niềm tin lớn giữa các nước láng giềng châu Á. Một cuộc khảo sát về công luận tại sáu quốc gia châu Á, do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2019 và được công bố vào cuối tháng 2 vừa qua, cho thấy tỷ lệ người dân có quan điểm thuận lợi đối với Hoa Kỳ hơn là đối với Trung Quốc.

Khi đẩy mạnh trình thuật chiến thắng chống coronavirus của mình, cách tiếp cận của Bắc Kinh sẽ được so sánh không chỉ với Hoa Kỳ mà còn với các hành động đầy ấn tượng của nhiều quốc gia châu Á, bao gồm cả một số quốc gia dân chủ. Bắc Kinh thất bại nặng nề trước tiên, do sự thiếu minh bạch một cách hiển nhiên và có thể dự đoán được, và nay Washington đang thiếu sót. Nhưng Nam Hàn và Đài Loan dân chủ đã hành động tốt hơn cả hai. Chế độ kiểm tra và theo dõi tiếp xúc đầy ấn tượng của Nam Hàn và các nỗ lực phát hiện và ngăn chặn sớm của Đài Loan phản ảnh cả các quyết định của giới cầm quyền lẫn khả năng học hỏi kinh nghiệm trong quá khứ với đại dịch. Các công dân và chính phủ đang tìm kiếm các mô hình có nhiều khả năng lựa chọn các thành công dân chủ đó hơn là các nỗ lực ngăn chặn độc đoán và hà khắc của Trung Quốc, mà các tổn phí thực sự ra sao vẫn chưa được biết đến.

Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc không thể cỡi xe đến cứu hộ như đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính hoàn cầu. Mặc dù đã có một sự gia tăng một phần về phía cung khi các nhà máy Trung Quốc mở cửa trở lại, các yếu tố thúc đẩy về phía cầu phục vụ sự tăng trưởng của Trung Quốc đang gặp rắc rối thực sự. Nền kinh tế Trung Quốc quá phụ thuộc vào phía cầu bên ngoài từ Hoa Kỳ và châu Âu mới có thể trở thành vị cứu tinh duy nhất của nền kinh tế hoàn cầu. 12 quốc gia bị virút tấn công mạnh nhất hiện nay chiếm khoảng 40% xuất khẩu của Trung Quốc. Nhiều quốc gia trong số này cũng là nước cung cấp hàng hóa trung gian hàng đầu của Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ không thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước đó khoảng năm đến sáu phần trăm hàng năm cho đến khi nền kinh tế của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu cũng phục hồi. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ phải kìm hãm một số nỗ lực kích thích trong nước cho đến khi điều đó xảy ra; họ biết rằng một kích thích như vậy sẽ có tác động hạn chế nếu mức cầu hoàn cầu đang xuống thấp. Tài trợ cho một kích thích do tín dụng thúc đẩy như Trung Quốc từng làm trong năm 2008-2009 không còn giá trị nữa do mức nợ tổng thể rất cao của Trung Quốc và nguy cơ thực sự phát khởi sự sụp đổ của hệ thống tài chính của chính họ. Trong cuộc khủng hoảng này, các nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc buộc phải chìm hay nổi cùng nhau mà thôi.

CÁC NGUY HIỂM CỦA DỰ ĐOÁN

Giữa một cuộc khủng hoảng hoàn cầu, các áp lực phải dự báo những hệ quả chiến lược, lâu dài của tình trạng khẩn cấp thì rất nhiều. Vấn đề do việc vội rút ra các kết luận sớm sủa là chúng thường sai lầm: các nhà phân tích tập trung vào các hậu quả trước mắt của các biến cố gần đây và hạ giá các đặc điểm cơ cấu của trật tự hoàn cầu.

Chắc chắn, đã có một thất bại thảm hại của giới lãnh đạo chính trị và ngoại giao Hoa Kỳ trong cuộc khủng hoảng hiện nay, một sự thất bại có thể khiến Hoa Kỳ phải trả giá đắt về sinh mạng và ảnh hưởng quốc tế trong những tháng sắp tới. Nhưng lập luận rằng điều này có thể báo trước “thời khắc Suez” cho Hoa Kỳ, như Kurt M. Campbell và Rush Doshi gần đây đã chủ trương trên Foreign Affairs, là đi quá xa. Ta nên xem xét loại suy Suez một cách thận trọng hơn. Sự can thiệp của Anh vào Suez năm 1956 là hơi thở cuối cùng của một đế quốc từ lâu vốn đã mất hết quyền lực và tính hợp pháp để có thể áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia thuộc địa cũ. Hoa Kỳ đã vượt xa Vương quốc Anh trên mọi thước đo ngoại giao, kinh tế và quân sự cả một thế hệ trước cuộc khủng hoảng Suez. Sức mạnh quân sự và công nghệ đang gia tăng của Trung Quốc ngày nay rất gây ấn tượng, nhưng đồng tiền của Trung Quốc không tới gần quyền bá chủ mà đồng đô la được hưởng vào năm 1956 hoặc đang được hưởng ngày nay. Thật vậy, tỷ lệ GDP hoàn cầu của Vương quốc Anh vào thời điểm đó chỉ là một phần nhỏ của Hoa Kỳ ngày nay. Như những người theo chủ nghĩa Lênin của Trung Quốc vốn nói, mối tương quan quốc tế qua lại của các lực lượng vào năm 1956 nhất định không có lợi cho Vương quốc Anh.

Đó không phải là trường hợp ngày nay đối với Hoa Kỳ. Ngay cả khi Hoa Kỳ vấp váp trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Bắc Kinh đang phải đối diện với những thách thức bên trong và bên ngoài xuất phát từ các quyết định của họ về việc quản trị kinh tế và chính trị ở trong nước và quản trị hoàn cầu ở bên ngoài. Ít có bằng chứng cho thấy mô hình độc đoán của Trung Quốc ngày nay có sức hấp dẫn hơn các quy tắc dân chủ được nhiều nước láng giềng của Trung Quốc áp dụng. Thế kỷ hai mươi mốt khó là “thế kỷ của Trung Quốc”, bất kể Hoa Kỳ làm gì. Thay vào đó, có nhiều khả năng nó là một nước châu Á với sự quản trị hữu hiệu và có hiệu năng được thể hiện trong những tuần gần đây, bên cạnh những đóng góp đáng kể và ngày càng gia tăng vào việc đổi mới, năng suất và tăng trưởng hoàn cầu.