Chúa Nhật II Phục Sinh - kính Lòng Chúa Xót Thương
Ngay sau lời bình an, Chúa Phục Sinh lập tức trao ban Thánh Thần của Người. Lặp lại hành động tạo dựng năm xưa nơi địa đàng (x.St 2, 7), Chúa Phục Sinh “thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22).
1. CHÚA THÁNH THẦN TRONG TẠO DỰNG MỚI.
Cuộc tạo dựng đầu tiên đã bị tội lỗi phá vỡ. Chúa Kitô, trong sự phục sinh, đã xây dựng lại bằng ơn cứu chuộc của Người, hoàn lại cho thế giới sự sống trong Thiên Chúa mà Ađam từng đánh mất.
Ađam, người đầu tiên của vũ trụ, từ nắm đất, trở thành con người có sự sống nhờ hơi thở của Thiên Chúa. Nay, sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Kitô thổi hơi trên các tông đồ để biến đổi họ thành những con người của công cuộc tạo dựng mới, xứng hợp với công trình mới.
Hơi thở của Thiên Chúa là Thánh Thần của Chúa Cha và Chúa Kitô. Nếu chỉ một mình Ađam lãnh nhận sự sống là lãnh nhận cho cả loài người, thì Thánh Thần được trao ban từ Chúa Phục Sinh cũng dành cho mọi người, không trừ ai. Vì thế, bất cứ ai sinh ra trong trần thế, sẽ được sống trong Thiên Chúa, sống nhờ Thánh Thần tác sinh của Thiên Chúa.
Cũng vậy, lúc khởi đầu của Hội Thánh, Hội Thánh chỉ có các tông đồ. Hội Thánh là chính các tông đồ. Vì thế, khi Thánh Thần của sự sống mới từ nơi Đấng Phục Sinh được trao ban, thì không phải chỉ riêng các tông đồ nhận lãnh. Nhưng các tông đồ nhận lãnh, là nhận lãnh cho chúng ta, toàn thể Hội Thánh.
Nói cách khác, Chúa Kitô ban Thánh Thần của Người cho Hội Thánh qua các tông đồ. Hội Thánh ấy bao gồm cả các tông đồ và chúng ta.
2. CHÚA THÁNH THẦN SỨC SỐNG MỚI CỦA HỘI THÁNH.
Thánh Thần của Chúa Kitô Phục Sinh luôn luôn khơi lên trong mỗi chúng ta sức sống mãnh liệt cho Thiên Chúa, cho Chúa Kitô, miễn là chúng ta mở lòng bằng cách để Người thực hiện mọi điều Người cần nơi chúng ta.
Hãy nhớ, khởi đầu sự sống đã là công trình của Chúa Thánh Thần thì chóp đỉnh của sự sống vinh quang cũng là do Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần tiếp tục tác động mọi sự, âm thầm như hạt giống đang nảy mầm trong lòng đất, dai dẳng như hạt men vùi lấp giữa đống bột, để đến một ngày, sẽ đơm bông kết trái, sẽ dậy men toàn bộ sự sống trần thế thành sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Từ ngàn xưa, Thiên Chúa không giữ sự sống, không độc quyền Thần Khí riêng mình. Vì lòng xót thương, sự sống thần linh, Thần Khí thánh của Người, luôn sung mãn, trào tràn, trao ban cho trần thế, cho loài thụ tạo mà Người xót thương.
3. CHÚA THÁNH THẦN BẢO CHỨNG CỦA LÒNG THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG.
Điều đầu tiên ngay sau phục sinh, Chúa Kitô không làm gì khác hơn là trao ban Thánh Thần. Thánh Thần của Chúa Kitô cùng là Thánh Thần của Thiên Chúa, trở thành bảo chứng của lòng Thiên Chúa thương xót chúng ta.
Từ nay, Chúa Thánh Thần sẽ tiếp tục dạy dỗ ta, thánh hóa ta, đưa ta ngày càng đến với ơn cứu độ mà Chúa Kitô đã thực hiện. Chúa Thánh Thần chính là sự bảo đảm cho ta về một tình yêu cao cả mà Thiên Chúa không bao giờ ngừng, không bao giờ mệt mỏi để trao ban.
Chúa Thánh Thần được trao ban, là cách Thiên Chúa mạc khải lòng thương xót ngút ngàn của mình. Sau Chúa Kitô, Người Con Chí Ái của Người, giờ đây, Chúa Thánh Thần tiếp tục công trình cứu chuộc vì chúng ta, vì lợi ích thiêng liêng của chúng ta.
Như thế, trong lòng thương xót vô cùng dành cho trần thế, Thiên Chúa đã hiến dâng chính mình cách nhưng không, không phải trong một Ngôi, nhưng trọn cả Ba Ngôi Chí Thánh, dù sự tự hiến chính mình ấy theo phẩm tính riêng nơi mỗi Ngôi.
Tình yêu thương xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta, không có bất cứ khoảnh khắc nào là “không”, nhưng luôn luôn là “có”. Từng người luôn hiện diện trong trái tim Thiên Chúa, luôn hiện diện cách ấm áp trong nỗi lòng xót thương của Thiên Chúa. Càng cụ thế hơn cho sự “có” ấy, Chúa Thánh Thần được ban cho trần thế, như bảo chứng đời đời của lòng thương xót, mãi mãi ở giữa trần thế, cư ngụ nơi mỗi con người.
Để bắt đầu cho loạt bài tĩnh tâm về Lòng Chúa thương xót, chúng ta khởi đi từ lời Thánh vịnh: “Tình yêu Chúa phải chăng nay cạn hẳn, và thánh ngôn chấm dứt đời đời? Hay Thiên Chúa đã quên thương xót, vì giận hờn mà khép kín từ tâm?” (Tv 77, 9-10).
Lời Thánh vịnh như tiếng than ai oán của người đau khổ. Tuy tâm tư nặng trĩu u buồn, lòng như chất chứa đầy đau thương, nội dung Thánh vịnh vẫn cho thấy lòng tin, sự trông chờ vào nỗi lòng của Thiên Chúa xót thương, chứ không phải thể hiện sự tuyệt vọng, sự phản kháng.
Cũng vậy, giữa lúc cuộc sống của mình, của những hoàn cảnh xung quanh bế tắc, ta như mang cùng tâm trạng với lời Thánh vịnh. Ta ôm nỗi u hoài trong tiêu hao, mỏi mòn của cuộc sống mà thốt lên để khần nài, để van lơn: Lạy Chúa, xin tiếp tục đoái nghe, xin đừng cạn yêu thương, đừng quay mặt mà không trao ban lời sống của Chúa.
Đã bao nhiêu lần, chúng ta cũng lần mò trong đức tin giữa những vây bũa của đau khổ. Nhưng chúng ta không nổi loạn, không tìm cách sa thải Chúa khỏi đời mình. Ngược lại, chúng vẫn bám víu vào Chúa: Lạy Chúa xin đừng quên thương xót, xin đừng giận hờn, đừng bỏ qua lòng từ tâm.
Vẫn nắm chặt tương quan với Chúa, dù phải ngập chìm trong đau khổ, ta mới có thể nhận thấy, hơn thế, ta xác tín:
“Lòng thương xót của Thiên Chúa là mãi mãi; lòng thương xót không bao giờ lụi tàn, không bao giờ cạn kiệt, không bao giờ đầu hàng khi đối diện với những cánh cửa khép kín, và không bao giờ mỏi mệt. Trong sự không bao giờ này, chúng ta tìm thấy sức mạnh trong những giây phút gặp thử thách và yếu đuối bởi vì chúng ta chắc chắn rằng Thiên Chúa không bỏ mặc chúng ta. Ngài vẫn ở với chúng ta mãi mãi” (Giáo hoàng Phanxicô, bài giảng lễ Lòng Chúa thương xót 20116).