Chúa Nhật 2 Phục Sinh
Trong mùa Phục Sinh, các bài đọc sách Tin Mừng và Công vụ Tông đồ thuật lại: mỗi lần Chúa Giêsu hiện đến với các môn đệ Ngài đều “cho các ông xem tay chân và cạnh sườn” là những vết thương cuộc khổ nạn của Ngài. Chính trong cộng đoàn bị thương tích, đau đớn và vỡ mộng này, Chúa Giêsu đã đến, mang theo những lời tha thứ và chữa lành: “Bình an cho anh em”.
Điều quan trọng được Thánh Kinh ghi nhận là thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang thương tích của cuộc khổ nạn, vẫn còn lỗ đinh ở chân tay và vết giáo đâm ở cạnh sườn. Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành nay thành những vết sẹo.Tôma muốn sờ đến để biết chắc Thầy đã sống lại. Khi Chúa Phục Sinh mời gọi Tôma: “hãy đặt ngón tay vào lỗ đinh và hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn”, chắc hẳn Tôma đã nhìn thật lâu những dấu đinh. Khi ấy, Tôma khám phá thật sâu một Tình Yêu.Tình yêu hy sinh mạng sống và đủ mạnh để lấy lại.Tình yêu khiêm hạ cúi xuống để chinh phục ông. Các vết sẹo của Thầy đã chữa lành vết thương hoài nghi của Tôma. Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân. Ông thoát ra khỏi sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập, để bước vào thế giới của lòng tin. Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy. Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy, nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông.
Tại sao thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang các thương tích của cuộc khổ nạn? Các vết sẹo ấy có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
1. Những vết sẹo giúp các môn đệ nhận ra Chúa
Chúa Giêsu Phục sinh giúp các môn đệ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo. Ngài cho họ xem những vết sẹo ở tay và cạnh sườn. Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng: Thầy chính là Đấng đã bị đóng đinh và đâm thâu; Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được tử thần. Các môn đệ mặc dầu được tiên báo trước về cuộc Phục sinh (Mt 18,31-34), nhưng những tang tóc và lo sợ xâm chiếm hết tâm hồn họ lúc này. Cho nên để họ được an tâm và bình an hơn, Chúa nói: “hãy xem chân tay Thầy đây...”. Thân xác phục sinh của Chúa bây giờ vẫn còn mang những dấu vết của cuộc thụ nạn như các dấu đinh, lằn roi... Chúa bảo họ cứ sờ vào đó để khỏi còn phải nghi ngờ về bóng ma hay thần linh nào khác “Chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,39); “Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24,40). Bàn tay mang dấu đinh là bàn tay nhen lửa và nướng cá bên biển hồ Tibêria. Bàn tay trao tấm bánh đời mình trong bữa Tiệc Ly bây giờ trao tấm bánh mình mới nướng cho môn đệ.(x.Ga 21,1-14).
Chúa Giêsu Phục sinh mang các vết sẹo như là chiến tích vĩnh cửu. Các Tông đồ đã thấy được thân xác vinh quang Phục sinh của Chúa.
Thân xác Chúa Phục sinh cũng là thân xác trước khổ nạn, nhưng nay không còn bị lệ thuộc vào không gian vào thời gian như thân xác trước nữa. Chúa ra khỏi mồ (Lc 24,3), Chúa vào giữa nhà các Tông đồ đang cửa đóng then cài (Ga 20,19), Chúa đi trên biển (Ga 21,7). Vì thế, thánh Phaolô gọi thân xác phục sinh của Chúa là thân xác thiêng liêng, chí thiện (1Cr 15,40). Thánh Thần tràn ngập trong thân xác ấy.Thân xác Chúa Kitô Phục Sinh được Kinh Thánh gọi là: bất tử (1Cor 15,53), bất diệt, linh thiêng (1Cor 15,44), bất khả thực (Kh 7,16), huyền diệu (Mt 28,1; Ga 20,19). Lanh lẹ (Lc 24,26). Chúa Kitô Phục Sinh đã cởi bỏ tất cả những yếu hèn của nhân loại như đói khát, mệt mỏi. Dù Chúa có ăn uống chút ít, song đó không phải là nhu cầu tự nhiên. Nhưng Chúa làm như vậy để các Tông đồ xác tín hơn rằng Ngài đã sống lại thật với cùng một thân xác trước kia.
2. Những vết sẹo là chứng tích của tình yêu cao cả
Thương tích trên thân thể phục sinh của Chúa Giêsu là một nhắc nhở rằng, Ngài là Thiên Chúa nhưng cũng là một con người như chúng ta, và Ngài đã chịu đau khổ để thông cảm với mọi đau khổ của loài người và để làm gương cho chúng ta.
Khi nhìn đến Chúa Giêsu với các thương tích của cuộc khổ nạn, chúng ta sẽ cảm thấy an ủi hơn, gần gũi hơn với Thiên Chúa và cố gắng vươn lên, không chìm đắm trong buồn sầu cay đắng, không tầm thường hóa cuộc đời trong tội lỗi và vững tin rằng, sự sống lại vinh hiển có giá trị hơn đời này gấp bao lần mà chính Chúa Giêsu đã mở đường đi về sự sống mới.
Qua cuộc khổ nạn mà các vết sẹo vẫn còn lưu lại trên thân thể, Chúa Giêsu Phục Sinh muốn nói với chúng ta rằng sự đau khổ, trong ý nghĩa tích cực là những hy sinh có giá trị cứu độ. Với các vết sẹo ấy, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, đau khổ không là một bất hạnh cần phải lẫn tránh, mà tội lỗi gây ra đau khổ mới là điều xấu xa cần phải tránh xa.
Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi ban chính Người Con Một; và Người Con Một đã yêu cho đến cùng, đã chịu khổ nạn với trái tim bị đâm thâu khi tự hiến trên thánh giá. Chúng ta cũng phải đáp trả sao cho cân xứng với tình yêu ấy.
3. Những vết sẹo là dấu chứng của phục sinh
Thân xác Chúa Phục Sinh mang những vết sẹo cuộc khổ nạn. Những cái sẹo ấy sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc. Những cái sẹo gợi lên những kỷ niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau. Nhưng nếu không có những cái sẹo thì cũng chẳng có phục sinh. Chúa Giêsu vượt thắng sự chết, đập tan quyền lực của tử thần, Ngài phục sinh và bước vào một cuộc sống mới viên mãn hơn, vững bền hơn. Dẫu rằng vẫn còn đó những dấu vết của thương đau, những vết sẹo của bạo lực bất công, nhưng giờ đây Ngài đã khởi sự một sự sống bất diệt, vượt trên vòng lao lý của khổ đau, của giới hạn kiếp người, Ngài đã bước vào thế giới của niềm vui, của Tình Yêu!
Đức Giêsu đã không lạ lẫm với đau đớn, âu lo, thất bại và nỗi cô đơn. Người biết sự phản bội của bạn hữu. Người đã mang lấy những vết thương hữu hình và vô hình vì nhân loại. Chúng ta cũng vậy, không chỉ mang lấy những vết thương của mình, mà còn cưu mang những thương tổn của những người ta yêu mến, những người gặp hoạn nạn và bệnh tật. Chúng ta cũng thổn thức với những âu lo, đau khổ của thế giới trong những tháng ngày dịch bệnh virut Vũ hán. Giờ đây, ánh sáng của Thiên Chúa đã chiếu sáng xuyên qua bóng tối của ngôi mộ, chúng ta không còn phải lo sợ về cái chết cuối cùng nữa.Con người chúng ta, ai cũng thường mang những vết sẹo trên thân xác. Có những vết sẹo gợi lại cả một vùng trời kỷ niệm. Nếu hiểu cuộc phục sinh của Chúa Giêsu là sự vượt qua nghịch cảnh để bước vào đời sống mới, thì mỗi khi một cá nhân, một gia đình hoặc một tập thể vượt qua được những nghịch cảnh của đời mình thì cũng có thể gọi đó là sự phục sinh! Trước khi thụ nạn, Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ về những thống khổ như là nỗi đau quặn của một phụ nữ khi sinh nở, để sau đó có được niềm vui khi một mầm sống mới được khai sinh (Ga 16, 20-22).
Ngày 23/9/1968, cha Piô Năm Dấu, vị linh mục nổi tiếng dòng Capucinô đã qua đời trong một tu viện tại nước Ý. Ngài nổi tiếng vì được Chúa in năm dấu thánh trên thân thể suốt 50 năm. Năm dấu thánh đó là năm vết thương của Chúa được in trên hai tay, hai chân và cạnh sườn cha Piô. Những vết thương đó thường rỉ máu và làm cho ngài đau đớn khôn tả. Ngài được khám nghiệm y khoa và được kiểm chứng bằng khoa học nhiều lần. Nhưng tất cả các nhà chuyên môn đều không thể giải thích được hiện tượng này và cũng không có cách nào chữa trị được các vết thương đó.Ngày 02/5/1999 ngài được phong chân phước và ngày 16/6/2002 được phong hiển thánh bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Cha thánh Piô đã được in năm dấu thánh để được hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Giêsu. Đó cũng là những chứng tích niềm tin cho một thế giới “cứng lòng tin” hôm nay. Chúng ta cũng hãy mang lấy những dấu tích đau thương của Chúa không phải nơi thân xác nhưng trong tâm hồn và cuộc sống chứng nhân, để làm cho niềm tin được tỏa sáng đến mọi người.
Như mùa Xuân sau Đông tàn, Phục sinh mãi mãi vọt lên trong đời sống chúng ta những chồi lộc ân sủng, những sức sống tươi trẻ. Tin vào Đấng Phục Sinh là thắp lên ánh sáng mới, là đón nhận tình yêu mới cho mùa Xuân tâm hồn.