Tính cho đến chiều thứ Hai 16 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục gia tăng ở mức kinh hoàng với 6,526 người chết, và số người nhiễm bệnh lên đến 170,237 người. Như thế, chỉ trong 24 giờ đã có thêm 1,088 người thiệt mạng vì coronavirus, và 24,402 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.

Hoa Lục vẫn đang dẫn đầu con số thương vong với 3,213 người chết, và 80,866 trường hợp nhiễm bệnh.

Thiệt hại nhân mạng tại Ý ngày càng trở nên rất nghiêm trọng. Chỉ trong 24 giờ của ngày Chúa Nhật, số trường hợp tử vong tại Ý là 368 người. Tính đến chiều thứ Hai 16 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Ý đã lên đến 1,809 người, và 24,747 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Nếu tình hình cứ diễn tiến ở mức này, chỉ trong ít tuần nữa, con số thương vong tại Ý sẽ vượt qua con số thương vong tại Hoa Lục.

Tiếp theo là Iran với 724 người chết, tăng 210 người trong vòng 24 giờ; và 13,938 trường hợp nhiễm bệnh, tức là chỉ trong 24 giờ đã có thêm 2,574 trường hợp nhiễm bệnh mới được ghi nhận.

Sự gia tăng đột biến số trường hợp tử vong ở cả Ý và Iran, đã khiến cho nhiều người nghi ngờ rằng coronavirus là một sản phẩm của phòng thí nghiệm, đã được biến đổi gen để lây lan rất nhanh và công phá tàn khốc các nước là đối thủ cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ La Stampa, Luca Crosetto, chủ tịch của Confartigianato Cuneo, Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng nếu không xác định được nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay đang tác động nghiêm trọng cả đến sức khoẻ người dân lẫn kinh tế quốc gia, Ý có nguy cơ bị tấn công một lần nữa trong thời gian ngắn. Và nếu một cuộc tấn công lần thứ hai như thế xảy ra đất nước chúng ta có nguy cơ bị đẩy đến bờ vực sụp đổ kinh tế.

Trong cuộc họp báo sáng 15 tháng Ba tại trụ sở của Protezione Civile, nghĩa là Cục Bảo vệ Dân sự, khi được hỏi về ý kiến này của ông Luca Crosetto, ông Angelo Borrelli Giám đốc Protezione Civile cho biết ngay từ đầu cơ quan của ông đã không loại bỏ cuộc khủng hoảng này là một vụ tấn công sinh học. Cho đến nay, Ý vẫn không tìm được bệnh nhân zero. Tuy nhiên, theo ông Borrelli để tìm ra nguyên nhân chính xác của dịch bệnh này, có lẽ phải cần đến một nỗ lực quốc tế.

Tưởng cũng nên nhắc lại là tuần trước, tờ La Croix, nghĩa là Thánh Giá, của Pháp đã lên tiếng cảnh báo rằng Trung Quốc mưu toan viết lại lịch sử coronavirus để thế giới phải biết ơn Tập Cận Bình. Nếu người ta phải biết ơn kẻ báo hại thế giới thì thật là chẳng còn chút công lý nào.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tại tiểu bang Washington, Hoa Kỳ, một linh mục thuộc Giáo Phận Yakima, đã là linh mục Hoa Kỳ đầu tiên được chẩn đoán nhiễm coronavirus.

Cha Alejandro Trejo, là Cha Sở của giáo xứ Our Lady of the Desert ở thành phố Mattawa, có triệu chứng sốt cao vào ngày 1 tháng Ba. Sáng ngày 7 tháng Ba, ngài té xỉu khi cố gắng chuẩn bị dâng thánh lễ sáng. Ngài được đưa vào bệnh viện với các triệu chứng viêm phổi rất trầm trọng và đã được chẩn đoán nhiễm coronavirus vào cuối tuần qua.

Anh chị em giáo dân đã làm một tuần Cửu Nhật cầu nguyện cho ngài. Trong một tuyên bố của giáo phận vào ngày Chúa Nhật 15 tháng 3, Đức Cha Joseph Tyson nói:

“Cha Alex đang hồi phục rất tốt và chúng tôi đánh giá cao những lời cầu nguyện của nhiều người, nhiều giáo dân và sự chăm sóc tuyệt vời của nhân viên bệnh viện”.

Tại Vatican, trong một diễn biến thật đáng buồn Văn phòng Quản gia phủ Giáo hoàng cho biết, trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, các cử hành trong Tuần Thánh tại Rôma sẽ diễn ra mà không có sự hiện diện của các tín hữu.

Hơn nữa, Văn phòng cho biết thêm cho đến ngày 12 tháng Tư, các buổi triều yết chung và các buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật do Đức Thánh Cha chủ sự sẽ chỉ được phát trực tiếp trên trang web chính thức của Vatican News.

Ban đầu, Đức Thánh Cha dự định chỉ cử hành các thánh lễ hàng ngày tại Santa Marta trong một tuần. Tuy nhiên, dưới ánh sáng của tình hình hiện nay, Đức Thánh Cha đã quyết định tiếp tục các thánh lễ hàng ngày như hiện nay.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 7 sáng Thứ Hai 16 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các gia đình, xin Chúa ban ơn khôn ngoan cho các gia đình để các thành viên trong cùng một mái nhà có thể tìm ra những cách thế mới để thể hiện tình yêu trong tình huống khó khăn này.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

“Tôi đang nghĩ về những gia đình đang bị cô lập chung với nhau trong những ngày này. Xin Chúa giúp họ khám phá những cách thức mới, những cách thể hiện tình yêu mới, để sống cùng nhau trong tình huống mới này. Đó là một cơ hội đẹp để khám phá lại tình cảm gia đình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình để các mối quan hệ trong gia đình vào lúc này có thể luôn phát triển tốt đẹp.”

Bài giảng của Đức Thánh Cha để tập trung vào bài Tin Mừng trong ngày mô tả phản ứng của dân chúng đối với Chúa Giêsu trong hội đường thành Nadarét.

Phúc Âm: Lc 4, 24-30

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.

Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Có hai sự phẫn nộ thể hiện cả trong Bài đọc thứ Nhất và trong Bài Tin Mừng. Lúc đầu, những người trong hội đường thích những gì Chúa Giêsu nói. Nhưng khi họ tự hỏi lẫn nhau “ông ta học trường đại học nào? Đây là con trai bà Maria và ông Giuse mà... Ông ta chỉ là một người thợ mộc... Ông ta có thể nói gì với chúng ta nào?” Họ trở nên phẫn nộ đến mức họ dùng đến bạo lực thể xác. Trong Bài đọc Một, ông Naaman cũng vậy, ông trở nên phẫn nộ khi tiên tri Elisha đề nghị ông ta tắm bảy lần trong dòng sông Giođan. Phản ứng của ông dẫn ông đến hình thức bạo lực bằng lời nói. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Sự phẫn nộ luôn dẫn đến bạo lực hoặc bằng thể chất hoặc bằng lời nói”.

Ngài đặt câu hỏi:

Cả ông Naaman và người dân thành Nadarét đều là “người tốt”. Điều gì đằng sau những người tốt này khiến họ phản ứng phẫn nộ?

Theo Đức Thánh Cha, ý tưởng của họ về Thiên Chúa theo đó “Thiên Chúa chỉ biểu lộ chính Ngài qua những điều phi thường, thông qua những điều ngoại thường, rằng Thiên Chúa không thể hành động thông qua những điều bình thường, những gì là đơn sơ trong cuộc sống”.

Sự phẫn nộ thể hiện trong cả hai bài đọc là một phản ứng chống lại sự đơn sơ.

“Họ khinh miệt những điều đơn sơ. Nhưng Thiên Chúa của chúng ta làm cho chúng ta hiểu rằng Ngài luôn hành động thông qua những điều đơn sơ: sự bình dị của ngôi nhà Nadarét... sự đơn sơ của công việc hàng ngày... sự đơn sơ của lời cầu nguyện... những điều giản dị. Thay vào đó, tinh thần thế gian đẩy chúng ta về phía phù phiếm, hướng tới vẻ bề ngoài. Cả ông Naaman và dân Nadarét kết thúc bằng bạo lực. Naaman, người rất có học thức, đóng sầm cửa vào mặt tiên tri và quay lưng – đó là bạo lực, một hành động bạo lực. Những người trong hội đường bắt đầu trở nên giận dữ và điên lên, họ đi đến quyết định giết Chúa Giêsu, đồng thanh, họ đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực.

Những người kiêu căng dễ trở nên phẫn nộ, nhưng Đức Thánh Cha lưu ý rằng thật ra kẻ kiêu căng rất nghèo về tinh thần. Người kiêu hãnh chỉ sống với ảo tưởng là họ tốt hơn, hay hơn, lành thánh hơn những gì họ thực sự là. Nhiều lần những người này cần trở nên phẫn nộ để cảm thấy rằng họ là một người nào đó có thế giá.

Để kết luận, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta suy nghĩ về “sự phẫn nộ của người dân trong hội đường của Nadarét và ông Namaan” là kết quả của việc họ “không hiểu được sự đơn sơ của Thiên Chúa chúng ta”.