Càng gần tới ngày khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon, vấn đề phong chức linh mục cho những người đàn ông có gia đình được cộng đồng coi là có phẩm hạnh (viri probati) càng trở thành vấn đề gây tranh cãi số 1. Phần nào giống như ghi chú số 351 trong tông huấn Niềm Vui Yêu Thương của Đức Phanxicô. Giống ghi chú này, vấn đề phong chức linh mục cho họ không hẳn là vấn đề số một của Đức Phanxicô khi cho triệu tập Thượng Hội Đồng này. Nó cũng không nằm ở tâm điểm Tài Liệu Làm Việc mà nằm trong phần Gợi Ý để thảo luận.

Nếu chỉ xét nguyên trong bối cảnh Amazon thì vấn đề ấy phải được coi là chính đáng và nên được đem ra thảo luận rộng rãi và chính thức nhất là tại một Thượng Hội Đồng Giám Mục bàn về nhu cầu mục vụ của một khu vực rõ ràng cần được giải quyết về nhu cầu này. Nhưng sở dĩ nó trở thành vấn đế gây tranh cãi số một là vì mưu toan “sông Rhine chẩy vào Amazon” của một số trào lưu Đức muốn nhân dịp này khai mở phương thức “liên bang” cho Giáo Hội Công Giáo nói chung.



Thực vậy, theo JD Flynn, tổng biên tập CNA, một số thần học gia và giáo phẩm Đức muốn dùng Thượng Hội Đồng này làm “cơ sở chứng minh” cho một nghị trình thần học không ăn uống gì tới vùng Amazon.

Vùng này quả có nhiều nhu cầu mục vụ: người bản địa đang đương đầu với nạn kỳ thị, nền văn hóa của họ đang có nguy cơ tan rã, nạn phá rừng và khai thác mỏ kiểu trấn lột đang đe dọa hủy hoại lối sống cổ truyền của họ; do hiện trạng xa xôi của các làng mạc và đôi khi hạ tầng cơ sở hầu như không có, các linh mục đang phải lao đao bởi thách thức thừa tác trên những vùng lãnh thổ mênh mông; người Công Giáo tại một số nơi ít được học giáo lý, ít cơ hội tham dự Thánh Lễ và xưng tội, liều mình xa rời đức tin. Triệu tập 1 Thượng Hội Đồng Giám Mục để giải quyết các nhu cầu này, trong đó, có vấn đề phong chức linh mục cho các người đàn ông có vợ, nhưng được cộng đồng nhìn nhận có phẩm hạnh, tất nhiên là điều hợp thời hợp lúc.

Điều phiền là sự nhẩy vô ăn có của một số thần học gia và giáo phẩm Đức nhằm lên sức mạnh cho một thứ giáo hội học cổ vụ phương thức “liên bang” cả về tín lý lẫn kỷ luật, với việc chấp nhận một mức độ khác nhau (variability) đáng kể trong các vấn đề luân lý và kỷ luật.

Cái khó là họ dựa vào học lý “đồng nghị” (“synodality”) của Đức Phanxicô, một học lý được coi như rất thân thiết đối với triều Giáo Hoàng này. Nhưng ai cũng biết, rất nhiều lần, Đức Phanxicô nhấn mạnh tới các giới hạn của “tính đồng nghị”. Theo ngài, không được bắt các vấn đề tín lý và kỷ luật quan trọng phụ thuộc các sở thích địa phương.

Trong thư gửi cho các Giám Mục Đức mới đây, ngài cho hay: ngài không ủng hộ phương thức ưu tiên hóa phán quyết của một Giáo Hội “quốc gia” so với các giáo huấn hay qui phạm của Giáo Hội hoàn vũ.

Ấy thế mà trong Thượng Hội Đồng sắp tới, họ vẫn đang cố gắng biến nhu cầu đặc thù của Amazon thành một mô thức “liên bang”, một thứ qui luật tản quyền phổ quát áp dụng cho luật độc thân linh mục. Chưa hết, họ còn đòi biến qui luật này thành một tiền lệ cho việc tản quyền trong các vấn đề quản trị và tín lý khác nữa, nhất là các vấn đề liên quan đến việc Giáo Hội phải xử lý ra sao với triết lý sống tính dục thế tục. Tắt một lời nó nẩy cò cho cuộc tranh luận nói chung về việc tản quyền. Đấy cũng là mục tiêu của công đồng "trói buộc” đang diễn ra tại Đức.

Ý kiến của Đức Hồng Y Muller

Trong một cuộc phỏng vấn của Edward Pentin, Đức Hồng Y Muller, cựu tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin cho hay: Tài liệu Làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon, trong đó, có điều khoản về viri probati, phần lớn do một nhóm hậu duệ người Đức soạn thảo, chứ không do người địa phương Amazon. “Nó mang quan điểm rất Âu Châu, và theo tôi, nó là một phóng chiếu tư duy thần học Âu Châu lên trên nhân dân vùng Amazon vì chúng ta đã nghe các khái niệm này từ hơn 30 năm nay”.

Nhân cơ hội này, Đức Hồng Y Muller không hẳn nói đến việc phong chức linh mục cho các viri probati người Amazon, cho bằng mưu toan bãi bỏ luật độc thân linh mục nói chung. Ngài nói: “Một mặt họ [tư tưởng gia Đức] thúc đẩy để có việc này (chấm dứt luật buộc giáo sĩ sống độc thân) và nói nó cách công khai, và mặt khác, khi được hỏi, họ nói họ sẽ không phá hoại việc giáo sĩ sống độc thân. Kỷ luật này bắt rễ sâu vào nền linh đạo của chức linh mục trong Giáo Hội Phương Tây và Latinh. Chúng ta không thể thay đổi nó như thể nó chỉ là một kỷ luật bên ngoài, vì nó được liên kết sâu xa với linh đạo của chức linh mục, như công đồng Vatican II đã nói (Presbyterorum Ordinis, 16).”

Đức Hồng Y Muller cho rằng “đây không phải là giải pháp lớn lao họ mong sẽ giải quyết mọi vấn đề, vì cuộc khủng hoảng trong Kitô Giáo ở thế giới Tây Phương không liên hệ gì với luật độc thân linh mục... Nó là cuộc khủng hoảng đức tin và cả cuộc khủng hoảng lãnh đạo tinh thần”.

Nói về mối liên kết giữa Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon và “con đường đồng nghị” hiện nay của Giáo Hội Đức, Đức Hồng Y Muller cho hay mối liên hệ ấy “rất rõ ràng”. Nhưng “họ xử lý việc lạm dụng tình dục một cách tuyệt đối sai lầm. Họ không có khả năng và không thể nhìn ra các nguyên nhân và lý do đích thực của cuộc khủng hoảng này, nên họ luôn nói đến những điều khác, chẳng ăn uống gì tới nó’.

Vì theo ngài, các giáo hội thệ phản cũng đang bị giảm sút tại Âu Châu dù họ có các mục tử có vợ, chấp nhận hôn nhân đồng tính và không có chuyện sống độc thân. Sự giảm sút của họ còn tệ hơn sự giảm sút của Giáo Hội Công Giáo.

Quan điểm của người trong cuộc

Theo LifeSiteNews ngày 16 tháng 7, 2019, Đức Cha Erwin Kräutler, một giám mục hưu trí, người Ba Tây gốc Áo, và là thành viên của ủy ban chuẩn bị của Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon, đồng thời là người soạn thảo chính của Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng này, hy vọng rằng Thượng Hội Đồng sẽ chấp thuận việc phong chức phó tế cho phụ nữ và các viri probati vì lý do mục vụ.

Thực vậy, “800 giáo xứ của chúng tôi [giáo phận Xingu, Ba Tây, nơi ngài là giám mục hưu trí] được lãnh đạo bởi giáo dân, và 2 phần 3 bởi phụ nữ”. Linh mục “chỉ đến 2 hay 3 lần một năm”. Các giáo xứ này chỉ có phụng vụ Lời Chúa, chứ không có phụng vụ Thánh Thể.
Được hỏi lý do tại sao trong giáo phận của ngài không có ơn gọi linh mục, ngài bảo vì luật độc thân. Ngài cho hay ngài đã phong chức cho “một số ít linh mục” nhưng đến một nửa sau đó đã bỏ chức linh mục vì luật độc thân.



Nhưng cũng trong tâm thức Âu Châu, ngài bảo ngài “tuyệt đối không thấy khó khăn” nếu các linh mục có vợ được đưa vào nước Áo, có lẽ trong vòng 10 năm tới. Ngài nhận định “thời gan đã chín mùi” cho một thay đổi như thế.

Ngài cho điều đó “mật thiết hợp Kinh Thánh” vì là việc để “giúp người nghèo và người bị hắt hủi” và đó cũng là quan tâm “của cả Đức Giáo Hoàng nữa”.

Tất cả các quan điểm ấy đã được phản ảnh trong Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon, một tài liệu do ngài viết phần lớn. Tài liệu này đã bị nhiều vị giáo phẩm cao cấp phê phán.

Tuy nhiên, theo tin CNA, một vị giám mục khác cũng của Amazon là Đức Cha Azcona, vừa hưu trí năm 2016, đã có một quan điểm ngược hẳn lại. Ngài dùng các ngôn từ hết sức mạnh mẽ phê phán đề xuất này và phần nào nghiêng về quan điểm của Đức Hồng Y Muller khi cho rằng nguyên nhân nạn thiếu linh mục là cuộc khủng hoảng đức tin.

Theo Đức Cha Azcona, truyền chức cho các viri probati sẽ là một điều vô ích vì nó chỉ đặt một miếng vải mới lên chiếc áo cũ, càng làm cái áo cũ rách nhiều hơn. Ngược lại, “cũng như toàn thể Giáo Hội, hàng giáo sĩ Amazon cần ăn năn, hoán cải, đức tin cứu rỗi theo nghĩa chặt chẽ nhất”.

Ngài chủ trương rằng “sự tiết dục hoàn hảo và vĩnh viễn vì Nước Thiên Chúa sẽ tiếp tục là một dấu chỉ khuyến khích đức ái mục vụ và là nguồn độc đáo của việc trổ sinh thiêng liêng trong vùng Amazon”.

Đức Cha Azcona cho rằng thái độ cầu nguyện cho ơn sống độc thân của các linh mục trong vùng Amazon và khắp Giáo Hội hiện là một số không khổng lồ.

Ngài đi xa hơn khi cho rằng đề xuất này phát sinh trong “một bối cảnh trong đó, các khuynh hướng hiện nay của nhiều nhóm người Công Giáo... đang tra vấn Huấn quyền của Giáo Hội, đặc biệt nơi chính Đức Giáo Hoàng. Một số người công khai gọi ngài là người lạc giáo, đòi ngài từ chức ngay... Chúng ta không nên thảo luận tính chính đáng của những vấn đề này. Điều chắc chắn là một đáp ứng tích cực sẽ mở ra nguy cơ chia rẽ, ly giáo thực sự trong Giáo Hội”.

Đức Phanxicô và luật độc thân của giáo sĩ

Mới đầu năm nay, trên đường từ Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama trở về, Đức Phanxicô tuyên bố nguyên văn như sau: “Về nghi lễ Latinh... Tôi nhớ câu nói của Thánh Phaolô VI: ‘tôi thà chết còn hơn thay đổi luật độc thân’. Câu này bỗng xuất hiện trong đầu và tôi muốn nói ra câu ấy, vì nó là một câu nói can đảm, trong một thời điểm khó khăn hơn thời nay, 1968/1970... Bản thân tôi, tôi nghĩ luật độc thân là một ơn phúc cho Giáo Hội. Thứ hai, tôi không đồng ý với việc cho phép độc thân nhiệm ý, không. Có thể chỉ còn lại một số khả thể ở các nơi hẻo lánh xa xôi nhất – tôi nghĩ tới các hòn đảo ở Thái Bình Dương... Nhưng đó là một điều để suy nghĩ khi có nhu cầu mục vụ, ở đấy, mục tử phải nghĩ đến tín hữu”.

Sau đó, Đức Phanxicô trưng dẫn trước tác của Giám Mục hưu trí Fritz Lobinger (Aliwal, South Africa), tức cuốn Preti per domani (Các Linh mục cho Ngày mai) nói về khả thể truyền chức linh mục cho các viri probati: “một cuốn sách đáng chú ý – đây là một vấn đề thảo luận trong giới thần học, về phần tôi thì chưa hề có quyết định. Quyết định của tôi là: độc thân nhiệm ý trước khi chịu phó tế, không. Đó là một điều gì đó đối với tôi, một điều thiết thân, tôi sẽ không thực hiện nó, điều này vẫn còn rõ ràng. Tôi đã ‘đóng’ chưa? Có lẽ. Nhưng tôi không muốn ra trước mặt Chúa với quyết định đó”.

Nại đến trách nhiêm trước mặt Chúa để bác bỏ việc bỏ luật độc thân cho hàng giáo sĩ nghi lễ Latinh chắc chắn có ý nghĩa tuyệt đối của nó. Còn những nơi như một số hòn đảo Thái Bình Dương, nơi người lãnh đạo các cộng đồng là phó tế, hay nữ tu hoặc giáo dân, thì Giám Mục Lobinger nghĩ ta có thể phong chức linh mục cho những người đàn ông cao niên có gia đình, nhưng chỉ thi hành munus sanctificandi (nhiệm vụ thánh hóa) nghĩa là cử hành Thánh Lễ, ban các bí tích hòa giải, xức dầu bệnh nhân.

Dịp ấy, Đức Phanxicô nói rõ “tôi tin rằng vấn đề phải khai mở theo chiều hướng này, nơi có nan đề mục vụ, vì thiếu linh mục. Tôi không nói nên làm điều đó, vì tôi chưa suy nghĩ, chưa cầu nguyện đủ về nó. Nhưng các thần học gia phải nghiên cứu [nó]...Đây là một điều để nghiên cứu, suy nghĩ và cầu nguyện”.

Gần đây hơn, theo Hannah Brockhaus của CNA (https://www.catholicnewsagency.com/news/pope-francis-ordination-of-married-men-absolutely-not-main-theme-of-amazon-synod-42327), trong cuộc phỏng vấn của tờ La Stampa ngày 9 tháng 8, Đức Phanxicô tuyên bố: việc phong chức cho những người đàn ông có gia đình “tuyệt đối không phải là” chủ đề chính của Thượng Hội Đồng Amazon. Các chủ đề quan trọng sẽ là các thừa tác vụ truyền giảng Tin Mừng và những cách truyền giảng Tin Mừng khác nhau. Ngài cũng cho hay Thượng Hội Đồng này là “con” của thông điệp Laudato Si’ theo nghĩa những ai chưa đọc thông điệp này của ngài năm 2015 về môi trường “sẽ không bao giờ hiểu được Thượng Hội Đồng Amazon”.

Trấn an ấy vẫn không làm cho một người như Đức Hồng Y Pell, dù đang bị cầm tù oan ức về cáo buộc lạm dụng tình dục 1 thiếu nam dưới 16 tuổi, khỏi lo âu. Thực vậy, trong khi chờ ra tòa kháng cáo, vị Hồng Y này đã viết một lá thư cho những người vốn ủng hộ ngài để cám ơn họ, đồng thời biểu lộ tâm tư đối với vận mệnh Giáo Hội “chúng ta có lý do để bối rối bởi Tài Liệu Làm việc của Thượng Hội Đồng Amazon” trong đó có khoản nói về việc phong chức linh mục cho các người đàn ông có phẩm hạnh.

Các Hồng Y Burke và Brandmüller viết thư cho Hồng Y đoàn



Theo tin CNA ngày 4 tháng 9, 2019, hai vị Hồng Y “dubia” còn sống đã gửi thư cho các đồng chức sắc trong Hồng Y đoàn tỏ ý lo âu đối với tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng sắp tới. Trong thư đề ngày 28 tháng 8, Đức Hồng Y Walter Brandmüller viết rằng “...việc đề nghị phong chức linh mục cho những người vốn được gọi là viri probati nêu lên một hoài nghi mạnh mẽ rằng ngay cả luật độc thân của linh mục cũng sẽ bị nghi vấn”.

Đức Hồng Y đặc biệt tra vấn lý lịch của vị chủ tịch, Đức Hồng Y (Claudio) Hummes, các giáo phẩm trong ban đièu hành Thượng Hội Đồng, hai Đức Cha (Erwin) Kräutler và (Franz-Josef) Overbeck. Tất cả đều là những người cổ vũ việc xét lại giáo huấn của Giáo Hội về truyền chức và luân lý tính dục.

Ngài cho rằng các vị Hồng Y phải xem xét mình phải phản ứng ra sao đối với “bất cứ tuyên bố hay quyết định lạc giáo nào của Thượng Hội Đồng”.

Cũng ngày đó, Đức Hồng Y Raymond Burke viết cho các vị trong Hồng Y đoàn, phần lớn để hỗ trợ lá thư của Đức Hồng Y Brandmüller, nhấn mạnh tới “các khó khăn nghiêm trọng liên quan tới thừa tác vụ thụ phong và việc tiết dục hoàn hảo của hàng giáo sĩ. Những đề xuất này... tấn công ‘cơ cấu phẩm trật và bí tích” cũng như “truyền thống tông đồ của Giáo Hội”. Đức Hồng Y nói tới việc Tài liệu Làm việc của Thượng Hội Đồng Amazon mang “dấu báo trước một cuộc từ bỏ đức tin Công Giáo”.

Tuy nhiên, theo Edward Pentin (National Catholic Register, 11/9/2019), Đức Hồng Y Burke cùng với Đức Cha Schneider đã công bố một bản tuyên bố dài 8 trang về Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Amazon, trong đó, các ngài nêu ra 6 “sai lầm và lạc giáo thần học nghiêm trọng” phần lớn được xếp chung vào nguy cơ phiếm thần, thí dụ, sai lầm thứ tư: đã hỗ trợ “việc đo cắt các thừa tác vụ thụ phong của Công Giáo cho phù hợp với các phong tục tổ tiên của người bản địa, trao ban các thừa tác vụ chính thức cho phụ nữ và truyền chức cho các người lãnh đạo có gia đình của cộng đồng như các linh mục bậc nhì, loại bỏ một phần quyền hành thừa tác của họ nhưng đủ để thủ diễn các nghi thức pháp sư [shamanic]”. Điệp khúc của các ngài là Tài Liệu Làm Việc gây “hoang mang, sai lạc và chia rẽ”.

Các vị thư ký của Thượng Hội Đồng Amazon

Ngược lại, 2 vị thư ký, phụ tá cho tổng tường trình viên Thượng Hội Đồng Amazon, Đức Hồng Y Claudio Hummes, là cha (nay là Hồng Y) Michael Czerny và Đức Cha David Martinez De Aguirre Guinea, hết lời ca ngợi viễn tượng Thượng Hội Đồng, trên tập san chính thức của Dòng Tên La Civilta Cattolica: đây là một cố gắng thực thi “Laudato Si’ trong môi trường nhân bản và tự nhiên nền tảng này.
“Tổng hợp mới mẻ này là lời mời gọi đánh thức toàn thế giới, toàn nhân loại. Nhưng nó cũng gợi ý một chiều hướng xã hội và mục vụ mới mẻ và năng động cho Giáo Hội, một cơ chế cần phải hiểu các thách đố đặt ra cho các cá nhân và gia đình cũng như các nhóm trong các chiều kích đa dạng này”.

Họ có nhắc qua tới việc các con số giảm dần các linh mục và tu sĩ “đang đe dọa sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo giữa các dân tộc bản địa của Amazon” nhưng không viết nhiều về vấn đề này, chỉ nhấn mạnh điều đã có trong Tài Liệu Làm Việc là phải di chuyển “khỏi kiểu thừa tác thăm viếng để bước sang kiểu thừa tác hiện diện”.

Một Tổng Giám Mục Amazon ủng hộ việc phong chức cho các viri probati

Theo Inés San Martín (Crux 16/9/2019), Đức Tổng Giám Mục Rafael Cob của giáo phận Puyo, Ecuador, người sẽ đi Rôma tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon, hết lời ca ngợi tính lịch sử của Đức Phanxicô và do đó của Thượng Hội Đồng Amazon khi nghĩ đến nhu cầu mục vụ của những làng mạc xa xôi hẻo lánh của Amazon qua đề xuất phong chức cho các viri probati.

Ngài cho rằng việc này không hề mới mẻ. “Giáo Hội đã có nó từ lúc bắt đầu”. Luật độc thân cho các linh mục nghi lễ Latinh không bắt buộc trước công đồng Nixêa, thế kỷ thứ tư, lúc Giáo Hội quyết định luật độc thân “thuận tiện’ để các linh mục sống tốt hơn ơn gọi của họ “nhưng không hề có nghĩa không có các giải pháp thay thế khác”.

Theo ngài, giải pháp viri probati “đáp ứng một thách đố rất cụ thể trong vùng Amazon, và việc này không hề nghi vấn hình thức độc thân bình thường”. Ngài cho rằng Amazon biểu tượng cho “nhiều thách đố địa dư lớn lao”, ngoài việc thiếu các ứng viên cho chức linh mục sẵn lòng tuân thủ luật sống độc thân vì đó là điều các dân tộc bản địa không hiểu. Vả lại, con số các linh mục truyền giáo tới vùng này đã giảm một cách đáng ngại.

Hai biến cố phản bác

Theo Elise Harris (Crux 17/9/2019), ngày 4 tháng 10, 2 ngày trước khi Thượng Hội Đồng về Amazon khai mạc, một nhóm bảo thủ với tên “Voice of the Family” sẽ tổ chức một buổi hội thảo bàn tròn tại Rôma với chủ đề “Giáo Hội của Chúng ta: Cải tổ hay Bị dị hình?” trong đó có hai diễn giả là John Henry Westen của LifeSite News và Michael Vorris của Church Militant.

Ngày 5 tháng 10, một hội nghị chuyên đề khác được nhóm “The Truth about the Amazon” tổ chức, tuyên bố theo họ, sự thật sẽ không phát xuất từ phòng Thượng Hội Đồng.

Cũng cùng ngày trên, sẽ có buổi “Cầu nguyện cho Giáo Hội” rất lớn gần Castel Sant’Angelo, sát cạnh tường thành Vatican, của những người không ủng hộ Thượng Hội Đồng Amazon.

Ngoài ra, theo Christopher White cũng thuộc Crux (25/9/2019), nhóm bảo thủ Canh chừng Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon (The Pan-Amazonian Synod Watch) vào một ngày trước khi Thượng Hội Đồng này khai mạc, sẽ tổ chức tại Rôma một ngày hội thảo về “Sự Thật của Amazon”. Ký giả này cho hay những điều nhóm này chủ trương phần nào tìm thấy trong các phát biểu của các Đức Hồng Y Muller, Brandmuller và Burke về Thượng Hội Đồng Amazon.

REPAM thách thức: đến sống 1 năm ở Amazon sẽ thấy

Theo Inés San Martín (Crux 23/9/2019), đối với những người như trên, Mauricio Lopez, nhà lãnh đạo của REPAM, tức Mạng Lưới Giáo Hội Toàn Vùng Amazon (Pan-Amazonian Ecclesial Network), một tổ chức liên Amazon cổ vũ Thượng Hội Đồng Amazon, có lời thách thức duy nhất: hãy đến sống 1 năm tại Amazon sẽ thấy.

Ông đặc biệt ủng hộ việc phong chức cho các viri probati, như một giải pháp đối với việc kinh niên thiếu linh mục trong vùng. Ông bảo đề xuất này “phát xuất trực tiếp từ dân Chúa sống trên lãnh thổ”.

Một lãnh thổ được Ông mô tả: gồm 4,500 căn làng nhỏ trải rộng khắp 9 quốc gia, nơi sinh sống của 500 nhóm sắc tộc khác nhau, trong đó, hơn 80 nhóm vẫn sống trong những nơi gọi là tự ý cô lập.

Lopez nhận định “viễn kiến của những người sợ Thượng Hội Đồng sẽ thay đổi đáng kể nếu họ sống tại đây một năm... Mọi vấn nạn ý thức hệ và tín lý sẽ chấm dứt”.

Ông cho báo chí hay: REPAM đã phối trí và tiến hành 300 buổi lắng nghe khắp vùng gồm 9 quốc gia. Việc này dẫn tới 87,000 người được lắng nghe khắp các buổi tụ tập trong vùng hoặc các nhóm giáo xứ.

Trong một bài báo vào ngày hôm sau, Inés San Martín tường trình rằng người Amazon cho biết các linh mục có gia đình là một giải pháp cho các thực tại địa phương.

Cô trình bầy một trường hợp điển hình: cộng đồng bản địa Kichwa ở Sarayaku, Ecuador: một địa điểm xa xôi hẻo lánh, chỉ có thể tới bằng máy bay nhỏ hoặc canô, với 1,500 người, phần lớn tự nhận mình là Công Giáo.

Cộng đồng không có linh mục, thường xuyên chỉ có 2 nữ tu sĩ và Alfonso Cuji, một giáo lý viên giáo dân, hướng dẫn Phụng vụ Lời Chúa, đồng hành với người bệnh và chôn cất người chết.

Nữ tu Pico, một trong hai nữ tu tại đây, cho hay dù phần lớn nhận mình là người Công Giáo, họ thích thứ Công Giáo không đòi hỏi chi. “Nhiều người không muốn cam kết đối với điều Giáo Hội đòi hỏi. Họ có thứ Công Giáo tự chế”.

Bà ủng hộ việc phong chức linh mục cho những người đàn ông có vợ, như Cuji chẳng hạn: anh làm mọi điều chỉ trừ ban các bí tích, mà các bí tích mới cần. Bà cho rằng “Giáo Hội có nhiều điều để học hỏi từ Amazon”.

Vị Hồng Y Venezuela: thiếu linh mục không hẳn là vấn đề



Nhưng theo Inés San Martín (Crux 25/9/2019), Đức Hồng Y Jorge Urosa, Tổng Giám Mục hưu trí của Caracas, Venezuela, cho rằng thiếu linh mục không hẳn là nan đề. Ngài nói:

“Từ nửa thế kỷ 19 đến nửa thế kỷ 20, chúng tôi từng rơi vào hoàn cảnh rất thiếu các linh mục ở hầu hết lãnh thổ, tuy nhiên đức tin vẫn được sống và duy trì. Không phải là vấn đề nhận hay không nhận lãnh các bí tích, mà là kinh nghiệm đức tin đã có được, đã đạt được từ các giáo lý viên tới các gia đình, rồi các gia đình truyền lại cho con cháu. Vấn đề không nằm ở việc thiếu hay không thiếu các linh mục, mà nằm ở việc truyền giảng Tin Mừng có thể thực hiện, không những bởi các linh mục mà còn bởi các giáo lý viên nữa. Và đó là sự cứu vớt Giáo Hội tại bình nguyên và vùng phía đông Venezuela”.

Cựu sinh viên của Đức Bênêđíctô lo ngại về việc truyền chức linh mục cho các viri probati

Theo tường trình của CNA ngày 28 tháng 9, một cuộc hội thảo chuyên đề của các cựu sinh viên của Đức Bênêđíctô XVI đã được tổ chức tại Rôma với chủ đề “Các Thách Đố Gần Đây của Thừa Tác Vụ Thụ Phong trong Giáo Hội” và họ đã công bố một bản tuyên bố tỏ ý quan ngại khả thể các linh mục có vợ.

Bản tuyên bố viết: “Ơn gọi cũng như sự hiện hữu của linh mục duy nhất tùy thuộc ở ý muốn của một mình Chúa Giêsu Kitô mà thôi chứ không dẫn khởi từ các xem xét của con người hay qui định của Giáo Hội. Trong Người và với Người, linh mục trở thành ‘người công bố Lời Chúa và người phục vụ niềm vui’”.

Bản tuyên bố viết thêm: “Vì linh mục chỉ hiện hữu do mối tương quan của ngài với Chúa Kitô, việc chia sẻ lối sống của Chúa Kitô xem ra là điều thích đáng đối với những người hành động nhân danh Người. Theo truyền thống lâu đời của Giáo Hội Latinh, độc thân được coi như một chứng tá rõ ràng cho đức cậy đầy tin tưởng và đức ái quảng đại dành cho Chúa Kitô và Giáo Hội của Người”.

Bản tuyên bố có vẻ như đi theo quan điểm của Đức Hồng Y Muller khi cho rằng: tai tiếng lạm dụng tình dục hiện thời trong Giáo Hội hoàn cầu ‘làm giam độ tin tưởng’ của các linh mục như một con người kết hợp với Chúa Kitô, nhưng giải pháp cho việc này “trước nhất và trên hết không phải là các cải tổ cơ cấu sẽ đem lại hàn gắn và giải cứu, mà là một đời sống đức tin được sống cách chân chính”.

Đức Hồng Y Marc Ouellet

Nhưng tiếng nói hoài nghi đối với việc truyền chức cho các viri probati được nhiều người chú ý hơn cả là tiếng nói của Đức Hồng Y Marc Ouette, bộ trưởng bộ Giám Mục, người vốn được coi là thân cận của đức Phanxicô.

Theo Nicole Winfield của A.P., Đức Hồng Y Marc Ouellet đã tổ chức một cuộc họp báo hiếm hoi hôm thứ Tư, 2/10/2019, để phát động cuốn sách của ngài tựa là "Friends of the Bridegroom: For a Renewed Vision of Priestly Celibacy" (Bạn của Chàng Rể: Hướng tới một Viễn kiến Đổi mới về Luật Độc thân Linh mục) công khai nói về các thách đố đang đặt ra cho các linh mục ngày nay giữa cảnh giảm sút ơn gọi và thiệt hại lớn lao từ các tai tiếng lạm dụng tình dục. Đức Hồng Y thừa nhận vùng Amazon hiện đang chịu cảnh thiếu linh mục và ngài cởi mở đối với việc thảo luận cách để đối phó với nó trong Thượng Hội Đồng sắp tới. Nhưng ngài cho hay ngài hoài nghi đối với đề nghị truyền chức linh mục cho những người đàn ông có vợ. Ngài cho rằng giải pháp đúng hơn cho vùng Amazon là làm sao có đủ giáo lý viên để dạy giáo dân về đức tin và phải huấn luyện cho các phó tế hoặc linh mục.

Ngài nói "tôi tự hỏi câu hỏi đó. Tôi hoài nghi. Và tôi nghĩ tôi không phải là người duy nhất. Trên tôi, có người còn hoài nghi hơn và người đó là người cho phép cuộc thảo luận”. Rõ ràng, ngài muốn ám chỉ Đức Phanxicô.

Inés San Martín của Crux thì tường trình rằng dù hoài nghi, Đức Hồng Y Ouellet quả quyết luật độc thân là một truyền thống, chứ không phải là một tín điều, cho nên không lạc giáo khi đặt nghi vấn về nó.

Martín cũng thuật lại nhận định của Đức Hồng Y Ouellet “Một số người khát mong việc chấp nhận nhanh chóng giải pháp mục vụ viri probati – tức việc các người đàn ông có vợ, đứng đầu các gia đình ổn định, có thể được thụ phong linh mục để bảo đảm việc cử hành Thánh Thể cho các cộng đồng bản địa tản mác, những cộng đồng rất xa lạ đối với giá trị của luật độc thân”.

Ngài nói thêm “Những viễn ảnh ấy có thể quyến rũ đối với một số người nhưng gây lo âu ở những nơi khác”. Ngài đặc biệt lưu tâm tới sự kiện có nhiều yếu tố ý thức hệ và chiến lược đan kết vào việc tìm kiếm “các kết quả có tính tham vọng và quan trọng hơn ở bình diện phổ quát”.

Ngài cũng cho rằng có một số “trào lưu tư tưởng tự do hay phản kháng” tái xuất hiện “nhằm phỗng tay trên tình hình và đề nghị các chương trình cải tổ vượt quá các ý định và xu hướng của Đức Phanxicô”.

Martín không nhận định về các trào lưu trên, nhưng Sandro Magister thì nói rõ đó là “cánh cấp tiến trong Giáo Hội nhất là những người nói tiếng Đức”.

Magister cũng tường trình cuộc hội thảo chuyên đề của các học trò tiến sĩ của Đức Bênêđíctô XVI. Trong đó có sự hiện diện và thuyết trình của Đức Hồng Y Muller. Vị Hồng Y này tố cáo sự nguy hiểm trầm trọng mà “điều gọi là ‘con đường đồng nghị’ ở Đức và Thượng Hội Đồng Amazon có thể mang lại một tai họa khiến Giáo Hội bị duy tục hóa nhiều hơn”.

Ảnh hưởng của Đức đối với đề xuất truyền chức cho các viri probati càng thấy rõ ràng hơn bởi sự kiện “con đường đồng nghị” hay “công đồng có tính ràng buộc” tại Đức diễn ra gần như song hành với nhau. Ngoài ra, Edward Pentin
(http://www.ncregister.com/daily-news/german-catholic-relief-agencies-fuel-synods-push-for-change) còn đề cập đến sự đóng góp tài chánh của Giáo Hội Đức cho diễn trình Thượng Hội Đồng Amazon khiến người ta nghĩ tới điều đức Phanxicô thường gọi là chính sách thực dân ý thức hệ: dùng viện trợ buộc người nhận phải theo ý thức hệ của mình.

Theo ký giả trên, cả hai cơ quan bác ái của Giáo Hội Đức là Misereor và Adveniat đã đóng góp nhiều cho việc chuẩn bị Thượng Hội Đồng. Năm 2018, Adveniat đóng €272,000 [$307,000] cho việc chuẩn bị Thượng Hội Đồng. Adveniat cũng đã “thu thập các câu hỏi, gợi ý và chủ đề từ 85,000 người địa phương thuộc vùng Amazon.

Misereor cũng tài trợ nhiều dự án chuẩn bị Thượng Hội Đồng Amazon, tuy không cho biết bao nhiêu. Chỉ biết thu nhập năm 2018 của họ là €232 triệu ($260 triệu).

Tuy thế cả Đức Hồng Y Baldisseri lẫn Đức Hồng Y Hummes, trong cuộc họp báo ngày 3 tháng 10, 2019, đều nhấn mạnh: đề xuất viri probati phát xuất từ chính tín hữu Amazon.