Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Nỗi buồn của người Công Giáo khi Facebook coi những phát biểu của Thánh Augustinô là những “diễn từ hận thù”
Nhiều người dùng Facebook đã báo cáo rằng các trích dẫn liên quan đến Thánh Augustinô đã bị xóa đi mà không có lời giải thích rõ ràng.
Domenico Bettinelli, một nhà hoạt động phò sự sống từ Massachusetts, cho biết một đoạn ông trích dẫn Thánh Augustinô từ Kinh Thần Vụ đã bị xóa bỏ vì vi phạm “Tiêu chuẩn cộng đồng về ngôn luận thù ghét” của Facebook.
Câu trích dẫn nói:
“Chúng ta chớ bao giờ giả định rằng chúng ta đang sống tốt, chúng ta không có tội; cuộc sống của chúng ta chỉ đáng được ca ngợi khi chúng ta tiếp tục cầu xin sự tha thứ. Con người là những sinh vật vô vọng, họ càng ít tập trung vào tội lỗi của mình, họ càng trở nên quan tâm đến tội lỗi của người khác. Họ tìm cách chỉ trích, chứ không sửa sai. Không thể bào chữa cho mình, họ sẵn sàng buộc tội người khác.”
Bettinelli cho biết trích dẫn này, theo ông, “chỉ là một tái dựng lại chính những lời của Chúa Giêsu từ Tin Mừng Thánh Matthêu 7: 3: ‘Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?’”
Bettinelli đã đăng đoạn trích dẫn này sau khi ông thấy rằng hai linh mục đã đăng đoạn trích trên từ Sách Thần Vụ và đã bị Facebook lấy xuống. Cả hai vị linh mục đều tin rằng một giải thuật điện toán sai lầm đã lấy xuống một cách tự động chứ không phải là can thiệp của con người.
Bettinelli cũng tin như thế và yêu cầu Facebook đánh giá lại. Tuy nhiên, anh nhận được thông báo rằng kháng cáo của anh đã bị từ chối, nghĩa là có người quyết định lấy xuống chứ không phải máy móc.
Trước việc kháng cáo thất bại, Bettinelli viết: “Tôi vẫn không hiểu tại sao điều này lại bị coi kích động thù hận. Đó là trích dẫn từ một vị thánh Công Giáo, người bày tỏ sự đối lập với những lời nói căm thù. Về cơ bản, ngài đang tái dựng lại những lời của Chúa Giêsu Kitô trong Tin mừng khuyên người ta lo lắng về những sai sót của chính mình hơn là xăm soi các khuyết điểm của người khác. Có phải Facebook đang nói rằng Tin Mừng là một diễn từ thù ghét?”
2. Khủng hoảng trong Giáo hội Syro-Malabar: hàng trăm giáo xứ không công bố thư của Đức Hồng Y
Một linh mục trong nhóm nổi loạn chống lại một quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng chỉ có 20 giáo xứ đã công bố thư luân lưu của Đức Hồng Y George Alencherry trong khi có ít nhất 300 giáo xứ khác không công bố lá thư này.
Lá thư nói ở đây là thư của Đức Hồng Y George Alencherry sau hội nghị khẩn cấp của Giáo hội Syro-Malabar, do ngài chủ trì, đã diễn ra vào hôm thứ Sáu 5 tháng Bẩy tại Kochi, Ấn Độ để đối phó với một tình hình nghiêm trọng phát sinh sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô phục hồi hoàn toàn quyền hạn của ngài.
250 linh mục được tường thuật là đã chống lại quyết định này của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Tưởng cũng nên nhắc lại là Giáo Hội Syro-Malabar, hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, có trụ sở tại Kerala, đã bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi tài chính kể từ tháng 11 năm 2017 sau khi cha Paul Thelakat buộc tội Đức Hồng Y George Alencherry và hai linh mục bán đất đai của Giáo Hội với giá quá hời gây thiệt hại 10 triệu đô la Mỹ.
Trước các tố cáo nghiêm trọng này, tháng 6 năm ngoái Tòa Thánh đã yêu cầu Đức Hồng Y ngưng các trách nhiệm quản trị Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly và thành lập một ủy ban điều tra do Đức Cha Jacob Manathodath, Giám Quản Tông Tòa của tổng giáo phận tiến hành.
Cha Paul Thelakat đã trình lên Đức Cha Jacob Manathodath các tài liệu cho rằng Đức Hồng Y đã chuyển ngân những khoản tiền lớn cho hai tổ chức ngoài Công Giáo.
Tuy nhiên, sau một cuộc điều tra, ngày 28 tháng 4, cảnh sát đã khẳng định các tài liệu dùng để cáo gian Đức Hồng Y là ngụy tạo và đã bắt giữ Adithya Valavi, một kỹ sư điện toán người Công Giáo, với tội danh ngụy tạo ra các hồ sơ giả. Trong tiến trình thẩm vấn Valavi đã khai rằng hai linh mục Paul Thelakat và Antony Kallookaran đã buộc anh ta phải làm các giấy tờ giả này để cáo gian Đức Hồng Y George Alencherry.
Ngày 4 tháng Sáu vừa qua, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ấn Độ ra thông báo ủng hộ Đức Hồng Y George Alencherry và lên án những kẻ cáo gian ngài.
Trước các kết quả điều tra khách quan của cảnh sát, hôm 28 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định phục hồi hoàn toàn quyền cai quản tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly của Đức Hồng Y George Alencherry. Ngài cũng truyền cách chức hai Giám Mục Phụ Tá vì những dính líu của các ngài trong vụ này.
Mọi chuyện tưởng đã được giải quyết êm đẹp nhưng có khoảng 250 linh mục được báo cáo là không phục tùng quyết định này của Đức Thánh Cha.
3. Huynh đoàn Thánh Piô X xây nhà thờ lớn nhất của nhóm này trên thế giới
Huynh đoàn Thánh Piô X loan báo sẽ khởi công xây dựng một ngôi nhà thờ lớn nhất tại Kansas và đây sẽ là ngôi nhà thờ lớn nhất của Huynh Đoàn trên thế giới. Với sức chứa hơn 1,500 người, nhà thờ này sẽ phục vụ cộng đoàn St. Mary đang phát triển hiện nay và cho các thế hệ mai sau.
Kể từ sau một vụ hỏa hoạn, do sai lầm khi mắc dây điện, ngôi nhà nguyện Immaculata của Huynh Đoàn Thánh Piô X tại Kansas đã bị phá hủy vào ngày 8 tháng 11 năm 1978.
Cộng đoàn St. Mary ở Kansas, là cộng đoàn lớn nhất của Huynh Đoàn Thánh Piô X tại Hoa Kỳ, cho biết họ đã quyên góp được hơn 15.7 triệu Mỹ Kim, nhưng để hoàn thành dự án này, họ cần thêm 14 triệu Mỹ Kim nữa. Mặc dù vậy, việc khởi công xây cất sẽ được tiến hành ngay.
4. Vài nét về Huynh Đoàn Thánh Piô X
Huynh Đoàn Thánh Piô X được thành lập bởi Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre vào năm 1970 để đào tạo các linh mục, như là một phản ứng với những gì ngài mô tả là những sai lầm đã len lỏi vào Giáo hội sau Công Đồng Vatican Hai.
Quan hệ giữa Huynh Đoàn Thánh Piô X với Tòa Thánh trở nên đặc biệt căng thẳng vào năm 1988 khi Tổng Giám mục Lefebvre và Giám mục Antonio de Castro Mayer tấn phong bốn giám mục mà không được sự cho phép của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Việc tấn phong giám mục bất hợp pháp đã dẫn đến vạ tuyệt thông của các giám mục liên quan. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã dỡ bỏ vạ tuyệt thông cho các giám mục thuộc Huynh Đoàn vào năm 2009, và kể từ đó các cuộc đàm phán nhằm tái lập sự hiệp thông toàn bộ với Giáo Hội đã được bắt đầu giữa Huynh Đoàn và Vatican.
Những trở ngại lớn nhất cho sự hòa giải giữa Huynh Đoàn và Tòa Thánh là những tuyên bố về tự do tôn giáo trong tuyên bố Dignitatis Humanae, nghĩa là Phẩm Giá Con Người, của Công Đồng Vatican II cũng như tuyên ngôn Nostra aetate, mà Huynh Đoàn cho rằng mâu thuẫn với giáo huấn Công Giáo trước đó. Cách riêng, Huynh Đoàn chống lại chủ trương đại kết và các buổi cầu nguyện liên tôn xuất phát từ tuyên ngôn Nostra aetate. Gần đây, Tông huấn Amoris Laetitia cũng trở thành một vấn đề. Các đề nghị cho người Tin Lành rước lễ của các Giám Mục Đức cũng là một mối quan tâm khác của các vị trong Huynh Đoàn.
Riêng về tuyên bố Dignitatis Humanae, điều 2 của tuyên bố này khẳng định:
“Công Đồng Vatican này tuyên bố rằng con người có quyền tự do tôn giáo. Quyền tự do này có nghĩa là tất cả mọi người đều không thể bị ép buộc bởi các cá nhân, các nhóm xã hội, hay bất kỳ quyền lực trần thế nào, trong những vấn đề liên quan tôn giáo sao cho không ai bị buộc phải hành động trái ngược với niềm tin của mình. Cũng không ai bị cấm hành động theo niềm tin của họ, dù là trong bối cảnh riêng tư hay công cộng, dù là một mình hay kết hợp với những người khác, trong những giới hạn chính đáng”.
Huynh Đoàn Thánh Piô X quyết liệt chống lại điều này. Họ chủ trương Công Giáo phải là quốc giáo trong các nước có truyền thống Kitô. Theo Huynh Đoàn, tuyên bố Dignitatis Humanae này đặt Giáo Hội vào vị thế phải tôn trọng thẩm quyền của nhà nước. Theo ý kiến của họ vấn đề cần phải là ngược lại: Nhà nước phải tùng phục đức tin Công Giáo và phải công nhận Công Giáo là tôn giáo của Quốc Gia.
Trong điều kiện cụ thể của thế giới hiện nay, người tín hữu Công Giáo sống trong một quốc gia không bị nhà nước bách hại đã là may mắn lắm rồi. Người ta không hiểu làm sao Huynh Đoàn lại hoang tưởng đến mức kỳ vọng các nhà nước trên thế giới này công nhận Công Giáo là quốc giáo! Và trở thành quốc giáo để làm gì cơ chứ?
Theo thống kê vào năm 2017, Huynh Đoàn hiện có mặt tại 62 quốc gia với 6 chủng viện, 175 giáo xứ, 3 Giám Mục, 590 linh mục, 187 chủng sinh, 103 nam tu sĩ và 248 nữ tu.
5. Triển vọng Huynh Đoàn Thánh Piô X quay lại với Giáo Hội mịt mờ hơn bao giờ
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong hai năm 2017 và 2018, có lúc người ta thấy như khả năng Huynh Đoàn Thánh Piô X quay lại với Giáo Hội đã rất gần kề. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi rất sâu sắc. Triển vọng Huynh Đoàn Thánh Piô X quay lại với Tòa Thánh hiện nay xem ra càng mịt mờ hơn bao giờ.
Trong một diễn biến gây ngạc nhiên cho nhiều người, trong phiên khoáng đại được tổ chức tại Ecône, Thụy Sĩ, hôm 11 tháng 7 năm ngoái 2018, Giám Mục Bernard Fellay, 60 tuổi, Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn Thánh Piô X, đã không được tái cử.
Linh mục Davide Pagliarani, 47 tuổi, người Ý, đã được bầu với một đa số áp đảo hơn 2/3 số phiếu để làm Tân Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn Thánh Piô X thay thế cho Đức Cha Bernard Fellay trong một nhiệm kỳ 12 năm.
Cha Pagliarani là người được chính Đức Cha Bernard Fellay truyền chức linh mục, nhưng có một lập trường đối kháng với ngài trong việc hòa giải với Tòa Thánh.
Đức Cha Fellay là người chủ trương đạt đến một giải pháp giáo luật về tình trạng của Huynh Đoàn. Ngài ca ngợi thái độ cởi mở của Đức Phanxicô đối với Huynh Đoàn và đề cao tầm quan trọng của việc kết thúc sự chia rẽ với Vatican.
Vào tháng 3 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo cho các giám mục giáo phận hay các vị bản quyền địa phương khác quyết định của ngài ban năng quyền cho các linh mục của Huynh Đoàn được cử hành bí tích Hôn Phối một cách thành sự và hợp pháp cho các tín hữu dưới sự chăm sóc mục vụ của Huynh Đoàn.
Trước đó, vào tháng 9 năm 2015, Đức Thánh Cha đã thông báo rằng các tín hữu có thể nhận được bí tích Hoà Giải một cách thành sự và hợp pháp từ các linh mục của Huynh Đoàn trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Năng quyền này sau đó được Đức Thánh Cha Phanxicô mở rộng vô thời hạn trong Tông thư Misericordia et Misera vào năm 2016.
Đức Cha Fellay đã nồng nhiệt ca ngợi những quyết định này của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Trong khi đó, cha Pagliarani tiêu biểu cho khuynh hướng chờ đợi cho đến khi tình hình bên trong Giáo Hội là “hoàn toàn thỏa đáng” dưới con mắt của Huynh Đoàn Thánh Piô X.
6. Hoàn cảnh của các tín hữu Kitô Iraq tồi tệ hơn trước thời bọn khủng bố Hồi Giáo IS
Trong các tin tức chính thức, hòa bình đã được lập lại ở miền bắc Iraq; bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã bị đánh bại; vùng đất này đang được quân đội Iraq và quân đồng minh phụ trách. Các tín hữu Kitô tản cư tại Erbil đã và đang lũ lượt trở về cố hương xây dựng lại nhà cửa của mình.
Tuy nhiên, đối với các Kitô hữu, cuộc bách hại vẫn tiếp tục.
“Tình hình rất nhạy cảm: Các dân quân được Iran hậu thuẫn đang cố gắng thanh lọc sắc tộc và tôn giáo ở miền bắc Iraq.”
Cha Behnam Benoka nói với phóng viên Tim Stanley của tờ The Telegraph tại ngôi nhà thờ của ngài ở “thị trấn ma” Bartella.
“Cố nhiên, tình hình đáng lạc quan hơn so với thời gian bọn khủng bố Hồi Giáo IS chiếm đóng vùng này. Nhưng những gì các tín hữu Kitô Iraq mong muốn từ phương Tây là nói lên một sự thật rõ ràng: đó là đang có sự thanh lọc sắc tộc và tôn giáo trong khu vực và nó đang diễn ra,” Tim Stanley nói trong một cuộc họp tại Quốc hội Anh vào hôm thứ Ba tuần trước.
Nhà sử học và bình luận viên, làm việc cho tờ nhật báo The Telegraph của Vương quốc Anh, vừa trở về sau chuyến thăm tới vùng đồng bằng Nineveh của Iraq.
“Nếu chúng ta không nói những gì đang thực sự xảy ra trong khu vực, đó là sự thanh lọc sắc tộc và tôn giáo nhắm vào các Kitô hữu và người Yazidis, chúng ta sẽ cho phép Nhà nước Hồi giáo và các thủ phạm thực thi những chính sách này mà không bị trừng phạt,” Stanley nói với các tham dự viên hội nghị toàn cầu có chủ đề “Nạn khủng bố nhắm vào các nhóm thiểu số Kitô giáo” được tổ chức bởi Hiệp hội Henry Jackson, một nhóm chuyên gia tư vấn các chính sách đối ngoại của Anh.
“Kể từ khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS bị đẩy lui khỏi khu vực, những người Iraq di tản đã dần dần quay trở lại cộng đồng của họ nhưng vẫn tiếp tục sống trong sợ hãi và họ tiếp tục dễ bị tổn thương. Các tiểu tổ IS nằm vùng vẫn còn hoạt động và nhóm này đã tuyên bố nhận trách nhiệm về các vụ hỏa hoạn trong những tuần gần đây đốt cháy hàng trăm mẫu đất và hoa màu, thuộc sở hữu của những những người không theo Hồi Giáo, ở miền bắc Iraq.”
“Trong khi đó, các dân quân được Iran hậu thuẫn đã chuyển đến các khu vực trước đây dưới sự kiểm soát của IS, và không khuyến khích người dân giao dịch với các Kitô hữu,” Stanley nói.
7. Hồng Y can đảm: “Các tố cáo linh mục lạm dụng tình dục hầu hết không đúng sự thật”
Đức Hồng Y Joao Braz de Aviv, người Brazil, được Đức Thánh Cha Phanxicô cử làm đặc sứ của ngài trong hội nghị các dòng tu ở Paraguay, nói với các linh mục, nam nữ tu sĩ tham dự hội nghị rằng hầu hết cáo buộc linh mục lạm dụng tình dục “là không đúng sự thật”.
“Khi các trường hợp như thế nổi lên trong đời sống Giáo Hội, chúng ta phải làm sáng tỏ. Chúng ta đang có những bước tiến rất xa trong lãnh vực phòng chống và điều tra liên quan đến tội lỗi này, nhưng có rất nhiều tố cáo không đúng sự thật, và chính các ủy ban cấp giáo phận phải xác minh các cáo buộc ấy có đúng hay không” , Đức Hồng Y Joao Braz de Aviv nói.
Đức Hồng Y Joao Braz de Aviv là tổng trưởng bộ các dòng tu, đời sống thánh hiến và các hiệp hội tông đồ. Ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô phái đến Asuncion để tham dự một cuộc họp ba ngày với hàng trăm linh mục và nam nữ tu sĩ từ khoảng 90 dòng tu và các hiệp hội đời sống thánh hiến.
Vấn đề chính của Giáo Hội hiện nay, theo Đức Hồng Y là thiếu chứng tá. Ngài bác bỏ lập trường của những người cho rằng những vấn đề lạm dụng tính dục là hậu quả của luật độc thân. Ngài khẳng đ5nh: “Sự độc thân không tạo nên bệnh hoạn. Độc thân là một chọn lựa tự do của một người đáp lại ơn gọi của Chúa.. Vì thế, vấn đề tính dục là một vấn đề trưởng thành hoặc thiếu trưởng thành, và đó là một vấn đề nhân bản đòi hỏi một sự giáo dục bình thường, vì nhiều khi chúng ta đã không cụ thể, không trình bày và lắng nghe các vấn đề, thái độ như thế cần phải được sửa chữa”.
Chiều ngày 10/07/2019 vừa qua, Đức Hồng Y đã chủ sự thánh lễ tại Nhà Thờ chính tòa thủ đô Asunción, nhân dịp kỷ niệm 4 năm Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Paraguay.
8. Hai linh mục bị bắt và kéo ra khỏi trung tâm phá thai ở New Jersey.
Hai linh mục và hai giáo dân đã bị bắt sáng nay sau khi phân phát hoa hồng và thuyết phục những phụ nữ trong một trung tâm phá thai ở New Jersey.
LifeSiteNews cho biết rằng cảnh sát đã bắt cha Fedelis Moscinski, dòng CFR và cha Dave Nix, dòng Will Goodman và một giáo dân không biết tên sau khi họ “ vào và không chịu rời khỏi “trung tâm phá thai Garden State Gynecology ở New Jersey.”
Nhóm người này khuyến khích các phụ nữ mang thai hãy chọn sự sống, nghĩa là đừng phá thai và trao tặng cho họ những bông hồng, với lời khuyên,” Bạn được sinh ra để yêu và được yêu…lòng nhân ái của bạn thì vĩ đại hơn những khó khăn trong hoàn cảnh của bạn. Hoàn cảnh nào rồi thì cũng sẽ đổi thay. Một cuộc sống mới, dù nhỏ bé, sẽ mang lại lời hứa của niềm vui có một không hai.”
Bản tường trình cho biết có một phụ nữ quyết định bảo vệ sự sống cho thai nhi. Có một bà mẹ khác thì bắt ép con gái của bà phá thai.
Lisa Hart của nhóm Red Rose Rescuse nói với LifeSiteNews rằng cô đã cố gắng cho người phụ nữ trẻ đó số điện thoại của một luật sư.
“Tôi cho người phụ nữ một số thông tin hữu ích để giúp cô ấy và mời cô ấy đến nhà tôi ở, nhưng bà mẹ của cô chạy đến và la mắng tôi.”
Cha Dave Nix đã thông báo trên tweet rắng “phiên tòa của họ sẽ diễn ra trong khoảng 10 ngày và họ rất có thể họ sẽ phải ra tòa nhiều lần. Mặc dù có sự thô bạo lúc đầu, nhưng cuối cùng thì cảnh sát cũng dễ chịu vì nhiệm vụ ôn hòa của chúng tôi khi họ giữ chúng tôi. Chúng tôi đã nói chuyện hằng giờ tại bót cảnh sát này.”
Cha Fedelis Moscinski nói rằng họ dâng ngày cứu hộ thứ Bẩy này (13 tháng Bẩy, 2019) cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria, bởi vì hôm nay là ngày lễ kính lần hiện ra thứ ba của Đức Mẹ Fatima.
“Chúng tôi đã kêu nài sự cầu bầu của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tôi của Mẹ Maria sáng nay. Chúng tôi phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa cho ơn biến đổi lòng trí con người.”