Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh ngày 1 tháng Bẩy cho biết như sau:
Lúc 10 giờ sáng thứ Hai 01 tháng Bẩy, trong buổi đọc kinh giờ Ba, Đức Thánh Cha đã chủ sự Công nghị Hồng Y tại sảnh đường Clementine trong dinh Tông Tòa về việc tuyên thánh cho cá Chân Phước sau.
Chân Phước John Henry Newman, Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo, đấng sáng lập dòng thuyết giảng thánh Philiphê Neri tại Anh.
Chân phước Giuseppina Vannini, (nhủ danh Giuditta Adelaide Agata), đấng sáng lập dòng Nữ tử thánh Camillo.
Chân phước Maria Teresa Chiramel Mankidiyan, đấng sáng lập dòng nữ tu Thánh Gia.
Chân phước Dulce Lopes Pontes (nhũ danh Maria Rita), thuộc dòng Nữ Thừa Sai Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội Mẹ Thiên Chúa.
Chân phước Marguerite Bays, trinh nữ, dòng Ba thánh Phanxicô Assisi.
Trong Công Nghị này, Đức Thánh Cha đã truyền ghi tên các Chân Phước nêu trên vào sổ bộ các Thánh vào ngày 13 tháng Mười tới đây.
2. Phê chuẩn các phép lạ nhờ lời cầu bầu của Chân Phước Hồng Y John Newman
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Tưởng cũng nên biết thêm trước đó, hôm thứ Tư 13 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn sắc lệnh công nhận phép lạ do lời cầu bầu của Đức Hồng Y John Henry Newman. Biến cố này dọn đường cho việc nâng vị Chân Phước Hồng Y lên hàng Hiển thánh.
Nói cách khác, Đức Hồng Y John Henry Newman sẽ là một vị thánh mới cho nước Anh kể từ khi Thánh John Ogilvie được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tuyên thánh vào năm 1976.
Đức Hồng Y Newman, sinh vào năm 1801, đã được Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI tuyên Chân Phước vào năm 2010. Ngài vốn là một linh mục Anh giáo, đã thành lập Hiệp hội sống tinh thần Chúa Kitô tại Đại học Oxford, và sau này Ngài đã tuyên xưng Đức tin Công Giáo và hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo vào năm 1845.
Chân Phước John Henry Newman là một trong những người cải đạo từ Anh Giáo sang Công Giáo rất nổi bật vào thế kỷ 19.
Ngài đã là một nhà thần học Anh giáo nổi tiếng và có thế giá trước khi quyết định thành lập Phong trào Oxford để đưa Anh Giáo về với nguồn gốc Công Giáo của mình. Chính ngài cũng đã cải đạo sang Công Giáo vào năm 1845 ở tuổi 44. Việc cải đạo từ Anh Giáo sang Công Giáo của ngài làm nhiều người bàng hoàng. Ngài mất đi rất nhiều bạn và người chị gái của ngài từ đó cho đến chết đã không nhìn mặt ngài nữa.
Đức Giáo Hoàng Lêô thứ 13 đã tấn phong Hồng Y cho linh mục Newman vào ngày 121879, mặc dù ngài không phải là một giám mục và không bao giờ trở thành giám mục. Theo như thông lệ, một vị không phải là giám mục sẽ được tấn phong giám mục trước khi được phong Hồng Y. Nhưng theo thỉnh cầu của ngài, ngài không muốn được tấn phong giám mục.
Ngài qua đời ở tuổi 89. Trong lễ an táng của ngài, hơn 15,000 người đã xếp hàng dài trên đường phố để tiễn đưa ngài đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Các tác phẩm phong phú của ngài đã khiến nhiều người kêu gọi các vị Giáo Hoàng tuyên bố ngài là một Tiến sĩ Hội Thánh.
Hồ sơ phong thánh cho ngài được bắt đầu vào năm 1958 và ngài được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô tuyên dương là vị Tôi tớ Chúa vào năm 1991 sau khi nhìn nhận các nhân đức anh hùng của ngài.
3. Hai phép lạ của Đức Hồng Y John Henry Newman
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Tháng 12 năm ngoái 2108, Tổng Giáo Phận Chicago và Bộ Tuyên Thánh đã công nhận định một phép lạ do lời cầu bầu của Chân Phước Hồng Y John Henry Newman. Biến cố này dọn đường cho việc tuyên thánh dành cho ngài như vừa xảy ra trong Công Nghị ngày 1 tháng Bẩy.
Phép lạ được công nhận liên quan đến một phụ nữ trẻ vừa tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa tại Chicago và vừa kết hôn trong một cuộc hôn nhân thật mỹ mãn với người mà cô rất thương mến. Trước viễn ảnh của một sự nghiệp tươi sáng, và một mái gia đình hạnh phúc, năm 2015, cô rơi vào một tình cảnh đáng âu lo khi bác sĩ báo cho cô biết cái thai của cô có vấn đề rất nghiêm trọng đến tính mạng.
Cô và gia đình chạy đến kêu cầu cùng Chân Phước Hồng Y Newman. Sau những lời cầu xin thật sốt sắng của cô và gia đình, các bác sĩ đang điều trị cho cô nhận thấy cô hoàn toàn hồi phục và báo cáo rằng họ không có lời giải thích nào về mặt y khoa trước sự phục hồi đột ngột và kỳ diệu của cô.
Đức Cha Philip Egan, Giám Mục Portsmouth hân hoan loan báo tin này và bày tỏ niềm tin của ngài rằng “Chân Phước Newman sẽ được tuyên thánh chậm lắm là vào cuối năm tới vì tất cả mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp.”
Năm 2010, sau khi Bộ Tuyên Thánh công nhận phép lạ thứ nhất của ngài chữa lành cho phó tế Jack Sullivan, một người Mỹ, bị liệt cột sống, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã tuyên phong Chân Phước cho Đức Hồng Y Newman ở Birmingham.
4. Vatican khẳng định: Các linh mục không được tiết lộ ấn tín Tòa Giải Tội trong bất kỳ tình huống nào
Vatican đã tuyên bố rằng các linh mục không bao giờ có thể được tiết lộ những gì các ngài nghe được trong tòa giải tội.
Phản ứng với các đề xuất pháp lý yêu cầu các linh mục báo cáo về các lạm dụng tình dục nghe được trong tòa giải tội, Tòa Ân Giải Tối Cao đã ra thông báo chính thức vào hôm thứ Hai 1 tháng Bẩy, nói rằng trong khi Giáo hội cam kết chống lại lạm dụng, ấn tín Tòa Giải Tội không thể được đánh đồng với các bí mật nghề nghiệp khác, như các bí mật nghề nghiệp của luật sư và khách hàng, là những điều có thể được tiết lộ trong một số trường hợp.
Tuyên bố của Vatican khẳng định rằng Giáo hội sẽ làm mọi cách “để ngăn chặn luật pháp thế tục được áp dụng lên ấn tín tòa giải tội, là điều bất khả xâm phạm.”
Thông báo của Tòa Ân Giải Tối Cao, đã được ký bởi Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao, nhấn mạnh rằng “Bí mật [trong tòa giải tội] không phải là một nghĩa vụ được áp đặt từ bên ngoài, nhưng là một yêu cầu nội tại của bí tích và, do đó, không thể bị giải thể ngay cả bởi hối nhân.” Nói cách khác, cho dù chính người xưng tội đồng ý cho cha giải tội nói ra những gì nghe được trong tòa giải tội, ngài vẫn bị buộc phải giữ bí mật không được tiết lộ những gì đã nghe được.
5. Giáo Hội tại Mễ Tây Cơ bày tỏ sự bất mãn trước đường hướng của tân chính phủ
Ðức Hồng Y Carlos Aguiar Retes, Tổng Giám Mục Mexico City cho biết: “Chúng tôi bày tỏ sự phẫn nộ về nạn bạo lực và tình trạng bất an đang đè nặng trên đất nước”.
Ngài kêu gọi tân chính phủ tại nước này thay đổi đường hướng trong cuộc chiến chống nạn tội phạm và các băng đảng ma túy. Chính phủ mới của Mễ Tây Cơ do tổng thống tả phái Andres Manuel Lopez Obrador lãnh đạo đã điều hành đất nước từ 6 tháng qua.
Tổng thống Lopez Obradoer, trong cuộc tranh cử, đã tuyên bố sẽ thi hành một chính sách mới trong cuộc chiến bài trừ nạn tội phạm. Ông Lopez hứa rất nhiều trong thời kỳ tranh cử, nhưng thực tế cho thấy ông không làm được bao nhiêu. Các thống kê trong xã hội dân sự do các tổ chức phi chính phủ thực hiện và cả các thống kê chính thức của nhà cầm quyền đều cho thấy những tội ác như bắt cóc, tấn công, bạo lực và tống tiền, tiếp tục gia tăng.
Ðức Hồng Y Carlos Aguiar Retes nhấn mạnh rằng: “Chính phủ cần phải thay đổi và thích ứng chiến lược để chống lại các tổ chức bất lương và nạn tội phạm.”
Va chạm mới nhất giữa tổng giáo phận và nhà cầm quyền Mễ Tây Cơ là vụ một linh mục bị bắt vì nhà cầm quyền cáo buộc ngài tội giết người chỉ một tuần sau khi chính ngài đã cử hành thánh lễ an táng cho người quá cố.
Các quan chức tư pháp ở thủ đô Mexico City bắt giữ Cha Francisco Javier Bautista vào ngày 19 tháng Sáu và buộc tội ngài đã giết chết anh Leonardo Avendano Chavez, 29 tuổi, vừa tốt nghiệp thạc sĩ tại một trường đại học Công Giáo.
Chiều ngày 11 tháng Sáu, anh Avendano đã đến giáo xứ Cristo Salvador, nghĩa là Chúa Kitô Đấng Cứu Độ, để gặp cha Bautista trong một chương trình tìm hiểu về đời sống thánh hiến.
Hai ngày sau đó, anh Avendano được tìm thấy đã chết trong chiếc xe hơi của mình.
Trong cuộc họp báo công tố viện giải thích rằng nhà chức trách tình nghi cha Bautista vì những lời khai của ngài với cảnh sát thiếu nhất quán.
Anh chị em giáo dân đã phản ứng rất mạnh, và đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình tại thủ đô Mexico City vì cho rằng với những lý do mong manh như thế mà kết tội cha Bautista giết người thì quá vô lý. Cha Bautista được tin là mới gặp gỡ anh Chavez lần đầu tiên và chẳng có động lực nào để giết anh ta.
Anh chị em giáo dân cho biết họ rất quý mến cha Bautista vì sự tận tụy trong sứ vụ của ngài. Ngoài công việc coi sóc giáo xứ, ngài cũng là một nhà trừ quỷ của tổng giáo phận Mexico City.
Tổng giáo phận đã ra một tuyên bố vào ngày 19 tháng 6, nói rằng giới hữu trách của Giáo Hội đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện này.
6. Chính phủ Maurice tài trợ cuộc viếng thăm của Ðức Thánh Cha.
Ðức Thánh Cha sẽ viếng thăm 4 nước Mozambique, Madagascar, đảo Maurice và La Réunion từ ngày 4 đến 11 tháng 9 năm 2019.
Chính phủ đảo Maurice đã quyết định tài trợ 1 triệu 400 ngàn mỹ kim cho cuộc viếng thăm của Ðức Thánh Cha Phanxicô tại nước này vào thượng tuần tháng 9 năm 2019.
Thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chánh Pravind Jugnauth, cho biết như trên khi trình bày ngân sách dự chi 2019-2020. Một nửa ngân khoảng nói trên sẽ được dùng để thực hiện con lộ mới nối liền La Butte, Port-Louis với Ðền thánh Maria Nữ Vương Hòa Bình, nơi ngài sẽ cử hành thánh lễ ngày 9 tháng 9 năm 2019. Nếu con đường này được thực hiện đúng tiến độ, Ðức Thánh Cha có thể dùng chiếc popamobile đi thẳng tới Quảng trường Ðức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình từ cảng tu bổ.
Số tiền tài trợ cũng được dùng để tu bổ mộ của chân phước Linh Mục Jacques-Désiré Laval (1803-1864), dòng Thừa Sai Chúa Thánh Linh, tông đồ tại đảo Maurice, được phong chân phước ngày 29 tháng 4 năm 1979 tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Roma.
Theo chương trình sơ khởi, ngày 9 tháng 9 năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm phần mộ của Chân phước Laval.
7. Tòa Thánh ban hành đường hướng mục vụ cho Trung Quốc.
Tòa Thánh đã ban hành đường hướng mục vụ cho Trung Quốc. Bản đường hướng này được Tòa Thánh ban hành vì trong thời gian qua, nhiều Giám Mục tại Trung Quốc đã xin Tòa Thánh chỉ dẫn về điều này, đặc biệt vì khi đăng ký với chính quyền, các giáo sĩ Công Giáo phải ký một văn kiện tuyên bố chấp nhận nhiều điều trong đó có nguyên tắc độc lập, tự trị và tự quản lý của Giáo Hội tại Trung Quốc, mặc dù Nhà Nước Trung Quốc đã cam kết tôn trọng đạo lý Công Giáo.
Tòa Thánh cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu Nhà Nước Trung Quốc làm sao để việc đăng ký dân sự này diễn ra trong sự bảo đảm tôn trọng lương tâm và xác tín sâu xa về Công Giáo của những người liên hệ. Chỉ như thế mới có thể tạo điều kiện cho sự hiệp nhất Giáo Hội cũng như để các tín hữu Công Giáo góp phần vào thiện ích của xã hội Trung Quốc.
Sự độc lập của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc không tách rời khỏi Ðức Giáo Hoàng và Giáo Hội hoàn vũ
Văn kiện của Tòa Thánh nhắc lại sự kiện Hiến pháp Cộng hòa nhân dân Trung Quốc, trong điều khoản số 36, chính thức tuyên bố bảo vệ tự do tôn giáo. Tiếp đến, Hiệp định tạm thời ký kết ngày 22 tháng 9 năm 2018 giữa Tòa Thánh và Trung Quóc nhìn nhận vai trò đặc thù của Người Kế vị Thánh Phêrô, nên điều hợp lý là Tòa Thánh hiểu và giải thích sự độc lập của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc không theo nghĩa tuyệt đối, nghĩa là không tách rời khỏi Ðức Giáo Hoàng và Giáo Hội hoàn vũ, nhưng chỉ có nghĩa tương đối về lãnh vực chính trị, như đang xảy ra tại các nơi trên thế giới trong các quan hệ giữa Ðức Giáo Hoàng và một Giáo Hội địa phương, hoặc giữa các Giáo Hội địa phương với nhau.
Ðàng khác, khi khẳng định rằng trong căn tính Công Giáo không thể có sự tách biệt với Người Kế Vị Thánh Phêrô, không có nghĩa là biến một Giáo Hội địa phương thành một thực thể xa lạ với xã hội và văn hóa của một nước trong đó Giáo Hội sống và hoạt động.
Một sự kiện khác nữa là trong những năm qua, nhiều Giám Mục Trung Quốc thụ phong không có sự ủy nhiệm của Tòa Thánh đã xin và được hòa giải với Người Kế Vị Thánh Phêrô, vì thế ngày nay tất cả các Giám Mục Trung Quốc đều được hiệp thông với Tòa Thánh, và họ ước muốn ngày càng hội nhập với các Giám Mục Công Giáo trên thế giới.
Văn kiện cho biết Tòa Thánh mong đợi thái độ mới từ tất cả mọi người trong việc đối phó với những vấn đề thực hành của Giáo Hội. Tòa Thánh tiếp tục đối thoại với chính quyền Trung Quốc về vấn đề đăng ký dân sự của các Giám Mục và Linh Mục để tìm ra một công thức, khi đăng ký dân sự, không những tôn trọng luật pháp Trung Quốc nhưng cả đạo lý Công Giáo nữa.
Dưới ánh sáng những điều nói trên, Tòa Thánh khẳng định rằng nếu một Giám Mục hoặc Linh Mục quyết định đăng ký dân sự nhưng văn bản tuyên ngôn phải ký khi đăng ký với nhà nước không tôn trọng đức tin Công Giáo, thì giáo sĩ ấy minh xác trên giấy tờ rằng khi ký tuyên ngôn này, mình sẽ không hề sai lỗi với các nguyên tắc đạo lý Công Giáo. Nếu không thể ghi những điều đó trên giấy tờ vì giáo sĩ ấy chỉ tuyên bố bằng miệng, và nếu có thể thì làm trước một chứng nhân. Dầu sao đi nữa, giáo sĩ ấy nên minh xác với vị Bản quyền ý hướng của mình khi đăng ký. Ðiều này phải được hiểu với mục đích duy nhất là hỗ trợ thiện ích của cộng đoàn giáo phận và làm tăng trưởng trong tinh thần hiệp nhất, cũng như việc loan báo Tin Mừng thích hợp với những đòi hỏi mới của xã hội Trung Quốc và việc quản lý tài sản của Giáo Hội trong tinh thần trách nhiệm.
Ngoài ra, Tòa Thánh tuyên bố tôn trọng những người không thể đăng ký với nhà nước theo những đòi hỏi nói trên. Tòa Thánh gần gũi với họ và xin Chúa giúp đỡ họ bảo tồn tình hiệp thông với các anh chị em đồng đạo, và kể cả khi đứng trước những thử thách mà mỗi người có thể phải đương đầu”.
8. Thư Ðức Thánh Cha gửi Hội Ðồng Giám Mục Ðức về “con đường công nghị”.
Ðức Thánh Cha Phanxicô ủng hộ con đường công nghị của Hội Ðồng Giám Mục Ðức nhưng nhắn nhủ Giáo Hội tại nước này đừng tiến hành một mình, trái lại quan tâm đến Giáo Hội hoàn vũ và duy trì sự hiệp nhất của Giáo Hội.
Hồi tháng 3 năm 2019, sau nhiều tranh luận sôi nổi, 66 Giám Mục chính tòa và Giám Mục Phụ Tá của 22 giáo phận tại Ðức, trong khóa họp tại thành phố Lingen đã quyết định thực hiện một “con đường công nghị có tính chất bó buộc”. Trong tiến trình này sẽ có nhiều diễn đàn về các đề tài như quyền bính, luân lý tính dục, và lối sống của các linh mục.
Trong thời gian qua ở Ðức, trước bối cảnh những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong quá khứ, nhiều người lên tiếng yêu cầu bãi bỏ luật độc thân giáo sĩ, bãi bỏ chức linh mục dành riêng cho nam giới, thay đổi luân lý tính dục cho đến nay của Giáo Hội Công Giáo. Cũng có một diễn đàn về vấn đề vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội.
Với sự cộng tác của các giáo dân và chuyên gia, các Giám Mục muốn minh định và làm sáng tỏ lập trường về vấn đề này.
Trong thư gửi Hội Ðồng Giám Mục Ðức công bố hôm 29 tháng 06 năm 2019, Ðức Thánh Cha cho biết ngài muốn lá thư này là một đóng góp vào hành trình công nghị do các Giám Mục đề ra, nhưng ngài không trả lời những câu hỏi cụ thể mà các Giám Mục nêu lên. Ðức Thánh Cha không cống hiến các giải pháp, không cấm thảo luận, nhưng theo đường lối của Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, ngài nhắc nhở vị trí trung tâm của Chúa Thánh Linh.
Thư của Ðức Thánh Cha có đoạn viết:
“Mỗi khi một cộng đoàn Giáo Hội tìm cách tự mình ra khỏi các vấn đề của mình, và chỉ tín thác vào sức riêng, vào các phương pháp và trí thông minh của mình, thì rốt cuộc Giáo Hội ấy chỉ gia tăng và nuôi dưỡng những tai ương mà họ muốn vượt qua”.
Cùng với các Giám Mục Ðức, Ðức Thánh Cha đau buồn nhận thấy có sự gia tăng hao mòn và suy giảm đức tin với tất cả những gì kèm theo cho về mặt tinh thần, xã hội và văn hóa, sự suy đồi ấy không dễ dàng tìm ra giải pháp mau lẹ.
Ðức Thánh Cha nhắc nhở Giáo Hội Công Giáo Ðức hãy can đảm, đồng thời đừng rơi vào những cạm bẫy dọc đường, mà ngài gọi là cám dỗ, trong đó có cám dỗ căn cội là tin rằng câu trả lời tốt nhất cho nhiều vấn đề và những thiếu sót trong cuộc sống là tổ chức lại sự việc, thay đổi nó, điều chỉnh lại để làm cho đời sống Giáo Hội dễ dàng hơn, bằng cách thích ứng với những tiêu chuẩn thời đại hoặc của một nhóm nào đó..
Trong thời gian qua, Hội Ðồng Giám Mục Ðức bắt đầu tiến trình hoạch định những bước trên “Con đường công nghị” nhắm cải tổ Giáo Hội Công Giáo tại nước này.
Hôm 24 tháng 6 năm 2019, các Giám Mục của 27 giáo phận toàn quốc đã nhóm họp tại thủ đô Berlin với mục đích vừa nói.
Tuyên bố hôm 20 tháng 6 năm 2019, Ðức Cha Heiner Koch, Tổng Giám Mục Berlin, nói với khoảng 6 ngàn tín hữu rằng thật là điều tốt khi các Giám Mục họp tại một thành phố tượng trưng cho sự can đảm bắt đầu lại và lên đường.
Theo thời khóa biểu dự tính: các đại diện của Hội Ðồng Giám Mục Ðức và của Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Ðức sẽ nhóm họp vào đầu tháng 7 năm 2019 để bàn luận về chương trình nghị sự, về con số và đề tài các diễn đàn.
Cuộc họp lớn đầu diện sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 9 năm 2019 với khoảng 60 tham dự viên, để xác định chung kết chi tiết thời khóa biểu, các đề tài, các tham dự viên. Tiến trình công nghị sẽ chính thức bắt đầu vào Chúa Nhật 1 tháng 12 năm 2019.