Chút cảm nhận về một mẫu gương tông đồ giáo dân
Mẹ không phải là người sinh ra tôi, cũng không phải là “mẹ thiêng liêng” khi đỡ đầu cho tôi chịu phép Rửa Tội hay Thêm Sức; nhưng đích thực, mẹ chính là người mẹ thứ hai của tôi !
Chuyện là thế này…
Tôi chơi thân và học chung với Hương, con gái của mẹ, từ cuối năm cấp II và suốt ba năm cấp III. Nhà mẹ cách nhà tôi 4-5 cây số; ngôi nhà lợp ngói đã phai màu theo dòng thời gian. Mẹ tuy nghèo nhưng trái tim mẹ rất giàu tình nghĩa, chan chứa tình Chúa và tình người. Cách nhau chẳng phải gần, nhưng chúng tôi hay qua lại nhà nhau chơi; Hương và tôi kết nghĩa chị em nên mẹ trở thành mẹ của tôi từ dạo ấy…
Chồng của mẹ đã mất từ khi Hương còn rất nhỏ; mẹ ở vậy nuôi 6 người con, chăm lo ăn học và vun vén hạnh phúc cho các con. Đến bây giờ, các con của mẹ, ai cũng yên bề gia thất. Riêng hai người con ở với mẹ sau cùng, duyên số do Chúa định, Hương và anh trai kề lập gia đình mãi tận miền nam; và thế là, cả 6 anh chị em, mỗi người một nơi, để mẹ ở một mình trong căn nhà đơn sơ, cũ kĩ nằm dưới con đường đê cao vút, ngõ sâu thăm thẳm…
Mẹ thích sống đơn sơ khó nghèo. Để gọi là “trang trí nội thất”, nhưng nào có gì đâu: một cái ti vi đen trắng, anh Hải con trai thứ năm đã sắm từ khi anh chưa cưới vợ; nhưng hình như tôi chưa thấy mẹ mở xem bao giờ. Có lần tôi hỏi: “Sao con không thấy mẹ mở tivi?”. Mẹ nói: “Chẳng có thời gian để mà xem, nếu có thì cũng chỉ qua loa thời sự 1 tí vậy thôi”. Nếu có thêm gì nữa thì đó là một bộ bàn ghế bằng gỗ đã bạc màu ọp ẹp,…
Thời học cấp 3, trường tôi học cũng khá gần nhà mẹ, nên có những ngày học hai buổi, tôi lại ghé về nhà mẹ ăn cơm rồi chiều đi học luôn. Tôi rất thích ăn cơm mẹ nấu; mẹ hay nấu xôi đậu phộng, trứng chiên cộng thêm món khoai tây xào do tay mẹ trồng ở ngoài vườn. Nhiều khi tôi muốn tự mình làm những món đơn giản như luộc rau, chiên trứng nhưng mẹ nhất quyết không cho. Mẹ nói: “Chị ơi, chị cứ để đấy cho mẹ, mẹ làm vèo một cái là xong ngay ý mà !”.
Tới mùa gặt lúa, Hương và tôi thường qua lại nhà nhau để giúp nhau. Chúng tôi thân thiết như hai chị em ruột, có gì cũng chia sẻ, tâm sự cho nhau nghe; ở trường cứ tới giờ ra chơi là hai chúng tôi, có khi thêm một vài người bạn thân thiết khác ngồi dưới gốc cây bàng tán ngẫu, kể chuyện vui; cũng có khi tản bộ trong sân trường giữa những hàng bằng lăng tím; cả sân trường trồng toàn bằng lăng tím nên mùa hè hoa “nhuộm tím” cả một vùng trời; màu tím chất chứa bao kỉ niệm đẹp của tuổi học trò đầy mơ mộng, như những dòng thơ trong bài “HOA TÍM NGÀY XƯA” của Cao Huy Miên mà tôi và các bạn một thời ưa thích ngâm nga :
Con đường em về ban trưa
Hoa tím nghiêng nghiêng đợi chờ
Tuổi em vừa tròn mười bảy
Tóc em vừa chấm ngang vai.
Trường xưa chẳng còn học nữa...
Con đường em về năm xưa
Có biết hay chăng bây giờ
Hoa tím thôi không còn nữa
Chỉ còn ta đứng dưới mưa.
Từ khi học xong cấp 3, Hương ở nhà phụ giúp mẹ mấy năm, sau đó vào Nam làm công nhân trong công ty, lương tháng vừa đủ sống. Hương gặp và thương người trong Nam rồi lập gia đình trong đó luôn. Vì cuộc sống gia đình cũng khó khăn, lại phải lo cho hai đứa con nhỏ ăn học, nên Hương cũng chẳng mấy khi về quê thăm mẹ. Thế nên, thỉnh thoảng mẹ lại phải lặn lội vào thăm con, chẳng quản đường dài sức yếu. Lây lất với những cơn say xe suốt hai ngày một đêm trên quảng đường dài vời vợi, nhưng mỗi lần “xuôi nam thăm con, thăm cháu”, mẹ vẫn cố mang theo lĩnh kĩnh nào gạo, nào trứng, mắm ngon…, không quên bánh kẹo cho các cháu.
Phần tôi, vừa học xong cấp 3, đã xin vào tìm hiểu ơn gọi tu trì nơi Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, và sau đó, Chúa chọn gọi tôi dấn thân vào đời thánh hiến nơi đây... Bây giờ nhìn lại, đã mười ba năm trôi qua; cô bé đệ tử năm nào giờ đã là một nữ tu !
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp được về nhà nghỉ phép tôi lại ghé qua thăm mẹ; có những khi tôi muốn được ở bên mẹ lâu hơn, tôi xin ở lại để dùng cơm tối và ngủ lại nhà với mẹ. Mẹ thương tôi lắm. Có đêm chợt tỉnh giấc, tôi thấy bàn tay gầy gầy, xương xương của mẹ đang nâng niu, xoa xoa bàn tay tôi, xoa lên má tôi hồi lâu rồi khóc; tôi cũng nghẹn ngào, định hỏi mẹ sao lại khóc nhưng rồi lại thôi. Sau những lần như thế, tôi không sao ngủ được nữa, lòng thấy thương mẹ vô cùng. Tôi tự nghĩ, có lẽ mẹ đang nhớ Hương lắm!
Mỗi khi hết phép tôi qua chào mẹ để trở lại nhà Dòng mẹ lại ôm tôi rồi hôn lên má tôi như hôn một đứa con nhỏ, khiến cho lòng tôi cảm thấy thật ấm áp làm sao! Lần này trở về ghé qua thăm mẹ, thấy mẹ vẫn khỏe là tôi mừng. Trước tết, tôi có qua thăm mẹ nhưng vì ngày đó phía đàng ngoại nhà tôi lên mộ thắp hương đọc kinh cho ông bà nên tôi chỉ ở chơi với mẹ được một chút. Sau tết, khi gần tới ngày tôi phải trở lại nhà Dòng, tôi cố tình qua buổi trưa để được ăn cơm với mẹ. Chào mẹ, ngồi xuống ghế bên cạnh mẹ, tôi nhanh nhẹn hỏi:
- Mẹ ăn cơm chưa?
- Chưa!
- Trưa nay cho con ăn cơm với mẹ nhé?
- Không cho ăn! Mẹ cười hiền giỡn với tôi.
- Không cho, con cũng ăn! Tôi làm nũng với mẹ.
Hai mẹ con cùng làm cơm, vẫn những món ăn quen thuộc: rau luộc, khoai tây xào, trứng luộc; nhà chỉ còn hai con gà đang đẻ trứng, mẹ cứ đòi bắt một con làm cho tôi ăn nhưng tôi nhất định không chịu. Tôi chỉ thích những món ăn dân dã mẹ thường làm. Đối với tôi những món ăn đó còn hơn tất cả những món sơn hào hải vị đắt tiền ở những nhà hàng sang trọng.
Năm nay mẹ đã 74 tuổi nhưng lúc nào mẹ cũng vui vẻ, nhanh nhẹn, nước da ngăm ngăm đen, dáng mẹ cao, gầy nhìn khắc khổ nhưng trên môi mẹ luôn thấy nụ cười, đôi chân nhanh thoăn thoát… Mẹ hay ốm vặt lắm, có khi phải truyền nước vì bị cảm sốt; có lúc mẹ đã phải nhờ cha đến ban phép Xức Dầu vì cơn đau bao tử hành hạ dữ dội, và sau đó phải nhập viện; thế nhưng mẹ luôn sống trông cậy, tin tưởng, tín thác vào tình yêu quan phòng của Chúa. Mẹ kể: Một lần kia chị Hiếu, con dâu của mẹ quyết định đến với giáo điểm Tin Mừng để gặp cha Long, xin ơn Lòng Chúa Thương xót, trước khi đi chị hỏi mẹ:
- Mẹ có muốn xin ơn gì không để con nói với cha cầu nguyên cho mẹ?
- Mẹ nói: Mẹ tạ ơn Chúa vì mẹ thấy Chúa quá yêu mẹ, về vật chất mẹ chẳng thấy mình thiếu thốn gì cả.
- Rồi mẹ nói tiếp: hằng ngày mẹ chỉ xin Chúa cho mẹ có đôi chân vững chắc, có sức khỏe để mẹ phục vụ. Nếu Chúa để mẹ bệnh tật thì xin cho mẹ biết bằng lòng theo thánh ý Chúa.
Ngoài cuộc sống đạo đức tuyệt vời, mẹ còn là một tông đồ giáo dân rất đắc lực. Thật vậy, mẹ luôn sống vì Chúa, vì Giáo Hội và yêu người nghèo. Từ lâu mẹ đã dành một tình thân ái đặc biệt với Tiểu Chủng Viện. Các cha rất quý mến mẹ, các chú ở Chủng viện đã quá thân thiết nên hay gọi mẹ một cách thật thân thương là “mẹ”. Suốt năm năm nay, mẹ đi khắp nơi kiếm củi để phục vụ cho bếp nấu của Tiểu chủng Viện. Mẹ chẳng kể nắng mưa, xa xôi, cứ có người gọi cho củi là mẹ tới liền; có khi đang bị cảm sốt phải nằm một chỗ, thế mà nghe có người gọi điện tới nói cho củi, là trong mẹ như có một sức mạnh phi thường nào đó nâng mẹ dậy, khiến mẹ như quên mất mình đang bị bệnh, tươi tỉnh, nhanh nhẹn xách cái nón ra khỏi nhà ngay… Việc kiếm củi vất vả và cũng đầy nguy hiểm, hai lần mẹ suýt chết khi đi kiếm củi: Mẹ kéo xe củi xuống dốc đê vì xe củi nặng, dốc lại quá cao sức mẹ không thể đỡ nổi nên xe cứ lao về phía trước; nhưng thật may, lần nào mẹ cũng được Chúa che chở, nên chỉ bị thương nhẹ. Khó khăn là thế nhưng mẹ vẫn không một chút nản lòng, vẫn hăng say, vui vẻ vì được phục vụ, và cũng nhờ đó, bếp chủng viện chưa bao giờ thiếu củi !
Mẹ tuy nghèo nhưng sống rất quảng đại, chẳng giữ lại gì cho riêng mình, có gì cũng muốn cho đi. Có bao nhiêu tiền mẹ để dành để thuê người ta cưa củi, mặc dù các cha nói để các cha trả nhưng mẹ cứ dành trả hết, rồi mua một chút gì đó cho các chú dùng khi xuống chở củi về Chủng viện vì sợ các chú đi đường xa mệt.
Có lần tôi hỏi mẹ:
- Mẹ kiếm tiền ở đâu để trả tiền cho người ta cưa củi cho mẹ?
- Chúa lo hết, mẹ chẳng phải lo. Khi nào cần thì mẹ bán lúa, một mình mẹ ăn có bao nhiêu đâu; với lại mẹ cũng nấu được rượu bán. Lúc nào bí quá không biết xoay sở chỗ nào thì mẹ cầu nguyện xin Chúa.
Với giọng hiền từ và đầy xác tín mẹ nói tiếp:
- Mẹ cứ nói với Chúa: “Chúa ơi, Chúa biết là con không có tiền, tự sức con không thể làm được gì, xin Chúa giúp con đi, cho con có một ít tiền để trả cho người ta cưa cây”. Thế là tự nhiên mấy ngày sau không Hương thì chị Thảo (con dâu của mẹ) gửi cho mẹ mấy trăm, Mọi sự lại đâu vào đó. Mẹ chẳng sợ thiếu tiền cứ làm tới đâu Chúa lo tới đó!
Mẹ rất thương người nghèo. Có lẽ vì mẹ nghèo nên trái tim mẹ luôn hướng về người nghèo, yêu thương bao bọc họ. Khi nghe cha xứ phát động phong trào đóng góp cho người nghèo vùng sâu vùng xa, mẹ đến các đại lý xin đồ tồn kho xả hàng cuối năm. Nhờ con trai chở đi, mẹ xin được mấy bao quần áo, nhiều cái còn rất mới, đẹp lắm! Về nhà mẹ phân loại đồ người lớn - người nhỏ, nam - nữ; cái nào hư khóa thì đem đi sửa, cái nào dính bẩn thì mẹ giặt, tẩy sạch rồi phơi khô, xếp ngay ngắn, chuyển đến cho cha xứ để phân phối cho nhiều người nghèo có quần áo mới đón Tết, nhất là những anh em dân tộc.
Tuy tuổi đã cao nhưng mẹ chẳng chịu ở yên bao giờ. Ngày nào không đi kiếm củi thì mẹ làm việc nhà: ra vườn nhổ cỏ, trồng rau, chăm mấy sào ruộng bên nhà hoặc là nấu nồi rượu bán để trang trải cuộc sống và nhu cầu bác ái ... Tất cả mọi việc mẹ làm đều vì mục đích làm đẹp lòng Chúa. Mẹ mong muốn dâng thật nhiều hy sinh để cầu nguyện cho con cái và góp phần xây dựng Giáo Hội. Đối với mẹ được phục vụ Giáo Hội, phục vụ người khác là một niềm vui lớn lao.
Mẹ chia sẻ: “Ngày nào có củi, có việc để làm thì mẹ thấy vui, thấy khỏe lắm! Nhưng ngày nào ở không, không có việc gì làm thì mẹ lại thấy mệt làm sao ý”. Tôi cảm phục sự hy sinh, tâm hồn tông đồ của mẹ. Mẹ làm sống lại hình ảnh của các bà đạo đức thời Chúa Giêsu, những người đã đi theo Chúa, bán của cải mình mà phục vụ Chúa và các tông đồ. Mẹ cũng vậy, mẹ luôn cộng tác với các Cha để góp phần phục vụ Giáo Hội địa phương. Mẹ không chỉ kiếm củi cho Tiểu Chủng Viện mà còn kiếm củi cho cả nhà thờ, giáo xứ của mẹ, rồi thỉnh thoảng lại mang sang cho các cha, các thầy ở nhà thờ một ít rau hái được ngoài vườn, một ít gạo tám thơm mới xay, một ít nước mắm ngon hay vài quả trứng gà mới đẻ.... Mẹ không có nhiều, chỉ một ít vậy thôi nhưng đủ thấy tình thương yêu, sự quan tâm và tấm lòng bao la của mẹ. Thật đúng như lời trong bài hát “Một chút” của cố nhạc sĩ Giám mục Thông Vi Vu:
“Một chút trong đời chỉ một chút chút xíu thôi
Nhiều chút chút bé nhỏ mà làm cho đời thêm mới.”
Một “chút” của mẹ đã làm ấm lòng biết bao con người, đem đến niềm vui, sự bình an cho những người mẹ gặp gỡ. Mẹ sống một mình nhưng mẹ không bao giờ cảm thấy cô đơn, vì mẹ luôn có Chúa là niềm vui bất tận, là mùa xuân yêu thương của mẹ. Mẹ luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa. Sáng nào mẹ cũng dậy thật sớm đọc kinh dâng mình cho Chúa, lần hạt kính Đức Mẹ. Chiều đúng ba giờ, Mẹ đọc kinh Lòng Chúa thương xót, sau đó đi bộ tới nhà thờ tham dự thánh lễ. Thứ sáu nào mẹ cũng ăn chay, chỉ trừ những ngày bao tử đau mẹ không thể ăn chay được thì mẹ kiêng thịt.
Tôi thường hay nói với mẹ: “mẹ giống ma sơ quá, còn hơn cả chúng con nữa. Thứ sáu trong tuần bình thường chúng con chỉ kiêng thịt thôi chứ không ăn chay như mẹ đâu”.
Mẹ bảo: “Được như các sơ thì đã có phúc!”
Trong gia đình, mỗi khi con cái có chuyện gì, gia đình lục đục, ốm đau hay thờ ơ với đạo Chúa thì mẹ đau khổ lắm. Mẹ chia sẻ: Người con trai thứ 5 của mẹ đang sống trong tình trạng khô khan, bỏ cả kinh lễ, lại còn bồ bịch lăng nhăng khiến cho vợ con bị tổn thương. Khi biết chuyện mẹ đau lòng lắm! Mẹ khuyên nhủ anh nhiều lần nhưng anh vẫn cứng đầu, thích sống buông thả theo ý mình. Không còn cách nào khác, Mẹ phải gọi điện cầu cứu hết cha này đến cha khác để xin lời khuyên và cầu nguyện cho con trai của mẹ. Mẹ gọi điện đến cả nhà Dòng để xin khấn. Phần mẹ, mẹ chỉ biết ngày đêm âm thầm cầu nguyện với Chúa trong hy vọng và nước mắt. Mẹ luôn lấy mẫu gương của Thánh nữ Mônica để an ủi mình và phó dâng con của mẹ cho Lòng Thương Xót Chúa. Mẹ luôn xác tín rằng, chỉ có Chúa mới giúp được mẹ, chỉ có Chúa mới biến đổi được người con trai của mẹ mà thôi.
Mỗi khi nhớ đến mẹ tôi không quên dâng lời cầu nguyện cho anh, hy vọng Chúa tỏ lòng thương xót anh và giúp anh thay đổi để mẹ luôn trọn niềm vui.
Tôi thật diễm phúc vì có được một “người mẹ thứ hai” tuyệt vời như thế. Tôi yêu mẹ và tôi biết rằng mẹ cũng yêu tôi và luôn cầu nguyện cho tôi. Chính điều nầy khiến tôi cảm thấy ấm áp mỗi khi nhớ về mẹ. Tôi hằng thầm cầu mong cho mẹ được mọi ơn lành hồn xác, luôn mạnh khỏe, bình an để mẹ tiếp tục dấn thân phục vụ Giáo Hội. Nguyện xin Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ mẹ trong từng giây phút của cuộc sống.
Nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Hà (Dòng MTG.QN)
Mẹ không phải là người sinh ra tôi, cũng không phải là “mẹ thiêng liêng” khi đỡ đầu cho tôi chịu phép Rửa Tội hay Thêm Sức; nhưng đích thực, mẹ chính là người mẹ thứ hai của tôi !
Chuyện là thế này…
Tôi chơi thân và học chung với Hương, con gái của mẹ, từ cuối năm cấp II và suốt ba năm cấp III. Nhà mẹ cách nhà tôi 4-5 cây số; ngôi nhà lợp ngói đã phai màu theo dòng thời gian. Mẹ tuy nghèo nhưng trái tim mẹ rất giàu tình nghĩa, chan chứa tình Chúa và tình người. Cách nhau chẳng phải gần, nhưng chúng tôi hay qua lại nhà nhau chơi; Hương và tôi kết nghĩa chị em nên mẹ trở thành mẹ của tôi từ dạo ấy…
Chồng của mẹ đã mất từ khi Hương còn rất nhỏ; mẹ ở vậy nuôi 6 người con, chăm lo ăn học và vun vén hạnh phúc cho các con. Đến bây giờ, các con của mẹ, ai cũng yên bề gia thất. Riêng hai người con ở với mẹ sau cùng, duyên số do Chúa định, Hương và anh trai kề lập gia đình mãi tận miền nam; và thế là, cả 6 anh chị em, mỗi người một nơi, để mẹ ở một mình trong căn nhà đơn sơ, cũ kĩ nằm dưới con đường đê cao vút, ngõ sâu thăm thẳm…
Mẹ thích sống đơn sơ khó nghèo. Để gọi là “trang trí nội thất”, nhưng nào có gì đâu: một cái ti vi đen trắng, anh Hải con trai thứ năm đã sắm từ khi anh chưa cưới vợ; nhưng hình như tôi chưa thấy mẹ mở xem bao giờ. Có lần tôi hỏi: “Sao con không thấy mẹ mở tivi?”. Mẹ nói: “Chẳng có thời gian để mà xem, nếu có thì cũng chỉ qua loa thời sự 1 tí vậy thôi”. Nếu có thêm gì nữa thì đó là một bộ bàn ghế bằng gỗ đã bạc màu ọp ẹp,…
Thời học cấp 3, trường tôi học cũng khá gần nhà mẹ, nên có những ngày học hai buổi, tôi lại ghé về nhà mẹ ăn cơm rồi chiều đi học luôn. Tôi rất thích ăn cơm mẹ nấu; mẹ hay nấu xôi đậu phộng, trứng chiên cộng thêm món khoai tây xào do tay mẹ trồng ở ngoài vườn. Nhiều khi tôi muốn tự mình làm những món đơn giản như luộc rau, chiên trứng nhưng mẹ nhất quyết không cho. Mẹ nói: “Chị ơi, chị cứ để đấy cho mẹ, mẹ làm vèo một cái là xong ngay ý mà !”.
Tới mùa gặt lúa, Hương và tôi thường qua lại nhà nhau để giúp nhau. Chúng tôi thân thiết như hai chị em ruột, có gì cũng chia sẻ, tâm sự cho nhau nghe; ở trường cứ tới giờ ra chơi là hai chúng tôi, có khi thêm một vài người bạn thân thiết khác ngồi dưới gốc cây bàng tán ngẫu, kể chuyện vui; cũng có khi tản bộ trong sân trường giữa những hàng bằng lăng tím; cả sân trường trồng toàn bằng lăng tím nên mùa hè hoa “nhuộm tím” cả một vùng trời; màu tím chất chứa bao kỉ niệm đẹp của tuổi học trò đầy mơ mộng, như những dòng thơ trong bài “HOA TÍM NGÀY XƯA” của Cao Huy Miên mà tôi và các bạn một thời ưa thích ngâm nga :
Con đường em về ban trưa
Hoa tím nghiêng nghiêng đợi chờ
Tuổi em vừa tròn mười bảy
Tóc em vừa chấm ngang vai.
Trường xưa chẳng còn học nữa...
Con đường em về năm xưa
Có biết hay chăng bây giờ
Hoa tím thôi không còn nữa
Chỉ còn ta đứng dưới mưa.
Từ khi học xong cấp 3, Hương ở nhà phụ giúp mẹ mấy năm, sau đó vào Nam làm công nhân trong công ty, lương tháng vừa đủ sống. Hương gặp và thương người trong Nam rồi lập gia đình trong đó luôn. Vì cuộc sống gia đình cũng khó khăn, lại phải lo cho hai đứa con nhỏ ăn học, nên Hương cũng chẳng mấy khi về quê thăm mẹ. Thế nên, thỉnh thoảng mẹ lại phải lặn lội vào thăm con, chẳng quản đường dài sức yếu. Lây lất với những cơn say xe suốt hai ngày một đêm trên quảng đường dài vời vợi, nhưng mỗi lần “xuôi nam thăm con, thăm cháu”, mẹ vẫn cố mang theo lĩnh kĩnh nào gạo, nào trứng, mắm ngon…, không quên bánh kẹo cho các cháu.
Phần tôi, vừa học xong cấp 3, đã xin vào tìm hiểu ơn gọi tu trì nơi Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, và sau đó, Chúa chọn gọi tôi dấn thân vào đời thánh hiến nơi đây... Bây giờ nhìn lại, đã mười ba năm trôi qua; cô bé đệ tử năm nào giờ đã là một nữ tu !
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp được về nhà nghỉ phép tôi lại ghé qua thăm mẹ; có những khi tôi muốn được ở bên mẹ lâu hơn, tôi xin ở lại để dùng cơm tối và ngủ lại nhà với mẹ. Mẹ thương tôi lắm. Có đêm chợt tỉnh giấc, tôi thấy bàn tay gầy gầy, xương xương của mẹ đang nâng niu, xoa xoa bàn tay tôi, xoa lên má tôi hồi lâu rồi khóc; tôi cũng nghẹn ngào, định hỏi mẹ sao lại khóc nhưng rồi lại thôi. Sau những lần như thế, tôi không sao ngủ được nữa, lòng thấy thương mẹ vô cùng. Tôi tự nghĩ, có lẽ mẹ đang nhớ Hương lắm!
Mỗi khi hết phép tôi qua chào mẹ để trở lại nhà Dòng mẹ lại ôm tôi rồi hôn lên má tôi như hôn một đứa con nhỏ, khiến cho lòng tôi cảm thấy thật ấm áp làm sao! Lần này trở về ghé qua thăm mẹ, thấy mẹ vẫn khỏe là tôi mừng. Trước tết, tôi có qua thăm mẹ nhưng vì ngày đó phía đàng ngoại nhà tôi lên mộ thắp hương đọc kinh cho ông bà nên tôi chỉ ở chơi với mẹ được một chút. Sau tết, khi gần tới ngày tôi phải trở lại nhà Dòng, tôi cố tình qua buổi trưa để được ăn cơm với mẹ. Chào mẹ, ngồi xuống ghế bên cạnh mẹ, tôi nhanh nhẹn hỏi:
- Mẹ ăn cơm chưa?
- Chưa!
- Trưa nay cho con ăn cơm với mẹ nhé?
- Không cho ăn! Mẹ cười hiền giỡn với tôi.
- Không cho, con cũng ăn! Tôi làm nũng với mẹ.
Hai mẹ con cùng làm cơm, vẫn những món ăn quen thuộc: rau luộc, khoai tây xào, trứng luộc; nhà chỉ còn hai con gà đang đẻ trứng, mẹ cứ đòi bắt một con làm cho tôi ăn nhưng tôi nhất định không chịu. Tôi chỉ thích những món ăn dân dã mẹ thường làm. Đối với tôi những món ăn đó còn hơn tất cả những món sơn hào hải vị đắt tiền ở những nhà hàng sang trọng.
Năm nay mẹ đã 74 tuổi nhưng lúc nào mẹ cũng vui vẻ, nhanh nhẹn, nước da ngăm ngăm đen, dáng mẹ cao, gầy nhìn khắc khổ nhưng trên môi mẹ luôn thấy nụ cười, đôi chân nhanh thoăn thoát… Mẹ hay ốm vặt lắm, có khi phải truyền nước vì bị cảm sốt; có lúc mẹ đã phải nhờ cha đến ban phép Xức Dầu vì cơn đau bao tử hành hạ dữ dội, và sau đó phải nhập viện; thế nhưng mẹ luôn sống trông cậy, tin tưởng, tín thác vào tình yêu quan phòng của Chúa. Mẹ kể: Một lần kia chị Hiếu, con dâu của mẹ quyết định đến với giáo điểm Tin Mừng để gặp cha Long, xin ơn Lòng Chúa Thương xót, trước khi đi chị hỏi mẹ:
- Mẹ có muốn xin ơn gì không để con nói với cha cầu nguyên cho mẹ?
- Mẹ nói: Mẹ tạ ơn Chúa vì mẹ thấy Chúa quá yêu mẹ, về vật chất mẹ chẳng thấy mình thiếu thốn gì cả.
- Rồi mẹ nói tiếp: hằng ngày mẹ chỉ xin Chúa cho mẹ có đôi chân vững chắc, có sức khỏe để mẹ phục vụ. Nếu Chúa để mẹ bệnh tật thì xin cho mẹ biết bằng lòng theo thánh ý Chúa.
Ngoài cuộc sống đạo đức tuyệt vời, mẹ còn là một tông đồ giáo dân rất đắc lực. Thật vậy, mẹ luôn sống vì Chúa, vì Giáo Hội và yêu người nghèo. Từ lâu mẹ đã dành một tình thân ái đặc biệt với Tiểu Chủng Viện. Các cha rất quý mến mẹ, các chú ở Chủng viện đã quá thân thiết nên hay gọi mẹ một cách thật thân thương là “mẹ”. Suốt năm năm nay, mẹ đi khắp nơi kiếm củi để phục vụ cho bếp nấu của Tiểu chủng Viện. Mẹ chẳng kể nắng mưa, xa xôi, cứ có người gọi cho củi là mẹ tới liền; có khi đang bị cảm sốt phải nằm một chỗ, thế mà nghe có người gọi điện tới nói cho củi, là trong mẹ như có một sức mạnh phi thường nào đó nâng mẹ dậy, khiến mẹ như quên mất mình đang bị bệnh, tươi tỉnh, nhanh nhẹn xách cái nón ra khỏi nhà ngay… Việc kiếm củi vất vả và cũng đầy nguy hiểm, hai lần mẹ suýt chết khi đi kiếm củi: Mẹ kéo xe củi xuống dốc đê vì xe củi nặng, dốc lại quá cao sức mẹ không thể đỡ nổi nên xe cứ lao về phía trước; nhưng thật may, lần nào mẹ cũng được Chúa che chở, nên chỉ bị thương nhẹ. Khó khăn là thế nhưng mẹ vẫn không một chút nản lòng, vẫn hăng say, vui vẻ vì được phục vụ, và cũng nhờ đó, bếp chủng viện chưa bao giờ thiếu củi !
Mẹ tuy nghèo nhưng sống rất quảng đại, chẳng giữ lại gì cho riêng mình, có gì cũng muốn cho đi. Có bao nhiêu tiền mẹ để dành để thuê người ta cưa củi, mặc dù các cha nói để các cha trả nhưng mẹ cứ dành trả hết, rồi mua một chút gì đó cho các chú dùng khi xuống chở củi về Chủng viện vì sợ các chú đi đường xa mệt.
Có lần tôi hỏi mẹ:
- Mẹ kiếm tiền ở đâu để trả tiền cho người ta cưa củi cho mẹ?
- Chúa lo hết, mẹ chẳng phải lo. Khi nào cần thì mẹ bán lúa, một mình mẹ ăn có bao nhiêu đâu; với lại mẹ cũng nấu được rượu bán. Lúc nào bí quá không biết xoay sở chỗ nào thì mẹ cầu nguyện xin Chúa.
Với giọng hiền từ và đầy xác tín mẹ nói tiếp:
- Mẹ cứ nói với Chúa: “Chúa ơi, Chúa biết là con không có tiền, tự sức con không thể làm được gì, xin Chúa giúp con đi, cho con có một ít tiền để trả cho người ta cưa cây”. Thế là tự nhiên mấy ngày sau không Hương thì chị Thảo (con dâu của mẹ) gửi cho mẹ mấy trăm, Mọi sự lại đâu vào đó. Mẹ chẳng sợ thiếu tiền cứ làm tới đâu Chúa lo tới đó!
Mẹ rất thương người nghèo. Có lẽ vì mẹ nghèo nên trái tim mẹ luôn hướng về người nghèo, yêu thương bao bọc họ. Khi nghe cha xứ phát động phong trào đóng góp cho người nghèo vùng sâu vùng xa, mẹ đến các đại lý xin đồ tồn kho xả hàng cuối năm. Nhờ con trai chở đi, mẹ xin được mấy bao quần áo, nhiều cái còn rất mới, đẹp lắm! Về nhà mẹ phân loại đồ người lớn - người nhỏ, nam - nữ; cái nào hư khóa thì đem đi sửa, cái nào dính bẩn thì mẹ giặt, tẩy sạch rồi phơi khô, xếp ngay ngắn, chuyển đến cho cha xứ để phân phối cho nhiều người nghèo có quần áo mới đón Tết, nhất là những anh em dân tộc.
Tuy tuổi đã cao nhưng mẹ chẳng chịu ở yên bao giờ. Ngày nào không đi kiếm củi thì mẹ làm việc nhà: ra vườn nhổ cỏ, trồng rau, chăm mấy sào ruộng bên nhà hoặc là nấu nồi rượu bán để trang trải cuộc sống và nhu cầu bác ái ... Tất cả mọi việc mẹ làm đều vì mục đích làm đẹp lòng Chúa. Mẹ mong muốn dâng thật nhiều hy sinh để cầu nguyện cho con cái và góp phần xây dựng Giáo Hội. Đối với mẹ được phục vụ Giáo Hội, phục vụ người khác là một niềm vui lớn lao.
Mẹ chia sẻ: “Ngày nào có củi, có việc để làm thì mẹ thấy vui, thấy khỏe lắm! Nhưng ngày nào ở không, không có việc gì làm thì mẹ lại thấy mệt làm sao ý”. Tôi cảm phục sự hy sinh, tâm hồn tông đồ của mẹ. Mẹ làm sống lại hình ảnh của các bà đạo đức thời Chúa Giêsu, những người đã đi theo Chúa, bán của cải mình mà phục vụ Chúa và các tông đồ. Mẹ cũng vậy, mẹ luôn cộng tác với các Cha để góp phần phục vụ Giáo Hội địa phương. Mẹ không chỉ kiếm củi cho Tiểu Chủng Viện mà còn kiếm củi cho cả nhà thờ, giáo xứ của mẹ, rồi thỉnh thoảng lại mang sang cho các cha, các thầy ở nhà thờ một ít rau hái được ngoài vườn, một ít gạo tám thơm mới xay, một ít nước mắm ngon hay vài quả trứng gà mới đẻ.... Mẹ không có nhiều, chỉ một ít vậy thôi nhưng đủ thấy tình thương yêu, sự quan tâm và tấm lòng bao la của mẹ. Thật đúng như lời trong bài hát “Một chút” của cố nhạc sĩ Giám mục Thông Vi Vu:
“Một chút trong đời chỉ một chút chút xíu thôi
Nhiều chút chút bé nhỏ mà làm cho đời thêm mới.”
Một “chút” của mẹ đã làm ấm lòng biết bao con người, đem đến niềm vui, sự bình an cho những người mẹ gặp gỡ. Mẹ sống một mình nhưng mẹ không bao giờ cảm thấy cô đơn, vì mẹ luôn có Chúa là niềm vui bất tận, là mùa xuân yêu thương của mẹ. Mẹ luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa. Sáng nào mẹ cũng dậy thật sớm đọc kinh dâng mình cho Chúa, lần hạt kính Đức Mẹ. Chiều đúng ba giờ, Mẹ đọc kinh Lòng Chúa thương xót, sau đó đi bộ tới nhà thờ tham dự thánh lễ. Thứ sáu nào mẹ cũng ăn chay, chỉ trừ những ngày bao tử đau mẹ không thể ăn chay được thì mẹ kiêng thịt.
Tôi thường hay nói với mẹ: “mẹ giống ma sơ quá, còn hơn cả chúng con nữa. Thứ sáu trong tuần bình thường chúng con chỉ kiêng thịt thôi chứ không ăn chay như mẹ đâu”.
Mẹ bảo: “Được như các sơ thì đã có phúc!”
Trong gia đình, mỗi khi con cái có chuyện gì, gia đình lục đục, ốm đau hay thờ ơ với đạo Chúa thì mẹ đau khổ lắm. Mẹ chia sẻ: Người con trai thứ 5 của mẹ đang sống trong tình trạng khô khan, bỏ cả kinh lễ, lại còn bồ bịch lăng nhăng khiến cho vợ con bị tổn thương. Khi biết chuyện mẹ đau lòng lắm! Mẹ khuyên nhủ anh nhiều lần nhưng anh vẫn cứng đầu, thích sống buông thả theo ý mình. Không còn cách nào khác, Mẹ phải gọi điện cầu cứu hết cha này đến cha khác để xin lời khuyên và cầu nguyện cho con trai của mẹ. Mẹ gọi điện đến cả nhà Dòng để xin khấn. Phần mẹ, mẹ chỉ biết ngày đêm âm thầm cầu nguyện với Chúa trong hy vọng và nước mắt. Mẹ luôn lấy mẫu gương của Thánh nữ Mônica để an ủi mình và phó dâng con của mẹ cho Lòng Thương Xót Chúa. Mẹ luôn xác tín rằng, chỉ có Chúa mới giúp được mẹ, chỉ có Chúa mới biến đổi được người con trai của mẹ mà thôi.
Mỗi khi nhớ đến mẹ tôi không quên dâng lời cầu nguyện cho anh, hy vọng Chúa tỏ lòng thương xót anh và giúp anh thay đổi để mẹ luôn trọn niềm vui.
Tôi thật diễm phúc vì có được một “người mẹ thứ hai” tuyệt vời như thế. Tôi yêu mẹ và tôi biết rằng mẹ cũng yêu tôi và luôn cầu nguyện cho tôi. Chính điều nầy khiến tôi cảm thấy ấm áp mỗi khi nhớ về mẹ. Tôi hằng thầm cầu mong cho mẹ được mọi ơn lành hồn xác, luôn mạnh khỏe, bình an để mẹ tiếp tục dấn thân phục vụ Giáo Hội. Nguyện xin Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ mẹ trong từng giây phút của cuộc sống.
Nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Hà (Dòng MTG.QN)