Còn ngót 20 tháng nữa mới đến kỳ Đại hội đảng XIII, dự trù diễn ra tháng 01/2021, nhưng các chứng bệnh “giả dối”, “không nhúc nhích”, “tránh né”, “thành tích”, “nể nang” , “ngại kiểm điểm” , “chạy chức, chạy quyền” ,“tham vọng quyền lực”, “suy thoái đạo đức” , “tham nhũng” và tự do “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” đang lan nhanh trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên Cộng sản Việt Nam.
Những căn bệnh này, tuy không mới nhưng khi thường xuyên được nhắc lại để răn đe là chuyện không bình thường với lời khoe "chưa bao giờ đất nước có cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trọng, người chưa đi đứng bình thường sau cơn tai biến não nhẹ tại Kiên Giang ngày 14/04/2019, đã tô vẽ chuyện “cơ đồ, tiềm lực, vị thế” của Việt Nam để khoe thành tích lãnh đạo đảng của ông từ năm 2011, nhưng đảng lại không vượt qua được những thói hư tật xấu của cán bộ, đảng viên.
GIAN DỐI
Bằng chứng do báo Quân đội Nhân dân viết:”Thời gian qua, chúng ta đã nghe nhiều chuyện cười ra nước mắt, cười mà đau, liên quan đến thói giả dối của một bộ phận “người Nhà nước” và chốn quan trường. Đó là chuyện anh trưởng thôn nọ, chị hội phó phụ nữ xã kia kê khai tài sản gia đình không có gì để mong được đưa vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đó là chuyện “con dê, con bò, con trâu” vốn để dành hỗ trợ cho người dân nghèo nhưng nó “bỗng dưng” lại tìm đường đến nhà… quan huyện, quan xã. Đó là chuyện quan chức ở nhiều nơi, nhiều cấp dù học giả, sở hữu bằng cấp giả, bằng cấp không được cơ quan có thẩm quyền công nhận mà vẫn thăng tiến thật, thậm chí thăng tiến thần tốc trên hành trình quan lộ!” (theo báo Quân đội Nhân dân, ngày 21/03/2019)
Gian dối như thế chưa nhằm nhò gì. Hãy đọc tiếp:”Chuyện kết nạp đảng viên mới là chuyện hệ trọng, liên quan đến vị thế, sứ mệnh, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Thế nhưng, một số cấp ủy, tổ chức đảng do mắc bệnh thành tích-anh em song sinh với bệnh giả dối-đã không coi trọng chất lượng, chạy theo số lượng đơn thuần nên đã đưa vào hàng ngũ của Đảng những người không đủ tiêu chuẩn. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, chất lượng đảng viên mới kết nạp ở một số nơi còn thấp, không ít đảng viên dự bị không đủ điều kiện chuyển đảng viên chính thức, phải xóa tên khỏi danh sách đảng viên, chỉ riêng năm 2017 đã có 2.076 đảng viên dự bị bị xóa tên.”
Tờ báo của Bộ Quốc phòng kể tiếp các loại “chạy” đang thịnh hành trong nội bộ:” Suy cho cùng, 11 loại “chạy” mà 3 năm qua Trung ương đã chỉ ra (chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm) tích hợp từ nhiều nguyên nhân, nhưng có một căn nguyên sâu xa là do lòng tham, thói giả dối từ chính cán bộ, đảng viên.”
MẶC KỆ NÓ
Có đúng là chỉ có cán bộ tép riu chạy chọt không ? Cổ nhân người Việt đã bảo “thượng bất chính thì hạ tắc loạn” nên phải có người nhận mới có người đem qùa biếu. Vì vậy, Quân đội Nhân dân mới nói toang ra:”Nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều cán bộ có chức có quyền vẫn chưa thoát khỏi tư duy hành chính quan liêu, bao cấp, không muốn dứt bỏ cơ chế xin-cho, từ đó dẫn đến tình trạng cấp dưới phải khôn khéo chạy vạy, luồn lách, vuốt ve, nịnh nọt cấp trên để có nguồn lực, kinh phí, lợi ích cho cơ quan, đơn vị mình. Đây chính là cơ hội cho bệnh giả dối tồn tại và lộng hành. Trong khi đó, cung cách lãnh đạo, quản lý nặng về văn bản, giấy tờ, thiếu sâu sát cơ sở, thiếu dân chủ, thiếu minh bạch, cấp trên chỉ thích ngồi nghe cấp dưới báo cáo, cũng khiến cho bệnh giả dối càng thêm trầm trọng. “
Nhưng tại sao “không nhúc nhích” cũng là căn bệnh của cán bộ Cộng sản trong thời đại phải “đổi mới” tư duy khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thúc giục bỏ đi ?
Ông Phúc nói:”Cần xóa bỏ ngay thứ văn hóa không nhúc nhích, để “nước đến chân mới nhảy”, đợi nhắc thì làm, sáng cắp ô đi chiều cắp về, đang trong giờ rời nhiệm sở không có lý do chính đáng.” (theo báo Thông tin Chính phủ, ngày 19-05-019)
Ông Phúc lên tiếng ngày 19-5 (2019), tại Hà Nội, khi đến dự lễ phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.
Ông Phúc nhìn nhận rằng:”Ở một số nơi, công tác tiếp công dân chưa thường xuyên, chưa đi vào thực chất. Một bộ phận cán bộ công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, không nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, không tôn trọng cấp trên, thiếu công bằng với cấp dưới, gây bức xúc trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.”
Bình luận về nhận xét của ông Phúc, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) viết:” Phát biểu công khai như vậy, Thủ tướng đã nói rất “trúng” một bộ phận, thậm chí một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức “không nhúc nhích”, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”; không tích cực, chây ỳ, không cần hiệu quả công việc, để "tròn vai", không va chạm.” (VOV, 22/05/2019)
VOV giải thích thêm:”Cách làm việc “không nhúc nhích” là chỉ “tròn vai”, không làm gì khác, không cần sáng tạo, không nói gì va chạm dù có lúc rất cần thiết phải nói, phải làm. Đó là suy nghĩ càng làm ít càng tốt, càng ít sai phạm, khuyết điểm, nhất là những việc phức tạp hoặc cần đổi mới, thay thế…vv. Bộ phận này có tư duy “làm ít, sai ít”, “không nhúc nhích” thì càng ít lỗi hoặc không có khuyết điểm….Đặc biệt, trong giai đoạn chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm, bầu bán, đại hội, những người này càng “không nhúc nhích”, "nằm im chờ thời", áp dụng kiểu “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Phong cách “biết rồi, nhưng “mackeno” (mặc kệ nó) được coi là thượng sách.”
LÀM HÌNH THỨC-CHẠY ĐỦ THỨ
Về công tác “xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, một báo cáo kết quả năm Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị tại 15 cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc T.Ư đưa ra ngày 21/03/2019 cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn.
Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Trung ương đảng viết:” Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục….Có nơi làm hình thức, đối phó, hoặc vì đã vướng vào khuyết điểm, vi phạm, nên không muốn làm, thậm chí là né tránh trách nhiệm; còn mắc bệnh thành tích, nể nang, ngại kiểm điểm, kết quả chưa đồng đều giữa các nơi.”
Người cầm đầu đảng và nhà nước kêu gọi phải :”Chủ động và tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng. Tất cả các cơ quan, địa phương, đơn vị phải có ý thức về việc này, không khoán trắng cho các cơ quan báo chí. Cần lưu ý ngăn chặn thông tin xấu, độc; chống co cụm, nói xấu nhau.”
Nhân Dân trích lời ông Trọng kêu gọi toàn đảng :” Kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu tín nhiệm, phiếu bầu, nhất là trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng… khẳng định, dứt khoát và kiên quyết không dùng những đối tượng chạy chức, chạy quyền.”
Hai tháng sau, tại cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 15/05/2019, ông Trọng lại tái xác nhận điều này:”Kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, đã chạy là không dùng. Đề nghị các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất cao tinh thần này và chỉ đạo các cấp, các ngành.”
Nhưng lý do nào khiến ông Trọng phải nói đi nói lại nhiều lần chuyện “chạy” trong hai năm qua, nếu không phải là chỗ nào cũng thấy “chạy và chạy” ?
CHUYỆN XƯA NHƯNG MỚI
Bởi vì chuyện “chạy” của cán bộ, đảng viên đã có từ lâu. Hãy đọc :”Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII không phải là lần đầu tiên Đảng ta cảnh báo về vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Ngay từ năm 1999, khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), Khóa VIII, Bộ Chính trị đã báo cáo trước Trung ương, chỉ ra 5 loại “chạy”. Đó là chạy chức trước khi bầu cử; chạy quyền trước khi phân công công tác; chạy lợi trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota; chạy chỗ trước khi bổ nhiệm; chạy tội trước khi điều tra, xét xử.” (theo Tạp chí Tuyên Giáo, 17/12/2018)
Bài báo viết tiếp:”Nếu như trước đây việc “chạy chức, chạy quyền” thường diễn ra ở một hoặc một số đối tượng; thì nay, việc "chạy" diễn ra phổ biến hơn, xuyên thấu vào tầng sâu, tràn qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng, kết nối thành bè cánh, phe nhóm, miếng mảng... hết sức tinh vi, bài bản.”
Căn cứ vào báo đảng, ta thấy vấn để “chạy” đã thành “nếp sống” không thể tách rời khỏi cán bộ, đảng viên. Nói theo kiểu vo tròn cho khỏi xấu hổ của Tuyên giáo thì “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” cũng không phải là tất cả trên 04 triệu đảng viên đều xấu. Nhưng không ai phủ nhận đạo đức của số không nhỏ này là nhiều lắm.
ĐẠO ĐỨC XUỐNG CẤP
Thử đọc tiếp lời than của ông Nguyễn Phú Trọng ngày 10/04/2019 :”Không ai thích thú gì kỷ luật, nhưng kỷ luật chính là để cảnh tỉnh, răn đe, để ai nhúng chàm thì sửa đi." (báo VNEXPRESS, 10/04/2019),
Rồi ông khoe thêm theo lý luận vòng vo:” Quan hệ thân quen, lợi ích nhóm đang được ngăn chặn bằng cơ chế, chính sách chứ không phải chỉ xét xử. Việc phát triển cũng lấy kinh tế làm trung tâm, xây dựng đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng, quốc phòng an ninh là quan trọng...”
Đề cập đến chuyện đạo đức xuống cấp trong xã hội, báo VNEXPRESS viết:”Tuy nhiên, với những thông tin trên mạng, Tổng bí thư thấy rất xót ruột khi đạo đức xuống cấp. "Đạo đức là nền tảng tinh thần. Càng kinh tế thị trường thì càng phải quan tâm giữ gìn văn hóa, đó là bản chất của chủ nghĩa xã hội."
Nhưng tại sao đạo đức lại xuống cấp theo với chiều dài tồn tại của đảng CSVN ? Ông Trọng không giải thích và cả Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Tuyên giáo, hai tổ chức bảo vệ tư tưởng Cộng sản cho đảng cũng chỉ có một thứ vũ khí duy nhất là hô hào cán bộ, đảng viên, toàn dân và toàn đảng phải “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó đứng đầu là phương châm “cần, kiệm, liêm, chính và chí công vô tư”.
Ngặt thay, phong trào học tập như con cuốc kêu mùa hè này đã ra rả mấy chục năm mà nhiều nơi vẫn còn là hình thức, chỉ tổ chức để báo cáo, không đem lại hiệu qủa gì. Giới trẻ Việt Nam, kể cả Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng đã rã Đoàn, nhạt Đảng từ lâu.
Nhưng những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lại vẫn sống phây phây. Cán bộ doanh nghiệp, cửa khẩu, thuế quan, ngân hàng, sản xuất, dầu khí, đện lực, giao thông vận tài v.v… là những nơi tiền rừng bạc biển không lọt vào tay ai, ngoài đảng và phe nhóm lợi ích.
Dó đó, dù ông Nguyễn Phú Trọng có đút lò mấy trăm cán bộ, đảng viên cấp lãnh đạo chăng nữa thì tham nhũng vẫn sống nhăn răng, vì người dân không dám xâm mình chống tham nhũng với đảng. Báo chí nhà nước cũng chỉ chạy vòng ngoài cho có vẻ có gánh vác chuyện tầy trời này.
Lý do vì dân không có luật pháp bảo vệ trong thực tế, dù có luật nhưng ai cũng biết có “chờ được vạ thì má đã sưng”. Trong khi hầu hết những kẻ tham nhũng lại là thành phần có chức và có quyền để sinh sát dân.
NGHE ÔNG TRỌNG NÓI
Đó là lý do tại sao ông Nguyễn Phú Trọng phải thừa nhận:”Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", nể nang, né tránh, ngại va chạm; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu.
Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc trong người dân, doanh nghiệp.”
(Phát biểu về phòng, chống tham nhũng của ông Trọng, ngày 25/06/2018)
Ông nói:”Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế là do nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, lĩnh vực mình quản lý; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả những người là lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng.”
Nhưng vũ khí tiêu diệt tham nhũng cũa ông Nguyễn Phú Trọng cũng không hay ho gì. Ông lại vịn vào môn võ “đẩy lùi” để làm lá bài hộ mạng. Ông nói :”Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm". Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước; đối với những người vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai.”
Nhưng ông lại mềm ngay đơ như thằn lằn cụt đuôi khi nói rằng:”Mục đích kỷ luật là để "trị bệnh cứu người", cảnh tỉnh, răn đe, do đó phải quán triệt phương châm phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Tăng cường giám sát của tổ chức đảng từ trên xuống, giám sát từ dưới lên, phát huy vai trò giám sát lẫn nhau trong cùng cấp, tăng cường quản lý, giám sát thường ngày đối với đảng viên và cán bộ lãnh đạo.”
Ông Trọng nói nghe qua thì bùi tai đấy, nhưng đến Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất nước và Mặt trận Tổ quốc, tổ chức có luật quy định vai trò giám sát đàng hoàng mà chưa giám sát được ai, huống chi là các tổ chức tép riu của đảng hay người dân.
Vì vậy, càng nghe ông Trọng nói chống tham nhũng thì càng thấy có thêm cán bộ, đảng viên tham nhũng sinh sôi nẩy nở. Tuy nhiên, ai cũng biết chỉ khi nào nhân dân được tự do ra báo và có quyền dân chủ bầu ra một chính phủ thật sự là của dân, do dân và vì dân, có tam quyền phân lập thật sự thì quốc nạn tham nhũng, kể cả tham nhũng chính trị, mới bị kiểm soát ở Việt Nam. -/-
Phạm Trần
(05/019)