Sứ điệp Phụng vụ của Chúa Nhật V PS chu kỳ năm C đưa dẫn chúng ta đi tới chân trời cánh chung của dân Chúa và điểm đến đích thực của toàn thể vũ trụ : một vũ trụ mới, một thế giới mới, một nhân loại mới…được tái tạo nhờ công trình cứu độ của Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết bằng con đường thập giá và sự phục sinh vinh quang.

Viễn tượng viên thành của cùng đích cứu độ đó đã được Thánh Đồ Gioan khắc hoạ qua những ngôn từ và hình ảnh sống động của sách Khải Huyền : “trời mới đất mới”, “Giêrusalem mới”, “tân nương được trang điểm cho tân lang của mình”, “Thiên Chúa ở với loài người”, “chết chóc sẽ không còn…”, “việc cũ đã qua đi”, “…Ta đổi mới mọi sự”…

Quả thật, một viễn tượng đáng ước mơ, một chân trời hy vọng ai cũng muốn hiện thực, một đích điểm ai cũng muốn mau có ngày đạt tới…!

Tuy nhiên, “viễn tượng cánh chung huy hoàng của triều đại Messia” đó đã bị người Do Thái khi xưa và rất nhiều người trong nhân loại hôm nay hiểu và “cố ép” cho lọt vào “cái “khung quan niệm và mơ ước đầy tính trần tục của mình” : một thứ “thiên đường trần gian”, một “trời mới đất mới” đáp ứng và thoả mãn cái tôi dục vọng của mình : vật chất, quyền lực, hưởng thụ, phóng túng…

Thảo nào, trên chặng đường cuối ở Giêrusalem, khi nghe những lời rao giảng mang âm hưởng của hy sinh khổ nạn “hạt lúa mì rơi xuống đất mục nát đí”, “Con người phải bị nộp vào tay kẻ dữ”, “dầu thơm này là cố ý dành cho ngày táng xác ta”, “hãy rửa chân cho nhau”…Giu-đa Is-ca-ri-ốt mau mắn chọn phương án “bỏ Thầy lấy bạc” cho chắc ăn, và quyết định “rời bàn tiệc” vào chính lúc chẳng ai ngờ: phút giây của tình yêu, tình bạn, tình hiệp nhất !

Thế nhưng, chính khi Giu-đa bước ra khổi phòng tiệc, dứt khoát quay lưng lại với niềm hy vọng của một “trời mới đất mới” do Đức Kitô mang đến qua bi kịch khổ nạn, thì chính Đức Kitô như tìm thấy một không gian mới đầy phấn khởi và thoải mái để bộc bạch cho các môn sinh còn ở lại chính “con đường để chinh phục” tương lai “trời mới đất mới ấy”.

Trước hết, Đức Kitô khẳng định : Cuối đường khổ nạn đó chính là chiến thắng vinh quang; công trình cứu độ chính là công trình tôn vinh Thiên Chúa và “tử nạn-phục sinh” chính là đỉnh điểm của hiển vinh.

“Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.”

Chính nhờ chân lý mạc khải nhiệm mầu nầy, cuộc lữ hành của “Nhiệm Thể Chúa Kitô” suốt 2000 năm nay, cho dù phủ đầy bào máu xương và nước mắt, hy sinh và bách hại…dân Chúa vẫn hiên ngang tiến về phía trước với niềm xác tín “một Vương quốc Nước Trời”, một “Trời mới đất mới” nơi “Thiên Chúa ở với loài người” đang hiện thực ở cuối chân trời !

Trong khi mạc khải cho các môn sinh cái viễn tượng “vinh hiển rạng ngời” của huyền nhiệm “Tử nạn – Phục Sinh”, Đức Kitô cũng đồng thời giới thiệu “gánh hành trang” cần thiết tuyệt vời để mang theo và thực hành trên cuộc lữ hành nhiêu khê chinh phục “trời mới đất mới”. Hành trang đó chính là : điều răn mới “HÃY YÊU THƯƠNG NHAU” :

"Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau".

Không chỉ đơn giản là “hành trang” ! “GIỚI RĂN MỚI YÊU THƯƠNG” còn là một di chúc cuối cùng trong đêm bị nộp, và cũng là con đường mà Ngài đã chọn đi và hoàn tất cuộc đời cho dù phải chấp nhận chén đắng của khổ hình thập giá.

Nhưng “luật yêu thương” thì nào có gì mới đâu ? Không phải sách Đệ Nhị Luật và Lê-vi trong Cựu ước đã từng thông báo : “Nếu các ngươi thực sự vâng nghe những mệnh lệnh Ta truyền cho các ngươi hôm nay, mà yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, và phụng thờ Người hết lòng hết dạ” (Đnl 11,13), “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình.” (Lv 19,18).

Vâng, “mến Chúa – yêu người”, giới răn nầy không mới; và chắc chắn chiều kích “mới” mà Đức Kitô nhấn mạnh ở đây không dựa trên tiêu chí “cường độ” hay “trương độ” (yêu nhiều hay yêu ít, yêu chỉ người thân hay yêu cả kẻ thù…) mà trên chính điều căn bản nầy : “Như Thầy đã yêu thương các con”.

Thật vậy, bản chất của “tình yêu Kitô giáo” phải phản ảnh dấu ấn Kitô từ “máng cỏ tới Thập Giá”, phải hiện thực “giá trị Kitô” qua con đường “Tám Mối phúc thật”, phải được thúc đẩy bởi “động lực Kitô” qua thái độ “nầy con xin đến”, phải mang “trái tim Kitô” khi luôn biết “chạnh lòng thương”, phải chọn lựa “cung cách Kitô” khi “quỳ xuống rửa chân cho anh em”, phải làm quan án Kitô khi “ta cũng không kết án chị”, phải trở thành “mái ấm Kitô” để nhiều đứa con hoang tìm được ơn tha thứ,… và chấp nhận cái “liều Kitô” khi sẵn sàng “hy sinh mạng sống”…!

Phải chăng thế giới ngày hôm nay, vì có quá nhiều thứ “tình yêu mang dáng đứng ích kỷ và nhỏ hẹp của dục vọng con người”, nên cũng mang theo bao nhiêu hệ luỵ của đau thương và thảm kịch : ly dị, phá thai, chiến tranh, khủng bố, tội ác…

Nhưng vẫn còn cơ may cho thế giới. Những lời Đức Kitô dành cho các môn sinh nơi Bàn Tiệc Ly của 2000 năm trước vẫn luôn được tiếp nối thực hành trong Giáo Hội muôn nơi. Vẫn còn đó những Maximilien Kolbe sẵn sàng yêu thương một tù nhân để sẵn sàng chết thay; vẫn còn đó những Giám Mục Gioan Cassein lặn lội nơi các buôn làng dân tộc K’hor Tây nguyên để sống, phục vụ và chết cùng với những bệnh nhân phong cùi; vẫn còn những nữ tu già nua ốm yếu như Mẹ thánh Têrêsa Calcutta dành cả cuộc đời để chăm sóc những người bị bỏ rơi, nghèo đói bên lề xã hội; vẫn còn những chàng trai tân tòng như Anrê Phú Yên, đi đến pháp trường tử đạo mà như đi tham dự hội vui, vì xác tín chỉ một điều giản đơn nhưng vĩ đại anh hùng : “Lấy tình yêu đáp trả tình yêu, hiến dâng mạng sống báo đền mạng sống”…!

Vâng, đó chính là “nét mới của giới luật tình yêu” theo Đức Kitô mà mọi Kitô hữu luôn được gọi mời để dấn thân thực hiện, và cũng để làm chứng chính cái “căn cước Kitô” của mình, như chính Đức Kitô đã xác quyết :

“Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau".

Chúng ta đừng quên, công cuộc rao giảng Tin Mừng của các Tông Đồ Phêrô, Gioan, Philipphê, Phaolô, Banaba…mà chúng ta được nghe sách Công Vụ Tông Đồ liên tục thuật lại trong những ngày nầy, chắc chắn sẽ không gặt hái được thành công nếu trong “lời rao giảng ấy” vắng bóng “nét mới của giới răn yêu thương” đó; và dĩ nhiên, dấu chỉ “thuộc về Đức Kitô” luôn được dân ngoại tìm thấy. Bởi vì, chính những người ngoại giáo vào những thế kỷ đầu Kitô giáo đã làm chứng điều đó qua lời trằm trồ khen ngợi : “Kìa xem họ thương nhau biết chừng nào” (Tertuliano Apology, 39.6).

Cùng lắng nghe và cầu nguyện cho nhau để “Giới răn mới” về yêu thương mà Đức Kitô đề nghị hôm nào sẽ không bao giờ bị vất vào sọt rác như một “đồ phế thải”, như một “tấm huy chương cũ mèm”; nhưng mãi mãi được chắt chiu thực hành, cho dẫu âm thầm, ẩn khuất, bé nhỏ như những hy sinh thầm lặng mà đầy ắp tình yêu của người nữ tu dòng kín vĩ đại Têrêsa Hài Đồng Giêsu, hay như những phục vụ lặng lẽ âm thầm của cô giáo Sophie Beranska để làm chứng cho một điều duy nhất : “Tôi là người Công Giáo; tôi chính là người môn đệ của Đức Kitô”. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền - Mùa Phục Sinh 2019