Ai cũng biết Steve Bannon là chiến lược gia đã thành công đưa Donald Trump vào ngồi ở Tòa Bạch Ốc, trong khi toàn bộ tháp ngà Hoa Kỳ tin rằng ông này không thể xứng đáng vào ngồi ở đấy được, không đời nào. Và ai cũng biết, khi Donald Trump chưa ấm chỗ ngồi ở Tòa Bạch Ốc, thì Steve Bannon đã rời khỏi đấy. Chẳng ai hay sau đó, ông ta làm gì. Bẵng đi một thời gian, theo Elise Harris và John L. Allen, nay ông ta tái xuất giang hồ mà lại tái xuất giang hồ ở một nơi rất lạ, đó là kinh thành muôn thuở Rôma. Và điều ông dự định làm còn lạ lùng hơn nữa: ông ta muốn “thách thức Đức Giáo Hoàng về nhiều mặt, Bannon muốn huấn luyện các dũng sĩ giác đấu” (xem Crux, Challenging pope on multiple fronts, Bannon wants to train gladiators).
Bài báo của hai ký giả trên, tuy viết vào ngày 1 tháng 4, nhưng không hề là một “poisson d’Avril” (cá tháng 4). Theo họ, giả sử bạn là kiểu người Công Giáo bảo thủ, thất vọng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô về nhiều vấn đề, không chỉ là việc ngài xử lý cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng mà còn là thỏa thuận bổ nhiệm các giám mục với Trung Quốc Cộng sản, liên tục phê phán các phong trào dân túy và duy quốc gia, nhiệt tình hỗ trợ quyền của người nhập cư, và v.v...
Nếu vậy, điều đó ít nhiều đặt bạn vào cùng một chiếc thuyền với Steve Bannon, kiến trúc sư của việc đưa Donald Trump lên nắm quyền, và giờ đây, Bannon có một đề xuất cho bạn: nghĩ sao về việc dành một năm cho học viện mới của ông ta ở Ý, với mục đích ra trường thành một dũng sĩ giác đấu để bảo vệ nền văn minh Do Thái Kitô giáo?
Bannon ở Rome hồi cuối tháng 3, một phần để chuẩn bị cho một chương trình thí nghiệm vào mùa thu này đặt tại một đan viện trung cổ ở Trisulti, khoảng một giờ lái xe ở bên ngoài Rome. Ông nói với Crux ngày 30 tháng 3 rằng ông hy vọng phiên bản đầy đủ của viện, với khoảng 100 sinh viên và giảng viên bổ sung, sẽ mở cửa vào năm 2020.
Ông nói “Toàn bộ khái niệm dũng sĩ giác đấu là tính một tâm một trí về nó. Các dũng sĩ giác đấu không chỉ lo kỹ thuật hoặc thể chất hoặc lòng can đảm, điều lớn lao nhất của họ là tính một tâm một trí (single-mindedness)”
Ông đoan hứa rằng “Học viện mới của ông sẽ giúp bạn hiểu tất cả nội dung tại sao nền văn minh này, nền văn hóa này lại đặc biệt, điều gì làm nó đặc biệt - từ việc hiểu Cựu Ước và nguồn gốc của nó trong Do Thái giáo và mọi điều về luật pháp, cho đến mọi điều thuộc thời hiện đại”, cùng với khả năng bảo vệ di sản đó trong một nền văn hóa ồn ào và đối kháng.
Ai là người tài trợ?
Ông nói: “Thật không may, ngay bây giờ, việc tài trợ cho viện này phát xuất từ Steven K. Bannon”; nhưng ông tin tưởng rằng, “chúng tôi sẽ có một số người Công Giáo khá nổi tiếng chịu bỏ tiền vào”.
Mặc dù Bannon minh xác rằng phạm vi của học viện mới không chỉ nhằm phản ứng chống lại nghị trình của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong cuộc trò chuyện với Crux, ông không tránh né nhiều chỉ trích đối với vị giáo hoàng này về ba mặt trận khác nhau: Vụ tai tiếng lạm dụng, Trung Quốc và chủ nghĩa dân túy.
Bannon dự đoán rằng nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ, toàn bộ Giáo Hội Công Giáo Mỹ có thể kết cục sẽ khánh tận sau 10 năm, sau khi bị truy tố theo các đạo luật RICO (1) mà thoạt đầu được thiết kế để chống tội phạm có tổ chức.
Ông nói “rõ ràng là điều này sẽ kết thúc trong nước mắt”.
“Họ sẽ bắt đầu đối xử với Giáo hội như một đám cướp (mob)... đạo luật RICO được thiết lập để họ có thể lấy tài sản ngay lập tức, bắt đầu tiền tệ hóa các tài sản đó và ban phát cho bất cứ ai. Các nạn nhân và những luật sư này sẽ cày trên đỉnh tài khoản này”.
Để ngăn chặn điều đó, Bannon đã đề nghị thành lập một số ban hoặc hội đồng mới cho phép giáo dân có trình độ xử lý các cuộc đàm phán thay mặt cho Giáo hội để cố gắng bảo vệ các tài sản.
Ông nói, “nó gần giống như một vụ tiền phá sản. Bạn cần các chuyên gia, bạn cần hàng ngũ giáo dân, bạn cần những người siêng năng cần mẫn và bắt đầu tham gia các cuộc thương lượng hoặc bất cứ điều gì, để bảo đảm rằng về mặt tài chính, điều này không vượt quá tầm kiểm soát”.
Điều đáng chú ý, một trong những nhân vật phân cực chính trị lớn nhất của Mỹ lại đã nhấn mạnh rằng một nỗ lực như vậy sẽ phải mang tính phi chính trị.
Bannon cho hay: “nó phải do từ người bảo thủ, duy truyền thống, người Công Giáo tham dự thánh lễ Latinh tới người tiến bộ nhất. Chúng ta phải đặt chính trị của Giáo hội sang một bên và đến với nhau, giúp đỡ và làm việc với hàng giáo sĩ, hàng giáo phẩm”.
Bannon cho biết ông có can dự vào đợt tai tiếng mới nhất - đặc biệt là những vụ liên quan đến Theodore McCarrick, cựu Hồng Y và hiện là cựu linh mục bị buộc tội về hàng loạt các hành vi lạm dụng và hư đốn về tình dục, và Hồng Y Donald Wuerl, người đã từ chức khỏi tòa Washington sau khi bị chỉ trích trong một báo cáo của đại bồi thẩm đoàn Pennsylvania về việc xử lý các trường hợp lạm dụng.
Bannon cho hay “tôi là gã đã đưa McCarrick và [Hồng Y Donald] Wuerl vào Phòng Bầu dục”.
Ông nói: “Theo truyền thống, vị Hồng Y của tổng giáo phận Washington gặp tổng thống trong tuần lễ đầu tiên cầm quyền. Wuerl là vị đó nhưng cả hai đều muốn đến, và tôi là người đặt họ vào lịch trình, dẫn họ vào phòng bầu dục, ngồi ở đó, v.v. Trump chào họ và dành một giờ với họ”.
Bannon nói: “bạn cảm thấy như, chà, ước chi mình cũng được ngẩng cao đầu! Bây giờ, tôi cảm thấy thật ngu ngốc, nhưng đó là nơi nhiều giáo dân nên có mặt”.
Về Trung Quốc, Bannon thậm chí còn nhấn mạnh hơn rằng Đức Phanxicô đang đi sai đường.
Ông nói “Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Quốc vụ khanh đã ký một thỏa thuận với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải là nhân dân Trung Quốc... đây là nhóm cán bộ cực đoan của Chủ tịch Tập Cận Bình và các tay đao phủ của ông ta, một chế độ độc tài toàn trị mà tập chú số một trong việc theo đuổi quyền kiểm soát của họ về căn bản là việc tiêu diệt các tôn giáo”.
Bannon cho rằng “Có một diễn trình trong thỏa thuận đó... dẫn đến mối liên hệ ngoại giao đầy đủ giữa Vatican và Đảng Cộng sản Trung Quốc, và điều này đã ném Hồng Kông, ném Đài Loan, ném một trăm triệu người Công Giáo dưới gầm xe buýt. Điều này thái quá. Bạn không thể làm thế”.
Bannon bày tỏ sự thất vọng khi các chi tiết của thỏa thuận được ký vào tháng 9 năm ngoái giữa Vatican và Trung Quốc để qui định việc lựa chọn giám mục đã không được tiết lộ; ông nhấn mạnh rằng Vatican có nghĩa vụ trong tư cách người ký tên vào Công ước Vienna năm 1961 là công ước qui định các liên hệ ngoại giao để tránh các thỏa thuận bí mật.
Bannon cho biết ông đã thành lập một quĩ “Thượng tôn pháp luật” trị giá 100 triệu đô la, được tài trợ bởi các tỷ phú Trung Quốc bỏ nước ra đi, và ông có thể sử dụng một số tiền mặt của quĩ đó để tài trợ cho một vụ kiện đòi Vatican phải tuân theo các điều khoản của công ước.
Ông nói “Họ là một bên ký kết một thỏa thuận cấm những gì nó đã làm. Điều rất cụ thể là bạn không thể làm những gì họ đã làm”; ông cho biết thêm nơi kiện có thể là New York, nơi đặt trụ sở của Liên Hợp Quốc - mặc dù, ông nhấn mạnh, ông thích có được một thỏa thuận nhờ thuyết phục hơn là kiện tụng.
Về những người theo chủ nghĩa dân túy ngày nay trong nền chính trị hoàn cầu - từ Trump ở Hoa Kỳ đến Salvini ở Ý, cũng như tổng thống mới của Brazil, Jair Bolsonaro - Bannon nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô cần ngưng việc chỉ tay vào họ.
Ông nói “điều vị giáo hoàng và những người xung quanh ngài đang làm là liên tục nhắm riêng những gã xấu này, đây là chỗ mọi vấn đề phát xuất, điều này sẽ chỉ dẫn đến thảm họa. Tôi nghĩ điều đó phải dừng lại”.
Cuối cùng, Bannon cho biết từ lâu ông vẫn ngỡ ngàng trước một sự tương đồng nào đó giữa ông xếp cũ của ông, là Donald Trump, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Bannon cho hay “Ngài và ông Trump ở cùng một bình diện. Ngài tung tin mỗi ngày, và cũng rất tinh vi. Ngài biết chính xác phải làm thế nào để chiếm hàng tin đầu. Họ rất giống nhau... họ là những con chồn mật (honey badgers)”.
Nhưng tận đáy lòng, Bannon vẫn là một người Công Giáo rất cổ điển ở chỗ ông không thể không yêu kính vị giáo hoàng hiện đang ngồi trên tòa Phêrô. Bất luận người Công Giáo nghĩ gì về ngài, nhưng nói đến vị giáo hoàng của họ, nhất là trước mặt người khác, họ chỉ có thể dấy lên một niềm yêu thương man mát. Bannon cũng thế, vì ở cuối bài báo, hai ký giả trên cho hay: “Bannon cho biết: Đức Phanxicô là một nhà tranh đấu và tôi rất ngưỡng mộ rất nhiều thứ (nơi ngài)”.
(1) RICO viết tắt của Đạo luật Racketeer Influenced and Corrupt Organizations Act, ban hành năm 1970, nhằm kiểm soát tội phạm có tổ chức tại Hoa Kỳ.