Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Mùa Vọng năm ngoái chúng ta đã bắt đầu suy niệm một câu từ Thánh Vịnh: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.” (Tv 42: 2). Trong bài giảng Mùa Chay đầu tiên này, tôi muốn suy tư với các bạn về điều kiện cần thiết để “nhìn thấy” Thiên Chúa. Theo Chúa Giêsu, đó là sự thanh sạch trong tâm hồn: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5: 8).
Chúng ta biết rằng trong Kinh Thánh những chữ “thanh sạch” và “sự thuần khiết”, như trong ngôn ngữ hàng ngày, có ý nghĩa rất rộng. Phúc âm nhấn mạnh đến hai lĩnh vực cụ thể: sự công chính trong ý định và sự thuần khiết trong đạo đức. Đối lập với sự công chính trong ý định là đạo đức giả; và ngược lại với sự thuần khiết trong đạo đức là lạm dụng tình dục.
Trong lĩnh vực đạo đức, từ “tinh khiết” thường được dùng để chỉ một hành vi nhất định trong lĩnh vực tính dục, phù hợp với ý muốn của Đấng Tạo Hóa và mục đích nội tại của tính dục. Chúng ta không thể tiếp xúc với Thiên Chúa, Đấng là tinh thần, bằng phương thế nào khác hơn là tinh thần của chính chúng ta. Nhưng rối loạn hay tệ hơn là những biến thái trong lĩnh vực tính dục này có tác dụng, mà mọi người đều có thể thấy được, là làm tăm tối tâm trí. Nó giống như lấy chân khuấy bùn trong ao: bùn ở phía dưới bị khuấy lên và làm vấy bẩn tất cả nước. Thiên Chúa là ánh sáng và một người chọn cách hoạt động như thế “ghét ánh sáng.”
Tội ô uế ngăn chúng ta nhìn thấy thiên nhan Chúa, hoặc, nếu có thấy đi nữa, thì cũng chỉ là một hình ảnh đã bị biến dạng hoàn toàn. Thiên Chúa trở thành không phải là một người bạn, một đồng minh, và một người cha mà là một đối thủ, một kẻ thù. Con người xác thịt đầy những dục vọng và những ao ước của cải cũng như những thứ đi kèm khác. Trong tình huống này, Thiên Chúa dường như là một người cản đường cản lối ngăn chặn con đường dẫn đến những ham muốn xấu xa với các lệnh truyền quyết liệt của Người: “Ngươi phải!” và “Ngươi không được!” Tội lỗi khơi dậy một sự cay đắng thầm kín đối với Chúa trong lòng mọi người đến mức nếu để cho họ quyết định, họ sẽ ước rằng trên thực tế Chúa không hề tồn tại thì hơn.
Tuy nhiên, trong dịp này, tôi muốn tập trung chủ yếu vào ý nghĩa thứ hai của “sự thanh sạch trong tâm hồn” hơn là ý nghĩa thứ nhất - sự thuần khiết trong đạo đức. Tôi sẽ đề cập đến sự công chính trong ý định, mà trong thực tế đối lập với đạo đức giả. Mùa phụng vụ chúng ta đang sống lúc này cũng định hướng chúng ta theo chiều hướng đó. Chúng ta đã bắt đầu Mùa Chay hôm Thứ Tư Lễ Tro với việc nghe lại những lời khuyên răn được liên tục lặp đi lặp lại của Chúa Giêsu:
“Khi làm việc lành phúc đức, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường làm…Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả…Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả” (Mt 6: 1-18) Thật đáng ngạc nhiên khi thấy tội đạo đức giả nặng nề như thế, đến mức là tội lỗi mà Chúa Giêsu đã tố cáo nhiều nhất trong Tin mừng, nhưng tội ấy lại rất ít khi được đưa vào các công thức tự vấn lương tâm thông thường của chúng ta. Nếu không tìm thấy câu hỏi: “Tôi có từng là một kẻ đạo đức giả không?” trong bản xét mình, ta phải tự mình thêm câu hỏi ấy vào, và hiếm khi nào ta có thể bước qua câu hỏi tiếp theo mà không cảm thấy mình có tội. Hành động đạo đức giả lớn nhất là che giấu thói đạo đức giả của chính mình, che giấu nó khỏi chính chúng ta và những người khác, nhưng không thể che giấu tội ấy trước Thiên Chúa. Đạo đức giả phần lớn gây sững sờ vào thời điểm nó bị nhận ra. Và đây là những gì tôi đề xuất trong bài suy niệm này: đó là nhận ra phần đạo đức giả, ít nhiều có ý thức, trong các hành động của chúng ta.
Blaise Pascal viết rằng một người có hai cuộc sống: Một là cuộc sống thực sự của anh ta và cái thứ hai là cuộc sống tưởng tượng mà anh ta sống trong tâm trí của chính mình và trong tâm trí của những người khác. Chúng ta làm việc chăm chỉ để tôn tạo và bảo tồn con người tưởng tượng của mình đến mức bỏ bê thực thể của chúng ta. Nếu chúng ta có một số đức tính hoặc công đức, chúng ta cẩn thận làm cho chúng được người đời biết đến cách này cách khác ngõ hầu có thể gắn chúng vào cái hiện sinh tưởng tượng của mình. Chúng ta thậm chí tách biệt một đức tính khỏi cuộc sống thực của mình và gắn nó vào cuộc sống tưởng tượng, chẳng hạn, để được người đời ca tụng, chúng ta sẵn sàng trở thành những kẻ hèn nhát để có được danh tiếng là dũng cảm đến mức dám liều mất mạng.
Chúng ta hãy cố gắng khám phá nguồn gốc và ý nghĩa của từ “hypocrisy” - “đạo đức giả”. Nó xuất phát từ ngôn ngữ của kịch nghệ. Lúc đầu, nó chỉ đơn giản có nghĩa là “đóng kịch, diễn xuất trên sân khấu.” Yếu tố nội tại của sự giả dối xảy ra ở tất cả các giai đoạn sản xuất của sân khấu đã không thu hút được sự chú ý của những người thời xưa mặc dù người ta thừa nhận giá trị đạo đức và nghệ thuật cao của nó. Đây là nguồn gốc của sự phán xét tiêu cực đối với nghề diễn xuất, là ngành nghề bị hạn chế trong những thời kỳ nhất định. Có những thời kỳ, nghề này chỉ dành cho những người nô lệ, và thậm chí bị trực tiếp cấm chỉ bởi những nhà hộ giáo Kitô. Nỗi buồn và niềm vui được trình bày và nhấn mạnh không phải là nỗi buồn và niềm vui thực sự mà chỉ là bề ngoài, chỉ là một hư cấu. Các ngôn từ và thái độ bên ngoài không tương ứng với thực tế bên trong của tâm hồn. Những gì xuất hiện trên khuôn mặt của một người không phải là những gì trong trái tim của người đó.
Chúng tôi sử dụng từ “hư cấu” với một nghĩa trung tính hoặc thậm chí là tích cực. (Nó đề cập đến một thể loại văn học và giải trí rất phổ biến ngày nay!) Người xưa đã cho nó ý nghĩa mà nó thực sự có: “làm bộ”. Đâu là sự tiêu cực trong giai đoạn “hypocrisy” – “hư cấu kịch nghệ” - được chuyển sang từ “hypocrisy” - “đạo đức giả”. Sau một thời gian là một thuật ngữ trung tính vào thuở ban đầu, nó đã trở thành một trong số ít những từ có ý nghĩa hoàn toàn tiêu cực. Có những người dám hãnh hiện mình là người quá kiêu ngạo, hay là kẻ bất cần đời, nhưng không ai hãnh hiện mình là một kẻ giả hình.
Nguồn gốc của từ này đưa chúng ta đi đúng hướng để khám phá bản chất của đạo đức giả. Nó biến cuộc sống thành một sân khấu nơi chúng ta biểu diễn cho công chúng xem; nó có nghĩa là đeo mặt nạ để không còn là một người thật nhưng trở thành một nhân vật. Một nhân vật hư cấu không có gì khác hơn là một sự biến thái của một con người thực. Người thực thì có diện mạo cụ thể; trái lại một nhân vật thì đeo mặt nạ. Con người thực thì hoàn toàn trần trụi; còn nhân vật thì được phủ hoàn toàn trong những lớp áo quần. Con người thực thì yêu thích sự chân thực và thực tại; còn nhân vật lại sống một cuộc đời hư cấu và giả tạo. Con người thực thì tuân theo niềm tin của chính mình; còn nhân vật lại sống theo một kịch bản. Con người thực thì khiêm tốn và hiền lành; còn nhân vật thì phức tạp khôn lường.
Xu hướng bẩm sinh này ở con người đã được nhân lên đáng kể bởi văn hóa hiện tại bị chi phối bởi hình ảnh. Phim, truyền hình và Internet, tất cả chúng chủ yếu dựa trên hình ảnh. René Descartes nói: “Cogito, ergo sum” “Tôi nghĩ, vì thế tôi là”, nhưng ngày nay có xu hướng được thay thế bằng “Tôi xuất hiện, vì thế tôi là”. Một nhà đạo đức học nổi tiếng định nghĩa đạo đức giả như “một lòng tôn kính nửa vời trước nhân đức” [La Rochefoucauld: “hypocrisy is a tribute vice pays to virtue” - Điều này thường được hiểu là người đạo đức giả nói một đàng nhưng làm một nẻo, anh ta nói những điều anh ta biết điều là đúng nhưng không sống với xác tín của mình. Kẻ giả hình nhận thức được rằng hành vi của anh ta là sai trái hoặc tội lỗi, và vì vậy anh ta nói lên sự thật với một lòng tôn kính. Đó là một lòng tôn kính nửa vời cốt để che đậy lối sống thực của mình - chú thích của người dịch]. Nó đặt ra những cái bẫy cách riêng cho những người có lòng đạo đức và hàng giáo sĩ. Một thầy rabbi trong thời Chúa Kitô nói rằng 90 phần trăm những kẻ đạo đức giả trên thế giới này có thể được tìm thấy ở Giêrusalem. Lý do rất đơn giản: bất cứ nơi nào các giá trị tinh thần, lòng đạo đức và các nhân đức được đánh giá cao nhất, nơi đó cám dỗ sống giả hình là mạnh nhất để người ta không nghĩ mình không có những điều đó.
Một mối nguy hiểm khác đến từ vô số các nghi lễ mà những người ngoan đạo được giả định phải thực hiện; và từ cơ man các quy tắc mà họ phải tuân thủ. Nếu những nghi thức này không đi kèm với một nỗ lực liên tục để thiết lập chúng trong tâm hồn của một người vì tình yêu đối với Thiên Chúa và người lân cận, thì chúng trở thành những cái vỏ rỗng. Thánh Phaolô, khi nói về những nghi thức bên ngoài và giới luật, nói: “Những điều ấy có vẻ khôn ngoan: nào là ‘sùng đạo tự ý’, nào là ‘khiêm nhường’, nào là ‘khổ hạnh’, nhưng không có giá trị gì nếu cứ sống trong ham muốn xác thịt lăng loàn.”(Côl 2:23). Trong trường hợp này, vị Tông đồ nói rằng mọi người đang “giữ hình thức tôn giáo nhưng phủ nhận sức mạnh của nó” (2 Tim 3: 5).
Khi đạo đức giả trở thành mãn tính, nó tạo ra, cả trong đời sống hôn nhân và đời sống tận hiến, một “cuộc sống hai mặt”: một là công khai và nổi tiếng trong khi mặt kia thường được che dấu – một cuộc sống ban ngày và một cuộc sống ban đêm. Đó là trạng thái tâm linh nguy hiểm nhất đối với một linh hồn, và việc thoát ra khỏi nó trở nên vô cùng khó khăn trừ khi có thứ gì đó từ bên ngoài can thiệp và phá vỡ bức tường đang phong tỏa một người phía sau. Đó là tình trạng mà Chúa Giêsu mô tả với hình ảnh của những mồ mả tô vôi:
“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!” (Mt 23: 27-28) Nếu chúng ta tự hỏi tại sao đạo đức giả lại là một điều kinh tởm đối với Thiên Chúa như thế, thì câu trả lời đã rõ ràng. Đạo đức giả là một lời nói dối. Nó che khuất sự thật. Thêm vào đó, đạo đức giả hạ bệ Thiên Chúa và đưa Ngài xuống vị trí thứ hai trong khi đưa các tạo vật – là công chúng – lên vị trí thứ nhất. Như thể ai đó trước sự chứng kiến của một vị vua lại dám quay lưng lại với nhà vua để chỉ tập trung vào những người hầu. “Con người chỉ trông vào vẻ bề ngoài, nhưng ĐỨC CHÚA nhìn thấu tâm can” (1 Sam 16: 7). Trau chuốt vẻ bề ngoài hơn là tâm hồn tự động có nghĩa là đặt con người trọng hơn Thiên Chúa.
Như thế, đạo đức giả, về cơ bản là thiếu đức tin, là một hình thức thờ ngẫu tượng trong đó các tạo vật được đặt ở vị trí của Đấng Tạo hóa. Chúa Giêsu giải thích việc các kẻ thù của Ngài không tin vào Ngài như sau: “Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?” (Ga 5:44). Đạo đức giả cũng là một sự thiếu lòng bác ái đối với những người lân cận vì nó có xu hướng hạ thấp những người khác thành những người ngưỡng mộ mình. Nó không nhận ra phẩm giá đúng của họ, bởi vì nó chỉ nhìn thấy những người khác trong mối tương quan với hình ảnh của chính mình. Điều quan trọng là quy mô của khán giả, ngoài ra không còn gì khác.
Một hình thái đạo đức giả là thói hai lòng hoặc không trung thực. Khi sống giả hình, người ta nhắm đến việc nói dối với Thiên Chúa, nhưng với thói hai lòng trong suy nghĩ và lời nói, người ta có ý muốn nói dối người khác. Thói hai lòng là nói một đàng và suy nghĩ một nẻo, nói tốt trước mặt một người rồi sau đó nói xấu người đó ngay khi người ấy quay lưng đi.
Phán xét của Chúa Kitô trên những người giả hình giống như một thanh kiếm rực lửa: “Receperunt mercedem suam” “Chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt 6: 2). Họ đã có một biên lai được ký nhận, vì vậy họ không thể mong đợi gì hơn. Tuy nhiên, đó là một phần thưởng hão huyền và phản tác dụng ngay cả trên bình diện con người vì có một câu nói rất đúng là “vinh quang bỏ trốn những ai theo đuổi nó và chạy theo những ai đang chạy trốn nó.”
Rõ ràng là chiến thắng của chúng ta đối với thói đạo đức giả sẽ không bao giờ là một chiến thắng ngay từ đầu. Trừ khi chúng ta đạt đến mức độ hoàn hảo rất cao, chúng ta không thể tránh khỏi cảm giác muốn xuất hiện dưới ánh hào quang, tạo ấn tượng tốt và làm hài lòng người khác. Vũ khí của chúng ta là sự điều chỉnh những ý định của chúng ta. Ý định chính đáng được thực hiện thông qua việc điều chỉnh liên tục, hàng ngày các ý định của chúng ta. Ý định của ý chí, chứ không phải cảm giác bên trong, là điều tạo nên sự khác biệt trong đôi mắt Chúa.
Nếu đạo đức giả bao gồm việc phô trương những điều tốt đẹp mà ta không thực sự làm, thì một biện pháp hiệu quả để chống lại xu hướng này là che giấu đi những điều tốt đẹp mà ta thực sự làm, để tạo điều kiện cho những cử chỉ thầm lặng không bị hư hỏng bởi bất kỳ ánh mắt trần thế nào và giữ được tất cả hương thơm của những việc lành phúc đức ấy cho Chúa. Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Thiên Chúa hài lòng hơn trước một công việc, dù nhỏ đến đâu, được thực hiện trong thầm lặng, không mong người ta biết đến, hơn cả ngàn công việc được thực hiện với lòng ao ước người ta biết đến chúng.” Thánh nhân nói tiếp rằng: “Ai thực hiện một việc thuần túy và hoàn toàn cho Thiên Chúa đáng được hưởng Nước Trời.”
Chúa Giêsu liên tục khích lệ thực hành này: “Hãy cầu nguyện kín đáo, ăn chay kín đáo, bố thí kín đáo, và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (xem Mt 6: 4-18). Những hành động tinh tế này trước mặt Thiên Chúa tăng thêm sinh lực cho linh hồn. Tuy nhiên, vấn đề không phải là làm cho điều này trở nên một quy tắc cứng nhắc bởi vì Chúa Giêsu cũng nói: “ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5:16 ). Vấn đề là sáng suốt phân định khi nào là tốt cho người khác thấy và khi nào tốt hơn là đừng cho họ thấy.
Điều tồi tệ nhất mà người ta có thể làm sau khi nghe hoặc đọc một mô tả về đạo đức giả là sử dụng nó mà phán xét người khác và tố cáo sự giả hình xung quanh chúng ta. Chính những người này là những người Chúa Giêsu đã gọi đích danh là những kẻ giả hình: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.” (Mt 7: 5) Đây đúng là trường hợp “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8: 7). Có ai có thể nói rằng họ hoàn toàn miễn dịch với mọi hình thái đạo đức giả không? Có ai dám nói mình không có một chút nào giống như mồ mả tô vôi, bên trong khác với vẻ bên ngoài không? Có thể chỉ có Chúa Giêsu và Đức Mẹ của chúng ta được miễn trừ, một cách vĩnh viễn và tuyệt đối, khỏi mọi hình thái đạo đức giả. Có một sự thật an ủi là ngay sau khi nói: “Tôi đã là một kẻ đạo đức giả,” thói đạo đức giả của người ấy được khắc phục.
“Nếu mắt anh sáng”
Lời Chúa không giới hạn trong việc lên án sự xấu xa của thói đạo đức giả: Lời Chúa cũng thúc giục con người tu luyện nhân đức ngược lại, đó là đức đơn sơ. “Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng.” (xem Mt 6:22). Từ “đơn sơ” có thể có – và cho đến nay vẫn có - một ý nghĩa tiêu cực của sự cả tin, ngây thơ, hời hợt, và ngu ngốc. Chúa Giêsu đã cẩn thận để loại trừ ý nghĩa này: khi Ngài khuyên các môn đệ hãy “đơn sơ và ngây thơ như chim bồ câu”, nhưng Ngài cũng đưa ra thêm lời mời gọi hãy “khôn khéo như rắn” (xem Mt 10:16).
Thánh Phaolô tiếp nhận và áp dụng giáo huấn phúc âm về đức đơn sơ vào đời sống của cộng đồng Kitô giáo. Trong Thư gửi tín hữu Rôma, ngài viết: “Ai đóng góp, thì hãy làm như thế với đức đơn sơ và chân thành.” (xem Rm 12: 8). Trước tiên, ngài đề cập đến những người trong cộng đồng chịu trách nhiệm cho các công việc bác ái, nhưng lời khuyên này được áp dụng cho tất cả, không chỉ cho những người đóng góp tiền của mà còn cho những ai trao ban ra thời gian và công việc của họ. Điều này có nghĩa là đừng nhấn mạnh điều thiện ta làm cho người khác hoặc thiện ích từ chức vụ của ta. Alessandro Manzoni trong cuốn tiểu thuyết “The Betrothed” [Tiếng Ý “I promessi sposi” – “Người đã hứa hôn” là tiểu thuyết lịch sử của Alessandro Manzoni xuất bản năm 1827. Đây là cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Ý được đọc nhiều nhất trong văn học Italia. Tháng Năm, 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ các cặp hứa hôn đọc cuốn tiểu thuyết gồm 3 tập này – chú thích của người dịch] - đã thể hiện tinh thần phúc âm rất tốt và có một cảnh rất cảm động về vấn đề này liên quan đến người thợ may giỏi của làng:
“Anh tự ngắt lời mình, như thể bị kiểm tra bởi một số suy nghĩ. Anh ngập ngừng giây lát; sau đó bỏ một vài món ăn trên bàn vào một cái dĩa, và thêm vào một ổ bánh mì, anh đặt nó vào một miếng vải, và cột bốn góc lại, rồi nói với cô con gái lớn của mình: ‘Đây, cầm lấy đi’. Rồi anh đặt vào tay kia của cô một bình rượu nhỏ, và nói thêm: ‘Con đi xuống nhà góa phụ Maria, trao cho bà ấy những thứ này, và nói với bà ấy làm chút gì đó đãi mấy đứa con của bà. Nhưng con hãy làm điều đó thật dịu dàng và tế nhị, để bà ấy đừng nghĩ con đang làm một việc bác ái cho bà.’”
Tông đồ Phaolô cũng nói về đức đơn sơ trong một bối cảnh khác mà chúng ta đặc biệt chú ý vì nó có liên quan đến Lễ Vượt Qua. Khi viết thư cho các tín hữu Côrinhtô, thánh nhân nói: “Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ.” (1 Cô 5: 7-8) Lễ mà vị Tông đồ mời mọi người ăn mừng không chỉ là bất kỳ bữa tiệc nào nhưng là bữa tiệc tuyệt vời, bữa tiệc độc đáo mà Kitô giáo đã quen thuộc và được tổ chức trong ba thế kỷ đầu tiên của lịch sử, là Lễ Vượt qua. Vào đêm trước lễ Vượt qua, ngày thứ 13 của tháng Nisan [tháng đầu tiên theo lịch Do Thái - chú thích của người dịch], nghi lễ của người Do Thái đòi buộc các bà nội trợ phải dùng ánh nến soi sáng để quét sạch toàn bộ ngôi nhà, dọn dẹp mọi ngóc ngách để loại bỏ ngay cả những vết tích nhỏ nhất của bánh có men để mừng ngày lễ Vượt qua vào ngày hôm sau với toàn bộ bánh không men. Đối với với người Do Thái, men thực sự đồng nghĩa với băng hoại, và bánh không men là biểu tượng của sự tinh khiết, mới mẻ và toàn vẹn. Chính trong ý nghĩa này mà Chúa Giêsu gọi những kẻ đạo đức giả là “men” khi đề cập đến “men của người Pharisêu” (Lc 12: 1).
Thánh Phaolô xem thực hành nghi lễ này của người Do Thái như một ẩn dụ quan trọng cho đời sống Kitô hữu. Chúa Kitô đã bị hy sinh; Ngài là Lễ Vượt Qua đích thực, mà Lễ Vượt Qua cổ xưa đã tiên báo. Như thế, chúng ta cần soi sáng nội thất ngôi nhà chúng ta – là tâm hồn mình – và loại bỏ tất cả những gì là cũ kỹ và băng hoại để trở thành “một ngọn đèn mới”, để làm một cuộc tổng vệ sinh đón mùa xuân mới trong chính chúng ta. Từ “heilikrineia” trong tiếng Hy Lạp được dịch là “chân thành” chứa đựng ý tưởng về sự chói sáng của ánh mặt trời (helios), cũng như sự thử nghiệm và phán xét (krino), vì vậy nó có nghĩa là tính minh bạch rạng rỡ, là cái gì đó đã được thử nghiệm trong ánh sáng và đã được tìm thấy là tinh khiết.
Đức đơn sơ có mô hình siêu phàm nhất mà bất cứ ai cũng có thể nghĩ đến: chính là Thiên Chúa. Thánh Augustinô viết: “Thiên Chúa là Ba Ngôi, nhưng Ngài không phải là ba.” Ngài chính là đức đơn sơ. Ba Ngôi không phá hủy đức đơn sơ của Thiên Chúa, bởi vì đức đơn sơ liên quan đến bản tính, và bản tính của Thiên Chúa là một và đơn nhất. Thánh Thomas trung thành giữ lại di sản này khi nói rằng đức đơn sơ là thuộc tính đầu tiên của Thiên Chúa.
Kinh Thánh bày tỏ sự thật này một cách rất cụ thể thông qua hình ảnh: “Thiên Chúa là ánh sáng và trong Ngài chẳng hề có sự tối tăm” (1 Ga 1: 5). Sự vắng mặt của bất kỳ hình thái hỗn hợp nào cũng là một trong nhiều ý nghĩa của danh hiệu thần thánh Qadosh, Holy. Sự viên mãn thuần khiết, đức đơn sơ thuần khiết. Thánh Catherine, nhà thần bí vĩ đại thành Genoa chỉ vào khía cạnh này của bản tính Thiên Chúa, mà thánh nữ đã say mê, với những từ như “toàn bộ”, và “trọn vẹn”, là những từ cùng nhau cho thấy sự tinh khiết và đầy đủ, viên mãn tuyệt đối và đồng nhất. Thiên Chúa là “tất cả của một mảnh. Đức đơn sơ của Thiên Chúa là “sự viên mãn thuần khiết”. Kinh Thánh nói về Ngài: “Không có gì có thể được thêm vào hoặc lấy đi” (Sir 42:21). Thiên Chúa là sự viên mãn tối cao, vì thế, không gì có thể thêm vào Ngài; Thiên Chúa là sự thuần khiết tối cao, không có gì được lấy đi khỏi Ngài. Hai điều đó không bao giờ hợp nhất trong chúng ta; cái này mâu thuẫn với cái kia. Sự thuần khiết của chúng ta luôn luôn có được bằng cách loại bỏ một cái gì đó, bằng sự thanh tẩy chính mình, bằng cách “loại bỏ cái ác trong những hành động của chúng ta” (xem Is 1:16).
Bất kỳ loại hành động nào, dù nhỏ đi chăng nữa, nếu được thực hiện với một ý định thuần khiết và đơn sơ, đều khiến chúng ta được “giống hình ảnh và giống như Thiên Chúa”. Một ý định thuần khiết và đơn sơ tập trung năng lượng phân tán trong linh hồn, chuẩn bị tinh thần, và kết hợp nó với Thiên Chúa. Đây là sự khởi đầu, kết thúc và là sự tô điểm cho tất cả các nhân đức. Khi chỉ nghiêng về Thiên Chúa và phán xét mọi thứ liên quan đến Ngài, đức đơn sơ đẩy xa và khước từ tính khoe khoang, đạo đức giả và thói hai lòng. Ý định thuần khiết và công chính là “mắt sáng”, mà Chúa Giêsu đề cập đến trong Tin Mừng, cho phép toàn thân được sáng, nghĩa là, sáng soi tất cả các cuộc sống và hành động của một người, và giữ cho người ấy được miễn dịch đối với tội lỗi.
Đức đơn sơ là một trong những thành tựu gian khổ và tuyệt vời nhất của hành trình tâm linh. Đức đơn sơ thuộc về người đã được thanh luyện bằng một lòng ăn năn thật sự, bởi vì đó là hoa trái của việc tách rời hoàn toàn khỏi chính mình, và là kết quả của tình yêu bất vụ lợi dành cho Chúa Kitô. Người ta đạt được nó từng chút một, không bị nản lòng bởi những cú trượt ngã, nhưng với một quyết tâm vững chắc để tìm kiếm Chúa vì Chúa chứ không phải vì chúng ta.
Nếu tôi có thể được phép đưa ra một gợi ý vào cuối buổi tĩnh tâm này, thì tôi sẽ đề nghị chúng ta tìm trong Thánh Vịnh 139 trong Sách Thánh Vịnh hay trong Sách Các Giờ Kinh Phụng vụ và đọc chậm rãi, lặp đi lặp lại như thể chúng ta đang đọc lần đầu tiên trong đời, thậm chí như thể chúng ta đang tự sáng tác ra bài thi thiên ấy và là người đầu tiên nói ra bài này. Nếu đạo đức giả và thói hai lòng bao gồm việc tìm kiếm ánh mắt của người ta hơn là ánh mắt của Thiên Chúa, thì ở đây chúng ta tìm thấy phương dược hiệu quả nhất. Đọc lại thánh vịnh này giống như trải qua một hình thức soi X quang, giống như phơi mình trước những tia X. Ta cảm nhận được ánh mắt của Chúa vượt qua mọi phần của chúng ta. Tôi luôn nhớ ấn tượng tôi có khi lần đầu tiên đọc thánh vịnh này theo cách tôi đang mô tả. Amen.
Source:Cantalamessa