Trong ngày đầu tiên của “Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội” khai mạc hôm 21 tháng Hai tại phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới tại Vatican, sau lời khai mạc của Đức Thánh Cha Phanxicô, hội nghị đã nghe 3 bài thuyết trình.

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục Manila, Phi Luật Tân đã đọc bài thuyết trình đầu tiên có nhan đề “Mùi chiên: Biết được nỗi đau và chữa lành vết thương của họ là cốt lõi trong sứ vụ người mục tử”.

Tiếp theo, Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna, Đồng Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Đức Tin và cũng là Tổng Giám Mục Malta đã trình bày bài thứ hai nhan đề: “Gánh lấy trách nhiệm giải quyết các trường hợp khủng hoảng lạm dụng tình dục và phòng chống lạm dụng.”

Ban chiều hội nghị đã nghe bài thuyết trình thứ ba của Đức Hồng Y Rubén Salazar Gómez, Tổng Giám Mục thủ đô Bogotá của Colombia và cũng là chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ Latinh (CELAM).

Đức Hồng Y Rubén Salazar Gómez nói rằng không có lời nào khả dĩ biện minh được cho việc không tố cáo và mạnh mẽ đối đầu với bất kỳ sự lạm dụng nào xuất hiện trong Giáo hội.

Tiêu đề bài thuyết trình của ngài là “Giáo Hội trong thời điểm khủng hoảng - Đối mặt với những xung đột và căng thẳng và hành động dứt khoát”

Theo Đức Hồng Y Salazar chủ nghĩa giáo sĩ trị là một trong những gốc rễ của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.

Chủ nghĩa giáo sĩ trị

Theo Đức Hồng Y, chủ nghĩa giáo sĩ trị phát sinh ra cách thức đáp trả thông thường cuộc khủng hoảng này: “chúng ta gặp phải một sự hiểu lầm về cách thực thi chức vụ đã dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng về thẩm quyền làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này. Điều này được mệnh danh là chủ nghĩa giáo sĩ trị.”

Trích dẫn bức thư Đức Thánh Cha Phanxicô gởi cho dân Chúa vào tháng 8 năm ngoái, Đức Hồng Y Salazar nói rằng: “Nói ‘không’ với lạm dụng là nói một lời nói ‘không’ nhấn mạnh đối với tất cả các hình thức của chủ nghĩa giáo sĩ trị”.

Theo ngài, đây là những lời rõ ràng thúc giục chúng ta đi đến gốc rễ của vấn đề ngõ hầu có thể đối mặt với nó một cách hiệu quả.

Thành ra, theo Đức Hồng Y Salazar, cần phải “vạch trần chủ nghĩa giáo sĩ trị ẩn bên dưới và mang lại sự thay đổi về tâm lý một cách chính xác hơn.” Sự thay đổi này, ngài gọi là hoán cải.

Ngài kêu gọi tất cả các giám mục phải gánh lấy trách nhiệm của mình trong việc kết hợp chặt chẽ giữa lời nói và hành động. “Não trạng đằng sau lời nói của chúng ta phải trải qua một sự xét mình kỹ lưỡng để lời nói và hành động của chúng ta tương ứng với thánh ý của Chúa cho Giáo hội vào lúc này.”

Cốt lõi trong bài phát biểu của Đức Hồng Y là niềm tin rằng “Thực tế rằng việc lạm dụng xảy ra ở cả các tổ chức và các nhóm khác không bao giờ có thể biện minh cho sự xuất hiện của sự lạm dụng trong Giáo hội, bởi vì nó mâu thuẫn với chính bản chất của cộng đồng giáo hội và tạo thành một sự biến dạng ghê tởm của thừa tác vụ tư tế mà tự bản chất của sứ vụ ấy đòi hỏi phải tìm kiếm sự tốt lành của các linh hồn như là mục đích tối cao của nó. Không thể biện minh cho việc không tố cáo, không vạch mặt, không can đảm và mạnh mẽ đối đầu với bất kỳ sự lạm dụng nào xuất hiện trong Giáo hội của chúng ta.”

Các Giám Mục đa đoan nhiều công việc nhưng đều là những trách nhiệm không thể lẩn tránh được

Đức Hồng Y Salazar đã trình bày các suy tư của ngài về trách nhiệm của các giám mục. Trước hết, ngài là một mục tử, và sau đó là thành viên của hàng giáo phẩm dưới thẩm quyền tối cao của Giáo hội, và chỉ ra rằng các giám mục không đơn độc đối phó với cuộc khủng hoảng này vì sứ vụ của ngài là một sứ vụ thuộc đoàn thể tính.

Ngài cũng tập trung vào trách nhiệm của các giám mục đối với các linh mục và những người tận hiến, nêu bật trách nhiệm của giám mục đối với các linh mục lạm dụng.

“Là một giám mục, chúng ta phải hoàn thành nghĩa vụ của mình là đối diện ngay với tình huống phát sinh từ một đơn tố cáo. Mỗi đơn tố cáo phải kích hoạt ngay các thủ tục được quy định cả trong giáo luật và luật dân sự của mỗi quốc gia, theo các hướng dẫn được thiết lập bởi mỗi Hội Đồng Giám Mục. Ngày nay, điều rõ ràng với chúng ta là bất kỳ sơ suất nào từ phía chúng ta đều có thể dẫn đến các hình phạt giáo luật, bao gồm việc loại bỏ khỏi thừa tác vụ và cả các hình phạt dân sự thậm chí có thể dẫn đến tù tội vì che giấu hoặc đồng lõa.”

Tuy nhiên, ngài cũng nhấn mạnh về quyền của bị cáo được xét xử khách quan và công bằng, và cách thức thực thi công lý một cách cụ thể, nhấn mạnh đến thực tế là các quyền của thủ phạm không bao giờ có thể được ưu tiên trên các quyền của những nạn nhân, đặc biệt là những người yếu thế, và dễ bị tổn thương nhất.

Để kết luận, Đức Hồng Y Salazar đã hướng sự chú ý của hội nghị đến trách nhiệm của các giám mục đối với dân thánh Chúa, và nói rằng Giáo hội phải gần gũi với các nạn nhân bị lạm dụng và nhiệm vụ đầu tiên của các giám mục là lắng nghe các nạn nhân.

Ngài lưu ý rằng một trong những tội lỗi đầu tiên phạm phải khi bắt đầu cuộc khủng hoảng chính xác là thái độ không lắng nghe với một con tim cởi mở trước những người cáo buộc rằng họ đã bị các giáo sĩ lạm dụng.

“Trách nhiệm của giám mục rất bao la và bao gồm nhiều lĩnh vực, nhưng đều là những trách nhiệm không thể tránh né,” Đức Hồng Y kết luận.


Source:Vatican News