Tin cựu Hồng Y McCarrick bị cởi áo dòng, kiểu nói nôm na thay cho việc hoàn tục một giáo sĩ, không làm ai ngạc nhiên, dù đây là một giáo sĩ lừng danh, cả đạo lẫn đời, vào hàng bậc nhất xưa nay của Giáo Hội và xã hội Hoa Kỳ.

Tuy thế, tin trên đã gây nên cả một làn nhận định ngược xuôi đủ điều. Ngoài thông báo chính thức của Bộ Giáo Lý Đức Tin, Bộ có tiếng nói gần như cuối cùng trong việc phán xử một giáo sĩ phạm tội lạm dụng tình dục, nhất là lạm dụng tình dục trẻ em, Tòa Thánh không có nhận định gì thêm. Tuy nhiên, dựa vào bản tin của VaticanNews ngày 16 tháng Hai, 2019, người ta thoáng thấy một nhận định mặc nhiên.

Kết tội, tội phạm, và hình phạt

Thực vậy, VaticanNews trước nhất cho biết đây là phán quyết gần như tối hậu của Bộ Giáo Lý Đức tin: Theodore McCarrick “mắc tội theo đuổi các tội phạm (delicts) trong khi là một giáo sĩ: gạ gẫm người ta phạm tội khiết tịnh trong Bí Tích Giải Tội, và các tội phạm đến Điền răn Thứ Sáu với vị thành niên và người trưởng thành, với nhân tố gia trọng là lạm dụng quyền hành”. Hình phạt là: “sa thải khỏi bậc giáo sĩ”.

Dĩ nhiên, không có mô tả nào về những tố cáo cụ thể. Nhưng liền sau đó, VaticanNews thuật lại lịch sử các lời tố cáo. Bắt đầu với tháng 9 năm 2017 khi Tổng Giáo Phận New York thông báo cho Tòa Thánh các lời tố cáo chống McCarrick lúc đó còn là Hồng Y vì đã lạm dụng một thiếu niên hồi thập niên 1970. Đức Giáo Hoàng Phanxicô bèn ra lệnh mở cuộc điều tra do tổng giáo phận New York phụ trách. Kết thúc cuộc điều tra, tổng giáo phận New York, qua Đức Hồng Y Dolan, tuyên bố rằng các lời tố cáo là “đáng tin cậy và được chứng minh”, và mọi tài liệu và khám phá đã được trình cho Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Hậu quả tức khắc: Hồng Y McCarrick bị cấm mọi thừa tác vụ công khai. VaticanNews cho hay: Vị này đã hợp tác với cuộc điều tra, chấp nhận quyết định của Tòa Thánh, trong khi duy trì sự vô tội của mình.

Cùng ngày, giáo phận Metuchen, và tổng giáo phận Newark, cả 2 ở New Jersey, tiết lộ rằng họ biết các lời tố cáo trong dĩ vãng về hành vi sai trái về tình dục của McCarrick, trong đó, có hai vụ phải “sắp xếp” theo luật pháp.

Chỉ có thế, VaticanNews không kể thêm trường hợp nào khác, cho thấy mấy trường hợp này đủ để Bộ Giáo Lý Đức Tin phán xử.

Tuy nhiên, VaticanNews cho biết thêm: sau khi công bố các lời tố cáo ban đầu trên đây, “các nguồn tin tức” đã cho đăng các lời tố cáo thêm về các hành vi tồi tệ chống lại các chủng sinh đã trưởng thành, cũng như các lạm dụng khác đối với các trẻ em.

Thời điểm đáng lưu ý thứ hai là ngày 28 tháng Bẩy, 2018 khi Đức Phanxicô chính thức chấp nhận đơn xin rút lui khỏi Hồng Y đoàn của McCarrick và buộc ông phải “ở tại một nhà sẽ được chỉ định, để sống 1 đời cầu nguyện và đền tội cho tới khi các lời tố cáo chống lại ngài được khảo sát trong một phiên tòa giáo luật thông thường”.

Liền sau đó, VaticanNews nhắc đến cam kết của Tòa Thánh trong việc chống lạm dụng và che đậy lạm dụng, cả hai đều ngụ hàm trong vụ McCarrick, bằng cách nhắc đến tuyên bố của Tòa Thánh ngày 6 tháng Mười, 2018: “cả việc lạm dụng lẫn việc che đậy nó không thể còn dung túng được nữa và việc đối xử khác với các giám mục phạm tội lạm dụng hay che đậy lạm dụng, trên thực tế là một hình thức giáo sĩ trị, không còn có thể chấp nhận được nữa”.

VaticanNews cũng cho hay: Dự ứng cuộc họp thượng đỉnh các chủ tịch hội đồng giám mục thế giới tại Vatican trong các ngày 21 tới 24 tháng Hai này, Tuyên bố trên nhấn mạnh lời lẽ của Đức Phanxicô trong Thư Gửi dân Chúa rằng: “cách duy nhất chúng ta phải đáp ứng sự xấu xa từng làm đen tối quá nhiều cuộc đời là cảm nhận nó như một trách vụ liên quan đến mọi người chúng ta như là Dân Thiên Chúa. Việc ý thức mình là một phần của một dân và một lịch sử chung này sẽ giúp chúng ta khả năng nhìn nhận tội lỗi và sai lầm quá khứ của ta với một sự cởi mở thống hối có thể giúp ta đổi mới từ bên trong” (20 tháng Tám, 2018).

Cũng nhân dịp này VaticanNews “biện hộ” cho đáp ứng mà nhiều người vẫn cho là muộn màng của Tòa Thánh đối với vụ McCarrick bằng cách đề cập tới vai trò của Bộ Giám Mục, Bộ, dù sao, cũng phải chịu trách nhiệm đối với “lịch sử” thăng cấp như diều gặp gió của McCarrick.

VaticanNews cho biết ngày 7 tháng 10, 2018, Đức Hồng Y Marc Ouellet, Bộ trưởng Bộ Giám Mục, cho công bố bức thư ngỏ trả lời các tố cáo của Đức Tổng Giám Mục Viganò, cựu sứ thần Tòa Thánh ở Hoa Kỳ, chống Bộ này, cho rằng Bộ đã góp một tay vào việc che đậy hành vi xấu xa của McCarrick. Trong bức thư, để trả lời cho câu hỏi chính ngài nêu lên rằng làm thế nào một con người như McCarrick lại có thể được tiến cử trong quá nhiều dịp như thế, thậm chí được cử làm Tổng Giám Mục Washington D.C. và làm Hồng Y, Đức Hồng Y Ouellet viết rằng: “các quyết định về nhân sự của các giáo hoàng dựa vào thông tin tốt nhất hiện có lúc đó và đều là những phán đoán ‘khôn ngoan’ không có tính vô ngộ”, nghĩa là có thể sai lầm! Vả lại, Đức Hồng Y Ouellet “đổ lỗi” cho McCarrick quá “khéo léo trong việc tự bênh vực mình chống lại các lời tố cáo nêu ra về mình”. Người ta có thể diễn dịch thêm rằng: khéo đến nỗi khiến Bộ Giám Mục không bao giờ điều tra. Vì quả Đức Hồng Y Ouellet không nói gì tới hành động của Bộ này, Bộ do ngài đảm nhận. Nhưng ngài nhấn mạnh: “một khi có đủ các chứng cớ có thực chất, các quyết định mạnh mẽ đã được đưa ra”.

Thực ra, Đức Hồng Y Ouellet có mặc nhiên nói đến “hành động” của Tòa Thánh đối với các “đồn đại” về McCarrick khi nhắc đến việc dưới triều giáo hoàng Bênêđíctô XVI, McCarrick đã “được thúc giục mạnh mẽ” đừng du hành và xuất hiện nơi công chúng, nhưng ông ta “làm ngơ các chỉ thị này”. Chắc hẳn đây là chỉ thị miệng, nên Đức Hồng Y Ouellet minh xác rằng “các chỉ thị này không phải là ‘các chế tài’ do Đức Bênêđíctô thứ 16 áp đặt, nên không có chuyện Đức Phanxicô gỡ bỏ các chế tài này”. Đức Hồng Y cũng cho rằng Đức Đức Thánh Cha Phanxicô không dính dáng gì tới việc bổ nhiệm McCarrick tại New York, Metuchen, Newark và Washington, nhưng ngài là người đã tước mũ Hồng Y của vị này khi lời tố cáo lạm dụng 1 vị thành niên được suy đoán là đáng tin cậy.

Để chứng minh việc không dính dáng gì của Đức Phanxicô trong các thăng thưởng của McCarrick, VaticanNews còn cẩn thận đăng cả tiểu sử của McCarrick và các niên hiệu ông được thăng thưởng, tất cả đều xẩy ra trước năm 2013, thậm chí, MacCarrick chỉ tham dự việc bầu Đức Bênêđíctô 16, chứ không tham dự việc bầu Đức Phanxicô!

Tóm lại, đối với Tòa Thánh, quyết định tước bậc giáo sĩ của McCarrick nhằm mục đích chứng tỏ quyết tâm chống lạm dụng và che đậy lạm dụng, một việc diễn ra ở đâu đâu chứ không dính dáng gì tới các bộ sở của Tòa Thánh kể từ Đức Phanxicô trở xuống.

Không những thế, theo Crux, các bộ sở Vatican còn “đổ lỗi” cho nhau. Trong bài “McCarrick becomes most senior cleric to be defrocked over abuse scandals”, đăng ngày 16 tháng Hai, tờ này thuật lại lời của Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna nói với họ ngày 14 tháng Hai vừa qua rằng: “... một ai đó có thể thao túng hệ thống đến độ có thể sống thoát cả một bãi mìn phao đồn như vậy được không? Đây là một câu hỏi căn bản, một câu hỏi may mắn thay không thuộc năng quyền của Bộ Giáo Lý Đức Tin”.

Mặt khác, hành động của Tòa Thánh lần này chỉ nhằm vào McCarrick, kẻ lạm dụng, hay nhằm vào một mặt của vấn đề kép: chống lạm dụng và chống che đậy lạm dụng. Việc minh nhiên hay mặc nhiên che đậy cho McCarrick để ông ta “thao túng hệ thống” như Đức Tổng Giám Mục Scicluna nói, thì chưa được nói tới, hay được gián tiếp nói tới để thoát chỉ trích của công luận.

Phản ứng của công luận

Thành thử Crux nhận định rằng “đối với nhiều người quan sát, điều còn cần được thấy là liệu Tòa Thánh có sẽ đưa ra hành động nào chống những người che đậy cho McCarrick hay làm ngơ các lời tố cáo".

Tuy nhiên, hành động trên được James Grein, nạn nhân bị McCarrick lạm dụng tồi tệ nhất, tỏ ra hài lòng. Grein năm nay đã ở tuổi 60, người từ lúc 11 tuổi đã bị McCarrick lạm dụng. Trong bài báo đăng trên New York Times, ngày 19 tháng Bẩy, 2018, ông chỉ cho biết tên riêng khi tiết lộ lần đầu tiên việc mình bị McCarrick lạm dụng. Đến mãi tháng Mười Một cùng năm, trong một cuộc mít tinh bên ngoài cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ở Baltimore, ông mới cho biết tên đầy đủ. Vatican đã sử dụng chứng từ của ông để kết tội McCarrick lạm dụng tình dục ông trong lúc xưng tội, một tội quá nặng theo giáo luật, đủ để bị loại ra khỏi hàng giáo sĩ.

Dù Grein cho rằng trong vụ này “không có ai thắng cả” nhưng ông “hạnh phúc vì Đức Giáo Hoàng đã tin tôi”. Và ông cho rằng “tình hình lịch sử và thánh thiện này làm nức lòng mọi người Công Giáo và nạn nhân bị lạm dụng khắp thế giới. Đây là lúc để chúng ta thanh tẩy Giáo Hội” và “tôi muốn trở về”. Ông hô hào “Hãy đứng lên vì Chúa Giêsu và bước đi cùng tôi”.

Edward Pentin của tờ National Catholic Register thì cho hay về phương diện kỹ thuật, hình phạt cởi áo dòng hay hoàn tục không hề có nghĩa là McCarrick hết còn là linh mục hay giám mục, vì việc phong chức linh mục và giám mục thì không ai cởi bỏ được. Ông chỉ không được thi hành bất cứ chức năng nào của hai chức thánh này mà thôi.

Dù sao thì đây cũng là một hình phạt rất nặng, nặng hơn cả tuyệt thông, vì tuyệt thông chỉ tạm thời và kéo dài bao lâu người phạm tội còn tiếp tục sống trong tội. Nó rất hiếm, chỉ mới xẩy ra cho Emmanuel Milingo ở Zambia năm 2009, Raymond Lahey ở Canada năm 2012, và Józef Wesołowski ở Ba Lan năm 2014. Nhưng McCarrick là giáo phẩm cao cấp nhất (Hồng Y) bị hoàn tục. Ông sẽ không bị truy tố ở tòa đời do Quy Chế Kỳ Hạn (statutes of Limitations) một điều Grein kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ bãi bỏ.

Nhân cơ hội này, Pentin trích lời tuyên bố của Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, trong đó, ngài cho rằng động thái của Tòa Thánh là “một dấu hiệu rõ ràng cho thấy việc lạm dụng sẽ không được dung túng. Không giám mục nào, bất kể gây ảnh hưởng ra sao, cũng không ở trên luật lệ của Giáo Hội”.

Tuy nhiên, không thấy ngài nhắc gì tới việc che đậy, tuy có nhắc đến nó một cách mặc nhiên, khi cho rằng “Đối với những người bị McCarrick lạm dụng, tôi cầu xin phán quyết này là một bước nhỏ, trong nhiều bước khác, hướng tới việc hàn gắn. Đối với các giám mục chúng tôi, bước này củng cố quyết tâm của chúng tôi trong việc buộc mình phải giải trình trách nhiệm đối với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô”.

Theo Pentin, lời tuyên bố của Đức Hồng Y O’Malley của Boston còn rõ ràng hơn thế hướng tới một bước có tính quyết định hơn nhiều: “không kể tính nghiêm trọng của việc sa thải tối hậu, trong nó và tự nó, việc này không thể cung cấp việc hàn gắn cho những người bị hại khủng khiếp đến thế bởi các vi phạm gây tai tiếng của vị cựu Tổng Giám Mục đối với thừa tác vụ của ngài hay đối với gia đình họ”.

“Ngoài ra, tự nó, hành động của Đức Thánh Cha cũng sẽ không mang lại sự hàn gắn cần thiết trong cộng đồng Công Giáo và xã hội bao quát hơn của chúng ta; cả hai đều ngỡ ngàng và tức giận một cách hữu lý khi thấy vị cựu Tổng Giám Mục có thể gây hại lâu đến thế cho các trẻ vị thành niên và người trẻ trưởng thành dễ bị tổn thương trong đời sống Giáo Hội”.

Christopher White của tờ Crux thuật lại lời tuyên bố của Đức Hồng Y Joseph Tobin của Tổng Giáo Phận Newark, Tổng Giáo Phận ngày xưa vốn là tòa của McCarrick, “tôi biết ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô về sự lãnh đạo của ngài suốt trong cuộc điều tra và quyết định khó khăn này. Sự cương quyết của ngài phản ảnh quết tâm của ngài trong việc bảo vệ người yếu đuối và người dễ bị thương tổn, tôn trọng nhân phẩm, chấp nhận trách nhiệm, và củng cố cam kết của Giáo Hội trong việc hàn gắn, hoà giải, và liên đới với các nạn nhân”. Không thấy ngài nhắc chi đến việc chống che đậy.

Đức cha James Checchio của Metuchen, giáo phận mà McCarrick là giám mục tiên khởi, cũng “rất biết ơn sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hành động một cách cương quyết, khi tiến hành nhanh thủ tục này và đạt được kết luận thích đáng”.

Riêng Đức Cha Michael Olson của Forth-Worth, Texas, thì rõ ràng và đầy đủ hơn khi nói rằng “tôi ủng hộ và biết ơn Đức Thánh Cha của chúng ta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, về quyết định bất phản hồi của ngài sa thải Theodore McCarrick khỏi bậc giáo sĩ sau nột diễn trình thích đáng... Công lý bao hàm điều này: bất cứ ai trợ giúp ông ta trong các hành động này hay che đậy chúng cũng buộc phải giải trình”.

Chính vì thế, John L. Allen thì cho rằng việc hoàn tục McCarrick chưa chấm dứt câu truyện do ông ta tạo ra. Theo ông, “Vatican rất có thể muốn vụ McCarrick được giải quyết xong trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô khai mạc hội nghị thượng đỉnh được nhiều người mong chờ gồm các chủ tịch hội đồng giám mục khắp thế giới... nhưng có ít nhất 4 chiều kích nữa cho thấy 'bụi phóng xạ' (fallout) từ tai tiếng McCarrick sẽ còn tiếp tục ám ảnh Vatican và Giáo Hội Hoa Kỳ trong một thời gian nữa”.

Bốn chiều kích đó là: các cuộc điều tra giáo phận, cuộc duyệt xét của Vatican, việc bảo vệ danh tiếng, và tập chú có lựa lọc.

Ý ông muốn nói: bốn giáo phận, nơi McCarrick từng phục vụ lâu năm (New York, Metuchen, Newark và Washington, D.C.) đều đang tiến hành các cuộc điều tra riêng của họ. Các cuộc điều tra này vẫn chưa xong.

Đàng khác, như mọi người đã biết: ngày 6 tháng Mười, 2018, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra lệnh “một cuộc duyệt xét thấu đáo” các hồ sơ của Tòa Thánh liên quan đến McCarrick để trả lời câu hỏi vốn là tâm điểm của vấn đề: ai biết gì, khi nào biết thế và tại sao lại không hành động? Cuộc duyệt xét này mới giải quyết được vế thứ hai của phương trình chống lạm dụng tình dục mà chính tuyên bố ngày 6 tháng Mười, 2018 của Tòa Thánh đã nói rõ. Tòa Thánh cũng nói rõ kết quả cuộc duyệt xét này sẽ được công bố kịp thời. Cho đến nay, chưa có công bố nào về việc này.

Về việc che chở tiếng tăm, Allen cho rằng một lý do khiến Tòa Thánh chưa cho công bố kết quả duyệt xét trên là vì “sự nhậy cảm chính trị” đối với tiếng tăm của một số nhân vật. Và điều này đã được tuyên bố ngày 6 tháng Mười, 2018 hàm ý: “từ việc khảo sát các sự kiện và hoàn cảnh, rất có thể xẩy ra điều này: các quyết định đưa ra có thể không phù hợp với cách tiếp cận đương thời đối với các vấn đề như thế”.

Nói rõ hơn, dường như Tòa Thánh không muốn phủ một bóng mờ lên Thánh Giáo Hoàng Phaolô II, vì chính dưới triều đại ngài, McCarrick đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Newark và Washington D.C. Ai cũng biết, McCarrick đóng một vai trò khá lớn trong việc nâng đỡ tài chánh cho Phong Trào Đoàn Kết Ba Lan.

Còn về việc tập chú có lựa lọc (selective focus), Allen cho rằng người Công Giáo ở các nơi khác không phải là Hoa Kỳ sẽ thắc mắc tại sao lại quá chú ý đến Hoa Kỳ mà không chú ý như thế đối với các nơi khác, như Chile chẳng hạn, nơi chính Đức Phanxicô đã tố cáo hàng giám mục ở đó che đậy, thậm chí hủy cả bằng chứng. Nhưng ở đó, truyền thông cũng như công luận đâu có lưu ý bằng và Vatican đâu có hành động quyết liệt như thế này.

Linh mục Jeffrey F. Kirby trong bài Voicing ‘immense hope’ that Francis will act swiftly and honestly on abuse (Lớn tiếng hy vọng rằng Đức Phanxicô sẽ hành động nhanh chóng và trung thực trong vấn đề lạm dụng) đăng trên Crux ngày 17 tháng Hai, viết rất mạnh rằng “đời sống trong Giáo Hội và hàng loạt các thăng thưởng của Theodore McCarrick cần phải được điều tra đầy đủ. Chúng ta phải ở quá bên kia việc hoàn tục. Giờ đây, tên tuổi những người thêm sức (enablers) và che chở cần được công bố. Các giáo sĩ khác cần được áp dụng kỷ luật. Nếu điều này không diễn ra, thì lòng tin tưởng vào việc cai trị nội bộ của Giáo Hội sẽ tan biến. Hàng giáo phẩm sẽ chỉ như một câu lạc bộ bị hoen ố chỉ biết nhìn ra ngoài và che chở những người của mình ngay cả họ đang lạm dụng và làm tổn thương người khác. Những kẻ thêm sức và che chở cho McCarrick cần bị loại bỏ và tước hết ân huệ vì sự đồng loã đáng xấu hổ với sự ác. Cần phải làm rõ với mọi người rằng hợp tác với sự ác sẽ lãnh hậu quả”.

Ed Condon của CNA thì cho rằng phán quyết về McCarrick có tốc độ “sấm chớp” theo tiêu chuẩn Vatican: tháng Sáu, 2018 mất mũ Hồng Y, tháng Hai, 2019 mất cả bậc giáo sĩ. Nhưng theo ông, việc hoàn tục trả lời rất ít cho các câu hỏi nêu lên bởi vụ này, mà thúc bách nhất là làm thế nào một con người gây tai tiếng như thế lại có thể leo cao đến như vậy trong Giáo Hội.

Có thể sau Hội Nghị Thượng Đỉnh thứ Năm này, Tòa Thánh sẽ cho công bố tên tuổi các “kẻ thêm sức và che chở” như Cha Kirby đòi hỏi chăng.