Nữ ký giả Nicole Winfield của Associated Press, ngày 25 vừa qua, dường như quên hẳn cô đang “đeo đuổi” một cuộc săn lùng chứng cớ để chứng minh có sự bao che trong vụ Gustavo Zanchetta, được coi như con thiêng liêng của Đức Phanxicô, đã tường thuật chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô ở Panama dưới một góc độ tích cực khác, đó là việc ngài lên án tình huống thối nát ở trong vùng trong tương quan với biến cố chính trị đang hết sức sôi động ở Venezuela.
Thực vậy, khởi đầu bài báo, cô cho biết: “Hôm thứ Năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng các viên chức công nên sống đơn giản, trung thực và minh bạch khi ngài bắt đầu chuyến viếng thăm một vùng ở Trung Mỹ, vùng vốn có nhiều tai tiếng tham nhũng và hiện đang đương đầu với cơn lốc chính trị tại Venezuela gần đó”.
Cô cho biết thêm: “Đức Phanxicô đã không nhắc gì tới cuộc khủng hoảng ở Venezuela trong các nhận định đầu tiên của ngài tại Panama sau khi gặp Tổng Thống Juan Carlos Varela tại dinh tổng thống. Nhưng phát ngôn viên của ngài nói rằng ngài theo dõi sát tình hình ở đấy và cầu nguyện cho nhân dân Venezuela và ủng hộ “mọi cố gắng có thể giúp cứu nhân dân nước này khỏi nhiều đau khổ hơn nữa”.
Cô cho hay Đức Phanxicô đã theo sát các bản văn soạn sẵn khi ở Panama, nơi ngài ca ngợi vị trí của Panama trong tư cách người bắc cầu giữa các đại dương và các nền văn hóa. Đồng thời ngài nêu thánh Oscar Romero làm mẫu mực cho một giáo hội khiêm nhường đồng hành với người nghèo.
Ngài cám ơn chính phủ Panama đã “mở rộng các cánh cửa nhà mình” cho các khách hành hương trẻ tuổi tụ về đây dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới, cuộc tụ tập lớn lao của tuổi trẻ Công Giáo thế giới và là lý do khiến ngài du hành tới đây.
Nhưng ngài cảnh cáo rằng cũng những người trẻ trên ngày càng đòi các viên chức công phải sống cuộc sống gắn bó với công việc họ được ủy thác, và xây dựng một “nền văn hóa minh bạch hơn” giữa các khu vực công và tư.
“Họ kêu gọi các người này sống đơn giản và minh bạch, với cảm thức trách nhiệm rõ ràng đối với người khác và thế giới. Sống một cuộc sống có thể chứng minh được rằng công vụ đồng nghĩa với trung thực và công lý, và chống lại mọi hình thức tham nhũng thối nát”.
Winfield cho rằng “Cơ quan Transparency International ước tính rằng 1 phần trăm Tổng Sản Lượng Quốc Gia của Panama, khoảng 600 triệu Mỹ Kim, có thể đã bị thất thoát vào tay một số âm mưu tham nhũng thời tổng thống của Ricardo Martinelli, người cai trị Panama từ 2009 tới 2014. Martinelli bị dẫn độ từ Hoa Kỳ về Panama năm ngoái để trả lời các cáo buộc do thám chính trị và biển thủ”.
Thêm vào đó, hai con trai của Martinelli hiện đang bị giam giữ ở Hoa Kỳ và đang bị truy nã tại Panama về tội tham nhũng. Họ bị hồ nghi nhận hơn 50 rriệu Mỹ Kim trong những vụ “chi trả bất xứng” từ công ty xây cất khổng lồ của Ba Tây là Odebrecht, hiện được coi là vụ tai tiếng nhất trong lịch sử tham nhũng ở đây.
Odebrecht từng thú nhận đã chi trả gần 800 triệu Mỹ Kim cho các vụ họ hối lộ hàng chục quốc gia vùng Châu Mỹ Latinh để được hưởng các khế ước đặc quyền đặc lợi.
Khoản chi đó bao gồm 59 triệu Mỹ Kim ở Panama, dù các nhà chức trách cho biết con số này chắc chắn lớn hơn nhiều. Ngoài hai người con trai của Martinelli, vụ tai tiếng còn liên lụy tới nhiều cựu bộ trưởng chính phủ dưới thời Martinelli cũng như những người có liên hệ với đảng cầm quyền của đương kim tổng thống Varela.
Gia đình Martinelli luôn bác bỏ việc các con trai của mình liên lụy tới tai tiếng hối lộ và cho rằng họ bị bách hại bởi các kẻ thù chính trị. Cựu tổng thống cũng bác bỏ mọi tố cáo chống lại ông, cho rằng ông bị nhắm vì chính trị.
Chủ đề thứ hai được Winfield tập chú là số phận di dân. Cô cho hay: “Vị giáo hoàng Châu Mỹ Latinh đầu tiên trong lịch sử, người sinh ra trong một gia đình di dân Ý tới Argentina, đã biến số phận di dân thành ưu tiên cho triều giáo hoàng của mình. Ngài lên tiếng tố cáo việc lòng sợ hãi di dân đã gây nên các xúc cảm dân túy và duy quốc gia ra sao khắp trên thế giới”.
Thực thế, chuyến viếng thăm của ngài tại Panama diễn ra dưới tấm phông của cả cơn lốc ở Venezuela lẫn sự bế tắc về di dân đang diễn ra ở Hoa Kỳ, nơi chính phủ đang đóng cửa một phần do yêu sách của Tổng Thống Trump muốn quốc hội cấp ngân khoản cho bức tường biên giới Mỹ-Mễ tây cơ.
Hôm thứ Năm, khi nói chuyện với các giám mục Trung Mỹ, Đức Phanxicô đã thúc giục các định chế giáo hội từ các giáo phận tới các giáo xứ chào đón và hội nhập các di dân và nêu gương cho mọi người trong xã hội thắng vượt lòng sợ hãi người ngoại quốc. Ngài cũng thúc giục các vị lấy cảm hứng từ thánh Romero để trở thành một giáo hội khiêm nhường biết lắng nghe người nghèo và đồng hành với họ như người cha đồng hành với con cái mình.
Winfield có nhắc lại việc ngài lên án việc “khai thác tình dục vị thành niên” nhưng không dừng lại ở đó, mà đề cập tới “nhiều thách thức nguy hiểm, khó khăn” khác. Cô viết: “Đức Phanxicô nói rằng người trẻ ngày nay có ít cơ hội nhưng đối đấu với nhiều thách thức nguy hiểm, khó khăn, như ‘bạo lực gia đình, sát hại phụ nữ - lục địa chúng ta đang trải nghiệm đại họa về phương diện này – băng đảng và tội phạm có vũ trang, buôn bán ma túy, khai thác tình dục vị thành niên và người trẻ, và v.v...'”
Winfield sau đó đã mở rộng tầm nhìn ra khắp vùng Trung Mỹ: “Đức Phanxicô thường xuyên thúc giục người trẻ chống lại mọi cơn cám dỗ buôn bán ma túy và làm thành viên băng đảng, và nhất là xa tránh sự rù quyến của thối nát. Đây là một thông điệp chắc chắn sẽ vang dội nơi tuổi trẻ ở trong vùng”.
Vì như cô viết: “Danh mục mới nhất của Transparency International về việc bị coi là tham nhũng đã xếp vùng Trung Mỹ rất tệ, ngoại trừ Costa Rica. Panam được xếp hàng 96 trong số 180 quốc gia được thăm dò hoàn cầu vào năm 2017, tốt hơn nhiều nước trong vùng kể cả Nicaragua, El Salvador, Honduras và Guatemala, nhưng vẫn chưa được sạch bao nhiêu.
“Tại Guatemala, Tổng thống Jimmy Morales đã làm qùe quặt Ủy Ban Quốc tế chống việc Không Trừng Phạt ở Guatemala do Liên Hiệp Quốc tài trợ, một ủy ban đã thúc đẩy nhiều cuộc điều tra các nhân vật cao cấp; những cuộc điều tra này đã loại bỏ nhiều chính khác, công chức và nhà kinh doanh trong hơn 10 năm nó hiện diện.
“Tại El Salvador, cựu tổng thống Mauricio Funes bị truy nã vì bị cho là tham nhũng và hiện được ban cấp tư cách tầm trú cùng với một số thành viên gia đình tại Nicaragua. Một cựu tổng thống khác, là Tony Saca, bị kết án 10 năm hồi tháng Chín về tội biển thủ và rửa tiền.
“Tại Honduras, vợ cựu tổng thống Porfirio Lobo bị nghi ngờ biển thủ 700,000 mỹ kim công qũy và anh trai bà này bị tố cáo đút túi khoảng 300,000 Mỹ Kim tiền công qũy. Con trai Fabio của ông này cũng bị kết án tại Hoa Kỳ phải ngồi tù 24 năm về tội buôn bán ma túy.
“Mexico từng chứng kiến một số tai tiếng liên quan đến việc hối lộ hay mâu thuẫn quyền lợi trong thời tổng thống vừa mãn nhiệm của Enrique Pena Nieto. Trong một vụ có lẽ tai tiếng nhất, người Mễ kinh ngạc khi nghe tin một biệt thự có tên là “casa blanca,” hay bạch ốc, đã được bán cho vợ tổng thống bởi một nhà thầu được chính phủ ưu đãi. Nhiều thống đốc bị tố cáo đã biển thủ hàng triệu Mỹ Kim công qũy.
“Người kế vị Pena Nieto, là Andres Manuel Lopez Obrador, đã lấy việc chống tham nhũng làm ưu tiên số một trong chiến dịch tranh cử năm 2018 nhưng hiện chỉ đưa ra các biện pháp tượng trưng chống lại nó kể từ khi nhậm chức vào ngày 1 tháng Mười Hai”.