LINH MỤC NGÀY NAY

LTS: Chúng ta đang cùng với toàn thể Giáo Hội chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, đặc biệt ngày Thứ năm Tuần Thánh, ngày kỷ niệm Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể và Chức Linh Mục. Chúng tôi xin gửi đến quý vị bài viết này của Đức Cha John R. Quinn, trước đây Ngài từng là Tổng Giám Mục San Francisco, California, USA.

Từ khi bắt đầu làm Giám Mục, 32 năm trước đây, tôi đã có dịp gặp gỡ và làm việc với nhiều linh mục khắp nơi tại Hoa Kỳ. Tôi đã từng là Giám Mục một giáo phận miền quê, rồi Giám Mục một giáo phận ở thành thị. Tôi đã từng đi giúp tĩnh tâm cho các linh mục ở Miền Đông, Miền Tây và miền Trung Tây Hoa Kỳ. Tôi đã cùng làm việc với các linh mục trong các Uỷ Ban và trong Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ. Ở đây, tôi chỉ muốn trình bày hình ảnh linh mục của giai đoạn lịch sử này - Lúc này là vào tháng 7 năm 2002.

Cách đây vài năm, tôi có dịp đến giảng tĩnh tâm cho các linh mục tại một giáo phận và nhân lúc ăn trưa, nhiều linh mục đến nói chuyện với tôi về số linh mục giảm sút tại Hoa Kỳ, rồi hỏi tôi các Đức Giám Mục tại Hoa Kỳ đang làm gì để đối phó với sự giảm sút tăng nhanh đó. Tôi nói là đã có những cuộc bàn thảo về làm cách nào để cổ võ ơn gọi làm linh mục; tuy nhiên, theo như tôi biết, thì chưa có một kế hoạch thực sự nào có tính cách toàn quốc để đáp ứng với vấn đề này. Nghe tôi nói như thế, các linh mục đó tỏ ra thất vọng; tuy nhiên, có một linh mục nói với tôi: “như vậy thì thật đáng thất vọng cho anh em linh mục chúng con; nhưng chúng con vẫn quyết trung thành với sứ vụ linh mục để phục vụ Chúa và Dân Chúa!”

Thật sự, tinh thần trung thành phục vụ đó, tôi gặp thấy khắp nơi tại Hoa Kỳ. Các linh mục tại Hoa Kỳ đang âm thầm và trung tín thực thi sứ vụ linh mục của mình một cách tuyệt hảo với tất cả khả năng của mình. Nhiều linh mục đang sống một cuộc sống anh hùng. Họ sống thầm lặng không cần ai biết tới. Họ đặt nền tảng đời sống của họ vào lời cầu nguyện và niềm tin tưởng phó thác nơi Chúa. Họ luôn ấp ủ một niềm lắng lo sâu xa, tinh tuyền cho Dân Chúa. Hiệu quả của đời sống chiêm niệm và phục vụ của các anh em linh mục đó là họ có thể nhìn thấy Chúa Giêu trọn vẹn là đầu, là chi thể, là Thiên Chúa và Dân Chúa. Đời sống chiêm niệm không khép kín các linh mục đó nơi Chúa Kytô mà quên Dân Chúa. Các linh mục đó không chỉ nguyên lo cho đời sống thiêng liêng của mình, nhưng các ngài được nâng đỡ, được phong phú hóa và tìm thấy sức mạnh ngay khi sống cho giáo dân và sống giữa giáo dân. Họ gặp thấy Chúa Kytô ngay khi làm việc với giáo dân cũng như khi âm thầm cầu nguyện một mình. Họ thật sự đã sống sâu xa lý tưởng linh mục đã được ghi lại trong Phúc Âm Thánh Gioan, Chương X: “Người mục tử tốt lành là người mục tử dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên!”

Bất cứ ở đâu, kể cả khi tôi đi nghỉ hè với các linh mục, tôi cũng thấy họ bàn đến sinh hoạt giáo xứ của mình, về những dự án ích lợi hay không ích lợi cho giáo dân, những cảm nghĩ về các biến cố và chủ trương trong đời sống Giáo Hội. Nói cách khác, các linh mục đó là những người luôn tập trung tất cả nghị lực để phục vụ giáo dân và Giáo Hội Chúa. Chức linh mục của các linh mục đó không phải chỉ là một nghề hay một công việc, nhưng là cả một cuộc đời! (their priesthood is neither an avocation nor a job. It is their life!). Các linh mục đó làm tôi xúc động nhớ đến một lần khi một chính trị gia nổi tiếng toàn quốc đến nhà dùng cơm chiều với tôi. Từ khi ông đến cho đến khi về, ông chỉ nói về chính trị. Có thể nói chính trị là đồ ăn thức uống của ông. Cũng tương tự như vậy, tôi đã gặp nhiều linh mục luôn luôn lo lắng cho giáo dân. Các ngài là những chủ chăn mà đồ ăn thức uống là Giáo Hội, giáo xứ và giáo dân. Công việc mục vụ là trung tâm cuộc sống của họ.

Tôi biết có những linh mục vẫn giữ việc nguyện ngắm hàng ngày, vẫn đều đặn đi tĩnh tâm, đi “bàn việc linh hồn” và đi xưng tội. Tôi vẫn thường đi chung xe với những linh mục có treo tràng chuỗi trên xe hoặc để ở một dĩa nhỏ gần chỗ ngồi. Trên bàn ở phòng khách của nhiều linh mục vẫn để những cuốn Thánh Kinh, và trên giá sách vẫn để những cuốn sách chú giải Thánh Kinh, những sách đạo đức và những sách tra cứu để dọn bài giảng. Tuy nhiên, trong “cốp xe” của các linh mục đạo đức này, vẫn có cây đánh gôn, đồ đi trượt tuyết hoặc đi săn. Đó là các linh mục biềt sống đời sống nội tâm sâu xa, nhưng cũng biết dành thời giờ giải trí để giữ đời sống được quân bình. Đan cử như Đức John Henry Newman, dù đem hết tâm lực dấn thân vào đời sống mục vụ và viết sách, ngài cũng vẫn thích đi thăm sở thú. Thỉnh thoảng, kể cả khi ngài đã làm Hồng Y và khi tuổi đã lớn, ngài vẫn đi xe lửa lên London để thăm sở thú cả một ngày. Có khi Ngài làm cho Đức Hồng Y Henry Edward Manning cũng phải ngạc nhiên, khi thấy ngài đến thăm và ngủ lại đêm với ông bà mục sư Niên Trưởng Anh Giáo tại nhà thờ Thánh Phaolô (Luân Đôn).

Việc có những linh mục làm gương xấu vì bị tố là lạm dụng tính dục đã gây đau khổ cho các linh mục ngày nay. Tại California, những khủng hoảng về tài chánh và tính dục ở địa phận Santa Rosa đã làm chúng ta bận tâm rất nhiều. Không lâu trước đây, “Kansas City Star” có báo cáo là một số linh mục bị bệnh “Aids”. Nhưng những nghiên cứu sau đó đã chứng tỏ là bản báo cáo và những cuộc điều tra của họ rất thiếu sót và thiếu xác thực. Tất nhiên, bên cạnh những điều tốt lành của các linh mục cũng vẫn có những gương xấu nơi một số linh mục đã không được huấn luyện thuần thục để có thể trưởng thành về tâm lý và tình cảm. Một số còn lại bị ảnh hưởng xấu lúc tuổi trẻ hoặc xuất thân từ những gia đình không được hòa thuận. Một số, nay đã lớn tuổi, bị như vậy cách trầm trọng, vì đã bị giáo dục một cách khép kín trong thời gian ở Chủng Viện vào thời trước công Đồng Vatican II.

Có những linh mục, cũng giống như nhiều nhân vật hoạt động cho quần chúng, thời xưa cũng như thời nay, thường không chịu tìm kiếm sự nâng đỡ và những trị liệu tâm lý, sợ rằng sẽ bị thiên hạ kết án, hoặc có thể nêu gương xấu. Họ nghĩ “nếu thiên hạ biết tôi phải đi bác sĩ tâm lý, chắc sẽ cho là tôi đang gặp vấn đề thác loạn tâm lý trầm trọng đáng tiếc.” Một số khác sợ sẽ bị “tẩy chay” nếu phải đi chữa bệnh tâm lý. Vì thế, “vấn đề” của họ cứ âm ỉ và liên tục phát triển cho đến lúc “bùng nổ thảm hoạ”. Ráng “kìm hãm” là một yếu tố gây thảm họa.

Vậy phải giải quyết các nan đề đó như thế nào?

Trước hết phải bỏ đi ảo tưởng là các bệnh họan đó ngày xưa không có và sẽ hết đi trong một tương lai gần. Thực sự những bệnh tâm lý đó vẫn luôn xảy ra. Bao lâu chúng ta còn mang bản tính con người, những “vấn đề” đó vẫn tồn tại và liên tục xảy ra. Điều đó trước đây người ta đã hiểu không đúng.

Bây giờ người ta hay phiền trách các Đức Giám Mục là đã không biết cách giải quyết đúng vấn đề gây ra do bệnh “mê trẻ em (pedophilia) hay “bệnh mê thiếu niên” (ephebophilia). Mà làm sao các vị Giám Mục biết được, trong khi chính các nhà chuyên môn tâm lý cũng không biết, hay biết rất ít về các bệnh tâm lý này. Hồi xưa không có vấn đề khảo sát về bệnh “mê trẻ em” mãi cho đến cách đây chừng 15 năm. Một bác sĩ tâm thần nói với tôi là trong thời gian học tập lâu dài, ông chỉ được nghe thuyết trình vào khoảng 2 giờ đồng hồ về “bệnh mê trẻ em” (Pedophilia).

Thường thì các phương tiện truyền thông thích khai thác vấn đề tu sĩ lạm dụng tính dục. Điều này càng làm cho các linh mục thêm đau buồn. Khi một linh mục ở San Francisco bị nêu tên liên tục trên báo chí về tội xâm phạm tính dục, một viên chức cảnh sát đến nói với tôi rằng trong năm đó ông phải xử lý 1,100 vụ lạm dụng tính dục trẻ em của đủ thứ người khác nhau, nhưng trong đó chỉ có một linh mục, thế mà dân chúng lại chỉ biết đến trường hợp của linh mục đó thôi.

Những nghiên cứu và thực tế cho thấy: Hầu hết các linh mục yêu mến công việc mục vụ của mình, biết đặt trọng tâm đời sống trên nền tảng đức tin. Đa số biết cảm nhận được niềm vui sâu xa, thầm lặng qua việc cử hành Thánh Lễ.

Đứng trước những thử thách hiện nay, các linh mục đó biết tìm ra đường hướng giải quyết các vấn đề nghiêm trọng có thể gây phiền muộn và nản lòng. Hơn nữa, các linh mục đó luôn cảm nhận được sự nâng đỡ và yêu thương của giáo dân. Nhờ thế, các ngài cảm thấy không bị cô đơn trong cuộc sống.

Vậy, viễn tượng không phải là đen tối đâu!

Tôi tin rằng lúc này là thời gian tốt nhất trong lịch sử của Giáo Hội để sống đời linh mục; vì lúc này là lúc chỉ có một lý do duy nhất để đi tu làm linh mục hay tiếp tục đời linh mục, đó là chỉ để sống với Chúa Kytô và sống vì Chúa Kytô chứ không phải vì để được lợi ích vật chất hay để được ca tụng, kính nể hay để có địa vị hay tiền của hoặc các lợi ích trần gian khác. Những điều trên đây hoặc chẳng còn hoặc rồi cũng mau chóng hết đi. Linh mục ngày nay bó buộc phải chọn lựa hoặc tự hiến toàn thân cho Chúa Kytô, một Chúa Kytô chân thực, là Đấng đã sống nghèo, nghèo đến độ bị người đời coi khinh, chối bỏ và đánh giá sai lạc. Đó là một Chúa Kytô chân thực của Tin Mừng. Nếu không sống như vậy, linh mục sẽ như nhóm người lầm lạc thời Chúa Kytô, chỉ muốn sống theo thói thuờng, sống theo thế gian, lúc nào cũng muốn thịnh đạt.

Một linh mục lấy Chúa Kytô làm trọng tâm đời sống và tình yêu của mình, là một linh mục có thể đem lại cho Giáo Hội và Thế giới điều mà thời nay mong đợi, đó là Niềm Hy Vọng. Giáo Hội cần những người đi rao giảng. Đúng! Nhưng, hơn bao giờ hết, lúc này Giáo Hội cần những chứng nhân đem lại Niềm Hy Vọng.

(Bản dịch từ bài báo “The Strenghts of Priests Today” của Đức Tổng Giám Mục John R. Quinn, đăng trong Tuần Báo America, July 1-8, 2002 - Bản dịch do Linh Mục Anphong Trần Đức Phương).