Trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại ba nước vùng Baltic, dư luận tại Nga đã tỏ ra rất dè dặt. Nếu như Việt Nam phải sống bên cạnh nước láng giềng Trung Quốc luôn nuôi dã tâm xâm lược và đồng hoá người Việt; thì ba nước vùng Baltic cũng cùng chung một số phận không may như thế khi phải sống bên cạnh một nước Nga quá lớn, đã từng đô hộ họ nhiều lần, cũng như đã từng gây ra bao nhiêu đau thương cho họ.

Trong chuyến tông du vừa qua, Đức Thánh Cha đã có dịp đến thăm Viện Bảo Tàng Thời Kỳ Chiếm Đóng của Liên Sô tại Vilnius và đọc một lời nguyện tại đây. Ngài cũng đã đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân cộng sản tại Tượng Đài Tự Do ở Riga, và dâng thánh lễ tại quảng trường Tự Do ở Tallin.

Tuy nhiên, trong tất cả những dịp này, Đức Thánh Cha đã đưa ra những lời kêu gọi từ bỏ lòng căm thù để sống tình huynh đệ.

Thông tấn xã Interfax của Nga đã nhanh chóng lên tiếng ca ngợi những lời khích lệ xoá bỏ hận thù, chẳng hạn như trong diễn từ được Đức Thánh Cha đưa ra tại Cổng Thành Bình Minh.

Bài xã luận hôm 22 tháng 9 trên Interfax cho biết:

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bài giảng của ngài tại Cổng Bình minh ở Vilnuis đã kêu gọi tất cả các tín hữu từ bỏ sự thù địch và ‘nhận ra nhau như anh em’ bất kể chủng tộc và tôn giáo.

“Ngài hô hào rằng: ‘Trước đây chúng ta đã xây dựng nhiều pháo đài, nhưng hôm nay chúng ta cảm thấy cần phải nhìn nhau và công nhận lẫn nhau như anh em, đồng hành cùng nhau với niềm vui và ý chí tìm kiếm hòa bình, trải nghiệm giá trị của tình huynh đệ’”

780,000 người Lithuania tức là khoảng 1/3 dân số đã chết trong thập niên 1940. Một số, chủ yếu là người Do Thái, chết trong tay Đức Quốc Xã. Tuy nhiên, đa số chết dưới tay cộng sản Liên Sô.


Source: Interfax Pope Francis calls on Lithuanians for solidarity, peacefulness in his sermon by Vilnius' Gate of Dawn