Nhận biết Chúa Kitô: Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIV – B

(Mc 8, 27-35)

1) Nhận biết Đức Kitô

Toàn bộ Tin Mừng thánh Marcô nhằm mục đích trả lời cho câu hỏi: "Chúa Giêsu là ai?" Nhưng trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu lại minh nhiên đặt cho các môn đệ câu hỏi : "Các con bảo Thầy là ai? " Chúng ta, những Kitô hữu giờ đây nghe và đọc lại cũng buộc phải trả lời.

Trong các chương Tin Mừng của Chúa Nhật trước, Chúa Giêsu đã không minh nhiên trả lời câu hỏi đặt ra về chính mình, nhưng các việc Người làm tự nó là những câu trả lời về chính Chúa.

• Người làm cho kẻ què đi được, ý nói, Người ban cho con người khả năng bước đi trong cuộc sống;

• Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được, như thế, Người là Đấng có lời ban sự sống và lý giải vê cuộc sống;

• Người làm kẻ chết sống lại, chứng tỏ, Người là Đấng bảo trợ sự sống;

• Người làm cho người mù thấy được, chứng tỏ Người là Ánh Sáng, đến chiếu tỏa ánh trần gian;

• Người làm cho sóng yên biển lặng, như vậy, Người là Chúa tể trời đất ;

• Người hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn trong sa mạc, thể hiện, Người là Đấng nuôi dưỡng nhân loại cả xác lẫn hồn.

Đọc lại và thấy tất cả những việc Chúa "làm", chúng ta đi đến kết luận : "Người là Đấng Mêssia" (tiếng Hy lạp là : Đức Kitô)". Tiếc thay, nhiều người đương thời, ngay cả chúng ta ngày hôm nay nữa vẫn không nắm bắt được sự mới mẻ vĩ đại của Chúa Giêsu, vì thế với câu hỏi, "Người ta bảo Thầy là ai?" Phần lớn trả lời "người làm việc " không hơn không kém các tiên tri trước Người. "Còn các con, các con bảo Thầy là ai? " Là câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ của mình, nhân danh cả nhóm Phêrô trả lời : "Thầy là Đức Kitô! " Phêrô đưa ra một câu trả lời chính xác, không nói khác được, vì ông biết rõ Chúa Giêsu là Đấng Mêssia. Việc Chúa chết và sống lại là điều không tưởng, nhưng điều không tưởng tượng được ấy Chúa Giêsu đã hoàn tất cách vinh quang, điều duy nhất có thể thay đổi lịch sử nhân loại. Nói theo kiểu Heidegger, nếu không có Chúa, con người chỉ là một "sinh vật phải chết", cái chết của Chúa "gắn" liền với Thập giá; Người "giải thoát chúng ta khỏi ràng buộc" của sự chết.

Cần phải nhắc lại, câu trả lời của thánh Phêrô hàm chứa sự hiểu biết sâu xa về tình yêu chịu đóng đinh. Chính con đường Thập giá hoàn tất mục đích cứu độ của Chúa Giêsu. Khi Phêrô, vị Thủ lãnh các Tông Đồ thưa Chúa : "Thầy là Đức Kitô". Chúa Giêsu, Đấng Mêsia cảm thấy cần phải nhấn mạnh, Con Thiên Chúa phải chịu đau khổ nhiều. Vì thế, vấn nạn "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Chúa Giêsu đặt ra cho chúng ta hôm nay. Câu trả lời : "Thầy là Đức Kitô, Tình Yêu bị đóng đinh và sống lại" mới đủ ý nghĩa. Thánh Phaolô viết : "Nếu Đức Kitô không sống lại, đức tin của chúng ta là mơ hồ", Chúa biết Thập giá, tự nó không phải là một trở ngại cho ơn cứu rỗi. Thập giá là điều kiện. Thập giá không phải là cây cột của người La Mã, nhưng là cây gỗ để Thiên Chúa viết Tin Mừng.

Đấng Mêsia mời gọi chúng ta lên núi Calvariô với Chúa và bước theo Chúa chịu đóng đinh trên Thập giá, Đấng bị kết án tán dương sự công chính, Đấng chết đi để xác nhận sự sống, Người bị đóng đinh để bước vào vinh quang.

Bằng cách bước theo Chúa Kitô và tin tưởng vào lòng từ ái của Người, chúng ta hãy rang rộng cánh tay và mở rộng lòng mình như Đấng bị đóng đinh trên Thập giá. Tất nhiên, để làm điều ấy, như thánh Phêrô, chúng ta phải nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, Đấng Cứu Độ, chấp nhận Thập giá như "chìa khóa" Chúa dùng để mở Trời và đóng cửa địa ngục. Đấng Cứu Chuộc đã vác "chìa khóa" nặng nề trên vai, anh cảm thấy gánh nặng và trách nhiệm khi bị đóng đinh treo trên thập giá đó. Đức Kitô trao cho thánh Phêrô "chìa khóa" Nước Trời và kêu gọi ông đóng đinh với Người, vác lấy gánh nhẹ nhàng trên vai Ngài như Người, dạy cho ông biết sự khiêm nhường và dịu dàng để "cởi trói" những người nô lệ thế gian, xác thịt và ma quỉ "ràng buộc" họ với Chúa Kitô trong một giao ước vĩnh cửu làm cho họ trở nên con cái của Cha vĩnh cửu trên trời.

2) Tình yêu đích thực vì bị đóng đinh

Tất nhiên, chúng ta cũng vậy, như Thánh Phêrô, chúng ta cũng muốn rời xa Thập giá Chúa. Nhưng Ma quỉ, Tên Cám Dỗ, nỗ lực lôi kéo chúng ta ra khỏi (Con đường Thánh Giá), thay thế nó bằng một con đường được thiết lập bởi sự khôn ngoan loài người.

Chúa Kitô đã vạch trần Tên Cám Dỗ và vượt qua hắn : Cả cuộc đời Người là một lời "xin vâng" không ngừng đối với Thiên Chúa và là một lời "từ chối" luôn mãi đối với Ma quỉ. Chúa Giêsu đã chiến thắng Ma quỉ. Ma quỉ lại cố gắng lôi kéo môn đệ của Thầy Giêsu : để tách rời Đấng Mêssia khỏi thập giá, tách họ ra khỏi niềm tin vào Chúa Giêsu- Vua và ngai vàng của Người là cây Thập giá.

Sau khi thể hiện thiên tính của mình và vạch mặt sự hiện diện của Tên Cám Dỗ, Chúa Giêsu mạc khải cho các môn đệ và nhân loại biết con đường Chúa đi. Không có hai con đường, một cho Chúa Giêsu, một cho các môn đệ, mà chỉ có một : "Ai muốn theo Thầy, phải từ chối chính mình và vác thập giá mình mà theo", vì Thánh giá là biểu tượng của tình yêu bị đóng đinh.

Quả thật, Thánh giá là "hình phạt đối với người Do thái và sự điên rồ đối với dân ngoại" (1 Cor 1,18-24) chúng ta thật khó để hiểu và chấp nhận nó.

Tình yêu bị đóng đinh không phải là tình yêu bị chết, nhưng là tình yêu "hy sinh". Để yêu thương, Chúa Giêsu đã tự nộp mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Nếu chúng ta muốn yêu thương như Chúa Kitô, chúng ta phải biết và làm điều đó. Thánh giá là dấu chỉ lớn nhất của tình yêu Thiên Chúa đối với con người.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con vui mừng đón nhận và đi theo Chúa chịu đóng đinh, nhưng sống lại để cứu chuộc chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ



Theo Chúa phải từ bỏ mình, vác thập giá mình



Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIV - B

(Mc 8, 27 – 35)

Sau lời tuyên xưng : “Thầy là Đức Kitô” (Mc 8, 29) Phêrô cùng các môn đệ bị Thầy cấm không được nói với bất cứ ai về Thầy. Liền sau lời cấm là bài học về chính Thầy, Đấng Mêssia : “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều…bị giết đi” (Mc 8, 31). Vì không chấp nhận nên Phêrô đã bị khiển trách nặng nề bởi ông đã bày tỏ ý tưởng sai lạc của con người về Đấng Cứu Thế : “Satan, hãy lui đi, vì người không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người” (Mc 8, 33).

Quả thật, một thụ tạo sao hiểu được ý Đấng Sáng Tạo, một con người sao biết được Thiên Chúa. Chúng ta phải cám ơn các tác giả Tin Mừng đã mô tả cách chân thực về con người môn đệ Chúa Giêsu, thực sự họ không phải là nhân vật lý tưởng tuyệt vời hay là thần thánh gì hết, họ là những con người bằng xương bằng thịt với đức tính và khuyết điểm như chúng ta. Có thế họ mới gần gũi chúng ta, và giúp chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta cần phải hoàn thiện mỗi ngày, bởi không ai là hoàn hảo ngay từ khi mới sinh.

Vậy, đâu là ý Thiên Chúa?

Chúa Giêsu bắt đầu dạy cho các môn đệ hiểu rằng “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ, và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8, 31). Chương trình trên làm đảo lộn tâm hồn các môn đệ. Làm sao “Ðấng Kitô” (Mc 8, ) lại có thể bị đau khổ cho tới chết được? Tông đồ Phêrô nổi loạn, không chấp nhận con đường ấy, nên mới : “Kéo Người lui ra mà can trách Người” (Mc 8, 32). Ý muốn của Thiên Chúa là chấp nhận thập giá.

Xem ra sự khác biệt giữa chương trình tình yêu của Chúa Cha và dự án, ước muốn của các môn đệ là điều hiển nhiên. Không chấp nhận thập giá là phủ nhận chương trình tình yêu của Chúa Giêsu, và hầu như ngăn cản Người thi hành ý muốn của Chúa Cha. Vì thế Chúa Giêsu mới nặng lời trách đuổi Phêrô: “Satan, hãy lui đi ” (Mc 8, 33).

Khi con người thực hiện cuộc đời mình chỉ hướng tới thành công xã hội, giầu sang vật chất và kinh tế, con người gạt bỏ Thiên Chúa sang một bên, không lý luận theo Thiên Chúa nữa, mà theo con người. Và khi nào chúng ta để cho những suy nghĩ, tình cảm hay lý luận nhân loại chiếm ưu thế, không để cho đức tin, hay Thiên Chúa dạy dỗ và hướng dẫn, lúc ấy chúng ta sẽ trở nên những tảng đá cản trở chương trình tình yêu của Người.

Theo Chúa phải từ bỏ

Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: ” Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình” (Mc 8, 34).

Chúng ta tự hỏi: “Từ bỏ” mình có nghĩa gì? Và tại sao ta phải tử bỏ mình?

Thật khó chấp nhận điều Chúa Giêsu yêu cầu là từ bỏ và hy sinh. Sống trong một xã hội được lập trình sẵn, khuyến khích thành công nhanh, tận dụng tối đa làm ít, hưởng nhiều, đỡ tốn thời giờ và sức khỏe, nên không có lạ khi chúng ta làm và nhìn mọi sự theo kiểu con người chứ không theo cái nhìn của Thiên Chúa. Chính Phêrô, chỉ sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, ông mới ý thức được rằng, ông phải qua con đường ông đi và sống trong hy vọng.

Cần phải phân biệt, Chúa Giêsu không đòi chúng ta từ bỏ “điều chúng ta là“, nhưng điều “chúng ta đã trở nên“. Chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa thấy tốt đẹp sau khi tạo dựng người nam và người nữ (x. St 1, 31). Điều chúng ta phải từ bỏ không phải là điều Chúa đã làm, nhưng điều chúng ta lạm dụng quyền tự do làm, cụ thể như: kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét và làm biếng… là những khuynh hướng xấu, tội lỗi, bao phủ trên hình ảnh Thiên Chúa. Thánh Phaolô gọi ảnh biến hình này là “ảnh dưới đất“, ngược với “ảnh trên trời“, giống như Chúa Kitô. Do đó “từ bỏ chính chúng ta“, là từ bỏ ý loài người để mặc lấy ý Chúa, hợp và giống Chúa hơn.

Kierkegaard đã lấy một ví dụ: Hai người trẻ ngôn ngữ khác nhau yêu nhau. Muốn cho tình yêu của hai người sống còn và lớn mạnh, một trong hai người phải học tiếng nói của người kia. Bằng không, họ không có khả năng truyền đạt và tình yêu của họ không bền. Và ông kết luận, điều này chỉ xảy ra giữa chúng ta và Chúa. Chúng ta nói thứ ngôn ngữ xác thịt, Chúa nói thứ ngôn ngữ thần khí; chúng ta nói ngôn ngữ tính ích kỷ, Chúa nói ngôn ngữ tình yêu.

Muốn theo Chúa, phải từ bỏ chính mình là học ngôn ngữ của Chúa để chúng ta có thể giao tiếp với Chúa. Chúng ta sẽ không có khả năng nói “vâng” với người khác nếu chúng ta trước hết không khả năng nói “không” với chúng ta.

Theo Chúa là chấp nhận thập giá

Thì ra con đường của các môn đệ là theo Chúa Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Con đường “chịu mất chính mình“, để tìm lại được chính mình, như Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI viết: con đường “chịu mất chính mình“, là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (Ðức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).

Ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta” (Mc 8, 34). Theo Chúa khi chấp nhận thập giá của mình với lòng yêu mến. Dưới con mắt thế gian, “chịu mất mạng sống” (Mc 8, ) là một thất bại. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Một cách nhiệm mầu chính Chúa Kitô chấp nhận… chết trên một thập giá để nhổ tận gốc rễ tội kiêu căng khỏi trái tim con người, và biểu lộ một sự vâng phục toàn vẹn con thảo” (Es. ap. Gaudete in Domino 9 maggio 1975, AAS 67 (1975) 300-301). Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Ðức Giêsu mang lấy thập giá của tất cả mọi người và trở thành suối nguồn ơn thánh cứu độ cho toàn dân. Thánh Cirillo thành Giêrusalem giải thích rằng: “Thập giá chiến thắng đã soi sáng những ai bị mù lòa vì ngu muội, đã giải thoát người bị tội lỗi giam cầm, đã đem lại ơn cứu độ cho toàn nhận loại” (Catechisis Illuminandorum XIII,1; de Christo crucifixo et sepulto: PG 33, 772 B).

Lạy Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa hằng sống đã đến thế gian chịu chết và sống lại để cứu chuộc chúng con, chúng con xin theo Chúa, nhưng xin Chúa giúp chúng con biết từ bỏ chính mình và vác thánh giá đời chúng con mỗi ngày để theo Chúa. Xin gia tăng lòng tin yêu Chúa nơi chúng con, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ