Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng thứ Bẩy, hàng chục ngàn người đã tập hợp ở nhà thờ chính tòa thủ đô Nicaragua để lên tiếng bảo vệ Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là các giám mục. Các biểu ngữ khẳng định các vị giám mục “không phải những kẻ khủng bố hay những kẻ mưu toan đảo chính,” như lời tổng thống Daniel Ortega cáo buộc, nhưng là “các mục tử với mùi chiên, những người đi giữa đoàn chiên”
Mặc dù các cuộc biểu tình đã trở thành vấn đề phổ biến ở Nicaragua, với hàng triệu người tham gia các đường phố từ tháng Tư để phản đối chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega và vợ ông, là Phó Tổng thống Rosario Murrillo, cuộc biểu tình hôm thứ Bảy không chỉ là một cuộc biểu tình khác.
Về mặt kỹ thuật, đó có thể được gọi là “cuộc hành hương đoàn kết với các giám mục và các mục tử,”. Đây là một cuộc tập hợp lớn phản ứng lại các cuộc tấn công mà các vị giám mục đã chịu đựng trong những tháng gần đây dưới bàn tay của chính phủ và các lực lượng bán quân sự ủng hộ Ortega.
Cha Carlos Avilés, một thành viên của một ủy ban đối thoại và người đứng đầu tổng giáo phận trong những nỗ lực tiếp cận mục vụ, đã nói chuyện với đám đông khi họ tập trung tại các cửa của nhà thờ chính tòa Managua.
“Là Kitô hữu, chúng ta phải bảo vệ những thái độ này: chúng ta không thể bị dẫn dắt bởi bạo lực, nhưng phải sống một chủ nghĩa hòa bình và một chủ nghĩa nhân văn cấp tiến bắt nguồn từ con người và từ lòng nhiệt thành giúp đỡ một người anh em đang cần đến mình,” ngài nói.
Ngài nói thêm rằng Giáo Hội sẽ luôn lựa chọn “đối thoại” để giải quyết vấn đề, “sử dụng lý trí chứ không phải bạo lực”.
“Vì lý do này, Giáo hội, ngay cả khi bị tổn thương, ngay cả khi bị chỉ trích, sẽ luôn lựa chọn đối thoại, để mọi người hiểu nhau,” cha Avilés nói.
Là một “người hòa bình cấp tiến”, theo cha Avilés, là hành động như Chúa Giêsu, sẵn lòng làm như Ngài đã làm: “đưa má khác cho người ta tát, cầu nguyện cho những người bách hại mình và chúc phúc cho cả những kẻ đã nguyền rủa mình.”
Hồi tháng Tư vừa qua, khi các cuộc biểu tình nổ ra khắp nơi, Ortega đã mời các giám mục làm trung gian trong các cuộc đối thoại hòa giải quốc gia. Đây chỉ là một động tác giả để hắn ta có thời giờ điều động bọn công an Sandinista từ địa phương này sang địa phương khác cải trang thành côn đồ thân chính phủ.
Điều quân xong, Ortega phỉ báng các Giám Mục là “những kẻ mưu toan đảo chính” và sai bọn công an giả danh côn đồ tấn công các nhà thờ. Các linh mục và cả các Giám Mục cũng bị tấn công.
2. Các Giám Mục Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi Tòa Thánh cho nguyên Hồng Y Theodore McCarrick hồi tục
Hai Giám Mục Hoa Kỳ đã đưa ra các tuyên bố rất mạnh thúc đẩy các Giám Mục anh em của các ngài phải có những hành động hiệu quả hơn trước tai tiếng lạm dụng tính dục của nguyên Hồng Y Theodore McCarrick.
Đức Cha Michael Olsen của giáo phận Fort Worth, Texas, nói rằng “tội phạm hình sự và tội lỗi đầy tai tiếng” đã được công khai trước dư luận của nguyên Hồng Y Theodore McCarrick đòi hỏi chúng ta phải ăn năn và cải cách. Ngài đề nghị Vatican nên xem xét việc sa thải nguyên Hồng Y Theodore McCarrick khỏi hàng giáo sĩ như là một hành động cụ thể, đầu tiên trong tiến trình ăn năn và cải cách này.
Đức Cha Olsen nhận xét rằng “tội ác của vị cựu Hồng Y đã gây ra thiệt hại hơn nữa cho sự liêm chính của hàng giáo phẩm và sứ vụ của Giáo hội. Một quyết định nhanh chóng loại bỏ ngài khỏi hàng giáo sĩ, như trường hợp của nhiều linh mục khác, phải được tính đến một cách nghiêm chỉnh.”
Cũng cùng một lập trường với Đức Cha Olsen, Đức Giám Mục Edward Scharfenberger của giáo phận Albany, New York, nhấn mạnh thêm rằng vụ tai tiếng này “là một điều nghiêm trọng hơn một cuộc khủng hoảng các chính sách và thủ tục.” Theo ngài, vụ tai tiếng phản ảnh “một cuộc khủng hoảng tinh thần sâu sắc”, và đòi chúng ta phải có một phương thuốc tâm linh phù hợp.
“Luật pháp, những cam kết, và những thay đổi trong các cấu trúc hành chính và các chính sách – dù có thiện ý tốt đến đâu đi nữa - cũng không đi đến đâu. Tôi không thấy làm thế nào chúng ta có thể tránh được những gì thực sự ở gốc rễ của cuộc khủng hoảng này: đó là tội lỗi và sự rút lui khỏi sự thánh thiện, đặc biệt là sự thánh thiện của một con người liêm chính,thực sự nhân bản về tính dục.”
Đức Giám Mục Scharfenberger nhấn mạnh tính chất khẩn thiết của tình huống. Ngài nói rằng “nhiều tín hữu của chúng ta bây giờ đang cảm thấy bị phản bội và bị bỏ rơi bởi những người cha tâm linh của họ, đặc biệt là các giám mục.”
3. Đức Hồng Y Kevin Farrell tái khẳng định ngài không biết gì về những hành vi sai trái của nguyên Hồng Y Theodore McCarrick
Đức Hồng Y Kevin Farrell, tổng trưởng Bộ Giáo Dân, Gia Đình Và Sự Sống, đã lặp lại và dứt khoát nhấn mạnh sự khẳng định nhất quán của ngài rằng ngài không hề biết gì về hành vi sai trái của cựu Hồng Y Theodore McCarrick, mặc dù đã phục vụ 6 năm trong tư cách Giám Mục Phụ Tá của Washington dưới thời Đức Tổng Giám Mục McCarrick.
“Không bao giờ thậm chí dù chỉ một lần tôi có ý nghi ngờ,” Đức Hồng Y Farrell nói với Associated Press, và nói thêm rằng ngài không bao giờ được kể về căn nhà bãi biển của nguyên Hồng Y McCarrick.
Đức Hồng Y Farrell nói rằng ngài rất tức giận trước vụ tai tiếng này, và chắc chắn đã có hành động thích đáng nếu được thông báo khi còn ở Washington DC.
Trước đó, Đức Hồng Y Kevin Farrell, cho biết ngài đã thực sự “bàng hoàng” khi nghe những cáo buộc về tội lạm dụng và quấy rối tình dục của nguyên Hồng Y Theodore McCarrick, là người đã tấn phong giám mục cho ngài. Đức Hồng Y Kevin Farrell từng là cha Tổng Đại Diện của tổng giáo phận Washington trong năm 2001 và sau đó là Giám Mục Phụ Tá cho Hồng Y Theodore McCarrick trong 6 năm sau đó.
Một trong những khó khăn của Giáo Hội trong vụ tai tiếng này là số phương tiện truyền thông tại Hoa Kỳ cho rằng “trong hàng giáo sĩ, ai cũng biết” về những hành vi lạm dụng tính dục của Hồng Y McCarrick trong thời gian là Tổng Giám Mục Washington. Luận điểm này hàm ý cho rằng có một sự bao che nào đó cho những tội lỗi về luân lý và cả những tội phạm hình sự.
4. Lá thư của tổng giáo phận Washington gởi cho các linh mục
Đức Hồng Y Donald Wuerl, Tổng Giám Mục Washington khẳng định rằng ngài đã không hề biết gì về những hành vi sai trái của nguyên Hồng Y McCarrick cho đến mãi gần đây.
Trong một lá thư gởi đến tất cả các linh mục trong tổng giáo phận Washington, Đức Ông Charles Antonicelli, Tổng Đại Diện cho biết tổng giáo phận không hề biết gì về các dàn xếp bồi thường được thực hiện bởi hai giáo phận khác nhằm đối phó với các cáo buộc về những hành vi sai trái của nguyên Hồng Y Theodore McCarrick.
Lá thư viết “Cả Tổng giáo phận Washington và Hồng Y Wuerl đều không hay biết về những dàn xếp bí mật này cho đến khi những lời cáo buộc đáng tin cậy và chứng minh được gần đây nhất chống lại Hồng Y McCarrick được công khai hóa.”
“Để cho rõ ràng, Tổng Giáo Phận Washington khẳng định không tham gia, không thực hiện bất kỳ đóng góp nào, cũng như không hề tham gia dưới bất kỳ hình thức nào trong việc dàn xếp các thỏa thuận này,” ngài nói thêm.
Các dàn xếp ngoài tòa được đề cập trong lá thư đã xảy ra vào năm 2005 và 2007 bởi Giáo phận Metuchen và Tổng giáo phận Newark. Hai người tố cáo cho biết nguyên Hồng Y McCarrick đã tấn công tình dục họ khi họ còn là chủng sinh và linh mục trẻ.
Tuy nhiên, Đức Ông Antonicelli nói rằng những dàn xếp bí mật ấy không được báo cáo cho Đức Hồng Y Wuerl sau khi ngài đã thay thế nguyên Hồng Y McCarrick trong chức vụ Tổng giám mục Washington. Ngài nói thêm: “Các cơ quan của chúng tôi cũng chỉ biết được cùng một thông tin liên quan đến những cáo buộc mà anh em thấy trong các báo cáo trên các phương tiện truyền thông”.
Đức Hồng Y Wuerl khuyến khích bất cứ ai có thông tin về các cáo buộc quấy rối tính dục của nguyên Hồng Y McCarrick cứ “thẳng thắn đưa ra sớm nhất có thể được để cuộc điều tra có thể tiến hành kịp thời và đầy đủ”, lá thư cho biết thêm.
5. Đức Thánh Cha chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Úc Wilson, TGM Adelaide Nam Úc
Thứ Hai ngày 30/7/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson, TGP Adelaide, sau khi Đức Tổng Giám Mục bị kết án vì tội che giấu lạm dụng tình dục của một linh mục trong những năm 1970.
Tòa án Úc đã buộc tội Đức Tổng Giám MụcWilson vào tháng 5/2018, vì Ngài đã không báo cáo với cảnh sát về việc lạm dụng tình dục hai chú giúp lễ của một linh mục vào thập niên 1970.
Đức Tổng Giám Mục Wilson, 67 tuổi, bị kết án tù 12 tháng với mức thời gian bị tù ở ít là 6 tháng.
Mặc dù Đức Tổng Giám Mục đã tạm ngưng việc mục vụ của Tổng Giáo Phận Adelaide từ tháng Năm, Ngài đã phản đối lời kêu gọi Ngài phải từ chức vai trò Tổng giám mục. Vì Ngài đã khiếu nại và kháng cáo vụ việc kết án Ngài, nhưng ngài xác quyết rằng ngài sẽ từ chức khi việc kháng cáo không thành!
Nhiều chính trị gia, trong đó có Thủ tướng Malcolm Turnbull, đã mời gọi Tổng Giám mục Wilson nên từ chức.
Sự lạm dụng đã xảy ra ở tại một giáo xứ ở Hunter thuộc Tiểu bang New South Wales, lúc đó Đức Tổng Giám Mục Wilson là một linh mục trẻ làm phó xứ. Hai trẻ em bị lạm dụng, là hai chú giúp lễ lúc đó, chia sẻ với cha Wilson là các em bị cha James Fletcher lạm dụng các em vào năm 1976. Các em đó lúc đó ở độ tười 10 và 11.
Cha Fletcher đã tố cáo và bị kết án trong các phiên tòa vào năm 2004 tới 2006 với tổng số cáo tội là chín tội lạm dụng tình dục trẻ em. Ngài đã bị tù và qua đời vì đột quỵ vào năm 2016 khi đang ở trong tù.
Đức Tổng Giám Mục Wilson bị kết án về tội trong giai đoạn tòa xử cha Fletcher vào các năm 2004-2006 vị Thẩm phán xét rằng Đức Tổng Giám Mục biết về việc lạm dụng này nhưng ngài đã không báo cáo cho cảnh sát hay.
Đức Tổng Giám Mục Wilson, người đang bị chứng bệnh Alzheimer, nói với tòa án rằng ngài không nhớ được là hai em giúp lễ có chia sẻ với ngài về việc lạm dụng này.
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, đã đưa ra một tuyên bố khi nhận được tin về sự từ chức của Đức Tổng Giám Mục Wilson như sau:
“Trong khi quá trình luật pháp được điều tra, sự từ chức của Tổng Giám mục Wilson là hậu quả của câu chuyện đau lòng của những người bị lạm dụng tình dục do cha Jim Fletcher làm cho cuộc sống của họ bị xáo trộn và đổi thay”.
Đức Tổng Giám Mục Coleridge nói, “Quyết định từ chức này có thể mang lại một số an ủi cho các nạn nhân trước những nỗi đau liên tục mà họ phải gánh chịu.”
6. Đức Hồng Y Gracias: lên án Ủy ban kêu gọi cấm Xưng tội như là việc chống lại tự do tôn giáo
Sau một vụ bê bối về tình dục xảy ra trong Giáo hội Chính thống, Ủy ban Bảo vệ Phụ nữ Quốc gia đề nghị chính phủ Ấn Độ cấm việc cử hành Bí tích Xưng tội trong tất cả các Giáo hội Kitô giáo.
Giáo Hội Công Giáo Ấn Độ đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Phụ nữ (NCW) của chính phủ đã kêu gọi bãi bỏ việc cử hành Bí tích Giải tội, Giáo hội cho rằng việc này nói lên việc can dự quá đáng vào lãnh vực thiêng liêng của đời sống Kitô giáo.
Ủy ban Bảo vệ Phụ nữ Quốc gia (NCW) yêu cầu chính phủ Ấn sau vụ bê bối xảy ra vào tháng trước ở tiểu bang Kerala, miền nam Ấn Độ liên quan đến 4 linh mục trong Giáo hội chính thống Malankara Syria, bị cáo buộc là đã lợi dụng lời thú tội của một phụ nữ đã lập gia đình qua tòa giải tội để tống tiền và lạm dụng tình dục cô ấy.
Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng giám mục Bombay, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ (CBCI) đã công bố một thông cáo báo chí ngày 27 tháng 7 cho rằng yêu cầu của ủy ban là vô lý.
Theo đài Vatican hôm thứ Hai ngày 30/7, Đức Hồng Y Gracias cũng là chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ (CCBI), bao gồm các Giám mục Ấn thuộc Giáo Hội Công Giáo Latinh cũng như Chính thống và Chủ tịch Liên đoàn các Giám mục Châu Á (FABC), cùng tuyên bố rằng “yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Phụ nữ (NCW) là một sai lầm, thiếu sự hiểu biết về bản chất, ý nghĩa, sự thiêng liêng và tầm quan trọng của Bí tích này đối với các tín hữu.”
Đức Hồng Y Gracias nói Giáo Hội Công Giáo rất ư là “cẩn thận và có luật lệ rất nghiêm ngặt để ngăn chặn bất kỳ một vi phạm nào liên quan tới bí tích này.” Một lệnh cấm như vậy, ngài nói, sẽ là một sự vi phạm trực tiếp về quyền tự do tôn giáo được hiến pháp bảo đảm. “Tôi cảm thấy đây là một hành vi xâm phạm nhân quyền của dân chúng.”
Theo ngài: “hàng triệu người trên khắp thế giới, qua nhiều thế kỷ, đã làm chứng cho những lợi ích thiêng liêng họ cảm nghiệm được sau mỗi lần lãnh nhận Bí tích này qua đó ân sủng, sự tha thứ và bình an mà họ đã trải qua như là kết quả của việc xưng tội.
Đức Hồng Y Gracias nói việc cấm cản trên là một “đòi hỏi vô lý”, Ngài hy vọng chính phủ chắc chắn sẽ phủ quyết nó!
Vị Hồng Y 73 tuổi này lưu ý rằng lời mời gọi và đề nghị của Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Phụ nữ (NCW) dựa trên một vài sự cố trong Giáo hội Chính thống Malankara, và nhiều vấn đề khác liên quan đến phụ nữ trong nước mà Giáo hội đang làm việc và mong giải quyết các vấn đề như phụ nữ bị bạo hành, sự an nguy của phụ nữ, việc phòng ngừa bạo lực gia đình, xây dựng năng lực và hệ thống cứu hộ cho phụ nữ bị đánh đập.
Mặc dù bà Sharma không ngưng lời đề nghị, Đức Hồng Y Gracias vẫn lạc quan cho rằng “không khí bây giờ tốt hơn nhiều”, tuy vị chủ tịch của ủy ban đã không lặp lại lệnh cấm mà vẫn khăng khăng giữ lệnh cấm. “Ngay cả một bộ trưởng trong chính phủ đã tiết lộ rằng ông không đồng ý với yêu cầu này”.
Một phong trào tập chung nhiều tiếng nói khác nhau để bênh vực ý kiến của Đức Hồng Y Gracias, phản đối luật cấm việc cử hành Bí tích này!
Đức Hồng Y Baselios Cleemis, Đức Tổng Giám Mục Trivandrum, nói không ai có thể nghi ngờ các quyền hiến pháp của các sắc tộc thiểu số đang làm xáo trộn các phong tục tập quán tôn giáo.
Đức Hồng Y Cleemis, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Syro-Malankara phát biểu: “Ta không thể khái quát một điều gì đó được rút tỉa từ một vài sự cố. Nếu có tội, thì luật lãnh thổ phải xử cho biết phải trái. Ta không thể đổ lỗi cho việc thực hành tôn giáo gây ra.” Đức Hồng Y muốn biết chính phủ Liên minh nói gì về quan điểm của Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Phụ nữ (NCW).
Hội đồng Giám mục Công Giáo Kerala (KCBC) cũng cho biết yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Phụ nữ (NCW) đã làm tổn thương tình thông cảm tôn giáo với các nhóm thiểu số Kitô giáo của quốc gia.
Phát ngôn viên của KCBC là linh mục Varghese Vallikkatt cho hay: Chúng tôi mạnh mẽ lên án khuyến nghị này là không chính đáng và vi phạm danh dự và sự tín nhiệm của cộng đồng Kitô hữu”.
Đức Tổng Giám Mục Soosai Pakiam của Trivandrum cho biết “Chủ tịch của Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Phụ nữ (NCW) không nên ra luật lệ phải bãi bỏ điều này điều kia trong tôn giáo (như bỏ việc thực hành Bí tích Giải tội)”.
Bà Sharma, ở Kerala tuần trước đã gặp gỡ các nạn nhân của cuộc lạm dụng tình dục của các linh mục, cho biết nhiều người nói với cô rằng những lời thú tội trong việc xưng tội hay bị một số linh mục lợi dụng để khai thác các tín hữu của mình, đặc biệt là phụ nữ.
Đức Tổng Giám Mục Leo Cornelio của Bhopal nói rằng ủy ban không có lý do gì để kêu gọi “việc bãi bỏ một điều gì đó mà Giáo hội coi là thiêng liêng, chỉ vì có ai đó đã làm gì sai lầm”.
George Kurian, Phó Chủ tịch Ủy ban Sắc tộc của Chính phủ cũng chỉ trích yêu cầu của của Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Phụ nữ (NCW) trong một cuộc thảo luận trên truyền hình về Hiến pháp Ấn có viết “bảo đảm một số quyền lợi đối với những người thiểu số.” Những tuyên cáo đó có thể tạo ra “sự hiểu lầm giữa các cộng đồng thiểu số”! Phát ngôn viên của Syro-Malabar, ông Fritz Poochakat, đã chỉ trích bà Sharma, khi đặt câu hỏi về việc nếu mỗi người lấy tư cách hiến pháp có thể đưa ra những điều lệ này nọ thì xã hội sẽ ra sao! “Cô ấy không thể làm tổn thương tình cảm của một cộng đồng như thế này. Hy vọng chính phủ sẽ phủ quyết đề nghị của cô một cách mạnh mẽ và minh chính.
7. Linh Mục dự thi Britain’s Got Talents hy vọng Đức Phanxicô sẽ phát động nhiều ơn gọi mới cho Ái Nhĩ Lan
Ký giả Filipe Domingues của tạp chí Crux, ngày 30 tháng Bẩy qua, đã đích thân phỏng vấn Cha Ray Kelly, người gần đây nổi tiếng nhờ xuất hiện trên chương trình Britain’s Got Talents của Simon Cowel với bài hát làm rung động nhiều người “Everybody Hurts” của R.E.M.
Vị linh mục nói trên, thực ra, đã nổi tiếng về ca hát từ lâu, ít nhất cũng từ năm 2014, khi buổi trình diễn của ngài được phổ biết cực kỳ nhanh chóng và rộng rãi trên Internet, trong đó, ngài hát bài “Hallelujah” cải biến của Leonard Cohen, nhân một đám cưới. Cuốn video đó đã được tới hơn 64 triệu người coi trên Youtube.
Cha cho hay cha khám phá ra ơn gọi làm linh mục của cha sau chuyến tông du Ái Nhĩ Lan năm 1979 của Đức Gioan Phaolô II. Bởi thế, cha mong chuyến viếng thăm Ái Nhĩ Lan trong tháng Tám sắp tới cũng sẽ phát động nhiều ơn gọi mới.
Vị cha xứ 67 tuổi của giáo xứ St Brigid và St Mary ở Oldcastle, County Meath, Aí Nhĩ Lan, cho rằng “người ta hiện không được hài lòng nhiều đối với Giáo Hội. Chắc chắn vì thế ơn gọi đã đi xuống. “Nhưng tôi hy vọng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi tới vào tháng sau, sẽ giúp một tay”. Ngài nghĩ tình hình của Giáo Hội Ái Nhĩ Lan không tệ như người ta nghĩ.
Nhận định về tình hình Giáo Hội Ái Nhĩ Lan, Cha Kelly cho rằng “Giáo hội này tốt hơn là hình ảnh của các phương tiện truyền thông vẽ ra. Tôi giả thuyết là do toàn bộ vấn đề lạm dụng, từ mấy năm trước, rồi chuyện giặt giũ trong đó, người ta gom các phụ nữ không chồng vào các nhà... Tất cả nay ra ánh sáng. Có nhiều chuyện lịch sử ở đấy, và tôi nghĩ người ta hơi thất vọng đối với Giáo Hội. Chắc chắn ơn gọi cũng sút giảm”.
“Tôi hy vọng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi ngài tới vào tháng tới, sẽ giúp một tay. Tôi luôn cho rằng ơn gọi của tôi là do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vì ngài tới Ái Nhĩ Lan năm 1979. Năm sau, một nhóm của chúng tôi tới Rôma để cám ơn ngài. Ngài cử hành Thánh Lễ với chúng tôi tại Castel Gandolfo và tôi nhớ đã hát bài 'Danny Boy' trong một buổi hòa nhạc dành cho ngài. Đó chính là nơi ơn gọi của tôi thực sự đã phát sinh. Năm 1980, tôi bắt đầu nghĩ tới chức linh mục một cách nghiêm túc”.
8. Liên Hiệp Quốc cho biết Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ trong giờ đầu tiên sau khi sinh là điều rất quan trọng
Quỹ trẻ em của Liên hợp quốc, UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới, WHO, đã công bố một báo cáo ngày 31/ 7 trước Tuần lễ của chiến dịch toàn cầu cho trẻ thơ bú, được tổ chức từ ngày 1 đến 7 tháng Tám.
Theo một bá cáo mới đây thì trên toàn thế giới, ước tính có 78 triệu trẻ sơ sinh, và 3 trong số 5 trẻ em, không được bú sữa mẹ trong vòng một giờ đầu sau khi các em được sinh ra, khiến chúng có nguy cơ tử vong và mắc bệnh cao. Hầu hết trong số đó ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Báo cáo mang tên “Nắm bắt khoảnh khắc” của UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới WHO, được phát hành trước Tuần lễ của chiến dịch toàn cầu cho con bú, tổ chức hàng năm từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 8 để khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ và cải thiện sức khỏe trẻ sơ sinh trên khắp thế giới bằng cách cung cấp cho trẻ sơ sinh những chất dinh dưỡng cần thiết.
Trọng tâm của Tuần lễ cho con bú thế giới trong năm nay nhằm nâng cao ý thức của tầm quan trọng của việc giúp các bà mẹ cho con bú sữa mẹ trong cái giờ đầu tiên của cuộc sống các em.
Bà Maaike Arts, một chuyên gia dinh dưỡng của UNICEF về trẻ sơ sinh và trẻ thơ giải thích lý do tại sao.
Phát biểu trước khi công bố bản báo cáo, bà ấy nói việc bắt đầu cho con bú một cách chính xác, giúp ngăn ngừa em bé bị tử vong trong tháng đầu tiên và giúp bảo vệ các em bé chống lại một số bệnh tật.
Báo cáo cũng cho hay việc đầu các em tiếp cận với bàu vú mẹ khi các em bú kích thích người mẹ có thêm sữa. Sữa non, còn được gọi là 'vắc-xin đầu tiên' của bé, rất giàu chất dinh dưỡng và kháng thể.
Bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành (UNICEF) tâm sự rằng “các bà mẹ không nhận được hướng dẫn đầy đủ từ nhân viên y tế tại các trạm y tế về việc cho con bú ngay từ những giờ phút quan trọng sau bé khi sinh.
Tổng giám đốc WHO là ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng mời gọi hãy giáo dục và tăng thêm những nỗ lực hỗ trợ các bà mẹ hầu cho con cái họ sinh ra được khởi đầu một cuộc sống lành mạnh.
UNICEF cũng kêu gọi hãy cung cấp hỗ trợ cho các bà mẹ trong thời gian mới sinh nở những kiến thức về kỹ thuật chăm sóc con không chỉ trong tuần đầu lễ mà thôi mà mỗi tuần một ngày trong một khoảng thời gian bà nuôi con thơ.
Việc cho con bú là cách tốt nhất cho bé phát triển và tăng trưởng. Các chuyên gia cho biết đây là món quà tốt nhất mà các bà mẹ có thể trao ban cho con của mình.
Báo cáo dựa trên dữ liệu nghiên cứu từ 76 quốc gia, không tính Bắc Mỹ, Úc, New Zealand và Tây Âu cho hay:
65% các nước ở Đông và Nam Phi có tỷ lệ cho con bú cao nhất trong giờ đầu tiên, trong khi Đông Á và Thái Bình Dương có tỷ lệ thấp nhất chỉ có 32 phần trăm các em được bú sớm.
Trong khi gần chín trong mười trẻ em sinh ra ở Burundi, Sri Lanka và Vanuatu được bú sữa mẹ sau giờ đầu tiên các em sinh ra, chỉ có hai trong số 10 trẻ sinh ra ở Azerbaijan, Chad và Montenegro được bú sữa mẹ.
Báo cáo kêu gọi các chính phủ và những người có trách nhiệm hãy có những biện pháp pháp lý nhấn mạnh về việc cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ thay thế bằng sữa bột ngoài thị trường.
Đức Thánh Cha Phanxicô là một trong số những người khuyến khích thực hành việc nuôi con bằng sữa mẹ. Hàng năm trong thánh lễ cử hành Bí tích Rửa tội trong Nhà nguyện Sistine tại Vatican nhân dịp lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa vào tháng Giêng, Đức Thánh Cha khuyên các bà mẹ hãy tự nguyện cho con bú sữa mẹ mà không vì bị bắt buộc.
Trong dịp Đức Thánh Cha rửa tội cho 34 em bé vào ngày 7 tháng 1 năm nay, Ngài đã hài hước nói, “Em bé có ngôn ngữ riêng của các bé.” “Nếu một người khóc, tất nhiên những người khác sẽ trố mắt nhìn vào họ. Cũng vậy dù trong một buổi hòa nhạc, nếu có tiếng trẻ thơ khóc, vì em đói, chắc chắn bà mẹ sẽ cảm thấy ngựng ngùng nhưng hãy đừng sợ, hãy cho chúng bú, vì đây là ngôn ngữ của bé, một ngôn ngữ của tình yêu!”