Ngày 31 tháng Bẩy vừa qua, trên New York Times, Vince Beiser, tác giả cuốn sách sắp xuất bản “The World in a Grain: The Story of Sand and How It Transformed Civilization”, có bài tựa là The secret Ingredient of China’s Aggression? Sand”.

Theo tác giả này, các đối đầu nguy hiểm nhất giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang nóng lên. Các tầu chiến đã được triển khai, các oanh tạc cơ đã sẵn sàng tung cánh và các đe dọa đang được trao đổi, tất cả đều đã được khởi động bởi việc Trung Quốc ngày một sử dụng nhuần nhuyễn nguồn tài nguyên thiên nhiên ít được ai lưu ý đó là cát.



Điểm tranh chấp là mấy hòn đảo nhân tạo được Trung Quốc xây dựng tại một dải đất chiến lược và tranh chấp nóng bỏng của Biển Nam Trung Hoa. Đây là một trong những đường thương thuyền bận rộn nhất thế giới, và là hải bàn của khoảng 10 phần trăm các loài cá của thế giới. Ngoài ra, hàng tỷ thùng dầu và hàng nghìn tỷ feet khối hơi đốt tự nhiên nằm dưới lòng biển này.

Thành thử, không lạ gì gần như mọi nước trong vùng, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Brunei, Mã Lai và Phi Luật Tân, đều đòi một phần chủ quyền đối với hàng tá khối đá và đá ngầm gọi là Spratly Islands (Quần Đảo Trường Sa) có tính chiến lược trong khu vực.

Nhưng Trung Quốc đã mở rộng các đòi hỏi của họ về vùng biển cả hàng mấy thập niên qua, trong đó có một số mảnh đất trồi lên ở Trường Sa mà họ chiếm của Việt Nam trong cuộc đụng độ năm 1988 khiến hàng tá binh sĩ thiệt mạng. Và đặc biệt từ năm 2014, họ đã sử dụng sức mạnh kỹ nghệ của mình để tạo nên các sự kiện đã rồi trong nước biển.



Mấy năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng cả một đoàn tầu vét có khả năng đi biển, thuộc loại tân tiến nhất về kỹ thuật trên thế giới.
Khả năng vét hàng năm của nước này, tức lượng cát và tạp chất họ có thể vét lên từ lòng biển, đã gia tăng gấp ba từ năm 2000, lên tới hơn 1 tỷ mét khối. Hơn hẳn bất cứ quốc gia nào. Bắt đầu từ cuối năm 2013, Bắc Kinh đem một đoàn tầu vét loại này đi vét hàng triệu tấn cát từ lòng biển và dùng chúng để mở rộng các mảnh đất của họ ở Trường Sa. Trong vòng 18 tháng, những con tầu này đã xây được gần 3,000 mẫu Anh đất mới.

Cái lối giành đất đại qui mô trên ngày càng trở nên thông thường. Trong mấy thập niên gần đây, kỹ thuật tân tiến đã làm dễ dàng hơn và rẻ tiền hơn việc di chuyển số lượng cát còn lớn hơn nữa từ những tầng sâu hơn nữa và chuyển giao một cách chính xác hơn nhiều tới những nơi đã định trước.

Các tầu vét lớn nhất hiện nay dài hơn 700 feet; dựng đứng lên, chúng cao hơn tòa nhà 60 tầng. Chúng mang các đường ống có thể hút cát lên từ độ sâu 500 feet dưới mặt nước. Các nước từ Tân Gia Ba tới Hòa Lan, Ảrập Emirates đang sử dụng chúng để mở rộng duyên hải và thậm chí xây dựng những hòn đảo mới từ số không.

Trung Quốc đã làm việc ấy từ lâu; năm 2015 mà thôi, họ tạo ra vùng đất tương đương với hai khu Manhattans của New York. Theo một nhóm nghiên cứu của Hoà Lan, từ năm 1985, con người đã thêm 5,237 dặm vuông đất nhân tạo cho các duyên hải thế giới, một diện tích tương đương với tiểu bang Connecticut, Hoa Kỳ, hay quốc gia Jamaica.

Diễn trình trên thường bao hàm sự thiệt hại ghê gớm cho môi trường. Gần đây, Trung Quốc đã tạm ngưng mọi dự án đòi lại đất đai có tính thương mại vì sự thiệt hại do các dự án này đã gây cho các vùng đá ngầm san hô và các hệ sinh thái duyên hải. Họ cũng có một số trải nghiệm đối với vấn đề; Trung Quốc đã đổ rất nhiều cát lên quần đảo Trường Sa đến nỗi một nhà hải sinh học người Mỹ gọi việc này là “tỷ lệ mất mát vĩnh viễn diện tích đá ngầm san hô nhanh nhất trong lịch sử nhân loại”.

Tuy nhiên, lo âu lớn hơn là việc Trung Quốc xây cất các hòn đảo vì các tham vọng quân sự. Lực lượng vũ trang của Bắc Kinh đã thiết dựng vũ khí chống hỏa tiễn, những đường bay có khả năng sử dụng máy bay quân sự, các cấu trúc mà các viên chức Hoa Kỳ tin là có ý đồ để chứa các dàn phóng hoả tiễn địa không tầm xa, và các cơ sở hải cảng có khả năng phục vụ các tầu ngầm hạch nhân.



Việc mở rộng sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại Thái Bình Dương đang gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và các đồng minh Thái Bình Dương. Tại buổi điều trần để được xác nhận chức ngoại trưởng, Ông Rex Tillerson so sánh việc Trung Hoa xây dựng ở Trường Sa với việc Nga xâm lăng Crimea. Trong mấy tuần gần đây, Hoa Kỳ cho bay các pháo đài bay B-52 trên quần đảo đang tranh cãi này, và cho biểu diễn nhiều tầu chiến.

Về phần mình, Trung Quốc đã hạ cánh một oanh tạc cơ tầm xa xuống một trong những hòn đảo mới lập. Hồi tháng Sáu, Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis tố cáo việc xây dựng của Trung Quốc, coi nó như “một hù họa và cưỡng chế”. Chủ Tịch Tập Cẩn Bình trả lời rằng “chúng ta không thể để mất một ly lãnh thổ của chúng ta”. Tất cả cho thấy trong thế kỷ 21, sức mạnh địa chính trị nghiêng về phía không phải chỉ những ai kiểm soát được lãnh thổ mà còn những người có khả năng chế tạo ra nó nữa.